Saturday, May 5, 2012

Đọc Vòng Tay Học Trò Của Nguyễn Thị Hoàng



Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cách đây khá lâu. Lâu đến nỗi không còn nhớ đã đọc những tác phẩm gì và đọc như thế nào. Nhưng văn phong súc tích, gợi cảm và giàu hình ảnh của bà thì không thể quên. Cũng như không thể nào quên tác phẩm đã làm khuấy động dư luận giới văn chương "Vòng tay học trò" của bà - tác phẩm mà khi ra đời đã bị dư luận còn mang nặng tư tưởng Khổng Giáo lúc bấy giờ của thập niên 60 của thế kỷ trước cho là vô luân. Dĩ nhiên,tôi sẽ không đề cập đến tác phẩm này, cũng như mối quan hệ tình cảm mà nó khắc họa, với cái nhìn lỗi thời, lạc hậu và phi nhân bản đó.

Tình cảm giữa con người với con người vốn là những xúc cảm thiêng liêng phát xuất từ trái tim. Nó không biết đến tuổi tác, địa vị, giai cấp và thậm chí cả giới tính. Với quan niệm đó, tôi cho "Vòng tay học trò" là một khái niệm tình cảm đẹp trong bối cảnh lãng mạn và thánh thiện của chốn học đường. Chỉ tiếc rằng nó quá đẹp và mỏng manh để có thể tồn tại và lớn lên trong thực tế cuộc sống, vốn luôn đầy những thử thách chông gai và những định kiến xã hội khắc nghiệt.

"Vòng tay học trò" kể về câu chuyện của một cô gái tên Trâm. Cô quyết định từ bỏ Sài Gòn với những mảnh tình buồn của quá khứ để bắt đầu một cuộc sống mới làm một cô giáo dạy học ở Đà Lạt. Và rồi, trong ngôi biệt thự cô đơn mà cô đang sống, cô đã giang tay để đón nhận, cưu mang những đứa học trò bơ vơ, lạc loài. Như một sự dung rủi của số phận, tình yêu đã nảy nở giữa cô và đứa học trò tên Minh, nhỏ hơn cô nhiều tuổi.

Nguyễn Thị Hoàng đã phác hoạ nên một tình yêu mà trong đó những xúc cảm tinh tế nhất của trái tim được đẩy đến tận cùng. Trong đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm thấy, dẫu chỉ là một giây thoáng qua, bóng dáng của tính toan, mưu đồ, bội phản, cũng như những đam mê nhục dục thấp hèn. Trái tim của cậu học trò mới lớn còn nguyên vẹn và tinh khôi như một trang giấy mới. Và trên trang giấy đó, cuộc đời chưa kịp có thời gian để vẽ lên nó những đường kiếm huỷ diệt. Cậu đã yêu một cách hồn nhiên như cái cách mà cậu đã lớn lên: mộc mạc và bản năng.

Còn cô giáo Trâm, qua bao giông bão tình trường, đã đủ kinh nghiệm để nhận ra rằng có lẽ đây là lần đầu tiên cô thực sự cảm nhận được thế nào là tình yêu. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm nhận được một thứ ánh sáng mơ hồ đã chiếu sáng đời cô sau bao ngày tăm tối, ngụp lặn trong những mối quan hệ mà cô ngộ nhận là tình yêu - những mối quan hệ mà trong đó cô chỉ như một con mồi bị săn đuổi bởi những con thú săn háu đói. Nhưng đáng tiếc thay, ánh sáng đó chỉ vừa kịp loé lên đã vội vụt tắt, khi Minh bỏ ra đi sau những tháng ngày dằn vặt, trở trăn, để Trâm một lần nữa lại rơi vào vũng lầy băng giá và bóng đêm mù mịt.

Kết thúc dở dang của chuyện tình, dẫu để lại nhiều dư âm đớn đau, chua xót và bùi ngùi, ngẫm ra, lại là một kết thúc hợp lý và đẹp. Nó hợp lý vì "với hai bàn tay trắng, với vòng tay học trò em chẳng thể nào ôm nổi đời cô". Nó hợp lý còn vì có bao giờ cái xã hội còn đầy rẫy những định kiến phi lý và phi nhân đó lại để Trâm thanh thản với chút mảnh tình bé bỏng và ngang trái. Nhưng dẫu sao, nó vẫn sẽ đẹp vì chắc chắn một điều là họ sẽ còn mãi trong tâm trí nhau với những ký ức tình yêu nồng nàn nhất.

Như một thứ thú đau thương, một thứ trái cấm oan nghiệt, những mối tình "vòng tay học trò" tuy chân thành, tha thiết, tuy mê đắm cuồng say, thường thì bao giờ cũng kết thúc dở dang, hay muôn đời mãi là những mối tình câm đơn phương, nín lặng. Thứ tình ấy mới buồn làm sao. Buồn như những chiều cậu học trò vừa mới lớn lang thang trên sân bóng, ngắm mây trời mà cảm thấy mình nhớ thật nhiều về một hình ảnh tuy đã xa xăm nhưng mãi luôn gần:

" Mai tan trường cô về bên gác trọ
Xếp hành trang qua những ngón tay buồn,
Cô sẽ thấy hình em trong quyển vở,
Ngắm mây trời từ thuở biết yêu đương,

...Riêng phần em mỗi chiều qua sân cỏ,
Ngắm mây trời về vỗ giấc cô miên."

25/08/2011
Jeffrey Thai


Nữ tác giả Nguyễn Thị Hoàng tại Saigon ngày 28.10.2015.



Nguyễn Thị Hoàng - "Văn chương làm cồn cào da thịt ?"... 

Bài : Hồ Nam

Nguyễn Thị Hoàng vào đời với bút hiệu Hoàng Đông Phương, và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay 'Vòng tay học trò'. Tác phẩm này khởi đầu được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách khoa (tờ báo nổi tiếng nghiêm chỉnh và đạo mạo thời bấy giờ) vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX.

'Vòng tay học trò' là câu chuyện thầy yêu trò, mà thầy trong truyện lại là một cô giáo, nên dư luận đã xôn xao đàm tiếu khá nhiều; nhất là dư luận ở thành phố Nha Trang, là nơi Nguyễn Thị Hoàng đang sống.Theo dân thành phố Nha Trang, một tỉnh nhỏ ở ven biển, thì câu chuyện thầy yêu trò đã có lúc làm dư luận sôi sùng sục ở trường trung học Võ Tánh - nơi Nguyễn Thị Hoàng từng theo học, và có mối tình vụng trộm với thầy giáo của mình - đó là nhà văn viết tiểu thuyết bằng pháp ngữ, từng được Hàn Lâm Viện Pháp tặng giải thưởng. Ông đó tên Cung Giũ Nguyên, thầy giáo dạy pháp văn bậc tù tài .

Với cái vốn liếng tình yêu nảy, Nguyễn Thị Hoàng đã viết thành tiểu thuyết 'Vòng tay học trò' nổi tiếng, dựa vào chuyện thật đời tư Nguyễn Thị Hoàng và Cung Giũ Nguyên - chỉ đổi nhân vật nam thành học trò và nhân vật nữ thành cô giáo.

Tiểu thuyết 'Vòng tay học trò' của Nguyễn Thị Hoàng ra đời như một hiện tượng văn học, làm cho sinh hoạt văn học ở Saigon thời bấy giờ vốn 'nghiêm chỉnh đạo mạo' bỗng trở thành suồng sã - bởi tình yêu thầy trò, vốn là điều cấm kỵ trong vòng ảnh hưởng của luân lý, đạo đức nho giáo. Những chuyện ẩn ức tình dục, những chuyện xôn xao của da thịt, trước đó thường bị che đậy, dấu giếm 'húy kị'; nay đột nhiên được một bậc nữ lưu có học vị 'cô giáo' nói toạc ra một cách nhẹ nhàng, không cần mầu mè gì cả (dù không sỗ sàng trắng trợn như những cây bút nữ lưu tiếp theo sau Nguyễn thị Hoàng).

Nhóm 'nằm vùng' do Vũ Hạnh (cầm đâu) - một cây bút chủ lực của tờ Bách khoa, nhân cơ hội này lập 'Ủy ban chống văn hóa đồi trụy' la lối om xòm, kết án Nguyễn Thị Hoàng. Tuy nhiên cái 'Ủy ban chống văn hóa đồi trụy' của Vũ Hạnh càng la lối bao nhiều thì Nguyễn Thị Hoàng càng nổi tiếng bấy nhiêu, tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng viết ra, in liên tiếp, tái bản liên miên. Nguyễn Thị Hoàng được người đọc tôn vinh 'nhà văn nữ số 1 viết về tình yêu' lúc bấy giờ. Thực chất thì chất tình yêu và tình dục trong văn chương Nguyễn thị Hoàng tuy có 'bạo', 'trắng trợn'; nhưng đem so sánh với tác giả nước ngoài, như Francoise Sagan chẳng hạn - thì chỉ đáng làm học trò hạng xoàng. Đã thế, chỉ sau khi Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện khoảng một thời gian ngắn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, rồi 
Trùng Dương, Lệ Hằng... xuất hiện trên văn đàn, đã qua mặt luôn Nguyễn Thị Hoàng, với thứ văn chương làm cồn cào thịt da, thứ văn chương mê cuồng của tình dục, xác thịt...

Vì sự xuất hiện của những nhà văn nữ mới 'bạo liệt' hơn về thái độ, sống thật hơn về 'ngôn ngữ, cử chỉ' - nên Nguyễn Thị Hoàng phải xoay trở ngòi bút, viết suy tư hơn, mầu mè hơn, và thái độ này đã làm người đọc xa lánh tác giả .

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Thị Hoàng bị 'kẹt' lại, tuy không bị đưa vô trại cải tạo như Nhã Ca; nhưng đã bị học tập 'cải tạo tại chỗ' cùng với Nguyễn Thị Thụy Vũ - nhưng không cứng đầu như Thụy Vũ dám nói thẳng vào mặt lãnh tụ văn nghệ: "các tác phẩm văn chương càng chê thì nàng là mẹ càng phải có bổn phận yêu thương chăm bẵm hơn' (vì Thụy Vũ có thân nhân lả VC chống lưng, nên ỷ lại như vậy).

Nguyễn Thị Hoàng viết 'thu hoạch cải tạo' đã nhận khuyết điểm, hứa khắc phục; cuối thập niên 80 (thế kỷ XX)... tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng được một số 'đầu nậu sách' in trở lại, bán khá chạy, có lúc các 'đầu nậu' đã 'đấu đá' dành in sách Nguyễn Thị Hoàng; khiến cho Nguyễn Thị Hoàng phải nghỉ bán bún bò giò heo, để đi viết sách cho bọn 'đầu nậu' - nhưng tiếc rằng nội lực văn chương chữ nghĩa Nguyễn Thị Hoàng chẳng có bao nhiêu - và nhân dịp phong trào tái bản tiểu thuyết Quỳnh Dao, Kim Dung ra đời thì Nguyễn Thị Hoàng 'chìm' luôn.

Tóm lại, sự nghiệp Nguyễn Thị Hoàng là sự nghiệp 'không vượt qua' được cái bóng của chính mình là cuốn tiểu thuyết đầu tay 'Vòng tay học trò' - Nguyễn Thị Hoàng càng viết càng lộ sự làm dáng văn chương, càng viết càng cho thấy cái bóng của Cung Giũ Nguyên quẩn quanh đâu đó, lảng vảng cả trong giấc mơ; dù sau này Nguyễn Thị Hoàng đã có một ông chồng dạy triết; nhưng cái bóng thầy dậy tiếng Pháp, người yêu đầu đời, vẫn bám riết không thôi, và là nỗi ám ảnh không cùng của cuộc đời...

HỒ NAM .
---


No comments:

Post a Comment