Saturday, May 12, 2012

Luận Về Thái Độ Sống Vô Cảm Trong Xã Hội VN Hiện Nay



Từ ngàn xưa đến nay, cái thiện và cái ác luôn song hành tồn tại trong xã hội của loài người. Cái thiện được vinh danh và luôn tồn tại như một chân lý bất biến. Cái ác dẫu không diệt vong nhưng chỉ tồn tại trong những ngõ hẽm tối tăm, không ánh sáng mặt trời hay những nơi sình lầy nước đọng, vốn là nơi trú ẩn của những loại ký sinh trùng.

Cứ tưởng rằng cái thiện và cái ác vẫn sẽ mãi song hành theo cái cách như thế, một cái cách được cho là thuận với lòng trời. Nhưng từ một thời điểm nào đó không ai hay, không ai biết, chúng đã dần hoán chuyển vị trí cho nhau. Cái ác lên ngôi tung hoành, xuất hiện ngang nhiên trên đường phố, ở những vị trí trang trọng mà trước đây nó chẳng bao giờ có dịp bén mảng tới. Cái thiện phải dần thoả hiệp với chính mình để tồn tại, để không bị diệt vong và chật vật trong việc bảo vệ chính mình.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự hoán chuyển vị trí mà không ai mong muốn này. Nhưng có một lý do mà nếu chúng ta ít nhiều có quan tâm đến đời sống xã hội cũng như con người hẳn đã nhận thấy: Đó là sự xuất hiện và lớn mạnh của thái độ sống vô cảm. Sự vô cảm từ những mầm mống ban đầu phôi thai, được nuôi dưỡng với đầy đủ những chất dinh dưỡng, nay đã dần trở thành thái độ sống của một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội Việt Nam hiện nay, biểu hiện rõ nhất là ở các thành phố lớn.

Con người vốn khác với các động vật khác ở đặc điểm là con người có đầy đủ những xúc cảm tinh tế nhất: Yêu thương, hờn giận, nhớ nhung, căm thù, chán ghét. Xúc cảm giúp con người bảo vệ chính mình và đồng thời bảo vệ và gắn kết cùng đồng loại. Thái độ sống vô cảm không hẳn là sự triệt tiêu hoàn toàn của những xúc cảm. Nói một cách chính xác, vô cảm là sự tàn phế và biến thái của xúc cảm: Người sống vô cảm chỉ tuyệt nhiên quan tâm đến lợi ích và xúc cảm của riêng mình, mà tuyệt đối trơ lạnh, miễn nhiễm với lợi ích và xúc cảm của người khác. Do dựa cơ sở trên một hình thái xúc cảm khuyết tật và biến thái, thái độ sống này, tuân theo qui luật nhân quả bất biến, nhanh chóng dẫn đến những hệ lụy xã hội mang sức tàn phá không thể tưởng tượng được.





        Những người đi xe máy và xe đạp chung quanh tranh nhau lượm tiền.


Chúng ta có thể dễ dàng nêu ra vô số thí dụ cho sự hiện diện của thái độ sống vô cảm trong xã hội hiện nay: Xâm hại tài sản chung, dửng dưng trước nỗi đau của người khác, hành xử kiểu “mackeno” (mặc kệ nó)... Trong đó, một sự kiện vừa xảy ra gần đây có thể được xem là một thí dụ tiêu biểu mang tính thuyết phục cao. Đó là câu chuyện xảy ra ngày 16/06/2011 tai khu vực vòng xoay ngã năm An Dương Vương. Một người đàn ông đi xe gắn máy sau khi nhanh trí thoát được hai tên cướp chuyên nghiệp cố giựt cái túi xách đựng tiền của anh ta, thì chỉ vài phút sau đó, toàn bộ số tiền từ trong cái túi xách bị rách đó đã nằm gọn trong túi của khoảng 30 "tên cướp" khác.



Người đàn ông bị nạn. 

Chẳng những không giúp đỡ hay quan tâm gì đến người bị nạn, những con người này đã ngang nhiên "lượm" sạch hết tiền bạc của nạn nhân ngay trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của anh ta. Thiết tưởng chẳng có một tính từ nào chính xác hơn hai từ "vô cảm" để diễn tả hành động đó. Sự kiện này xảy ra ngay giữa "thanh thiên bạch nhật", ngay giữa một giao lộ đông người của thành phố đã trở thành một cái tát thật mạnh vào bộ mặt văn minh của một đô thị. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nó ngay lập tức xuất hiện trên vô số các diễn đàn mạng với một sự quan ngại sâu sắc về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Sự vô cảm đầu tiên chỉ xuất hiện trong việc ứng xử với tha nhân, tức là với người dưng ngoài xã hội. Nhưng điều nguy hiểm hơn của nó là ở chỗ, khi những con vi trùng vô cảm đã xâm nhập được vào trong cách ứng xử của con người với tha nhân thì chúng không dừng lại ở đó. Bằng một cách riêng, chúng đã thừa thắng xông lên để xâm nhập vào ngay cả trong cách ứng xử giữa những người thân yêu ruột thịt với nhau. Để rồi chúng ta được lần lượt chứng kiến những thảm trạng gia đình vốn xưa nay hiếm như cha mẹ giết con, con hành hạ rồi giết chết chính người đã sinh thành ra mình, vợ chồng giết hại lẫn nhau bằng mọi cách kinh hoàng nhất như đâm chém, tạt acid...

Tất cả những thảm trạng gia đình mà người viết vừa kể không phải là sản phẩm tưởng tượng của đầu óc người viết để nhằm bi thảm hay kịch tính hóa vấn đề mà người viết đang luận bàn. Người đọc không khó khăn gì để tìm thấy một vài trường hợp cụ thể minh họa cho từng thảm trạng trên qua những trang báo (mạng hay giấy) trong khoảng thời gian một năm gần đây hay xa hơn nữa. Cứ mỗi lần đọc thêm một câu chuyện thương tâm về thảm trạng gia đình, mà mỗi câu chuyện mang một dáng nét và bi kịch riêng, người viết đã nhìn thấy rất rõ rằng sự vô cảm đã thâm nhập vào tâm hồn họ, vào con người họ, vào cách sống của họ một khoảng thời gian không hề ngắn, mà có lẽ chính họ cũng không nhận thức được. Những thảm trạng xảy ra hoàn toàn không phải là một sự tình cờ, mà là hệ quả tất yếu của một thái độ sống- thái độ sống vô cảm.




Chỉ mới cách đây vài ba tháng thôi, một sự việc xảy ra đã minh chứng một cách hùng hồn cho sự xâm nhập của sự vô cảm vào tận trong cấu trúc đơn vị gia đình của xã hội. Đó là vụ việc vợ một nhà báo đang tâm đốt chết chồng mình và thản nhiên nhìn chồng quằn quại trong đau đớn tận cùng mà chẳng hề động lòng thương xót, để rồi cuối cùng dẫn đến cái chết thương tâm và oan khuất của anh. Động cơ và tòng phạm cho việc giết người phối ngẫu tàn bạo này cho đến nay vẫn chưa được công bố một cách hoàn toàn minh bạch. Nhưng cho dù với bất kỳ động cơ gì đi nữa, nó đã thực sự gióng lên một hồi chuông báo động đỏ về sự băng hoại và xuống cấp về mặt đạo đức trong một bộ phận người dân Việt.

Qua những gì người viết vừa trình bày, có thể thấy rằng sự vô cảm đã thực sự đi một bước dài trên hành trình hủy diệt con người và xã hội của nó. Ngoài những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển mà nó nhận được một cách mặc nhiên (quyền lợi thực dụng trước mắt, cảm giác ứng xử "hợp thời"...), sự thờ ơ và lãng tránh nhận diện nó là một nguyên do góp phần không nhỏ cho sự tự do "tác oai, tác quái" của nó. Đã đến lúc chúng ta nên ý thức được rằng chẳng những bản thân sự vô cảm là một tội ác, mà việc làm ngơ trước sự vô cảm cũng chính là một tội ác, không hơn không kém. Sự làm ngơ đó đã gián tiếp tiếp tay cho sự vô cảm mặc sức tung hoành và sinh sôi nảy nở, giúp nó trở thành một điều bình thường trong ứng xử xã hội, trong khi xét về bản chất, nó không hề bình thường chút nào.

Đến đây, vấn đề cấp thiết được đặt ra là chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn bước chân hủy diệt của sự vô cảm và qua đó, gián tiếp đưa cái thiện và cái ác trở về với đúng vị trí của nó. Dĩ nhiên, mọi cuộc chiến đấu đều bắt đầu trước hết từ bản thân con người. Mỗi cá nhân nên rà xét lại suy nghĩ và thái độ sống của mình bằng cách sống một cách có ý thức trong từng sát-na của cuộc sống. Tuyệt đối nói không với mọi manh mối vô cảm nảy sinh và đồng thời tiêu diệt mọi ý thức, hành vi vô cảm đang hiện hữu trong con người mình.




Sau khi đã tận diệt xong những con vi trùng vô cảm trong con người mình, mỗi cá nhân có thể tiến tới "tiệt trùng" xã hội bằng thái độ lên án và chống đối quyết liệt, không nhân nhượng đối với bất cứ mọi biểu hiện vô cảm mà mắt thấy, tai nghe. Những việc này nếu được thực hiện đồng loạt bởi một số đông cá thể trong xã hội tất nhiên sẽ làm nảy sinh một "hiệu ứng đám đông" tích cực và qua đó, từng bước đẩy lùi bước tiến hủy diệt của sự vô cảm.

Với trẻ nhỏ, nên chăng ngay trong nhà trường, từ lúc học sinh còn rất nhỏ, ta nên giáo dục cho chúng lòng thương yêu con người cụ thể, sự trân trọng cuộc sống của từng cá thể trong xã hội và xem đó như là mục đích hàng đầu tối thượng thay vì những gì đang được làm hiện nay? Nếu việc này được làm ngay và làm một cách nghiêm túc thì chúng ta có quyền tin tưởng rằng đến một ngày nào đó không xa, chúng ta có thể nghe được một câu chuyện cảm động về ứng xử trong nghịch cảnh, tai biến hay thảm họa mà nhân vật chính là một cậu hay cô bé 9 hay 10 tuổi của Việt Nam, chứ không phải là Nhật Bản. Điều đó đáng tự hào lắm chứ, phải không?

Sử dụng luật pháp, dĩ nhiên như chức năng mặc định của nó, là một biện pháp hiệu quả và nhanh chóng trong việc đối phó với tệ nạn vô cảm, dẫu rằng người viết cũng có thể hình dung ra được tính phức tạp, nhiêu khê và tinh tế của vấn đề mà luật pháp phải đối diện khi làm công việc thẩm định thế nào là một hành vi ứng xử vô cảm. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể làm được.

Cách đây ít lâu, khi đọc bài viết "Lòng tốt không bao giờ thừa" đăng trên một tờ báo mạng, đề cập đến một tai nạn giao thông xảy ra trên địa phận của thành phố, người viết vô tình đọc được điều 102 của Bộ Luật Hình Sự được đề cập trong đó: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…”.



Theo Bộ Luật Hình sự, hành vi không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong ảnh: Một vụ TNGT tại Sài Gòn.

Người viết đã thực sự cảm thấy hả hê khi lần đầu tiên được thấy một cái tát thẳng tay được giáng vào chính ngay bộ mặt của sự vô cảm như vậy. Tuy nhiên, người viết cũng không khỏi cảm thấy băn khoăn rằng, trong thực tế, có rất ít người dân biết đến sự hiện diện của điều luật này (kể cả người viết). Sự phổ cập một điều luật như thế cùng với việc đề ra những điều luật tương tự thiết nghĩ là việc luật pháp cần và nên làm càng sớm càng tốt trong cuộc chiến chống lại sự vô cảm.

Để kết thúc bài viết này về sự vô cảm, người viết xin được cám ơn cuộc đời này vì sau những cú "va chạm nảy lửa" giữa người viết và cuộc đời, cuộc đời vẫn ưu ái giữ lại cho người viết một trái tim còn biết rung cảm, biết cười với những niềm hạnh phúc rất đơn sơ và biết khóc trước những đớn đau, bất hạnh của người khác. Và như thế có nghĩa là người viết hoàn toàn miễn nhiễm với sự vô cảm oan khiên nhiều nghiệp chướng. Điều đó cũng có nghĩa là người viết có quyền yên tâm để... sống và làm... một người lương thiện.



19/06/2011
Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment