Sunday, May 6, 2012

Mai Phương Thúy: Nét Đẹp Xuân Thì và Dư Luận Quần Chúng


Một lần nữa, cô Hoa Hậu VN năm 2006 Mai Phương Thúy, lại bị dư luận quần chúng đưa lên “đoạn đầu đài” để “xử giảo” khi bộ ảnh Nét Đẹp Xuân Thì với những hình ảnh và tạo dáng của cô trong tà áo dài trắng tinh khôi, mỏng manh được đưa ra trình làng trên một trang báo mạng cách đây hơn một tuần lễ. Còn nhớ, cách đây khoảng nửa năm, DLQC cũng đã “xử giảo” cô một cách quyết liệt khi cô xuất hiện trong một video clip quảng cáo dầu gội đầu với một câu thoại mà họ cho là “thiếu lễ phép”. Bài viết này xin được đề cập đến cô hoa hậu cùng với DLQC qua hai sự kiện nói trên.

Trước khi tiếp tục, xin được xác định thái độ của người viết. Đối với video clip quảng cáo được cho là thiếu lễ phép, khi xem video clip mà chưa đọc phần giải thích, tôi cố gắng tìm hoài xem chi tiết được cho là thiếu lễ phép là ở điểm nào, nhưng tìm hoài không ra. Sau khi đọc bài thì mới vỡ lẽ ra là do thiếu chữ “dạ, thưa” phía trước. Trong khi các báo mạng nói rằng DLQC đang rất “xôn xao” và “bức xúc” về sự thiếu lễ phép này, thì tôi lại thấy mình rất ngỡ ngàng và hoang mang, không hiểu tại sao họ lại “xôn xao” và “bức xúc” một cách kỳ lạ như thế. 



Chỉ sau nửa năm thôi, một khoảng thời gian không đủ dài để lãng quên chuyện cũ, lịch sử lại được lập lại đối với cô hoa hậu “bất hạnh” này khi bộ ảnh Nét Đẹp Xuân Thì mà cô tham gia thực hiện cách đây vài năm ra mắt người xem. Thấy DLQC lại “xôn xao” và “bức xúc” nữa, lần này thậm chí lại còn có người phẫn nộ, cho rằng: phản cảm, khiêu dâm, không xứng đáng với hình ảnh hoa hậu của một đất nước; tôi cố gắng giương mắt soi vào từng centimet trên các tấm ảnh trong bộ ảnh này. Kết quả là, lại một lần nữa, tôi thấy mình ngỡ ngàng và hoang mang, không hiểu tại sao họ lại “xôn xao” và “bức xức” một cách kỳ lạ như thế. Tôi thậm chí còn giật mình đến thót tim, suýt chút nữa nguy hại đến tánh mạng, khi hay rằng họ đòi tước danh hiệu của cô hoa hậu này.

Vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây là: điều gì đang diễn ra với cái được gọi là “dư luận quần chúng”, liệu là DLQC có đã trải qua những cú chấn thương tâm lý quá sâu sắc nào trong quá khứ, làm ảnh hưởng đến khả năng xem xét sự việc và vấn đề không, và nếu có, nên được trị liệu như thế nào. Qua những hoạt động từ thiện miệt mài cùng với những nỗ lực không ngừng trong cuộc sống đời thường cũng như trên cương vị một hoa hậu trong suốt gần sáu năm qua, tôi có thể nói một cách rất tự tin rằng chúng ta chẳng có gì phải băn khoăn hay lo ngại gì về cô hoa hậu trẻ, trí thức và tài năng này. 



Trở lại với video clip quảng cáo, với tư cách là một người Việt hiểu rất rõ và luôn tôn trọng những giá trị truyền thống của văn hóa Việt, tôi cho rằng sự qui kết “thiếu lễ phép” lên bản thân MPT là một sự qui kết hàm hồ và thiếu hiểu biết. Cô chỉ đóng vai trò là một người mẫu và thực hiện theo đúng kịch bản. Bản thân kịch bản cũng chẳng có sai sót gì nhiều vì nếu xem đoạn quảng cáo với một tâm thế bình thường, không mang tính xét nét của những bà cô già khó tính, thì cũng chẳng nhận ra sự thiếu lễ phép ở đâu cả. Lời nói được nói ra một khuôn mặt thân ái và hiền hòa, sao lại là thiếu lễ phép? 

Lễ phép trong giao tiếp là sự tổng hợp của lời nói, giọng nói, biểu cảm trên gương mặt. Lễ phép không chỉ nằm gọn trong hai chữ dạ, thưa ở đầu câu. Nếu khắt khe, viện dẫn truyền thống và đạo lý, mà cho rằng đó là một sự sai sót đi thì cứ dừng phát quảng cáo và bắt sửa chữa lại. Giải pháp thật đơn giản và mang ít nhiều tính hợp lý. Sao DLQC lại phải “xôn xao” và “bức xúc” đến một mức độ như vậy, qui kết cho cô hoa hậu tội “thiếu lễ phép” tày đình và biểu lộ một thái độ giống như của một người có tâm thần nhạy cảm, luôn dễ bị kích động? Trạng thái tâm lý bất ổn đó cần được sự giúp đỡ điều trị của các bác sĩ tâm lý chuyên ngành. 



Đến vấn đề bộ ảnh Nét Đẹp Xuân Thì thì tôi cho rằng căn bệnh tâm thần nhạy cảm, luôn dễ bị kích động của DLQC, do không quan tâm chữa trị, đã trở nên nghiêm trọng hơn. Ở đây, tôi quan tâm đến trạng thái sức khỏe tâm thần của DLQC hơn là việc lý giải về tính nghệ thuật của bộ ảnh. Với một sự tự tin về khả năng cảm nhận nghệ thuật, cộng với trình độ văn hóa, và xin lập lại một lần nữa, với tư cách là một người Việt hiểu rất rõ và luôn tôn trọng những giá trị truyền thống của văn hóa Việt, tôi có thể nói một cách vắn tắt là bộ ảnh đảm bảo đầy đủ tính nghệ thuật cần có, là một bộ ảnh đẹp và tà áo dài truyền thống đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tôn vinh những nét đẹp của cơ thể người phụ nữ.

Đó chỉ là ý kiến chủ quan của riêng tôi. Khi tôi nói rằng không cần lý giải thêm về tính nghệ thuật của bộ ảnh là ý tôi muốn ám chỉ đến việc đã có quá nhiều ý kiến chuyên môn từ các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và uy tín, và những ý kiến đó có thể được xem là hoàn toàn khách quan. Họ đều đã khẳng định điều đó một cách đồng nhất và hùng hồn. Thiết nghĩ không cần phải diễn giải những nhận định đó ra đây thêm lần nữa khi mà quá dễ dàng để tìm thấy chúng trên các báo mạng. Nên tin vào họ, hay là tin vào DLQC? Một câu hỏi mà đáp án đã có sẵn. Họ là những nhà chuyên môn hiểu rõ về lãnh vực hoạt động của mình. Họ có đủ thời gian thâm niên trong công việc để đưa ra những nhận định thuyết phục và uy tín. Tôi thấy chẳng có gì phải băn khoăn về họ cả. Cái đáng băn khoăn, xin được lập lại là việc: trạng thái sức khỏe tâm thần của DLQC dường như đang ngày càng trở nên sa sút hơn. 



Xét về DLQC trong xã hội hiện nay, tôi thấy có một sự đáng lo ngại về tầm nhận thức của một số cá thể. Chỉ là một số cá thể thôi, vì nếu chúng ta chịu khó theo dõi hết tất cả các bình luận được đăng tải kèm theo sự kiện, thì chúng ta có thể thấy rằng cũng còn một bộ phận cá thể đưa ra những ý kiến rất đúng đắn và hợp lý, họ hoàn toàn nắm bắt được một cách rất chính xác những gì đang diễn ra. Nhưng tiếc thay, hiệu ứng “hùa theo” đang là một hiệu ứng thống trị và làm DLQC “lâm bệnh” nặng. Xã hội VN vốn là một xã hội chưa có một mặt bằng dân trí cao nên dễ hiểu là những nhận định phiến diện và lên án kiểu hùa theo vẫn có một sức tác động mãnh liệt và là một tác nhân dẫn dắt DLQC. Một trong những yếu tố lệch lạc thường thấy nhất là việc viện dẫn những giá trị dân tộc truyền thống một cách cứng nhắc và thiếu hiểu biết để thẩm định cũng như phủ nhận và lên án những sáng tạo nghệ thuật chân chính. Điều đó, nói theo kiểu dân gian, có thể được minh họa bằng một công thức rất phổ biến: Nhiệt tình + Ngu Dốt = Phá hoại.

Cuối cùng, nói về sự “tác oai, tác quái” của DLQC, không thể không kể đến vai trò của giới truyền thông. Trên một mặc định cho rằng giới này vốn được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp trong việc thực thi nhiệm vụ của mình, có thể thấy rằng họ chưa làm tốt vai trò giúp định hướng DLQC, qua đó giúp định hướng cho sự phát triển lành mạnh và vững vàng của xã hội. Họ chỉ đang giới hạn vai trò của họ ở công việc truyền tải thông tin, sự kiện và không đi xa hơn thế. Với tư cách là một kênh thông tin, đáng lẽ ra họ nên làm nhiều hơn thế. Một xã hội không thể bình an khi những giá trị tốt và xấu cứ bị đánh tráo, nhập nhằng và do đó, định hướng sống của các cá thể trong xã hội cũng trở nên hoang mang, lạc hướng. 


11/02/2012
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment