Saturday, May 5, 2012

Đèn Không Hắt Bóng: Nỗi Đau Chất Ngất và Tình Si Ngậm Ngùi



"Đèn không hắt bóng" là quyển tiểu thuyết đỉnh cao của nhà văn Nhật Watanabe Junichi. Nó không chỉ nổi tiếng ở Nhật mà còn rất được ái mộ bởi khá đông độc giả người Việt của nhiều thế hệ. Nói nó là đỉnh cao của ông vì ngoài nó ra ông còn viết nhiều quyển tiểu thuyết khác nữa nhưng không quyển nào vượt qua được nó. Quyển tiểu thuyết này được viết một cách hấp dẫn và hàm chứa một ý nghĩa thâm trầm đến nỗi hiếm có độc giả nào đọc nó chỉ một lần. Riêng tôi, người viết, đã đọc nó trên mười lần và mỗi lần đều với cùng sự say mê và háo hức.


Đọc nó lần đầu, bạn sẽ rơi vào cơn hôn trầm bí ẩn gây ra bởi nỗi đau oan nghiệt của một vị bác sĩ giải phẩu có tên là Naoe và lời giải đáp cho nỗi đau ấy chỉ xuất hiện ở chương cuối của quyển sách. Đọc lần thứ hai, bạn bắt đầu thấm thía nỗi tình si vô cùng tận và thật đáng thương của cô y tá Noriko dành cho vị bác sĩ kia. Rồi đọc lần nữa, bạn tưởng chừng như mình đang sống ngay giữa cái bệnh viện tư Oriental, vốn là bối cảnh chính của câu chuyện đó và bao quanh bạn là ông bà giám đốc bệnh viện (người chồng thì ham tiền, háo sắc, người vợ thì buồn chán, khát tình), rồi các vị bác sĩ, các y tá cùng với những bệnh nhân già yếu, khốn khổ mắc bệnh nan y khác. Mỗi người đều được Watanabe khắc họa khá rõ nét với một số phận riêng và những vấn đề riêng phải đối đầu.




Bác sĩ Naoe là một bác sĩ phẫu thuật tài năng đang ở nửa sau của lứa tuổi 30 với một tương lai xán lạn đầy hứa hẹn. Nhưng cái tương lai ấy đã ngã sang một lối rẽ khi anh phát hiện ra rằng mình mắc bệnh ung thư cột sống, một căn bệnh nan y mà anh vốn đã đang nghiên cứu từ lâu nhưng vẫn chưa tìm ra biện pháp điều trị. Như một sự đùa giỡn của số phận, căn bệnh ấy đã đột nhiên lặng lẽ bước vào đời anh, biến anh thành nạn nhân của nó. Anh nhìn nó từng bước tiến sâu hơn vào trong cơ thể mình, vào trong cuộc đời mình với đầy đủ những giác quan tỉnh thức nhất. Và bi kịch lớn nhất là ở chỗ đó: Những giác quan tỉnh thức ấy đã bắt anh phải cảm nhận đến tận cùng nỗi đớn đau thể xác vượt qua mọi giới hạn ấy.

Cái điều kinh khủng nhất của một đời người có lẽ là cái việc biết trước được ngày mình phải chết. Vốn là một bác sĩ, Naoe biết và biết rất rõ cái ngày mà căn bệnh ung thư cột sống đó sẽ biến anh thành một kẻ tàn phế, không còn khả năng để điều khiển bản thân, cái ngày mà anh sẽ phải từ giã cuộc đời này. Hơn thế nữa, song hành với bước chân thần chết đang từng ngày tiệm cận ấy lại là một cơn đau tàn khốc, cấu xé tơi bời từng tế bào thần kinh, khiến cho mỗi ngày sống còn lại quả thực là một hỏa ngục ê chề. Nhưng cái cách nhân vật này đối đầu với tấn bi kịch của cuộc đời anh ta, cái cách anh ta nhận thức về sự sống và cái chết, cái cách anh ta đối xử với con người ngay chính trên ngưỡng cữa của sự sống và cái chết, cộng với vẻ lạnh lùng quyến rũ cố hữu, dường như đã thông đồng với nhau để biến nhân vật này thành một huyền thoại được ngưỡng mộ.

Bác sĩ Naoe đã chịu đựng nỗi đau định mệnh trong một sự câm lặng tuyệt đối đầy kiêu hãnh chẳng phiền lụy đến ai, dù rằng chính sự câm lặng này đã mang đến cho anh nhiều hiểu lầm phiền toái. Và trong những tháng ngày sống hiếm hoi còn lại, thật đáng kinh ngạc thay, anh vẫn điềm nhiên làm hết những gì mình có thể làm được cho các người bệnh với ý thức trách nhiệm cao nhất, anh vẫn đã biểu lộ một lòng nhân ái bao la đến xốn xang lòng người đối với con người. Cái cách anh xoa dịu tinh thần của lão bệnh nhân già mắc bệnh nan y mới cảm động làm sao! Nó làm ta liên tưởng tới nỗi đau của anh và khiến ta tự hỏi: Anh xoa dịu người khác, còn ai xoa dịu anh đây? Còn với tình yêu, ta không thật biết rằng anh có thực sự yêu Noriko hay không và yêu ở mức độ nào, nhưng ta có thể chắc rằng anh đã cố tình lạnh lùng với Noriko vì anh không muốn cô phải quá đau lòng ngày không còn anh nữa.


Có một điều rất có ý nghĩa là ngay giữa biên giới mơ hồ giữa sự sống và cái chết, anh đã học được cách nhìn con người và sự việc với đúng bản chất thực của chúng, không bị bóp méo bởi sự xâm lấn của cảm tính. Điều này đã giúp anh thực sự trưởng thành trong nghề nghiệp và nhận thức về đời sống. Trong công việc, anh đã có một cách giải quyết vấn đề thật sáng suốt và linh hoạt, không bị giới hạn bởi những giáo điều cũ kỹ, lỗi thời. Anh hướng bệnh nhân nhìn thẳng vào thực tế và đối diện nó, thay vì lẫn trốn. Trong khi bác sĩ Kobasi, nhiệt thành và nông nỗi, hăm hở nói dối bệnh nhân về bệnh tình của họ nhằm vực dậy tinh thần của họ, thì anh lại xoa dịu tinh thần bệnh nhân và giúp họ chấp nhận sự thật không thể lẫn tránh.

Tuy nhiên, lúc cần nói dối thì anh cũng chẳng một phút do dự. Che giấu việc cô ca sĩ ngôi sao truyền hình vào bệnh viện để nạo thai và nói dối với giới báo chí rằng cô mổ ruột thừa là một việc làm đầy bản lĩnh của bác sĩ Naoe trong việc đối phó với giới truyền thông. Có lẽ nhân vật bác sĩ Kobasi mới ra trường, tốt bụng và non nớt đã được Watanabe cấu tạo nên để càng làm rõ hơn hình ảnh một bác sĩ Naoe nhân ái và bản lĩnh. Với một nhận thức sâu sắc và chính xác hơn về con người và cuộc sống, sẵn sàng chấp nhận hình ảnh của một "bad guy" trong những xung đột với bác sĩ Kobasi, Naoe đã cho thấy lòng nhân ái của anh đã đạt đến được một đỉnh mới cao hơn, vượt xa hẳn một lòng thương người thuần túy vốn đôi khi ngô nghê và vụng dại.

Hình ảnh đẹp nhất mà nhân vật bác sĩ Naoe để lại trong tôi là hình ảnh anh dìm mình vào hồ nước Sikosu lạnh lẽo ở miền bắc nước Nhật để kết thúc cuộc sống của mình. Ở đây, tôi hoàn toàn không có ý khuyến khích sự tự hủy diệt. Với tôi, hình ảnh ấy đẹp đơn giản là vì phải lãng mạn lắm và phải can đảm lắm mới dám đặt một dấu chấm hết theo cách thức như thế cho cuộc đời mình. Và đặc biệt trong trường hợp này, khi mà sự tự hủy diệt ấy là để bảo vệ lòng tự trọng cho một con người- một giá trị tinh thần quí giá- thì nó càng đáng được tôn vinh hơn bao giờ hết. Tôi hoàn toàn không muốn thấy nhân vật Naoe- người hùng của tôi- phải sống bám vào lòng thương hại của một ai đó vào cái ngày đã trở thành tàn phế, cho dù người đó là bất kỳ ai.

Nếu tôi chẳng may nằm trong hoàn cảnh đó, tôi tin rằng tôi sẽ đủ dũng cảm để thuyết phục mình làm điều tương tự. Nói cho cùng, sớm hay muộn gì thì cũng đến ngày chúng ta phải từ giã cõi đời này, phải không nào? Điều quan trọng không phải là chúng ta chết khi nào, mà chính là ở chỗ chúng ta chết như thế nào. Với một cái chết đẹp và lãng mạn như thế, tôi vẫn tin rằng xác của anh ta sẽ không bao giờ nổi lên trên mặt hồ, đúng như điều anh mong muốn. Hơn nữa, tôi còn tin rằng nó sẽ chẳng bao giờ mục rữa. Có thể là băng tuyết lạnh quanh năm sẽ giữ cho nó nguyên vẹn. Mà cũng có thể là với sự dũng cảm ấy, anh đã trở thành bất tử. 


Trong các cách thức mà nhân vật bác sĩ Naoe đã dùng để đối đầu với nỗi đau thể xác nghiệt ngã của đời mình, có thể có nhiều người không hoàn toàn đồng cảm với việc nhân vật này vùi mình vào những hoan lạc xác thịt triền miên để trốn chạy cơn đau. Một số thậm chí có thể còn cho điều này là phi luân. Thực ra, với tư cách là một con người, một mặt tôi thấy rằng đó không phải là một điều gì mà chúng ta có thể hãnh diện, nhưng ở một mặt khác, cũng với tư cách là một con người, tôi cũng cho rằng, đó cũng là điều mà không phải là chúng ta hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chính bản thân việc đắm mình triền miên vào những hoạt động tình dục đó đã tự nó nói lên hết nỗi đau đớn thấu trời mà nhân vật đã phải chịu đựng, nỗi tuyệt vọng khốn cùng mà anh ta đã ngập chìm vào và chính điều đó làm cho những suy nghĩ và hành động của anh ta ở những ngày tháng cuối cùng càng trở nên cao thượng và con người hơn bao giờ hết.

Trong khi nhân vật nam chính Naoe là một bác sĩ thì nhân vật nữ chính Noriko chỉ là một cô y tá bình thường làm việc ở bệnh viện Oriental chung với bác sĩ Naoe và yêu anh với một tình yêu vô điều kiện. Cô là hình ảnh điển hình cho những người phụ nữ truyền thống Nhật Bản vốn không còn sót lại nhiều trong cuộc sống của ngày hôm nay. Trong tâm tưởng của cô, yêu có nghĩa là cho và chẳng đòi hỏi trả lại bao giờ. Cô đã yêu bác sĩ Naoe bằng một thứ tình si đắm say và mãnh liệt đến mức tội nghiệp. Cô sẽ ngay lập tức đến mỗi khi Naoe cần đến cô và cô sẽ lặng lẽ ra về khi nhận thấy rằng anh không còn cần cô nữa. Cô yêu anh ấy theo cái cách yêu câm lặng, thủy chung và giản đơn của riêng cô. Cô hạnh phúc mỗi khi được ở gần anh và sẽ sẳn lòng để chờ đợi anh gọi cô khi anh không còn bên cô nữa. Có thể tưởng chừng như nếu vì lý do nào đó anh không gọi cô nữa, cô vẫn lặng lẽ đợi chờ và cảm thấy hạnh phúc trong nỗi chờ đợi đó, cho dù là bao lâu.

Thậm chí ngay cả khi phải chứng kiến mối quan hệ tình ái không trong sáng của Naoe với những người phụ nữ khác (như vợ và con gái của bác sĩ viện trưởng, nàng ca sĩ ngôi sao, cô gái quán bar...), cô cũng chấp nhận mặc nhiên chẳng hề oán trách. Nhưng có lẽ điều đau khổ lớn nhất của cô khi yêu Naoe là ở chỗ, bất chấp bao nỗ lực để một lần được bước vào vùng tâm tư u uẩn của anh, cô đã thất bại. Anh đã chẳng bao giờ cho phép cô, cho dù là ngay cả ở những giây phút gần gũi nhất về cả thể xác lẫn tâm hồn. Cái cách cô yêu quả thực làm chúng ta cảm thấy thương cảm đến nao lòng, nhưng đồng thời cũng không kém phần ngưỡng mộ vì độ lớn và sâu của nó.

Nếu những ai cứ khăng khăng đòi hỏi một sự bình đẵng trong mọi phương diện của cuộc sống hẳn sẽ không dễ gì chấp nhận cái cách mà Noriko đã hiến dâng tình yêu của mình cho Naoe. Nhưng điều đáng nói ở đây là cô thực sự hạnh phúc trong thế giới tình yêu của riêng mình. Với cô, tình yêu cô dành cho Naoe là một thứ tình yêu thánh thiện vì nó là tình yêu đích thực xuất phát từ trái tim chất chứa những dòng máu ân tình của cô, một trái tim không có chỗ trống cho sự hiện diện của đòi hỏi và tính toán. Có lẽ giây phút hạnh phúc nhất trong những chuỗi ngày yêu đương của cô là lúc cô biết được rằng cô đang mang giọt máu của anh trong người. Dẫu sao thì cuối cùng tình yêu mà cô dành cho anh cũng được bù đắp, dẫu muộn màng. 


Hình ảnh đẹp nhất mà nhân vật Noriko để lại trong tôi có lẽ là lúc cô lang thang giữa một thành phố đang phủ đầy tuyết trắng để tìm lại hình ảnh của Naoe, sau khi cô biết rằng anh đã vĩnh viễn đi xa và không bao giờ trở về nữa. Hình ảnh ấy đẹp có lẽ vì nó quá buồn. Còn gì buồn hơn hình ảnh của một con người đang đi để trốn chạy nỗi buồn: " Noriko đi ra đường. Một buổi tối thật là tồi tệ. Cô đi lang thang, lưng còng xuống, đôi mắt không chớp nhìn thẳng trước mặt. Đèn xe, đèn quảng cáo, đèn trên các cửa sổ hòa lại làm một. Cần phải đi. Đi đâu cũng được. Đi. Đi mãi. Chỉ có thế mới trốn thoát được nỗi buồn." Và trong tận cùng của nỗi buồn ấy, sức mạnh của tình yêu đã huyễn hoặc cô để cô lại tự dối lòng mình mà tin rằng Naoe vẫn còn sống: "Đứng im trong vùng ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn không hắt bóng, Noriko kiên nhẫn chờ đợi Naoe."


"Đèn không hắt bóng" là một câu chuyện song hành giữa một nỗi đau chất ngất và một tình si ngậm ngùi. Đọc nó, ta có dịp để nhìn thấy cái cách một con người đối mặt với nỗi đau bi kịch của đời mình kiêu hãnh và dũng cãm dường nào, dẫu rằng không hề thiếu những khoảng lặng riêng tư đầy vật vã và rên xiết. Sống một cách có ý nghĩa cho đến ngày cuối cùng và ra đi trong niềm kiêu hãnh và thanh thản có lẽ là thông điệp mà nhân vật Naoe muốn gởi đến những phận người kém may mắn. Đọc ""Đèn không hắt bóng" còn để học một cách yêu hồng hoang, thơ dại trong đó tình yêu trở lại với diện mục khởi thủy trinh nguyên của nó. Cái diện mục ấy được tô điểm toàn bằng những cảm xúc thuần lương và hoàn toàn vắng bóng những đường tuyệt kiếm mưu đồ. Tình yêu như thế ấy của nàng Noriko có thể buồn, nhưng nó chắc chắn đẹp hơn ngàn lần cái đẹp.

28/05/2011
Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment