Thursday, December 14, 2023

CUỐI MÙA NHAN SẮC XII - JEFFREY THAI




Vượt khoảng đường 400 dặm, tôi trở về thăm lại thành phố cũ - nơi tôi đã từng sống ngót nghét hơn hai thập kỷ, bỏ lại đằng sau lưng thành phố lạ ngày nào.   Chuyến hành trình tựa như một bộ phim quay ngược của chuyến ra đi ngày ấy (mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên).  Ra đi và trở về, ở giữa hai động thái ấy là một khoảng thời gian đủ dài:  bốn năm.  Sau bốn năm, trên chuyến hành trình quay lại, tôi có dịp thêm một lần nữa nhìn lại chính mình ở...  cuối mùa nhan sắc.  

Bốn năm.  Dài hay ngắn?  Đôi khi, tôi thấy mình mất đi khái niệm về độ dài của thời gian.  Tôi chỉ cảm thấy rằng thời gian sao cứ ngày càng trôi qua nhanh quá, và dường như tôi cứ thế mà trôi tuột sâu hơn vào cuối mùa nhan sắc.  Trên con đường trơn trượt ấy, tôi thấy mình cố bám víu vào một điểm tựa vô hình với hy vọng mơ hồ có thể làm chậm lại sự tàn phai.  Liệu là điều ấy có quan trọng không, khi biết bao người có lẽ chẳng hề màng tới?   Với tôi, có lẽ là có ít nhiều, vì tôi biết tôi vẫn còn phải trình diện cuộc đời và tôi hoàn toàn không muốn sự trình diện đó mang dáng nét của một sự đổ vỡ hoàn toàn.  

Gặp lại một vài người quen (nhưng không biết), tôi nhận rõ sự tàn phai trên dáng hình họ, và tôi nghĩ, biết đâu họ cũng nghĩ như thế về mình.   Dĩ nhiên, sự tàn phai là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là ở mức độ mà thôi:  chấp nhận được và không chấp nhận được.  Có hai sự kiện sau đó trong ngày đã khiến tôi ít nhiều cảm thấy rằng có lẽ mình trông cũng chưa đến hồi bi thảm.   Những cách đối xử ưu ái và những cái nhìn thiện cảm mà tôi đã nhận được, tôi đoán chừng là đều bắt nguồn từ dung mạo của mình.  Sự đoán chừng ấy có hoàn toàn chính xác không?  Tôi không bận tâm nhiều lắm về điều đó, bao giờ tôi vẫn còn có thể nghĩ thế, là tôi vẫn còn cảm thấy tạm ổn về chính bản thân mình.  Và tôi chợt mơ hồ nghĩ về một ngày nào đó, có lẽ mình sẽ không còn trình diện đời sống này nữa, mình rồi sẽ như thể đã tan vào hư không.

Sau bốn năm, tôi trở về thăm lại những nơi chốn thân quen và dấu yêu cũ.  Tất cả dường như vẫn thế, không thay đổi gì nhiều, đến nỗi tôi tưởng chừng như đã chẳng hề có cái khoảng cách bốn năm trường ấy ngăn cách giữa quá khứ và hiện tại.  Tôi đã về lại và đã sống lại những ngày trước khi ra đi - những ngày mang dáng nét của một cơn mê đời thật hoang vắng và lẻ loi, nhưng cũng thật đẹp vô chừng.  Sao kỳ lạ quá?  Tôi tự hỏi chính mình, mình bây giờ và mình của ngày ấy có gì khác nhau không.  Dường như không, không gì khác cả; tôi vẫn là người của muôn năm cũ.   Trong giây phút, tôi chợt như quên, quên đi tất cả, quên hẳn rằng mình đang trơn trượt sâu hơn vào cuối mùa nhan sắc.   

Tuy vậy, nếu hỏi tôi rằng, tôi có muốn quay về để sống tiếp những ngày tháng cũ, thì câu trả lời là không.  Đoạn đời ấy đã thực sự qua rồi.  Đoạn đời ấy đã thực sự qua đi, qua đi như bóng dáng của cố nhân năm nào.  Tất cả chỉ còn lại là hoài niệm mà thôi - một thứ hoài niệm mơ hồ và mông lung, buồn như tiếng còi tàu của chuyến tàu cuối cùng buổi hoàng hôn.   Tôi, một lần nữa đã vượt quãng đường dài để về lại công viên ngày cũ, khi màn đêm đã buông, khi chuyến tàu hoàng hôn đã xa khuất lâu rồi.  Tôi đứng ngắm nhìn những ngọn đèn trang trí Giáng Sinh thật đẹp trong đêm mà thấy có chút hơi ấm nào đó len nhẹ vào hồn.  Nhưng rồi tôi cũng tự thầm nhủ với mình, một lần này nữa rồi thôi.  

Mai tôi lại từ giã thành phố này để trở về thành phố lạ.  Tôi sẽ mang theo chút hơi ấm nồng nàn của những giờ phút hoài niệm này như một thứ hành trang mà mình đã bỏ sót lại buổi ra đi.  Có phải chăng đời thật buồn ở cuối mùa nhan sắc vì tất cả những gì con người ta còn có thể có được chỉ là... hoài niệm.  

13/12/2023


Tuesday, December 12, 2023

CUỐI MÙA NHAN SẮC XI - JEFFREY THAI

 


Tôi vừa trải qua cuộc hành trình 400 dặm để trở về thăm lại thành phố cũ - nơi tôi đã rời đi cách đây bốn năm về trước, và đây là chuyến viếng thăm dài ngày.   Có điều gì đó rất quen, rất gần trong không gian hôm nay.  Cũng phải thôi.  Cũng chính những đoạn đường ngày ấy trên xa lộ 20 và 22.  Cũng chính cái không gian ấy - những ngày lập đông băng giá với nắng và gió rất hiền.  Trong thoáng chốc, tôi cứ tưởng chừng như đã chẳng có điều gì xảy ra cả, đã chẳng có cuộc ra đi nào cả; và tôi chỉ đang trở về thành phố từ sau một chuyến đi xa.  Dĩ nhiên, đó chỉ là ảo giác.  Thực tế là, tôi đã đi sâu hơn thêm bốn năm nữa vào...  cuối mùa nhan sắc.  

Vậy là thêm bốn năm nữa đã trôi qua.  Thêm bốn năm nữa đã cộng thêm vào tuổi đời, thành một tổng số không ai muốn nhớ đến. Bốn năm làm tàn phai thêm nhan sắc, nhân dáng như một định luật muôn đời.  Đôi khi, tôi thấy mình là một kẻ ngoan cố kỳ lạ, khi vô tình hay hữu ý, tự ảo tưởng rằng mình vẫn là người của muôn năm cũ.  Thực ra, tôi không có ý lường gạt ai cả, tôi chỉ cố dẫn dụ chính mình cố mà sống trọn, sống vui một kiếp nhân sinh này.  Càng đi sâu hơn vào cuối mùa nhan sắc, tôi càng cảm nhận một nỗi trống rỗng mênh mông cứ lớn dần lên bất tận trong cõi lòng mình.  Nó khiến cho mỗi ngày sống tới của tôi trở thành một ngày chiến đấu, và đôi khi, để chiến thắng tôi không thể không ít nhiều lường gạt chính bản thân mình.  

Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên.  Thành phố sáng rực ánh đèn.  Hình như rất nhiều đèn hơn thì phải so với ngày xưa.  Cả xe cộ cũng vậy.  Đông đúc hơn rất nhiều.  Càng lúc càng đông.  Lượng xe cộ di chuyển ồ ạt đó dễ làm nao núng và hoảng sợ những tay lái tinh mơ.  Thành phố bao giờ cũng lộng lẫy và tráng lệ, xứng đáng với tầm thế và danh tiếng của nó.  Không thể nhớ được đã bao nhiêu lần tôi lái xe qua đoạn đường vòng quanh qua downtown thành phố.  Một sự quen thuộc đến gần như trở thành một tập quán.   Và có lẽ chính sự quen thuộc ấy, nó đã đem đến cho tôi cái cảm giác của một thứ quê hương - cái thứ khái niệm mà chỉ có cái chết mới khiến người ta quên đi được.

Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên.  Với tâm thế của một cố nhân.  Đi tìm lại ảnh hình đã mòn phai của một cố nhân nào đó trong cuộc đời.  Đã nhiều ngày tháng trôi qua, sao tôi lại thấy mọi thứ quen thuộc đến mức như đã chẳng hề rời xa.  Mỗi một đoạn đường, mỗi một khoảng xa lộ, mỗi một ngã rẽ lại ngồn ngộn biết bao nhiêu ký ức của những tháng năm tôi đã sống nơi này.  Thực tế là, thành phố này là nơi tôi đã sống dài lâu nhất trong cuộc đời mình.  Nhưng có một góc khuất của nó mà không phải ai cũng biết.  Nó to lớn quá, nó mênh mông quá, nó hùng vĩ, tráng lệ quá; và đi kèm với tất cả những tính từ miêu tả sự đồ sộ, khổng lồ ấy là cả một nỗi cô đơn bàng hoàng, mang sức nhấn chìm của một trận đại hồng thủy.   Rời xa nó, tôi chạy trốn nỗi cô đơn ngút ngàn.  

Càng đi sâu hơn vào cuối mùa nhan sắc, tôi thấy mình thảng thốt đi tìm lại dấu vết của những thân quen cũ.  Chúng mang hơi ấm có sức yên ủi diệu kỳ.  Tôi muốn lần này được một lần có đủ thời gian để thăm lại những nơi thân quen, dấu yêu cũ.  Cuộc đời mà!  Ai biết ngày mai ra sao?   Lần nào cũng có thể là lần cuối, phải không?  

Atlanta 11/12/2023


Saturday, July 15, 2023

BA GIỜ SÁNG, MỘT PHỤ NỮ GÂY CHẤN ĐỘNG THÀNH PHỐ - VISION TIMES

 


Nếu một người thực sự muốn làm điều gì đó, người này sẽ tìm cách. Nếu như không muốn làm thì người đó nhất định sẽ tìm lý do.

Đây là câu chuyện đã xảy ra ở Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, vào ngày 13 tháng 11 năm 1953. 3 giờ sáng hôm đó, chàng lính cứu hỏa Erich 20 tuổi đã nhận được cuộc gọi trong ca trực của mình. 

Ngay khi chuông điện thoại reo lên, Erich cầm máy và nói: “Xin chào! Đây là đội cứu hỏa”. Không có ai trả lời ở đầu dây điện thoại bên kia, thế nhưng Erich lại nghe được tiếng thở nặng nề.

Wednesday, July 12, 2023

SAU LƯNG CỦA MỖI CÔNG DÂN LUÔN LÀ MỘT TỔ QUỐC! - TONY

 

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn Quốc quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biến từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng [Emperor Meiji Period].

Ðể rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Sunday, July 9, 2023

CHUYỆN SÀI GÒN...." BAO NHỚ" - VÔ DANH

 


Lần đầu tôi đến Sài Gòn, năm 1991, tất nhiên có hàng ngàn thứ lạ lẫm, một trong đó là chữ “bao".

Đầu tiên là gặp vựa trái cây, quận Tám, có lẽ do ngay bến ghe thương hồ từ miền Tây lên đây cập bến để lên hàng, nên trái cây ngon, trái cây luôn được bao ăn. Tôi ghé vô hỏi thẳng: bao ăn là sao chú?

Ông lão không nhìn tôi, tay chụp cặp thơm ném dưới ghe lên thoăn thoắt điệu nghệ, miệng ngậm thuốc rê, trả lời gọn lỏn: là ăn thoải mái, thích thì mua không thích đừng! Vậy là ghé thử liền, chôm chôm Vĩnh long trái đỏ lựng, lột ăn thoái mái, sầu riêng tách vỏ sẵn, muốn ăn lấy tay xé ăn, măng cụt có con dao Thái, cán vàng đang cắm trên miệng cái cần xé, ăn trái nào hớt đầu trái đó… Ăn xong, đã nư rồi mua mỗi thứ một ít, làm quà, cân 3 ký chôm chôm xong chị bán hàng còn bốc thêm vài bốc bỏ vô, một chục măng cụt tính 14 trái, mua trái sầu riêng được tặng luôn trái hồi nãy mới thử..., đã quá...!

Monday, July 3, 2023

(TRUYỆN NGẮN) TÌNH YÊU HỌC TRÒ - TRẦN THỊ NHẬT HƯNG

 

Nàng rất yêu môn toán vì nàng giỏi toán, do đó, với bất cứ thầy, cô giáo nào dạy toán cũng chiếm ngay cảm tình của nàng đầu tiên. Đặc biệt nàng dành cho thầy hơn cô. Đương nhiên thôi, vì âm dương như nam châm thường hút nhau. Và trong số nhiều thầy toán nàng gặp, già, trẻ, đẹp, xấu đủ cả: Người đáng tuổi cha thì nàng yêu như bố, người đáng tuổi anh (bị tội xấu trai, nàng chỉ yêu như anh trai thôi) còn người đồng trang vừa lứa lại đẹp, lại độc thân đương nhiên nàng yêu như… chồng, dù nàng chưa từng là tình nhân.

Và nàng đã gặp người trong mộng, chú tâm đến thầy Sơn dạy toán. Thầy Sơn vừa trẻ lại đẹp trai, giỏi và nhất là thầy chưa có vợ! (nàng điều tra nhanh, chỉ biết chưa có vợ là được, còn thầy có người yêu chưa thì… mặc thầy, nàng không cần biết tới). Nàng đang ở tuổi dậy thì 17 mộng mơ. Tuổi của tình yêu, của trái tim mẫn cảm dễ bật lên cung đàn yêu thương và nàng cứ để tự nhiên cho con tim làm việc!

Monday, June 12, 2023

CẢM NGỘ "TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI": THẾ NÀO MỚI LÀ "TÌNH YÊU CAO THƯỢNG"?


 “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. 

Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy”.

Saturday, April 29, 2023

CHIẾN TRANH "GIẢI PHÓNG", VÀ DIỄN VIÊN ĐƠN DƯƠNG - TUẤN KHANH

Những người sống ở Sài Gòn nói họ tuy đã quen với việc hàng năm, đến ngày 30 Tháng Tư, nhà cầm quyền lại cho trương khắp nơi các bích chương, biểu ngữ mừng ngày “giải phóng miền Nam”, nhưng quen, không có nghĩa là không có những phản ứng nhất định, dù đã gần nửa thế kỷ đi qua.

Việc xác định là “giải phóng”, có lúc này lúc khác. Tùy theo cảm quan của người đứng đầu bộ máy nhà nước và thời thế. Đã có lúc cả miền Nam rộ lên niềm vui khó tả khi đọc được những dòng tâm tình của ông Võ Văn Kiệt, về ngày 30 Tháng Tư là có “triệu người vui, cũng có triệu người buồn”. Giai đoạn đó, những ngôn luận nhận thức khác lạ đó, mô tả được một tâm trạng có thật dai dẳng trong dân chúng: Miền Nam là của những người xác nhận mình thua cuộc, nhưng không nhận là mình được giải phóng.

Tuesday, April 25, 2023

NỮ VĂN SĨ BÀ TÙNG LONG VÀ MỘT THỜI TRUYỆN “FEUILLETON” TRÊN BÁO CHÍ SÀI GÒN 60 NĂM TRƯỚC

 


“Bà Tùng Long là một văn sĩ nổi tiếng từ thập niên 1950 ở Sài Gòn. Bà viết văn giản dị, mộc mạc, lối văn của miền Nam, như Hồ Biểu Chánh nhưng hiện đại hơn vì bà được theo học chương trình trung học Pháp từ thời tiểu học ở Đà Nẵng, rồi sau đó là tại các trường nữ sinh danh tiếng là Đồng Khánh ở Huế, Gia Long (trường áo tím ở Sài Gòn). 

Truyện của Bà Tùng Long là loại văn chương dễ đọc, phù hợp với người đọc đại chúng, với những câu chuyện mang tính chất luân thường đạo lý…, khác với loại văn chương trau chuốt của miền Bắc mà đại diện là Tự Lực Văn Đoàn”. 

Đó là những lời giới thiệu của giáo sư Trần Văn Khê đối với nữ văn sĩ Bà Tùng Long. Ông là bạn học với em gái của bà, theo ký ức của mình, giáo sư Trần Văn Khê nói Bà Tùng Long có vẻ đẹp thanh lịch, quý phái, gia đình trung lưu và nề nếp. 

Tuesday, April 11, 2023

NĂM NĂM RỒI KHÔNG GẶP - LÊ HỒNG MINH

 

“Chuyện Tình Buồn” có thể được xem là một trong những bản nhạc tình hay và cực kỳ lãng mạn của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Câu chuyện trong bài thơ hay bài hát đều kể về một thanh niên có gia đình theo đạo Phật, đem lòng yêu một cô gái rất đẹp theo đạo Công giáo. Hồi đó, những câu chuyện như thế này là không hề thiếu, và chắc chắn là luôn gặp phải trắc trở vì bị cả hai gia đình, thậm chí cả dòng họ ngăn cấm tới cùng!

Monday, April 10, 2023

MỐI "TÌNH TRAI" CỦA NHÀ THƠ XUÂN DIỆU VÀ NHÀ THƠ HOÀNG CÁT - THIÊN KIM

Nhà thơ Hoàng Cát có một căn phòng riêng đầy kỷ niệm, căn phòng mà với ông, nó là một "cõi thiêng" với rất nhiều điều được lưu giữ. Rất nhiều sách, rất nhiều kỷ vật, ảnh, giấy bút, bản thảo, và cả một kho thuốc cho căn bệnh quái ác từng hành hạ ông tưởng không thể vượt qua để mà tồn tại được.

Đôi chân thương binh thập thễnh nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, dường như chưa bao giờ ngơi nghỉ trên con đường sống. Và tuyệt vời hơn nữa, là dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống, ông vẫn là một nhà thơ nuôi dưỡng được cảm xúc cho trái tim với những nhịp yêu bất chấp thời gian. Chính vì thế, thơ của ông, luôn nặng trĩu những ân tình. Bởi vì ông đã có rất nhiều ký ức của cả một thời kỳ đẹp nhất trong đời sống thi ca với những con người thơ đã bất tử cùng chặng đường văn chương của dân tộc.

Tuesday, March 28, 2023

CON CHÓ - SƯU TẦM

 


Hồi tôi mới độ 15 tuổi, bố tôi mang về một con chó đực. Con chó có bộ lông trắng, đôi mắt màu nâu đen rất đẹp. Năm đó mất mùa đói kém, gia đình tôi phải thường xuyên ăn độn khoai sắn. Lạ lùng thay, con chó này cứ lớn phổng phao, mượt mà. Nó phải nặng đến 15kg. Cũng như nhiều gia đình khác, những con chó nuôi đều không được đặt tên. Nó là loài vật, nên vô danh ! Mỗi lần muốn gọi, chỉ cần: "Êu, Êu" là nó xuất hiện, ve vẩy đuôi, miệng rít lên những tiếng như tiếng rên, rất dễ thương ! Thường ngày, khi không có ai cần đến, nó nằm khoanh tròn trong gậm giường, đầu hướng ra phía cửa. Có khách lạ, nó sủa lên vài tiếng báo hiệu. Còn là người quen thân, nó vùng dậy, xông ra, vẫy đuôi rối rít và kêu lên mừng rỡ.

Saturday, March 25, 2023

BÃO TỐ - JEFFREY THAI

 

Chiều qua, tôi vô tình nghe được tin thời tiết, báo động sẽ có một cơn bão sắp đi qua.  Tối đi làm về - tối của một đêm cuối tuần - lòng muốn đi một nơi nào đó trong đêm, nhưng trời mưa tầm tã và kéo dài.  Đúng là trời đang giông bão như đã được báo động, nên đành về nhà thôi, dù có chút tiếc nuối. 

Sunday, March 5, 2023

THƠ: NGÀY TRẺ BA TỪNG YÊU - LEWIS TRƯƠNG

 

Ba kể về ngày trẻ ba từng yêu,

yêu say đắm một người không phải mẹ

đôi tay chẳng thon

bờ vai chẳng nhỏ bé

đôi mắt không tròn

sơ-mi sẫm màu be.

Thursday, February 2, 2023

ĐẾN TUỔI TRUNG NIÊN, HÃY DẸP BỎ NHỮNG ÂN OÁN - TRÚC NHI


Người ta khi tuổi tác càng lớn dần lên, càng cảm nhận sâu sắc về những vấn đề của cuộc đời. Khi bước sang tuổi trung niên cũng là lúc họ hiểu ra rằng, đã đến lúc phải dẹp bỏ những ân oán!

1. Nếu cuộc sống không dễ dàng với bạn, liệu nó có dễ dàng với những người khác?

Cho dù bạn có khóc mỗi ngày cũng không thể thay đổi số phận của mình. Khi một người bước vào tuổi trung niên, điều quý giá nhất không phải là lăn những giọt lệ mặn chát trên má, mà là sự mạnh mẽ và quyết tâm trong trái tim.

Do đó hãy dẹp bỏ những ân oán đi, đừng để trái tim thủy tinh dằn vặt cuộc đời bạn. Hơn nữa, cắn răng kiên trì chịu đựng nỗi đau còn tốt hơn gấp vạn lần tìm người để phàn nàn.

NÀNG ROZA VÀ CHÀNG THỦY THỦ

 

Trong thời gian đi biển, một thủy thủ nhận được những bức thư của một cô gái mà anh ta chưa từng gặp, tên là Roza. Họ viết thư cho nhau suốt 3 năm. Đọc những bức thư và trả lời cô, anh  hiểu rằng không thể sống thiếu những bức thư của cô. Họ thầm yêu nhau mà không nhận ra điều đó.

Khi anh trở về đất liền, họ hẹn gặp nhau ở nhà ga Trung tâm của thành phố vào lúc 5 giờ chiều. Roza viết rằng cô sẽ cài một bông hồng đỏ vào khuyết áo của mình.

Người thủy thủ nghĩ: anh chưa bao giờ nhìn thấy ảnh của Roza. Anh không biết cô bao nhiêu tuổi, xấu hay đẹp, béo hay gầy.

SUY NGHĨ CỦA PHẠM DUY VỀ HCM

 

Tôi còn nhớ rất rõ cái hôm Đại hội Văn nghệ ở Việt Bắc mùa hè năm 1950. Tố Hữu đã phá vỡ giấc mơ của nhiều người. 

Trước tiên ông ta tấn công vào nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: “Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, tiêu tan cả chí phấn đấu.”

Lưu Hữu Phước đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ của mình: “Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ Vọng Cổ được đâu”.

Nhưng Tố Hữu nói: “Vọng Cổ làm cho Việt Nam mất nước, nên phải cấm nó thôi.”

Dẹp xong vọng cổ, Tố Hữu quay sang kịch thơ.

“Nội dung phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với kháng chiến.”

Tuesday, January 31, 2023

CUỐI NĂM KỂ CHUYỆN MA - ĐÀO VĂN

 

Cuối năm, kể chuyện ma: Ma cản đường (1947),hồn ma báo mộng (1959), tôi “phá” nhà ma và dụ ma xuất (1970)

✱ Tổ chức IPSOS: Mở cuộc khảo sát vào năm 2019, kết quả có  gần một nửa số người Mỹ tin rằng ma là có thật (46%)

✱ Dr. Spalding:  Sự hiện hình ở nghĩa địa chỉ là hình ảnh của thể phách đang tan rã, chứ không phải ma quỷ, vong linh. Khi ta chết, thể xác hư thối thì thể phách vốn là thể trung gian giữa thể xác và thể vía cũng tan rã theo

✱ Cảnh sát Hồng Kông: Sự thật khó hiểu chính là trong dạ dày 4 người đã qua đời có số thức ăn trùng khớp với đồ ăn mua của nhà hàng Triều Dũng Ký ngày hôm trước. (HK Police concluded case as Ghost Incident).