Sunday, February 8, 2015

(Video) Last Days in Vietnam - Những Ngày Cuối Cùng Ở Việt Nam (USA, 2014, Viet. Sub., HD)



Release date: September 5, 2014 (USA)
Director: Rory Kennedy
Music composed by: Gary Lionelli
Story by: Keven McAlester
Screenplay: Keven McAlester, Mark Bailey
Producers: Keven McAlester, Rory Kennedy

In the final weeks of the Vietnam War, American servicemen and others begin the difficult mission of evacuating as many friends, family members and South Vietnamese collaborators as possible before Saigon falls to the North Vietnamese.



Phim tài liệu 'Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam' tại LHP Sundance 2014

Một người mẹ và 3 đứa con trên boong 1 chiếc tàu rời khỏi Sài Gòn, 29/4/1975
Một người mẹ và 3 đứa con trên boong 1 chiếc tàu rời khỏi Sài Gòn, 29/4/1975

Một trong những bộ phim được mang ra trình chiếu tại Lễ Hội Điện Ảnh Sundance tổ chức vào tháng Giêng năm 2014 vừa rồi là một bộ phim tài liệu về Việt Nam: Phim mang tựa đề “The Last Days in Vietnam - Những ngày cuối cùng ở Việt Nam”.

Trong những ngày hỗn loạn cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ, quân đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn giữa lúc sức kháng cự của quân đội miền Nam Việt Nam đang yếu dần. Với viễn tượng quân đội cộng sản miền Bắc sắp chiến thắng, kèm theo nguy cơ rất thực là một số người miền Nam, đồng minh của Hoa Kỳ, có phần chắc sẽ bị tống giam, hoặc thậm chí, nguy hiểm tới tính mạng, một số nhà ngoại giao và sĩ quan Mỹ hiếm hoi còn ở lại Việt Nam đã phải chất vấn lương tâm của chính mình trước một chọn lựa đạo đức cực kỳ khó khăn. Hoặc là họ nhắm mắt tuân lệnh Tòa Bạch Ốc để chỉ sơ tán các công dân Mỹ, hoặc, làm ngơ lệnh trên để tìm cách cứu vớt càng nhiều sinh mạng dân miền Nam càng tốt, bất chấp nguy cơ có thể bị kết tội phản nghịch khi về nước. Giữa lúc chuông giờ thứ 25 sắp sửa điểm, một nhóm người Mỹ đã hành động theo lương tâm của họ.

Đó là cốt truyện phim "The Last Days in Vietnam - Những ngày cuối cùng ở Việt Nam", do Lễ Hội Điện Ảnh Sundance phổ biến mới đây.

Đạo diễn bộ phim tài liệu này là Rory Kennedy, con gái út của Thượng nghị sĩ Robert Fitzgerald Kennedy và bà Ethel Kennedy, cũng là cháu gọi cố Tổng thống John F. Kennedy bằng bác.

Rory Kennedy ra đời 6 tháng sau khi cha bị ám sát vào tháng Sáu năm 1968. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy lúc bấy giờ mới 42 tuổi, được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ, có triển vọng chiếm được chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thời ấy.

Biên tập viên Rob Nelson của Tạp chí Variety nhận định rằng bộ phim tài liệu “The Last Days in Vietnam” của Rory Kennedy phối hợp các hình ảnh và tài liệu quý giá, những hình ảnh khó quên của Sài Gòn vào tháng Tư năm 1975, với những hồi ức của một số người Mỹ hiện diện tại Việt Nam trước khi Sài Gòn thất thủ.

Đối với rất nhiều người Việt Nam cũng như người Mỹ, hình ảnh của đám đông chen chúc xô lấn nhau trong tuyệt vọng để tìm cách đáp chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngay trước khi bức màn sắt rơi xuống thành phố Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, là một hình ảnh hằn sâu trong tâm trí, không làm sao có thể quên được.

Bộ phim tài liệu của Rory Kennedy chủ yếu tập trung vào thời gian 24 tiếng đồng hồ căng thẳng đã chứng kiến chương trình di tản hàng ngàn quân nhân Mỹ và Nam Việt Nam ra khỏi Sài Gòn, cùng với một số thường dân.

Nhà phê bình của tạp chí Variety bày tỏ thất vọng là mặc dù bộ phim thuật lại những căng thẳng từng giờ trong 24 giờ cuối cùng của những người Mỹ còn lại tại Việt Nam, đạo diễn đã không nêu lên bối cảnh lịch sử có thể giải thích việc trì hoãn chương trình tản cư vì thái độ ương ngạnh của một số giới chức Mỹ, không chấp nhận thất bại chua cay mà lần đầu tiên họ nếm trải, với hậu quả thảm hại.

Last Days nói lên niềm tự hào đó, điển hình là niềm tự hào bướng bỉnh của ông Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn từ năm 1973, là năm Hiệp định Paris được ký kết, bước ngoặt đưa đến sự cáo chung của chế độ miền Nam.

Đại sứ Martin được miêu tả là một con người phức tạp. Trong nhiều tháng dài, ông một mực từ chối, không chấp nhận thực tế phũ phàng là Saigòn có khả năng sụp đổ, và do đó ông đã hoãn lại cho tới phút chót những sự chuẩn bị để di tản những người còn lại ở Sài Gòn.

Trong các điều kiện đó, Đại úy Stuart Herrington của quân lực Hoa Kỳ, nhân vật đóng vai trò trung tâm trong bộ phim tài liệu The Last Days, đã bí mật tổ chức chương trình di tản càng nhiều quân nhân Nam Việt Nam càng tốt.

Một nhân vật can trường khác được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu này là cựu giới chức Bộ Quốc phòng Richard Armitage, người đã lên kế hoạch với Hải quân Đại tá Việt nam Cộng hòa Đỗ Kiểm, lúc bấy giờ là Tham mưu Phó Hành quân có trách vụ điều hành và theo dõi các hoạt động của các chiến hạm, để bí mật thực hiện một chương trình di tản tổng quát, đưa 30.000 người tỵ nạn ra khỏi Việt Nam.

Chỉ có 4 người Việt Nam được phỏng vấn cho phim tài liệu “Last Days”, trong đó có một người tỵ nạn. Tuy nhiên trong bộ phim, người ta không tìm được lời giải thích nào về hệ quả của các cuộc biểu tình chống đối chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ đối với những sự kiện diễn ra ở Việt Nam, kể cả quyết định của Quốc hội Mỹ, cắt viện trợ cho quân đội miền Nam. Theo nhận xét của nhà phê bình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger đã không thẳng thắn trả lời những thắc mắc về những vấn đề liên quan, mà dường như “chỉ đọc lại một câu trả lời đã soạn sẵn”.

Bất chấp vị thế khó khăn của mình, Đại úy Stuart Herrington thừa nhận ông đã “phản bội” những người bị bỏ lại Việt Nam, khi những chiếc phi cơ Mỹ cuối cùng cất cánh rời xa Sài Gòn.

Nhà biên kịch Don Kleszy được ca ngợi là đã phối hợp tài tình các cuộc phỏng vấn với những đoạn phim tài liệu giá trị, thể hiện được nỗi tuyệt vọng cùng cực của người dân Sài Gòn lúc đó. Nhạc phim do Gary Lionelli sáng tác góp phần làm tăng cảm xúc cho khán giả theo dõi bộ phim tài liệu gợi nhớ giai đoạn lịch sử đau thương này.

Nhà phê bình nói phần lớn các đối tượng được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu này gồm các giới chức quân sự Mỹ mà lương tâm bị cắn rứt vì kết cuộc của chiến tranh Việt Nam, nhưng ông lại cho rằng sự lựa chọn các đối tượng đó là một điều hợp lý. Tác giả nói nếu chấp nhận những giới hạn của bộ phim tài liệu, chỉ tập trung vào những trải nghiệm của người Mỹ chứ không phải những trải nghiệm của người Việt, thì phim “Last Days in Vietnam” đóng góp một phần đáng kể vào kho tài liệu về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Tên thật là Rory Elizabeth Katherine Kennedy, nữ đạo diễn bộ phim “The Last Days in Vietnam” được biết tiếng qua nhiều phim tài liệu như Ethel (2012), nói về cuộc đời của bà Ethel Kennedy, mẹ của nữ đạo diễn Rory, phim Ghosts of Abu Ghraib – Bóng ma của Nhà tù Abu Ghraib (2007) và American Hollow (1999). Bà lập gia đình với ông Mark Bailey vào năm 1999 và giờ có 3 người con.

Một chi tiết khác có liên quan tới nữ đạo diễn Rory là John Kennedy Junior, con trai duy nhất của cố Tổng Thống Kennedy và Đệ Nhất Phu nhân Jackie Bouvier Kennedy, đã thiệt mạng cùng với vợ Carolyn Bessette-Kennedy, và chị vợ Lauren Bessette, khi John lái máy bay đến Martha Vineyards dự lễ cưới của cô em họ, giờ là nữ đạo diễn Rory Kennedy.

Hoài Hương-VOA
10.02.2014








Một góc nhìn khác về phim Last Days in Vietnam

Đây là một cuốn phim tôi đã xem 2 lần, khen hay và dự trù sẽ có một bài nhận định ngắn nói rõ hay ở những điểm nào. Nhưng trước khi tôi thực hiện ý định thì nhận được bài bình luận của một cây viết gạo cội, đó là nhà văn Giao Chỉ. Ông chê cuốn phim một cách tàn mạt, gọi đó là “Một phim chết tiệt” và còn chuyển dịch tựa đề “Last Days in ViêtNam” thành “Sự Phản Bội Cuối Cùng”.

Cali Today News - Thông thường, một cuốn phim được người này khen, người khác chê cũng chẳng có gì lạ, nhưng khi người có cái nhìn hoàn toàn đối nghịch với mình lại là nhà văn Giao Chỉ, là một cựu sĩ quan cấp Tá của quân lực VNCH và cũng là một trong số những nhân vật lãnh đạo cộng đồng người Việt tỵ nạn CS từ nhiều năm qua, quan điểm của ông xem ra không chỉ là ý kiến cá nhân mà phản ảnh lối nhìn của một số người khác trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi thấy bài viết dự trù không nên chỉ giới hạn vào cuốn phim mà cần có phần đối thoại với quan điểm mà Giao Chỉ đại diện, mong vấn đề được nhận định rộng rãi và khách quan hơn. 

Mở đầu bài viết của ông, Giao Chỉ cho rằng:

“Thông điệp chính của cuốn phim là gì? Trình bầy sự hoảng loạn của quân dân VNCH và sự bình tĩnh tận tâm của Mỹ cứu vớt người Việt Nam vào ngày cuối cùng. Hoa Kỳ muốn nói rằng họ đã nỗ lực, nhưng rất ân hận là vào giờ chót phải bỏ rơi vào khoảng... 400 người.” 

Cá nhân tôi và chắc còn nhiều bạn đã coi phim không đồng ý với cảm nghĩ này. Vào thời điểm cuối tháng 4/75, sự hoảng loạn của quân dân VNCH là điều dĩ nhiên, nếu cuốn phim không có những hình ảnh này thì là điều vô lý. Nhưng bảo là người làm phim muốn phô diễn sự bình tĩnh của Hoa Kỳ bên cạnh tình trạng hoảng loạn này thì không đúng. Rõ ràng phim cũng nêu ra tình trạng luống cuống của phía Hoa Kỳ. Chính cái nhìn sai lạc khởi đầu này đã làm cho Giao Chỉ, và những ai cùng chung tâm trạng với ông, không còn khách quan trong các nhận định kế tiếp.

Những ai đã trải qua những ngày cuối tháng 4/1975 tại Miền Nam VN, không riêng gì Giao Chỉ, đều không khỏi sót sa trước cảnh mất nước và tuyệt vọng của của đồng bào , và của chính mình. Trong cương vị một sĩ quan cao cấp, một nhà trí thức trong xã hội Miền Nam VN thời đó, nỗi đau đớn của GC tất nhiêu sâu đậm hơn những đồng bào không ở vị trí quan trọng như ông trong guồng máy quân đội và chính quyền của VNCH. Vào lúc đó, người VN có chút hiểu biết đều không tránh khỏi căm hận đối với Hoa Kỳ. Làm sao không căm hận khi những người bạn đồng minh từng cùng sống chết với mình trong cuộc chiến chống cộng trước đó không lâu, nay thản nhiên chấm dứt mọi hỗ trợ sinh tử cho cuộc tranh đấu tự vệ của VNCH.

Ở một đoạn khác, Giao Chỉ cũng vẫn  có cái nhìn thiên lệch và nhiều cảm tính, đã viết:

“Phim đã chẳng ra làm sao, tài tử bình luận chính lại là Kissinger đóng vai nhà chính khách nhân đạo, thương yêu Việt Nam hết sức. Ông muốn cứu thêm mà ngoài khả năng.”

Cá nhân tôi, và chắc hẳn nhiều khán giả khác, đã không để ý tới đoạn xuất hiện của Kissinger. Vai trò của Kissinger rất mờ nhạt trong cuốn phim này, người coi quan tâm và nhớ tới nhiều nhân vật khác hơn là Kissinger. Nhưng Giao Chỉ, và nhiều bạn lớn tuổi của tôi, thì không “thương” được Kissinger, và dầu xuất hiện ít cũng là … quá nhiều.

Khi phim Last Days in Viêtnam được phổ biến tại quốc nội, qua thông tin tôi nhận được, thì nhiều đồng bào lớn tuổi sống tại Miền Nam đã có ít nhiều hiểu biết trước 30/4/1975 đều coi phim với tình cảm ray rứt… Coi mà rơi nước mắt, có người không dám coi hết cuốn phim… Đối với đồng bào sống tại Miền Bắc và những ai sinh ra sau 1975, tôi chưa biết được cảm nghĩ của họ ra sao. Còn với đồng bào hải ngoại, trong số lớn tuổi, nhiều người cũng có cái nhìn và phản ứng rất giống nhà văn Giao Chỉ. Điều này có thể thông cảm nhưng không thể chấp nhận. Tôi thấy việc chê bai phim Last Days in VietNam theo cách của Giao Chỉ là một việc làm không công bằng và không đúng.

Bà Rory Kennedy  đã thực hiện cuốn phim trong mục đích của Bà. Đây là cuốn phim diễn lại những ngày cuối của những người Mỹ và trên 100 ngàn người dân Việt Miền Nam khi họ tìm cách thoát khỏi VN trước làn sóng xâm lăng của CS Bắc Việt.

Các hình ảnh về sự xụp đổ của VNCH là những dữ kiện lịch sử đau lòng đã được trình bầy trên báo chí suốt trong mấy chục năm qua, người làm phim không có ý xấu ngụy tạo hay bôi đen phía người Việt chống cộng. Các dữ kiện trình bầy trong phim thể hiện nguyên tắc quân bình của truyền thông Hoa Kỳ: Người Mỹ đã vượt nhiều khó khăn, giúp di tản được một số đông người Việt đi tỵ nạn nhưng đã bỏ rơi hơn 420 người ở lại Toà Đại sứ. Họ đã giữ được lời hứa với một số người những đã phải nói dối một số người khác. Phim có bênh vực phía người Mỹ nhưng không bênh một cách lộ liễu. Nay nếu chỉ nhìn vào con số 420 người bị bỏ rơi, rồi còn quảng diễn thêm thì chỉ là thể hiện thái độ giận hờn thuần tình cảm.  Chỉ nên trách nhà làm phim nếu có những hình ảnh nguỵ tạo hay sai lạc, không nên trách sao không có cảnh này hay chi tiết kia vì đó chỉ là ý kiến chủ quan của người coi, không có cùng mục đích và sự hiểu biết như người thực hiện phim.

Cuốn phim Last Days in Vietnam có trọng điểm là nói lên nỗ lực của Hoa Kỳ để di tản tối đa số người VN đang tìm mọi cách để thoát khỏi vòng vây ngày càng thắt chặt của quân đội CS Bắc Việt. Sự việc trong số cả ngàn người Việt đã tràn vào Toà Đại Sứ Mỹ có 420 người bị bỏ rơi lại là một sự thật nghẹt thở nhưng chắc chắn chẳng thể tránh được. Trong khi đó, sự kiện có hàng trăm chuyến trực thăng di chuyển người trong những điều kiện ngặt nghèo mà không một tai nạn nào xẩy ra cũng là một thành quả kỹ thuật đáng khâm phục. Rồi đoàn tầu di tản gần một trăm chiếc với khối người đông như kiến đã vượt biển đến được Phi Luật Tân rồi được chuyển nhanh chóng tới các trung tâm tạm cư cũng phải nhờ sự nỗ lực của nhiều người có khả năng và thiện chí.

Trong khung cảnh cả VNCH và Hoa Kỳ đều thất trận vào tháng 4/1975, đắng cay và oán hận lẫn nhau là phản ứng tự nhiên, nhưng tiếp tục trách cứ nhiều thập niên sau đó, nhất là với thành phần đã được định cư  tại Hoa Kỳ, thì không công bằng và vô ích. Nay, khi có người làm phim tìm cách soi rọi vài điểm son trong hoàn cảnh cuộc thất bại chung đó thì là việc làm tốt, chẳng nên lên án.

Trở lại với mục tiêu chính của bài viết này là nhận định về cuốn phim và nhân đó nhìn qua bối cảnh lịch sử của VN, Hoa Kỳ và Thế giới vào năm 1975. Cuốn phim là một biệt lệ trong số những tài liệu lên án Mỹ trong những thập niên qua. Về phía người Việt, nếu chỉ nhìn đơn thuần là “phản bội đồng minh” thì là đã phủ nhận nhu cầu chính trị mà Hoa Kỳ cần có vào thời điểm bấy giờ. Không thể nào đòi hỏi hay chờ đợi chính quyền Mỹ phải đặt quyền lợi của đồng minh VNCH lên trước quyền lợi hay nhu cầu của chính Hoa Kỳ.

Vào đầu thập niên 70, đối diện với áp lực quân sự của Liên Xô, phong trào phản chiến do khối Cộng chủ động và tình hình ở Trung Đông, tách rời thế đồng minh của Liên Xô và Trung Cộng là nhu cầu chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, việc tìm cách “bắt tay” với Trung cộng rõ ràng là lợi ích to lớn về phía Mỹ, chưa kể là chuyện tách rời thế liên kết Nga Xô – Trung cộng cũng đồng thời làm giảm đi sự hậu thuẫn của TC đối với VC. Cho nên Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh và triệt thoái quân đội Mỹ khỏi VN là một thành công ngoại giao to lớn của Mỹ, cho phép Mỹ thoát khỏi thế bế tắc tại VN. Bảo rằng Hiệp định Paris là văn kiện thất trận của Mỹ (chính quyền Nixon) và VNCH  e rằng không chính xác. VNCH và Mỹ chỉ thật sự thất bại vì tình hình chính trị nội bộ của Mỹ với biến cố Watergate, vị trí toàn cầu của nước Mỹ không còn như cũ khi TT Nixon thoái vị, thay thế bởi nước Mỹ với TT Ford. Khi Nixon bị truất phế thì hậu thuẫn to lớn của VNCH không còn nữa và hiển nhiên là cuộc tổng tấn công của CS BV là hậu quả tất nhiên của Watergate.

Dư luận về phía cựu chính giới VNCH đặc biệt lên án ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, thậm chí còn cho rằng phim Last Days in VN là một cố gắng bào chữa cho Kissinger xem ra không thuyết phục. Có thể nói trong hoàn cảnh thế giới vào đầu 1970, bất cứ người phụ trách ngoại giao nào của Hoa Kỳ cũng có chọn lựa không khác Kissinger là bao.

Xin gửi bạn đọc một Youtube về tình hình Việt Nam vào năm 1973 và nguyên nhân dẫn tới thất bại năm 1975.
https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=7hqYGHZCJwk

Sau cùng, nhìn vào nhu cầu chính trị của năm 2015, thì một cuốn phim nói lên khía cạnh tốt của người Mỹ trong tương quan Mỹ Việt sẽ có lợi cho “phía chúng ta” hơn. Cảm tình của quần chúng Việt Nam đối với Mỹ là yếu tố khiến Việt Nam, dầu còn là dước chế độ Việt Cộng, bớt bị cuốn hút vào vòng chi phối bởi Trung Cộng. Một chế độ Cộng Sản VN gần với Mỹ sẽ dễ được chuyển hóa hơn là nếu chế độ đó bám chặt lấy quan thầy Trung Cộng. Những thái độ “hận Mỹ” và chống đối “hợp tác giữa Mỹ và CSVN” chỉ là để giải toả những ẩn ức trong quá khứ và có tác dụng tiêu cực trong hiện tại.

Tóm lại phim “LastDays in Vietnam ” là một phim tài liệu tương đối khách quan và đầy đủ mô tả tình trạng bi đát của những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ bởi cuộc tấn công của quân CS Bắc Việt. Phim không mô tả tình trạng của chế độ VNCH vào những ngày này mà nhắm tường thuật vụ đào thoát của hàng trăm ngàn người Việt tìm cách bỏ nước ra đi trước khi Việt cộng tràn tới.

Giới trẻ VN ở trong và ngoài nước nên coi phim này để biết giá trị của Tự Do và trang sử đau thương của VN vào tháng 4 năm 1975. 

Hoàng Cơ Định
hoangcodinh@comcast.net

No comments:

Post a Comment