Sunday, October 2, 2016

Tiếng Hát Ngọc Bích - Huy Chương Vàng Thanh Tâm 1967






Ngọc Bích tên thật là Trần Ngọc Bích, sinh ngày 2-11-1947 tại Bình Thủy, Cần Thơ. Cha là Trần Văn Niếu, làm thợ, mẹ là Nguyễn Thị Anh, buôn bán. Có thể nói trong gia tộc Ngọc Bích không một ai liên quan gì đến hoạt động nghệ thuật.

Dù cuộc sống vật chất rất nghèo khó, nhưng cha mẹ Ngọc Bích rất đỗi yêu thương nhau và hết lòng tận tụy vì các con. Họ đã chắt bóp từng đồng cho các con đến trường để khỏi phải thua kém chúng bạn. Lại nữa, biết đâu nhờ đó con mình thoát khỏi cái hoàn cảnh mà mình đang gánh chịu.

Là con gái lớn của một gia đình đông con, đến 11 chị em, suốt ngày cha mẹ phải tất tả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo, có khi đến tối khuya mới trở về nhà. Vì thế mọi chuyện trong gia đình, một mình cô bé quán xuyến, đùm bọc các em, ngay ở cái tuổi mà với những đứa trẻ khác thì chính cô phải cần đến bàn tay săn sóc của cha mẹ.

Ngoài những giờ học ở trường, công việc của Ngọc Bích thật vô cùng bề bộn, nhưng điều đặc biệt nơi cô bé chính ở chỗ cô bé đã phải ru từng ấy đứa em, hết đứa này đến đứa khác. Những bài ru em của cô bé lại không giống người khác, đó là những bài bản cải lương do cô bé học lóm đâu đó, hoặc sau này nhờ anh An một người hàng xóm tốt bụng nghe giọng hát của cô bé đã nảy sinh ý định hướng dẫn cô bé. Khi cô bé bắt nhịp được bản Nam Ai, Văn Thiên Tường, hoặc Vọng Cổ, v.v. thì cô bé bắt đầu với nỗi mơ ước thầm kín, nỗi mơ ước mà cô bé chưa bao giờ hé răng thố lộ cho bất cứ ai. Mỗi khi có gánh hát nào dừng chân diễn ở quê cô, thì lòng cô bé bỗng rộn lên, không dừng được, cô bé phải xin phép cha mẹ, rồi phải thu dọn mọi chuyện đâu vào đấy trước khi rời khỏi nhà đến rạp hát. Những đêm như đêm đó, sau buổi diễn, trở về, một mình trên giường với bóng tối, cô bé đã để mặc lòng mình bay đi trong giấc mơ. Nhưng không giống cô bé Hubertine trong Giấc Mơ do Vivien Leigh thủ diễn, cô không mơ ước có một vị huân tước bất ngờ đến với mình, đánh thức cô dậy và ngỏ ý muốn cưới cô làm vợ. Còn Ngọc Bích thì mơ ước được bay tới một thế giới mà ở đó, cô bé thành một Thanh Nga, một Út Bạch Lan giữa âm thanh xao động của sân khấu, không chỉ vì lòng say mê đối với sân khấu cải lương như một cái gì không thể dứt bỏ được, đồng thời còn là cơ hội cho cô bé giải thoát cuộc sống cơ cực của gia đình và bản thân cô bé. Và cô bé đã thiếp đi trong giấc mơ một đời hương phấn.

Những buổi sớm mai khi thức dậy, cô bé lại phải đối diện với tất cả những lo toan bề bộn của mình. Cô bé đã phải nghiến chặt hai hàm răng lại để khỏi bật khóc. Cô bé vốn tính quen chịu đựng và biết chống chỏi, nên lòng say mê sân khấu không hề nguội đi. Tình thương đối với cha mẹ, với các em trong cảnh đời lầm than như một sức mạnh vô hình thôi thúc cô bé, cô bé đã không cho phép mình chán nãn, thất vọng… Có khi đang phải ru em, cô bé lại bị giằng xé bởi nỗi u uất, lo lắng cho ước mơ không thực hiện được, ngoài tầm tay với của mình; thoắt một cái, cô bé đã tự trấn tỉnh mình, xua đi những ám ảnh đó. Cô bé nắm chặt lấy cái nôi, đưa mạnh và tiếng ca cất cao hơn, âm vang và truyền cảm hơn, làm cho đám em nhìn chị mình vừa thán phục vừa bỡ ngỡ…

Giọng ca của Ngọc Bích ngày một vững vàng, trau chuốt hơn, và cũng được nhiều người biết tới hơn. Thế nên, chú Tư, một người thân với gia đình cô bé đã nhờ bác Tám Minh Nguyệt giới thiệu cô bé với nghệ sĩ Út Trà Ôn. Sau khi nghe cô bé ca thử, Út Trà Ôn đã thấy ở cô bé một giọng ca đầy triển vọng, và cùng với bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, vợ của Út Trà Ôn và là bà bầu của Đoàn Thống Nhất đồng ý nhận cô bé làm con nuôi, rồi đưa cô bé vào học nghề ở đoàn Thống Nhất.

Năm đó là năm 1962, cuộc đời cô bé Trần Ngọc Bích đã chuẩn bị bước qua một chặng đường mới. Cuộc hành trình của cô bé trên bước đường nghệ thuật, từ đây, hạnh phúc hay đau khổ, tin tưởng hay thất vọng có thể nói phần lớn do hai vợ chồng Út Trà Ôn nắm giữ. Đối với Ngọc Bích, ở tuổi 15 của cô bé vô danh, sống giữa đám em nheo nhóc nghèo khổ ở một quận lỵ như Bình Thủy, Cần Thơ bỗng chốc trở thành con nuôi một nghệ sĩ nổi tiếng như Út Trà Ôn lúc bấy giờ, là một điều hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của cô bé. Nhất là để thực hiện giấc mơ ca hát, và giải thoát cuộc sống cơ cực của gia đình đối với cô bé, không còn điều gì phải lưỡng lự, đắn đo. Dù cho có ai nói rằng sẽ không biết bao nhiêu cạm bẫy và giả trá đang chờ đợi cô bé ở phía trước. Cô bé sẽ nói người đó nói dối và cô bé đã không lùi bước, hoàn toàn đặt tất cả tin tưởng vào bố mẹ nuôi của mình. Cứ thế, cô bé đã nhắm mắt bước tới.

Ngọc Bích thật sự bước lên sân khấu với vai diễn viên đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình trong vở Hoàng Đế Của Thây Ma (1964) của Xuân An .Cô bé nghèo khổ sinh ra ở Bình Thủy, Cần Thơ thuở nào bây giờ đã được biết tới dưới cái tên Ngọc Bích viết thật lớn dưới bảng hiệu Thống Nhất và đầy dẫy trên các báo chí phát hành tại đây. Cô đã bị đặt lên đường dây xiếc. Trên đường dây chông chênh đó cô đã đánh đu với chính cuộc đời cô, đến nỗi cô đã không còn nghe, không còn thấy thực tại chiến tranh đang diễn ra ở bên ngoài phạm vi cái sàn diễn của cô.

Cuộc đời Zigan của cô đã trôi nổi, phiêu bạt theo bước chân người cha nuôi của cô. Cô hết lăn lộn trên sân khấu Thống Nhất đến sân khấu Kim Chung 6 (1967) qua Thanh Minh (1968) tới sân khấu Tấn Tài, Hương Dã Thảo và Minh Cảnh, v.v. Ngọc Bích đã từng đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của Thanh Tâm 1967 trong vai người vợ lớn của ông cò Quận 9 trong Tuyệt Tình Ca của Hoa Phượng. Năm 1968 Ngọc Bích đã cùng Thanh Nga đặt chân lên đất Pháp và biểu diễn trên sân khấu Paris vở Lỡ Bước Sang Ngang của Hoàng Khâm – Thu An, và Mười Năm Không Nói của Hoa Phượng.

Từ năm 1964 đến 1975, Ngọc Bích đã hóa thân không biết bao nhiêu nhân vật, phần lớn là những nhân vật diễm huyền, hương xa. Cũng như Hubertine, cô đã mơ, và khi đạt được giấc mơ, nắm giữ nó trong vòng tay của mình, mà vẫn không biết mình mơ hay thức. Hubertine thì đã chết giữa khi tất cả những điều mơ ước đang được diễn ra trước mắt. Còn Ngọc Bích của chúng ta, đối với cô, cô vẫn chỉ mong ước hằng đêm đối diện với khán giả, sống thật trọn vẹn với những nhân vật của cô trên sân khấu. Nhưng điều oái ăm ở chỗ là những nhân vật của cô lại là những nhân vật không có thực, những nhân vật hoàn toàn xa lạ với cái xã hội mà cô đang sống. Còn trong cuộc đời, như cô đã thú nhận:”Em đâu có biết gì ngoài cái sàn diễn, cũng không tiếp xúc với ai ngoài những người trong đoàn hát và thậm chí trong đoàn hát cũng rất ít người muốn nói chuyện với em vì ngoài cái tính hồn nhiên, dễ thương ra em không biết chuyện gì để nói…” Cô đã và đang sống trong giấc mơ nghệ thuật của mình. Cô đích thực là một người Zigan.

Ngọc Bích tỉnh dậy trong cái ngỡ ngàng của cuộc sống mới. Đối với cô, mọi cái đang diễn ra trước mắt sao không giống như cô tưởng, không giống như nhân vật cô đã thể hiện suốt hơn mười năm qua kể từ lần đầu tiên cô bước chân lên sân khấu. Cô bắt đầu cảm nhận được rằng, từ lâu nay, cô bị nhốt kín trong cái lồng kiếng vạn hoa, và cô đã nhìn cuộc sống chung quanh qua cái lăng kính đó. Nhận thức được về bản thân như vậy đó, là một bước trưởng thành về mặt ý thức xã hội của Ngọc Bích. Nhưng không phải điều đó đã không làm cho cô đau đớn, tê buốt mỗi khi nhớ lại những chặng đường mà cô đã đi qua. Đồng thời, sự rạn vỡ, đi đến chỗ chia tay của cha mẹ nuôi đã làm niềm tin về họ thật sự đổ vỡ trong lòng cô. Một bước nữa, đẩy nhanh cô tới với hiện thực cuộc sống với tất cả các mặt của nó.

Những ngày đầu tiên trong cuộc đời đó, đối với Ngọc Bích là những ngày dằn vặt thao thức hơn bao giờ hết. Xuất phát từ sự nhận thức về mình, nỗi băn khoăn của cô không giống phần lớn các diễn viên khác. Cô không hề đặt vấn đề liệu mình có được đứng vào hàng ngũ diễn viên trên sân khấu mới hay không? Mà vấn đề bắt nguồn nơi chính cô, cô không biết mình sẽ hội nhập vào sân khấu đó như thế nào để không có ảo tưởng về mình và chính cuộc sống. Cô không muốn bị đánh lừa, thoát ly khỏi cuộc sống và vẫn ảo tưởng mình đã sống và biết sống. Vết thương của quá khứ vẫn hành hạ cô. Nhưng lần này, chính mẹ ruột của cô, người mẹ nghèo khổ một đời tận tụy với đàn con, phải một mình chống chỏi từ khi cha cô mất đi, bà đã giúp cô vượt qua bức rào cản đó bằng tình yêu của một người mẹ và niềm tin sắt đá của một người lao động. Và Ngọc Bích đã tự nguyện đến với sân khấu mới không chỉ có nỗi đam mê nghệ thuật, tất nhiên là có, bởi cô thú nhận nếu không được ca hát thì cô không còn là cô, và cuộc đời cô sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi cô không còn là một diễn viên. Ngoài ra, đó còn là cách thế chọn lựa, một thái độ phản tỉnh trước cuộc đời. Cô muốn được nhìn nhận như một nghệ sĩ với tất cả ý nghĩa của nó, nếu cần cô chấp nhận làm lại từ đầu.

Vai diễn đầu tiên của Ngọc Bích trên sân khấu thành phố sau ngày giải phóng là vai Hương trong Tìm Lại Cuộc Đời (1976) của Huy Lam – Điêu Huyền – Hoàng Khâm. Với vai Hương, Ngọc Bích hình như đã ý thức được, đã đem đến cho Hương, một nạn nhân của cái xã hội mà nhân vật Hương, cũng như bản thân Ngọc Bích đã từng sống trong đó một đôi vai mảnh mai, yếu đuối trước sức nặng khủng khiếp của số phận dành để cho người phụ nữ. Có thể vai kịch đó chưa trọn vẹn, thậm chí có một chút gì như có vẻ chông chênh; nhưng trong tất cả cái chưa trọn vẹn và chông chênh đó đã biểu lộ ở người diễn viên này một sự nỗ lực không ngừng muốn vươn tới những giới hạn của chân lý nghệ thuật và sự cọ sát, gần gũi với chính cuộc sống thực bằng nét vẻ riêng của mình.

Ngoại trừ vai Hương trong Phượng Thắm Sân Trường của Trần Quốc Quận – Phi Hùng nói về chính cuộc sống hôm nay, về những con người đang trăn trở, chòi đạp đấu tranh để xây dựng cuộc đời mới. Còn thì, từ vai Hương trong Tìm Lại Cuộc Đời như đã phân tích ở trên, đến vai cô Hai Hiển và cô Tư Mùi trong Ánh Lửa Rừng Khuya của Điêu Huyền, vai Thu Ba trong Khách Sạn Hào Hoa của Vũ Kim – Trần Hà, vai cô Lài trong Tiếng Hò Sông Hậu của Điêu Huyền, vai Diễm trong Theo Dấu Chân Hồng của Trần Hà, vai bà Hoàng Thị Ngọc Mai trong Cánh Én Mùa Xuân của Nguyễn Nghiệp – Xuân Phong, vai Mỹ Hạnh trong Người Không Cô Đơn của Minh Khoa – Hồng Quận và vai Tô Ánh Nguyệt trong vở cùng tên của Trần Hữu Trang, hầu hết những nhân vật đó đều diễn ra trong xã hội cũ, ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoặc trong bối cảnh xã hội của chủ nghĩa thực dân mới.

Không phải Ngọc Bích không thấy sự nỗ lực của tập thể Sài Gòn 2, trong đó có sự tham dự từ đầu của cô, một nỗ lực đặc biệt để bảng hiệu của mình luôn luôn có những tiết mục hiện đại. Trong tình hình khó khăn của sân khấu hiện nay, điều đó Ngọc Bích không thể phủ nhận; nhưng đứng về mặt nhận thức, bản thân Ngọc Bích cũng có những biến chuyển, thay đổi không ngừng. Có thể do những nỗi đau riêng trong đời mình, mẹ mất, chia tay với chồng, và trăm ngàn đau đớn lo toan khác trong đời sống. Từ đó, trong phần sâu kín nhất của tâm hồn, Ngọc Bích như thấy những nhân vật mà mình thể hiện chỉ có ý nghĩa: ”… sân khấu mới đã đưa dần họ vào những thực tế xã hội mà họ từng đã sống, gợi lên một cách sôi nổi trong lòng họ những tình cảm ray rứt đau đớn, căm thù mà họ đã trải qua.

Tất cả điều đó cho đến nay, không phải là không cần, rất cần là khác. Nhưng đối với Ngọc Bích, thì hiện tại vẫn cần hơn. Bởi vì cô yêu cuộc sống và thực sự gắn bó với cuộc sống có thực, chứ không phải một quá khứ không có thực như cô đã từng sống, cũng như không phải vì một tương lai xa xôi nào đó mà cô không cảm nhận được. Theo cô hiểu, sân khấu không thể quay lưng với cuộc sống hôm nay, nếu quay lưng lại thì sân khấu sẽ phục vụ cái gì? Đối với cô, khán giả hôm nay không phải là những con người xa lạ, ngăn cách họ bởi thời gian và không gian mà họ là những người thân thiết, và cũng như bản thân cô, họ có tất cả những thói hư tật xấu, cũng như những phẩm chất tốt đẹp của họ. Và với tư cách một diễn viên, cô không chỉ sống thực trong cuộc sống, mà còn sống thực ngay trên sân khấu bằng chính những nhân vật có thực của ngày hôm nay, và thông qua những nhân vật đó để bày tỏ trách nhiệm của mình trước cuộc sống.

Những suy nghĩ đó đã nhen nhúm trong lòng Ngọc Bích, và không phải cô không có lúc chao đảo, cô sợ mình không đứng vững được, không kiên trì mãi được. Có những đêm sau buổi diễn, khi khán giả đã ra về, những người trong đoàn cũng lần lượt ra về, còn một mình cô đứng trước những hàng ghế dài trống vắng, nỗi buồn dâng lên, cô nhớ lại những ngày đầu; Đoàn Sài Gòn 2 của cô, gồm đông đủ những Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Giang Châu, Hà Mỹ Xuân, Diệp Lang, Văn Chung và Tư Rọm, v.v. Bây giờ, những người đó đã rời đoàn vì những lý do khác nhau, chỉ còn lại một mình cô. Không hiểu tại sao, những giọt nước mắt từ đâu lăn dài trên má. Ngọc Bích hiểu một cách sâu sắc: Sự thành công của một cá nhân chỉ có thể có được trên sự cố gắng đồng bộ của toàn đoàn, nhất là trên sự kết hợp giữa tất cả các thành phần, các yếu tố một cách nhuần nhuyễn hài hòa.

Tại sao những năm qua, cô đã cố gắng hết sức mình nhưng thành thật mà nói, chưa có một vai nào thật sự đạt hiệu quả nghệ thuật như cô mong muốn. Có phải vì thiếu kịch bản? Vì đạo diễn? Vì diễn viên ở đây chưa được đồng bộ? Hay vì khán giả chưa thích ứng với yêu cầu của nghệ thuật mới?

Câu hỏi đó đã làm cô đau đớn, khắc khoải. Nhưng chính cảm giác đau đớn, khắc khoải đó đã cho cô biết là cô đang sống thực, chứ không phải sống trong mơ.








Ngọc Bích: Giọng ca vàng ẩn tích

Nhiều năm gần đây đồng nghiệp, khán giả vẫn còn nhắc nhở đến chị. Ngọc Bích lặng lẽ rời khỏi sân khấu sau khi Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 ngưng hoạt động. Đó là nỗi buồn sâu đậm trong lòng một nghệ sĩ tài năng, hiền lành. Có lẽ vì vậy từ ngày chia tay sân khấu ấy, chị không còn xuất hiện trước đám đông, không cộng tác với bất cứ đoàn hát nào, không nhận bất cứ vai diễn nào của truyền hình, của cải lương video.

Ngọc Bích rời sân khấu giữa lúc tài năng đang còn rực rỡ, khi ở tuổi trung niên, nhan sắc ấy vẫn mặn mà, đôn hậu khi bước ra sân khấu, giọng ca vẫn hay, sâu lắng, khó quên. Ngọc Bích có giọng ca buồn man mác, chơn chất, rất riêng không giống bất cứ ai trong các nữ danh ca tài danh đàn chị, chỉ giống nghệ thuật ca vọng cổ của vua vọng cổ Út Trà Ôn, đơn giản vì Ngọc Bích chính là đệ tử ruột của ông. Nhắc tới Ngọc Bích có hai điều để nhớ, nhất là đối với lớp khán giả tuổi trung niên từ thập niên 90 trở về trước. Một là nhớ tới Út Trà Ôn, liên danh Út Trà ôn - Ngọc Bích gắn liền nhau rất nhiều năm từ các sân khấu lớn như Kim Chung, Dạ Lý Hương, Thái Dương... và hàng chục sân khấu khác, đến các vai diễn trên các hãng dĩa hát; hai là Ngọc Bích có một vai diễn để đời cho đến nay vẫn chưa có người diễn hay hơn, gần đây NS Thanh Ngân từng thủ diễn vai này. Đó là Jackly Hương. Dường như vai diễn đó chỉ dành riêng cho Ngọc Bích - Jackly Hương trong vở cải lương nổi tiếng Tìm lại cuộc đời. Nữ nghệ sĩ nào khi hát vai Hương đều đạt từ trung bình trở lên, dù đây là vai diễn hay, có nhiều đất diễn, nhưng diễn đến độ chân thật, đến mức khán giả tin vai diễn là con người thật của diễn viên thì quả hiếm có. Đến nay, khi nhắc đến Tìm lại cuộc đời, người ta lại nhớ tới Jackly Hương - Ngọc Bích. Hằng triệu khán giả cải lương trên khắp đất nước đều thương cảm, yêu mến Jackly Hương - Ngọc Bích, chỉ có Ngọc Bích mới chính thật là Jackly Hương.

Khi xem Thanh Ngân diễn vai này trên sân khấu nhà hát truyền hình của VTV, những khán giả đã xem Tìm lại cuộc đời trước kia càng thấy nhớ Ngọc Bích hơn. Không phải vì Thanh Ngân diễn không đạt, mà vì dấu ấn của Ngọc Bích để lại quá sâu đậm, quen thuộc đến nỗi những thay đổi làm cho khác đi, có sáng tạo hơn thì vẫn khó thuyết phục khán giả. Gần như những gì Ngọc Bích thể hiện trong vai Jackly Hương là bất di, bất dịch, là hay nhất không cần phải thay đổi. Khán giả từng xem Ngọc Bích diễn vai Hương vẫn nhớ rõ từng câu ca, cử chỉ, bài bản ca, câu thoại. Một vai diễn xuất sắc đưa Ngọc Bích vượt qua vị trí chị từng có được, thành ngôi sao lớn có nét rất riêng, mang thương hiệu Ngọc Bích.

Khán giả nhớ chị qua bài ca tân cổ Ngày em 20 tuổi của soạn giả Viễn Châu, nhớ vai người vợ lớn của ông Cò Hương trong Tuyệt tình ca, vai người đàn bà bị bỏ rơi trong Nạn con rơi, Lý Mạc Thu trong Luật giang hồ, Thu Ba đỏng đảnh trong Khách sạn hào hoa... và hàng chục vai diễn khác. Chất giọng kim pha thổ của Ngọc Bích vừa êm, vừa cảm, không cầu kỳ, màu mè, ca chân phương, những chữ gió, khi ngắt hơi rất giống Út Trà ôn, kỹ thuật ca của nam áp dụng qua nữ nghe rất lạ, dễ gây sự chú ý, lại là kỹ thuật ca của vua vọng cổ.

Cũng thuộc trường phái ca chân phương, tất cả sự vững vàng về nhịp điệu làn hơi phong phú không để biểu diễn mà dùng đó như một phương tiện chuyển tải tình cảm, tâm trạng đến người nghe. Đây là yếu tố quan trọng số một trong nghệ thuật ca vọng cổ, đó là ca làm sao mà thu hút, thuyết phục được người nghe, làm cho họ đê mê, đắm chìm trong những cung bậc tuyệt vời của hơi, điệu. Danh ca Năm Cơ lúc sinh tiền thường góp ý nhẹ nhàng những nghệ sĩ trẻ ca khoe hơi, không diễn cảm bằng câu nói vui: ''Mấy đứa nhỏ bây giờ ca vọng cổ nghe vui quá'' bấy nhiêu đó cũng đủ khái quát trong ca vọng cổ phải mùi mẫn (không tính ca vọng cổ hài), nhưng không bi lụy, não tình, sướt mướt. Ngọc Bích ca mùi, chín thể hiện rất rõ đặc trưng giọng Nam bộ rặt, chuẩn không pha tiếng địa phương ở miệt vườn sông Hậu (Ngọc Bích quê ở Bình Thủy - Cần Thơ).

Trở lại với vai diễn để đời của chị. Sự khác nhau giữa Ngọc Bích với các nghệ sĩ khác khi cùng thủ diễn vai Hương trong Tìm lại cuộc đời là cách ca ngâm. Câu nói lối đầu tiên khi gặp Trần Hùng: ''Mình ơi.xin mình hãy cho em nói, nói xong rồi mình có băm vằm em ra trăm mảnh, em cũng cam lòng. Chỉ xin mình nghĩ lại mà thương...'' câu nói thường tình lại được Ngọc Bích diễn tả rất chân thật, tận đáy lòng, người xem cảm nhận được sự ăn năn, đau đớn, chân thành của người vợ trót sa vào nghịch cảnh. Nhưng xuất sắc nhất là lớp gặp Trần Hùng trong tù, Ngọc Bích đã ca rất hay bài Trường Tương Tư lớp 3 ''Thì giữa chúng ta... đã (ngân dài, lên cao) không vẹn... tình chung thủy, nói chi sum họp trước giờ chia ly. Tấm thân bọt bèo, dù chưa tàn rũ, kể như tan tác từ ngày ra đi. Còn oán hận nhau chi... Trong cảnh khốn cùng cực hiểm, cùng nguy . Hỡi ơi. Thân tôi sao quá đoạn trường Dày dạn phong trần chưa trắng nợ trần gian...''

Soạn giả lão thành Điêu Huyền đặt bài Trường Tương Tư lớp 3 vào tình huống nầy, để gài vô vọng cổ cho nhân vật Trần Hùng quá hay, quá đúng. Ngọc Bích ca diễn không có chỗ chê, sự tương tác giữa tác giả và nghệ sĩ đạt đến tột cùng của cảm xúc, trở thành một lớp ca mẫu mực. Sau nầy nhiều tác giả bắt chước, sử dụng Trường Tương Tư lớp 3 trong kịch bản của mình, chính là do ảnh hưởng của lớp kịch nầy và chưa có bài ca Trường Tương Tư lớp 3 nào hay hơn, đúng chỗ, dạt dào xúc cảm hơn, chưa có giọng hát nào ca Trường Tương Tư lớp 3 hay hơn Ngọc Bích. Có thể nói, Trường Tương Tư lớp 3 thông dụng trong cải lương nhờ có ông Điêu Huyền và Ngọc Bích. Một phút xuất thần của cây viết lão luyện, của giọng ca vàng để lại dấu son tuyệt vời, trở thành kinh điển trong nghệ thuật viết và ca ngâm các làn điệu cải lương. Rồi khi Trần Hùng bị giết, Hương chạy vào ngỡ ngàng trên tay còn cầm xấp vải mới “anh ơi! Xấp vải chưa may áo mới đã hóa thành vải liệm. Thôi thì mảnh gói ghém thi hài đơn lạnh, mảnh chít mái đầu người góa phụ cô đơn..., chỉ mấy câu nói lối nhưng rúng động lòng người. Giá trị nghệ thuật gấp mấy lần ca vọng cổ hay bài oán. Chính câu nói lối độc chiêu ấy gác qua để Trung sĩ Tám - Diệp Lang vô bài Chuồn Chuồn đúng nơi, đúng chỗ hợp lý làm sao. Nói lối cũng là một độc chiêu trong cách xướng ngâm của Cải lương, đang bị tác giả và đạo diễn quên bỏ...

Sự ẩn tích của Ngọc Bích là một mất mát không nhỏ với SKCL. Đồng nghiệp, khán giả vẫn nhớ giọng ca, tài năng của chị. Tôi từng có hân hạnh diễn chung với chị trên sân khấu Sài Gòn 2, trong vở Tìm lại cuộc đời, lần đầu tiên ra mắt đoàn tôi đã diễn vai Huy Bình. Sau bao nhiêu xa cách tôi vẫn nhớ như in từng động tác, lời thoại của chị, khi chị nhẹ nhàng đặt bàn tay phải lên vai tôi dịu dàng nói: ''Cậu Bình ơi... bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho tôi rưng rưng nước mắt. Tôi không thấy trước mặt tôi là nghệ sĩ Ngọc Bích, mà là một người chị đang tâm sự, giải bày với em. Đêm diễn đầu tiên tôi diễn tròn vai, không bị khớp với sân khấu mới là nhờ chị. Sự chân thật và bình dị của chị đã xóa tan mọi ngăn cách với các nghệ sĩ đàn em như tôi. Thời gian nhiều nghệ sĩ tài danh rời đoàn Sài Gòn 2, chị vẫn ở lại bám trụ cùng các nghệ sĩ trẻ từ Tuấn An, Bảo Anh, Bảo Linh, Tuấn Anh, Phương Tâm, Minh Hạnh, Hoàng Minh Vương, Thanh Vân, Mai Sương. Ngọc Hà, Tấn Hoàng, Bạch Châu, Bảo Chiêu... Giữ vững bảng hiệu đoàn Sài Gòn 2, rất thành công khi lưu diễn ở miền Tây.

Khán giả, bạn bè, em út ở đoàn Sài Gòn 2 vẫn nhớ chị. Riêng tôi với lòng tri ơn, quí trọng một nghệ sĩ tài năng, hiền lành. Chị Ngọc Bích ơi! Mọi người vẫn luôn nhắc nhở chị với lòng thương mến, trân trọng.


Đăng Minh 

No comments:

Post a Comment