Tuesday, April 11, 2023

NĂM NĂM RỒI KHÔNG GẶP - LÊ HỒNG MINH

 

“Chuyện Tình Buồn” có thể được xem là một trong những bản nhạc tình hay và cực kỳ lãng mạn của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Câu chuyện trong bài thơ hay bài hát đều kể về một thanh niên có gia đình theo đạo Phật, đem lòng yêu một cô gái rất đẹp theo đạo Công giáo. Hồi đó, những câu chuyện như thế này là không hề thiếu, và chắc chắn là luôn gặp phải trắc trở vì bị cả hai gia đình, thậm chí cả dòng họ ngăn cấm tới cùng!

Chiến cuộc bùng nổ khiến chàng trai đành xếp bút nghiên ra chiến trường, còn nàng ở nhà, và lên… xe hoa với người khác. Câu chuyện tình éo le ấy tưởng như vậy là đã đau khổ quá rồi, có ai ngờ đâu khi chàng trai trở lại, thì “năm năm rồi trở lại, một màu tang ngút trời, thương người em năm cũ, đêm goá phụ bên song.” Vì sao? Thì ra chồng của nàng, một sĩ quan quân y và cũng là một người bạn của chàng trai đó, đã tử nạn trong một phi vụ tản thương bằng trực thăng ở chiến trường Pleiku năm 1972!

Bài thơ “Chuyện Tình Buồn” ra đời ngay sau câu chuyện đau buồn đó và nhạc sĩ Phạm Duy đã giúp cho bài thơ này tới với bao thế hệ người nghe trong nửa thế kỷ qua. Chính tình cảm chân thật và xúc động của câu chuyện tình đã khiến cho cả lời thơ và bản nhạc đều đi sâu vào lòng người. Nhớ lại, hầu như những người yêu nhau trong thời buổi chinh chiến ấy đều dường như tìm thấy hình ảnh của chính mình trong bài thơ. Lứa thanh niên ở nông thôn hay đô thị, ngồi trên giảng đường hay mưu sinh ngoài đường phố, trong đó nhiều nhất có lẽ là những chàng trai lính chiến, đều có thể hát ít nhất vài câu của bản nhạc “Chuyện Tình Buồn” này, và không thiếu người xem như chính câu chuyện tình éo le đó là của chính mình vậy!

“Chuyện Tình Buồn” từ khi xuất hiện và đến tận bây giờ, hơn 50 năm đã qua, luôn được xem là một nhạc khúc không chỉ buồn, mà còn quá buồn cho một chuyện tình dang dở. Cung nhạc luôn vấn vương và da diết, lời thơ đượm vẻ u buồn mà nhuốm màu thương đau. Như chính tựa đề, bài hát là một câu chuyện tình yêu đượm buồn của thời tuổi trẻ nhưng lại mang nhớ thương day dứt mãi hoài, và có gì đau thương hơn khi người mà ta yêu thương nhất năm xưa, nay đã là góa phụ bồng con ngồi bên song cửa mà buồn…

THI SĨ PHẠM VĂN BÌNH

Phạm Văn Bình là người Huế, ông là tác giả của bài thơ nói về tình yêu dang dở của chính mình. Thi sĩ sinh năm 1940 ở Đông Hà (Quảng Trị) nhưng quê gốc ở Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên, nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sau khi hoàn tất bậc trung học và có bằng tú tài II, từ năm 1963, Phạm Văn Bình dạy môn Việt văn và Sử Địa tại Trường Trung học Bán công Đông Hà. Chỉ có ba năm được đứng trên bục giảng, năm 1966, ông phải gia nhập quân ngũ để thi hành lệnh động viên.

                                                          Nhà thơ Phạm Văn Bình (file photo)

Sau thời gian thụ huấn quân trường ở Trường sĩ quan Thủ Đức (khóa 24/TB), Phạm Văn Bình được điều về một sư đoàn Thủy quân Lục chiến, và có thời gian làm phóng viên chiến trường. Vô Sài Gòn, khi ấy ông mới quen biết thêm với giới văn nghệ và có thơ đăng trên các tạp chí. Và như một định mệnh, năm 1972, nhạc sĩ Phạm Duy, người được mệnh danh là “nhà ảo thuật phổ thơ”, đã chọn phổ nhạc một bài thơ mà sau đó trở thành bài hát bất tử. Đó là “Chuyện Tình Buồn”!

Thời trai trẻ, Phạm Văn Bình từng theo học các trường Thánh Tâm và Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị, Quốc Học và Đại học Văn Khoa ở Huế và có nhiều thơ được đăng trên các tạp chí thời ấy như Khởi Hành, Văn, Bách Khoa, Ngàn Khơi, Tuổi Ngọc, Tiền Tuyến và Tiền Phong.

Ông có tác phẩm “Lối Xưa Thiên Đường” (tuyển tập truyện ngắn do Tuổi Ngọc xuất bản), “Dòng Sông Trước Mặt” (tuyển tập truyện ngắn viết chung với Song Linh, Trần Văn Phú, Huỳnh Ngọc Toàn), “Chiến Ca Mùa Hè” (tuyển tập thơ viết chung với Phạm Lê Phan).

Đến tận giờ cũng không có nhiều người biết câu chuyện tình của thi sĩ Phạm Văn Bình và người phụ nữ trong ca khúc “Chuyện Tình Buồn” này chớm nở từ lúc nào, nhưng lúc họ chia tay, có lẽ vào quãng giữa thập kỷ 1960.

___________________


Năm năm rồi không gặp


Từ khi em lấy chồng


Anh dặm trường mê mải


Ðời chia như nhánh sông


Phong thư tình ngây dại


Và môi vai rất mềm


Những hẹn hò cuống quýt


Trên lối xưa thiên đàng.


Ngày nhà em pháo nổ


Anh cuộn mình trong chăn


Như con sâu làm tổ


Trong trái vải cô đơn


Ngày nhà em pháo nổ


Tâm hồn anh nhuốm máu


Ôi nhát chém hư vô


Ôi nhát chém hư vô…


Năm năm rồi đi biệt


Ðường xưa chưa lối về


Trong đìu hiu gió cuốn


Nằm chơ vơ gác chuông


Năm năm rồi cách biệt


Cỏ hoang sân giáo đường


Chúa buồn trên thánh giá


Mắt nhạt nhoà mưa qua.


Ngồi bâng khuâng nhớ biển


Bên bãi đời quạnh hiu


Anh như hồn thủy thủ


Cùng năm tháng phiêu du


Anh một đời rong ruổi


Em tay bế tay bồng


Chiều hắt hiu xóm đạo


Hồi chuông giáo đường vang.


Năm năm rồi không gặp


Từ khi em lấy chồng


Bao kỷ niệm chôn kín


Dường như đã lắng quên


Năm năm rồi trở lại


Một mầu tang ngút trời


Thương người em năm cũ


Thương góa phụ bên song…


_______________


Sau khi mối tình này không thành, Phạm Văn Bình lập gia đình với một cô học trò trẻ đẹp của ông tại trường Trung học Bán công Đông Hà và có ba người con. Sau năm 1975, người vợ đem ba con qua Mỹ trước, còn ông qua sau. Vậy người phụ nữ trong bài thơ Chuyện Tình Buồn là ai?

NGƯỜI ĐẸP THỊ XÃ ĐÔNG HÀ

Theo công bố của ký giả Lê Đình Bì, đó là cô Ana Nguyễn Thị Tuý, người đẹp nổi tiếng nhất nhì một thuở ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Vì sao Đông Hà chỉ là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm ở miền địa đầu giới tuyến đất đai khô cằn nhiều gió Lào cát trắng và khói lửa chiến tranh đội xuống liên miên mà lại sản sinh ra nhiều người đẹp như vậy?

                                                                Bà Nguyễn Thị Túy (file photo)

Cũng chính ký giả Lê Đình Bì đưa ra một giả thuyết và được xem là thuyết phục nhất: Vào thời điểm vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế chạy ra vùng Tân Sở phát hịch Cần Vương và lập chiến khu chống lại giặc Pháp, đã có nhiều cung phi mỹ nữ cũng chạy ra đây theo nhà vua. Trong số ấy, có lẽ có một số người đã vì một lý do nào đó mà “rơi rớt” lại, hoặc cũng có thể sau này các nàng ấy được trở về với đời sống bình thường, nên đã lập gia đình với cư dân địa phương, thành ra, những cô gái ở vùng Đông Hà, Cam Lộ… có nhiều cô phải nói là có nhan sắc đẹp mê hồn. Phải chăng là họ đã thừa hưởng được cái “gen sắc đẹp” của những người phụ nữ đã từng được tuyển chọn rất gắt gao để tiến cung ngày ấy?

Trong thực tế, nhà của Phạm Văn Bình và nhà cô Nguyễn Thị Túy cùng ở trong một con hẻm ở đường Phan Bội Châu, thị trấn Đông Hà. Cô Túy có một người anh trai là bạn thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này có nhan sắc, có học vấn (cô Túy không học ở Đông Hà mà học ở Trung học Bán công Huế), lại biết trang điểm, ăn mặc bắt mắt, nên Phạm Văn Bình thấy quá ưng ý mà đem lòng yêu đương. Hai người yêu nhau, nhiều người người ở Đông Hà ngày ấy thấy mối tình của họ rất chi là da diết, quấn quýt không rời.

Nhưng cách trở của tôn giáo hay chính thời cuộc đã khiến họ phải xa nhau. Cô Túy đi lấy chồng (như đã nói ở trên) và có tới bốn người con, nên Phạm Văn Bình sau này gặp lại đã viết trong bài: “Anh một đời rong ruổi; em tay bế tay bồng” là vậy. Cô Túy giờ sống tại Hoa Kỳ. Và trùng hợp thay, thi sĩ Phạm Văn Bình cũng định cư ở đây, nhưng ông đã mất hồi năm 2018 rồi.

LÊ HỒNG MINH 



No comments:

Post a Comment