Sunday, May 6, 2012

Làm Mẹ Đơn Thân: Nỗi Lòng Người Phụ Nữ


Thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đã từng là một thân phận rất buồn.  Chẳng thế mà ca dao đã có câu: 
Thân em như hạt mưa sa,
Hạt rơi xuống giếng, hạt sa cánh đồng, 
để miêu tả thân phận "mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu" ấy của người phụ nữ.  Số phận của họ dường như hoàn toàn phụ thuộc và được quyết định bởi người đàn ông.  Thế nên, khi người đàn ông ấy quyết định đổi họ sang họ Sở và nhanh chóng "quất ngựa truy phong" sau khi "con ong đã tỏ đường đi lối về", thì cũng chính là lúc cuộc đời người phụ nữ, cùng với cái bào thai oan nghiệt vừa mới tượng hình trong cơ thể mình, đáp chuyến xe về ... miền hỏa ngục. 

Lịch sử làm mẹ đơn thân của người phụ nữ VN đã bắt đầu từ lúc xa xưa như thế đó:  là một hệ quả của tình phụ.  Nó hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn, mà hiển nhiên là một tai ương nghiệt ngã giáng vào cuộc đời của những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin.  Vì cái tai ương đó mà rồi người phụ nữ bị làng xóm đàm tiếu, rẻ khinh, gia đình ruồng rẫy, đuổi xua và họ, cuối cùng, phải bôn ba xứ người để che giấu đoạn đời lầm lỡ.  Đa số người phụ nữ trong trường hợp ấy, dẫu phải chịu sự tủi nhục và đau đớn ê chề, vẫn quyết định cưu mang giọt máu oan khiên và làm đủ mọi cách để nó có thể chào đời, thậm chí có trường hợp họ phải "ngậm đắng nuốt cay" mà bán đi cái "vốn tự có" của mình.  Quá trình "đi biển một mình" đó quả thực là một quá trình quá đỗi truân chuyên nhưng đầy dũng cảm và ngời sáng đức hy sinh của người phụ nữ.   Điều phi lý và bất công là người đời  thường hay trút mọi tội lỗi lên đầu người phụ nữ đơn thân làm mẹ đáng thương ấy, trong khi đó lại, vô tình hay hữu ý, xem nhẹ hành động vô nhân tính của những người đàn ông bạc nghĩa. 




Ngày nay, xã hội không còn quá khắt khe nữa đối với những người phụ nữ buộc lòng phải làm mẹ đơn thân như thế nữa:  không quá soi mói, cũng không quá mai mĩa, gièm pha.  Nhưng không phải vì thế mà cái việc làm mẹ đơn thân của những người phụ nữ bất hạnh ấy trở nên dễ dàng hơn.  Gánh nặng cơm áo cho mẹ, cho con vẫn trĩu nặng trên đôi vai gầy của họ.  Nhìn quanh, xã hội cũng vẫn chưa có một động thái nào để giúp cuộc sống của họ được dễ dàng hơn.  Trong khi đó thì những gã đàn ông họ Sở, nếu sống ở các nước phương Tây thì đã bị pháp luật cưỡng chế trách nhiệm trợ cấp tài chính cho con cho đến khi đứa con được 18 tuổi, thì bất công thay, ở VN, sau cuộc "quất ngựa truy phong", họ lại cứ phè phởn, nhởn nhơ, và tiếp tục gieo rắc oan khiên lên những phận đời phụ nữ bất hạnh khác.  

Cùng với sự phát triển và cởi mở hơn của xã hội ngày nay, ngày càng có nhiều hơn những người phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân mà không do hệ quả của tình phụ.  Nói một cách rõ ràng hơn, họ là những người phụ nữ lận đận về đường tình duyên.  Cái quan niệm cố hữu trong xã hội cho rằng "trâu đi tìm cọc, chứ có khi nào cọc lại đi tìm trâu", vô hình trung, đã dồn một số phụ nữ không may mắn về đường tình duyên vào cảnh độc thân ngoài ý muốn.  Trong khi đó thì, một mặt, tuổi xuân không chờ đợi họ dài lâu, mặt khác, cái bản năng làm mẹ thôi thúc mãnh liệt từng ngày, từng giờ, chưa kể đến cái viễn cảnh tối đen của việc không ai chăm sóc lúc tuổi già;  tất cả đã dồn một số người phụ nữ vào quyết định trao thân vội vàng và qua đường, với mong muốn có được một sinh linh bé nhỏ cho riêng cuộc đời mình.  Thế là, họ trở thành những người làm mẹ đơn thân tự nguyện.  Nhưng cho dẫu là tự nguyện, cũng có ai lại nỡ đi trách cứ cái bản năng làm mẹ quá mãnh liệt ấy của người phụ nữ, đúng không?  Cũng như có ai lại không thông cảm với cái viễn cảnh già nua, ốm yếu mà lại một thân, một mình trên cõi đời này của những người phụ nữ không may mắn về đường tình duyên ấy. 



Ngoài hai lý do là tình phụ và lận đận tình duyên ra, trong xã hội ngày hôm nay cũng xuất hiện một tầng lớp phụ nữ với suy nghĩ tương đối mới.  Họ vốn ý thức rất sâu sắc về sự bình đẳng nam nữ trong xã hội hiện đại, và từ đó, họ thận trọng hơn rất nhiều trong việc lựa chọn bạn đời.  Họ tuyệt đối không chấp nhận cuộc hôn nhân mà ở đó họ phải sống chung với một người đàn ông gia trưởng, độc đoán; cũng như họ tuyệt đối nói không với mọi hình thái bạo hành gia đình mà họ thấy vẫn còn nhan nhản trong xã hội.  Hình ảnh đáng ghê sợ của những người đàn ông bảo thủ và lạc hậu ấy, các động thái bạo hành gia đình tàn ác và nhẫn tâm như vào thời trung cổ vẫn được phản ánh tràn lan trên các mặt báo chí ngày hôm nay, đã hợp tác cùng với nhau để hình thành nên trong họ một suy nghĩ có phần nhiều giống với suy nghĩ của những người phụ nữ ở phương Tây là:  "trao thân" nhưng không "gửi phận".

Đối với những người phụ nữ này, phận của họ là do họ quyết định, không một ai khác có quyền quyết định cho họ.  Do đó, một khi mối quan hệ tình cảm song phương giữa họ và những người đàn ông không còn tốt đẹp là lúc họ nhanh chóng và thẳng thắn đặt cho nó một kết cục ngắn gọn và không nề hà trở thành một bà mẹ đơn thân độc lập và tự chủ.  Quyết định này của người phụ nữ có thể dẫn đến sự thiệt thòi về tình cảm người cha cho con trẻ, nhưng thiết nghĩ để một đứa trẻ phải sống trong một bầu không khí gia đình luôn tiềm ẩn những xung đột nội tại cũng có thể dẫn đến những hệ lụy đôi khi còn tồi tệ hơn nhiều.  Xét đến phương diện ấy, hẳn chúng ta cũng thấy quyết định làm mẹ đơn thân của người phụ nữ trong trường hợp này hàm chứa những ý nghĩa tích cực riêng của nó mà nếu không nhìn kỹ, đôi khi, chúng ta không nhận ra. 



Tóm lại, người phụ nữ dẫu có tỏ ra cứng rắn và bản lĩnh bao nhiêu, thì trong sâu thẳm tâm hồn, cũng như xét về cấu trúc tâm sinh lý, họ luôn khao khát và ước mơ tìm được một người đàn ông của đời mình, người có thể chở che họ, người mà họ có thể tin tưởng phó thác cả cuộc đời mình.  Phải biết như thế để chúng ta có thể hiểu và thông cảm rằng, nếu có được một sự lựa chọn tốt hơn, không một người phụ nữ nào lại làm cái điều trái khuấy là lựa chọn lối đoạn trường "làm mẹ đơn thân" để mà đi cả.   Qua những phân tích ở trên, chúng ta cũng thấy được là dẫu một người phụ nữ có làm mẹ đơn thân xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa, thì họ vẫn rất cần lắm sự giúp đỡ và cảm thông của người thân, gia đình và xã hội.  Đã đến lúc xã hội cần có một động thái cụ thể nào đấy để giúp họ làm tốt hơn công việc cưu mang, nuôi dưỡng và giáo dục con cái đơn thân, chẳng hạn như việc cưỡng chế trợ cấp tài chính đối với những người cha "bỏ chạy" ... Điều đó cũng sẽ góp phần làm giảm bớt phần nào nạn bạo hành gia đình vốn đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng.

                                                                               12/11/2011
                                                                               Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment