Tuesday, May 1, 2012

Trang Mỹ Dung: Chỉ Còn Mẹ Thôi Trong Tiếng Hát Này


                                                              
Tiếng hát Trang Mỹ Dung vốn là tiếng hát được sản sinh từ những cơn mưa.  Người nghe, trong suốt nhiều năm, nhiều tháng, đã quen đồng nhất tiếng hát ấy với tiếng mưa rơi.  Quen đến nỗi khi tiếng hát ấy cất lên mà không có tiếng tí tách nhỏ giọt bao quanh thì lấy làm lạ lắm.  Như thiếu một thứ gì đó. Một sự khiếm khuyết, bất toàn đột nhiên hiện rõ, làm phá vỡ cái tổng thể vốn được phối hợp hài hòa.  Cả hai - tiếng hát và tiếng mưa rơi - tuy là hai nhưng đã nhập thành một:  Một thanh âm buồn và lặng.  Và có lẽ chính vì vậy mà chúng mang chung một định mệnh đời sống:  êm đềm và trầm mặc. 
  
                                                                        
Vâng! Cuộc sống của chị, nói chung, là êm đềm và trầm mặc. Nó vừa như là một định phận được sắp xếp trước bởi đấng tối cao.  Vừa như là một sự lựa chọn của chính bản thân chị.  Nói là do chị lựa chọn là vì cuộc đời của chị hoàn toàn có thể đã khác đi nếu chị thực sự muốn như vậy.  Có những điều hoàn toàn nằm trong tầm tay chị.  Chị có thể điều khiển được.  Chẳng hạn như cái đời sống đơn thân mà chị đã tự chọn cho mình từ sau lần đổ vỡ ấy.  Với dung dáng ấy, nhân cách ấy và tấm lòng ấy, chị hoàn toàn có thể có được những gì chị muốn.  Nhưng không, chị đã từ khước và quyết định để độc hành trong khoảng đời còn lại - một quyết định mang dáng nét của tiếng hát chị, của tiếng mưa rơi. 
                                                                                    
Nói chị độc hành là nói cho văn vẻ vậy thôi, chứ thực ra có một người đã luôn ở bên cạnh chị.  Người ấy rất thân với chị.  Người ấy ở ngay kế bên chị vào cái giây phút chị chào đời.  Tiếp tục ở kề bên chị cho đến lúc trước và sau khi chị lên chuyến xe hoa đầu đời và duy nhất.  Rồi lúc chị bị nạn "thập tử nhất sinh" vào mùa Giáng Sinh năm 1973, cũng chính người ấy đã không quản bao nhọc nhằn chăm lo cho chị suốt cả tháng trời cho đến ngày bình phục.  Sau khi chị bình phục xong, người ấy lại tiếp tục tháp tùng chị trên từng chuyến lưu diễn rày đây mai đó để chăm lo cho chị tất cả mọi thứ, như chăm lo cho một đứa bé gái còn ngây thơ, khờ dại.   
                                                                                                 
                                                                             
Có lẽ bạn đang tự hỏi ai mà lại có thể làm được tất cả những điều vĩ đại đó.  Ai mà lại có thể có đức hy sinh cao cả dường ấy.  Hỏi chỉ là để hỏi.  Câu trả lời thực ra đã nằm sẵn trong câu hỏi rồi.  Câu trả lời đó chỉ có một đáp án duy nhất đúng, không thể có đáp án thứ hai:  Người đó là mẹ chị.  Đến đây không cần một lời lý giải nào, bạn cũng có thể hiểu được và hình dung rõ được là chị yêu mẹ chị sâu đậm và tha thiết đến dường nào.  Cái người sinh thành ra chị ấy vừa là một người bạn tâm tình cùng chị, một người chị cho chị những lời khuyên, một người bảo mẫu săn sóc cho chị, vừa là vị thần hộ mệnh bảo vệ chị qua những giông tố của cuộc đời.
                                                                          
Cuộc đời chị đã có những tháng năm êm đềm như thế.  Dẫu không may mắn về đường tình duyên nhưng số phần đã bù đắp cho chị một người mẹ thật tuyệt vời để chị ôm ấp, thương yêu, để chị luôn thấy mình hạnh phúc được làm một đứa trẻ thơ trong vòng tay mẹ, cho dẫu khi tuổi đời không còn nhỏ nữa:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con. (Chế Lan Viên)
Ngập chìm trong niềm hạnh phúc vô biên đó với một đóa hoa hồng kiêu hãnh cài lên ngực áo mỗi năm khi mùa Vu Lan đến, chị hoàn toàn yên vui với cuộc sống và chẳng mảy may đòi hỏi điều gì hơn thế nữa. 


Nhưng!  Cái tiếng "nhưng" khắc nghiệt ấy luôn chọn đúng thời điểm chẳng ai ngờ để xuất hiện.  Xuất hiện để tàn sát và hủy diệt.  Để gây những nỗi tang thương đôi khi không thể nào hàn gắn.  Nếu được hỏi phút giây nào đã là phút giây khủng khiếp nhất trong cuộc đời của chị, chắc chắn chị sẽ chỉ thẳng ngay vào chính cái phút giây ấy vào năm 1997-  phút giây chị đang hát ở một phòng trà và nhận được tin mẹ chị đã mất.  Mặt đất như nghiêng ngã.  Không gian tối sầm lại trước mắt chị.  Đêm ấy, chị hát nhạc phẩm "Lòng mẹ" trong nước mắt và với tiếng nấc ... trong tim. Tiếng nấc ấy nghẹn ngào khôn tả và vỡ vụn đến tận cùng.
                                                                             
Cái ngày định mệnh ấy đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời ca hát của chị.  Nếu như trong khoảng thời gian ba thập niên từ năm 1967 đến năm 1997, chị chủ yếu hát về những cơn mưa của tình tự lứa đôi, của nhung nhớ hẹn hò hay của chia phôi đổ vỡ thì sau ngày ấy, trong những cơn mưa bay qua miền thế gian đã xuất hiện thêm một ảnh hình mới - ảnh hình người mẹ, trong tiếng mưa rơi rả rích đã xuất hiện thêm một thanh âm mới - tiếng ru của mẹ.  Chị không còn hát để mưu sinh.  Chị chỉ hát về mẹ như một cách để tưởng niệm mẹ.  Để cảm thấy như vẫn còn có mẹ bên đời chị.  Để có dịp cho chị tưởng như mẹ đang thấp thoáng đâu đó bên cánh gà dõi mắt nhìn về hướng chị mỗi khi chị hát. 
                      
Cũng kể từ ngày đó, chị không còn xuất hiện nhiều trên sân khấu tụ điểm hay trong phòng trà nữa. Thay vào đó, chị xuất hiện thường hơn ở các chương trình ca nhạc từ thiện hay Phật Giáo, đem lời ca tiếng hát để giúp đạo hoằng dương và giúp đời hướng về nẻo thiện lương.  Mỗi giọng ca, giống như mọi vạn vật hiện diện trên quả địa cầu, đều có sinh và có diệt.  Cái cách chị chấp nhận sự hủy diệt của mọi vật (nói chung) và của tiếng hát mình (nói riêng) thật thanh thản làm sao.  Vốn là một phật tử từ nhỏ với pháp danh là Lệ Hạnh, chị đã cho thấy sự lĩnh hội sâu sắc những triết lý về lẽ vô thường và tính phù du của đời sống con người.     
                                              

              

Sau khi đã hầu như hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong nền tân nhạc Việt Nam, có thể nói tiếng hát của chị đã tìm được những bài hát cuối đời hay nhất của một loài chim - những bài hát về Mẹ, về Đạo - để thăng hoa trong chặng đường cuối cùng của hành trình nhật nguyệt.    

Viết tặng ca sĩ Trang Mỹ Dung nhân dịp Vu Lan 2011
13/08/2011
Jeffrey Thai




No comments:

Post a Comment