Thursday, February 2, 2023

SUY NGHĨ CỦA PHẠM DUY VỀ HCM

 

Tôi còn nhớ rất rõ cái hôm Đại hội Văn nghệ ở Việt Bắc mùa hè năm 1950. Tố Hữu đã phá vỡ giấc mơ của nhiều người. 

Trước tiên ông ta tấn công vào nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: “Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, tiêu tan cả chí phấn đấu.”

Lưu Hữu Phước đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ của mình: “Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ Vọng Cổ được đâu”.

Nhưng Tố Hữu nói: “Vọng Cổ làm cho Việt Nam mất nước, nên phải cấm nó thôi.”

Dẹp xong vọng cổ, Tố Hữu quay sang kịch thơ.

“Nội dung phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với kháng chiến.”

Đó là trường hợp Lưu Hữu Phước và Hoàng Cầm. Họ Lưu hiền lành và nhẫn nhục, ông cố đấm ăn xôi đi theo cộng sản tới cùng. Còn Hoàng Cầm thì rẽ qua Nhân Văn Giai Phẩm và bị đày đoạ suốt đời.Riêng tôi, họ buộc tôi phải khai tử những đứa con của mình như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh, Bên Cầu Biên Giới…vì cho là uỷ mị, tiêu cực. 

Sau đại hội, mọi người không ai ngờ là “cách mạng” lại lẩm cẩm đến như vậy. Nhưng khi sự lẩm cẩm trở thành lệnh thì nó biến thành sự ngu đần quái dị.

Phạm Duy kể tiếp:

“Qua khỏi một con suối được đặt tên là Lê Nin thì thấy hiện ra một ngôi nhà sàn bằng tre rất đẹp, có ông Chủ Tịch họ Hồ đang ngồi đánh máy. Nhìn thấy ông, tôi vẫn cảm động như lúc gặp ông lần đầu. Nhưng vì bây giờ được nhìn ông gần hơn lần trước, tôi thấy cặp mắt của ông thật là sáng, nhưng nó không toát ra một sự trìu mến. Cũng có thể một người làm chính trị suốt đời như ông thì lúc nào cũng cần phải quyết liệt, phải tàn nhẫn, cho nên ông có một cái nhìn rất dữ.

Tới gặp ông lần này, tôi đủ thông minh để thấy ngay rằng đối với ông, lúc đó, tôi chẳng là cái gì cả. Không chừng ông cũng chẳng biết tới tên tôi hay biết tới công việc của tôi là đàng khác. Trong cái bắt tay hay trong câu chuyện, tôi chỉ cảm thấy có một chút thân mật của một người muốn làm cha thiên hạ, ban xuống cho một đứa con dân. Chỉ có thế thôi. Một nhà lãnh đạo như ông Hồ, đang có muôn ngàn chuyện phải làm, đâu có thì giờ để mà đãi ngộ một văn nghệ sĩ? Chẳng qua là vì những vị phụ trách về văn nghệ nghĩ rằng gặp ông Hồ là một ân huệ lớn đối với một công dân và nghệ sĩ như tôi. Trong mọi tính toán như: cho vào Đảng, cho đi Moscou, đề nghị tặng huân chương, còn có thêm một tính toán nữa là cho tôi gặp một người mà ai cũng mong được gặp.

Họ không biết là tôi đã từng được mời tới gặp ông Bảo Đại khi ông vua này đi săn và tới Phan Rang hồi năm 1943. Tôi đang đi hát với gánh Đức Huy ở đó, ông Tỉnh Trưởng là Nguyễn Duy Quang cho xe hơi tới đón tôi đưa vào Dinh Tỉnh Trưởng để đàn hát cho ông vua nghe. Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Chỉ có tôi và Bảo Đại ngồi ở trong phòng khách. Ông chăm chú ngồi nghe tôi hát, hỏi thăm gia đình tôi. Gặp ông vua mà cũng chẳng thấy có gì là ghê gớm cả. Ông vua nghe mình hát thì cũng như… ông trọc phú hay ông phu xe — những quý vị khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp — nghe mình hát mà thôi. Nhưng phải công nhận rằng ông Bảo Đại là một người rất nhã nhặn, rất thích âm nhạc. Tiếc rằng tôi không nhìn được rõ đôi mắt của ông vì ông luôn luôn đeo kính đen.

Nhưng có một điều mà bây giờ tôi mới nhìn thấy khi tôi gặp ông Hồ Chí Minh ở Việt Bắc là: dù đây là một thứ chính quyền Cách Mạng nhưng ở cái nơi chiến khu âm u bí hiểm này cũng có một thứ triều đình rồi — chẳng trách Nguyễn Tuân gọi đây là đất thánh. Triều đình nào cũng phải có kẻ nịnh. Kẻ nịnh bao giờ cũng đông hơn người trung. Lúc tôi tới nơi ông Hồ ở là lúc tôi thấy Tống Ngọc Hạp đem một bầy thiếu nhi tới và tôi chứng kiến một sự “tranh nhau đi gặp Bác Hồ”, một sự cãi nhau om sòm giữa người này người nọ trong khi chọn ai được vào gặp, ai không được vào gặp. 

Tôi trở về Yên Giã, lòng rất thản nhiên vì bây giờ thì tôi không còn gì để thắc mắc nữa. 

(Trích Hồi Ký Phạm Duy)

No comments:

Post a Comment