Saturday, May 5, 2012

Mai Quốc Huy, Nhạc Sến và Tôi



Tôi xa quê hương đã lâu.  Đủ lâu để nhiều thứ trong mớ ký ức hỗn mang trở nên phôi phai, mờ nhạt.  Xa quê hương không chỉ là xa một địa danh, mà còn nhiều thứ khác nữa cũng trở nên… xa.  Như âm nhạc chẳng hạn.  Một cuộc sống mới với một thứ ngôn ngữ mới dễ khiến người ta dần trở nên xa lạ với những tiếng hát, những giai điệu trữ tình của quê hương.

Trên những chuyến lái xe phiêu lưu dài thăm thẳm băng qua những tiểu bang rộng lớn của nước Mỹ; tôi đã thấy mình đắm say, nghe đi, nghe lại những giai điệu nhạc đồng quê Mỹ qua tiếng hát của danh ca Kenny Chesney. Và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, sẽ có một ngày tôi sẽ nghe lại những âm điệu của một đoạn đời quá khứ mà tôi đã bỏ lại đằng sau. Những đĩa CD nhạc Việt mà tôi mua từ rất lâu lắm, để thỉnh thoảng nghe mỗi khi nhớ quê xưa, đã dần phủ một lớp bụi thật dày vì từ lâu rồi không còn được chạm đến.



Thế mà, đã có một tiếng hát đủ uy lực để buộc tôi phải trở lại nghe nhạc Việt.  Đủ uy lực để khiến tôi chấp nhận chìm đắm miên man trong một cõi thanh âm buồn hun hút đến ngút ngàn, mà tôi đã vẫy tay chào giã biệt từ lâu.  Ở trong cõi buồn ấy, con người ta không làm gì cả, chỉ ngồi đấy chiêm nghiệm những cảm xúc phát sinh khi những thanh âm ai oán chạm vào trái tim, vào tâm hồn và phát ra những tiếng kêu nhẹ rất khẽ.  Tiếng hát ấy là tiếng hát của ca sĩ Mai Quốc Huy và những bài nhạc mà tôi đã nghe là những bài nhạc nằm trong năm album nhạc sến mà anh vừa phát hành cách đây hơn nửa năm, với một sự thành công ngoài mong đợi.   Tôi đã nghe chúng rất nhiều lần và để chúng ru tôi vào giấc ngủ, ở đó tiếng hát ấy, những tình khúc ấy đã vuốt ve lòng tôi với một nỗi đắm say quá đỗi. 




Nền tân nhạc Việt có nhiều dòng nhạc.  Dòng nhạc nào, nói chung, cũng buồn và ở dòng nhạc nào cũng có những nhạc phẩm làm tôi cảm thấy say đắm.  Tuy vậy, tôi phải thú nhận rất thực lòng rằng tôi vẫn thấy dòng nhạc sến là gần gũi hơn cả.  Ở nó, tôi tìm thấy những đồng vọng về một niềm u hoài rất lạ -  niềm u hoài đưa lòng con người rơi đến tận cùng của vực sâu sầu thảm và rồi sự sống lại sinh sôi từ tận trong đáy sâu tưởng chừng vô tận ấy. 


Đã nhiều lần tôi thấy mình chết đi và rồi sống lại, tươi tắn hơn, nguyên vẹn hơn trong những dòng thanh âm mang hơi hướm của một nỗi sầu thiên cổ.  Hiếm có thể tìm thấy một bài nhạc sến nào mà lại không buồn.  Đa số chúng đều buồn -  buồn tái tê, buồn rũ rượi.  Buồn như đám ma đi giữa một chiều mưa rơi tầm tã.  Buồn như Định Mệnh Việt Nam -  định mệnh của một dân tộc phải trải qua quá nhiều bất hạnh.  Và buồn như… lòng tôi.  Tôi không phải là một kẻ bi lụy, nhưng tôi biết rất rõ rằng cõi lòng tôi là một cõi rất đỗi... u buồn.   




Không có những con số thống kê cụ thể, nhưng hầu như ai cũng đều thừa nhận rằng ca sĩ Chế Linh là ông “vua nhạc sến” đầu tiên của nền Tân Nhạc Việt.  Tôi không được sanh ra đủ sớm để chứng kiến thời đỉnh cao của ông “vua nhạc sến” này.  Tôi chỉ được nghe ông ca qua những băng cassette được cất giấu còn rơi sót lại mà dáng vẻ của chúng tơi tả như vừa qua một cơn sóng thần.  Băng thì đã nhàu nát nhưng thanh âm vẫn còn nguyên vẹn, và tôi đã thấy cõi lòng thơ trẻ của tôi ngày ấy rưng rức khóc theo tiếng ca rên rỉ, não nuột của ông. Có lẽ tính từ “rên rỉ” là tính từ chính xác nhất để diễn tả tiếng hát ấy.  Ai cũng nghĩ vậy.  Ông rên rỉ đến nỗi tôi còn nhớ, ngày ấy người ta bảo nhau “nếu thất tình mà nghe nhạc Chế Linh thì chỉ có nước tự vẫn”.  Tiếng hát của ông đã có một sức mạnh ghê hồn đến vậy.  Và có lẽ vì thế mà người ta đã đưa tiếng hát ấy lên ngôi.  

Có điều may mắn là tôi đã có dịp để chứng kiến sự lên ngôi của một ông “vua nhạc sến” thứ hai (theo ý tôi).  Đó là ca sĩ hải ngoại Tuấn Vũ.  Tôi cho rằng Tuấn Vũ xứng đáng là người kế vị ngôi vua ấy.  Nếu biết được Tuấn Vũ đã thành công như thế nào và ảnh hưởng sâu rộng ra sao, khó mà có thể chối bỏ ngôi vị ấy của anh.  Số lượng album anh phát hành vào thời điểm đỉnh cao là không thể đếm hết được.  Trong lúc anh đang làm mưa, làm gió trên thị trường ca nhạc Mỹ, thì tôi còn đang sống ở một hòn đảo ngoài biển khơi.  Đảo không quá lớn nhưng đủ lớn cho cả chục ngàn người cùng sống.  Và đâu đâu trên hòn đảo ấy cũng có thể nghe được tiếng hát Tuấn Vũ cất cao giữa tiếng gió và tiếng sóng.


 
Cảm ơn tiếng hát ấy đã an ủi hồn tôi thật nhiều vào những ngày tháng mà tôi bị kẹt ở khoảng không gian lơ lửng giữa thiên đàng và địa ngục.  Chiều nghe tiếng hát Tuấn Vũ vọng vang từ những quán cà phê trên bãi biễn, chiều như rưng rưng khóc khi nhìn về một quê hương ở phía đàng xa cuối chân trời.  Đêm hoang vắng và lạc loài trên đảo cũng bớt nhiều lắm nỗi đơn côi khi có tiếng hát ấy kề bên sưởi ấm.  Không rên rỉ và não nuột như Chế Linh, tiếng hát Tuấn Vũ mùi mẫn và trữ tình gieo rắc nhiều mơ mộng.

Sau tiếng hát Tuấn Vũ, dòng nhạc sến cũng chứng kiến sự ra đời của một số giọng ca tiếp nối được ưa chuộng và thành công.  Có thể kể ở đây hai giọng ca nổi bật ở hải ngoại là Trường Vũ và Mạnh Quỳnh.  Không phủ nhận sức quyến rũ của hai giọng ca này, nhưng với riêng tôi, người kế thừa ngôi vị “vua nhạc sến”, sau Chế Linh và Tuấn Vũ, chỉ có thể là Mai Quốc Huy.


Yếu tố khách quan có thể thấy được là sự đón nhận một cách nồng nhiệt của người nghe đối với năm album nhạc sến mà anh đã phát hành vào năm qua (06/2011).  Những live show anh thực hiện trong thời gian vừa qua cũng giành được những thành công nhất định, gần đây nhất là live show Dấu Ấn Cuộc Đời diễn ra tại nhà hát Hòa Bình, Sài Gòn vào ngày 16/03/2012.   Về yếu tố chủ quan, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi giọng ca này -  một giọng ca chứa đầy nội lực và mang nhiều dáng nét đa dạng khi thể hiện.  Nếu yếu tố nổi bật trong giọng hát của Chế Linh là sự rên rỉ và não nuột, ở Tuấn Vũ là sự mùi mẫn và trữ tình, thì ở MQH chính là sự nồng nàn và da diết. 









Vâng, tiếng hát ấy nồng nàn và da diết quá. Trong bóng đêm tĩnh lặng, tiếng hát ấy cất lên và nỗi buồn tái tê bao phủ một vùng không gian rộng.  Không quá sầu thảm, đớn đau; tiếng hát ấy dịu dàng kể lể những nỗi đau rất thực và kể với một giọng điệu thiết tha đến mức có thể làm người nghe bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào.  Khi thì đó là nỗi đau tình phụ của một gã chồng không may mắn (Hạnh Phúc Quanh Đây), khi thì đó là nỗi chua xót bẽ bàng của một gã trai trẻ si tình (Tạ Ơn Con Gái), khi thì đó là lời cảm thán của nhân gian về tình đời nhân thế (Thói Đời).   Nỗi đau nào cũng được MQH diễn tả rất thực và rất tới.  Nỗi đau không chỉ trong lời ca, mà thấm đẫm cả trong tiếng hát.  Khi tiếng hát ấy cất lên, nỗi đau cứ thế lan tỏa và để lại trong lòng người những dư vị tái tê.      

                                                                           
Một ưu điểm trong cách hát của MQH là sự sáng tạo trong cách thể hiện.  Nghe anh hát, hết bài này sang bài khác, nhưng người nghe không cảm thấy nhàm chán vì anh thể hiện khác nhau cho những bài bản và những nỗi đau khác nhau.  Cách thể hiện của anh đa dạng đến nỗi trong một số bài ca, dẫu biết chắc đó là anh, ta vẫn băn khoăn tự hỏi có thực là anh đó không. Cụ thể là trong bài hát Tạ Ơn Con Gái, anh đã có một sự thể hiện hoàn toàn khác lạ và lột tả thật sâu tâm tình của chàng trai trong bài hát.  Trong Chiều Hạ Vàng, một bài ca vốn quá quen thuộc qua nhiều tiếng hát khác nhau, anh cũng đã mang đến một sắc thái mới cho nó khi ca với một cách nhấn nhá khàn giọng đầy quyến rũ.

Một ưu điểm khác không thể không kể đến trong tiếng hát của anh là cách phát âm lời ca.  Hiếm có ca sĩ nào có được lối phát âm hoàn toàn chuẩn xác và để lại trong lòng người nghe một dư vị ngọt ngào như thế. So với Tuấn Vũ, cách phát âm của anh chuẩn xác và quyến rũ hơn nhiều.  Dẫu thật mùi mẫn và trữ tình, tiếng hát Tuấn Vũ đã bị giảm đi hiệu quả ít nhiều khi có những âm anh không thể phát âm chuẩn xác và rõ ràng.

Tôi chỉ biết đến MQH khi anh xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu của Paris By Night vào cuối năm 2006.  Đó cũng chính là thời điểm tiếng hát của anh bắt đầu được biết đến nhiều hơn, dẫu anh đã bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình nhiều năm trước đó.  Từ ấy đến nay không hẳn là một khoảng thời gian quá dài, nhưng anh đã cho thấy một sự tiến bộ nhiều trong tiếng hát và tiếng hát anh hiện giờ, theo tôi, đã có thể được xem là một sự kế vị xứng đáng trong dòng nhạc sến vốn gắn chặt với người dân Việt.



17/03/2012
Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment