Monday, May 28, 2012

Chân Dung Tôi: Sống và Chết, Nghịch Lý và Định Mệnh



Ở mọi nền văn hóa của các dân tộc, dù theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể, hay bất kỳ một thứ chủ nghĩa nào khác, việc nói về cái "tôi" luôn là việc chẳng đặng đừng:  "Cái tôi là cái đáng ghét".  Thực ra, cái "tôi" vốn là bản ngã của mỗi con người; chúng ta chẳng thể khước từ, cũng không thể chối bỏ.  Cái "tôi" cũng không hẳn là cái xấu xa.  Người ta không thích nói về cái "tôi" chỉ vì cho rằng nó quá vị kỷ, và phàm đã là con người, chúng ta được đòi hỏi phải vị tha. 


Nhạc sĩ họ Trịnh đã giúp tôi có được lý do này rất chính đáng để đường hoàng nói về cái "tôi" của mình mà không cảm thấy áy náy:  Sống là sống với người khác, và để có sự cảm thông, con người cần phải diễn đạt chính mình.  Thế thì xin hiểu rằng, việc tôi diễn đạt chính mình như thế này, chẳng qua chỉ là một nỗ lực sống, một nỗ lực để truy tầm sự cảm thông.  Xét theo ý nghĩa đó, tôi vẫn là một người ham sống, một người còn tha thiết lắm với cuộc đời này.  Nói như thế, vì tôi đã từng có những tháng ngày lười biếng sống lắm, nhất là những tháng ngày xưa cũ. 

Mặc dù đã gạt bỏ rào cản định kiến về cái "tôi" đó qua một bên, tôi vẫn thấy việc nói về chính mình không hề là một việc dễ dàng:  Trong tôi chứa đựng nhiều nghịch lý.  Những điều nghịch lý đó có hình dáng của những cặp phạm trù nhị phân trong triết học - vừa đối kháng, vừa bổ sung cho nhau.  Chúng tồn tại song hành và gắn bó, đôi khi ăn ý, đôi khi cãi cọ nhau.  Và theo cách thức như thế, chúng đã hình thành nên một số phận, một tính cách.  Số phận đó, tính cách đó chính là tôi.

Không có gì khó khăn để nhận thấy, qua những gì tôi nói, những gì tôi viết một cơ năng huyền bí bao trùm lên tất cả:  Định mệnh.  Vâng!  Định mệnh cho kiếp phận con người.   Đinh mệnh cho vạn vật, cho mọi loài cây cỏ.  Định mệnh cho từng tế bào vĩ mô và vi mô được kiến tạo trong cõi trời đất này.  Định mệnh ấy đã dạy tôi từ rất sớm rằng sống không phải là điều dễ dàng.  Tuy thế, cái chết cũng không hẳn là một sự thay thế tiện lợi, vì không phải lúc nào nó cũng nằm trong tầm điều khiển của con người:  Hễ muốn là được, hễ nhắm mắt thì nhất thiết là sẽ... xuôi tay. 


Ngày xưa ấy, lúc tôi ở độ tuổi đôi mươi, tôi thấy mình yêu cuộc sống này mãnh liệt.  Mãnh liệt đến cuồng tín.  Tôi tin rằng mọi vật, mọi việc trên đời này đều đẹp và hàm chứa trong chúng một ý nghĩa mặc định nào đó.  Tôi cũng tin rằng con người được sinh ra là để sống tự do - tự do theo cái ý nghĩa chính xác và thiêng liêng nhất của từ này.  Chính vì niềm tin cuồng tín đó mà khi phải đối diện với hiện thực trải dài trước mắt là một cuộc sống vô vị, uể oải, ngột ngạt và không lối thoát; tôi cảm thấy mình hụt hẫng và lười biếng sống.  Từ lười biếng sống đến không muốn sống nữa đã là một khoảng cách rất gần.     

Ngày ấy, tôi vốn tin rằng có một nàng tiên cá đẹp lắm ở tận đáy biển sâu.  Nàng ở đấy đã hàng nghìn năm, bầu bạn cùng biển cả, mỗi chiều cùng biển hòa giọng cất lên những tiếng hát du dương làm đắm say lòng người.  Trong những giây phút tuyệt vọng nhất của sự đối đầu triền miên trong tôi, giữa một bên là hiện thực tuyệt đường và bên kia là khát vọng khôn thỏa, tôi đã quyết định thực hiện một chuyến đi trăm năm để tìm gặp nàng.  Cuộc hành trình ấy là một cuộc hành trình lãng mạn mà tôi nghĩ chỉ có tuổi trẻ hồn nhiên và đầy dũng khí mới dám dấn thân.  Nhìn dưới góc cạnh ấy, nó không còn là cuộc hành trình của sự chấm dứt, trái lại, là một cuộc khám phá - khám phá xem những gì đuợc ẩn giấu ở tận đáy sâu của tuyệt vọng và bế tắc. 

Nhưng, như tôi đã nói ở trên:  sinh tử của con người là định phận, vượt quá tầm điều khiển của con người.  Chính vì vậy mà sau những phút giây nông nổi "giỡn mặt" với tử thần, sau chuyến hành trình cực kỳ phiêu lưu vào sâu trong lòng biển lạnh, như một phép lạ, tôi vẫn sống còn và tiếp tục sống cho đến ngày hôm nay.  Tuy đó là một kinh nghiệm không phải lúc nào tôi cũng muốn nhớ, tôi vẫn cho rằng đó là một kinh nghiệm đẹp và quí báu.

Nó đẹp là vì ngay trên ngưỡng cửa sinh tử ấy tôi nhận ra được một điều rất đỗi thơ mộng:  Cuộc đời này vẫn đẹp biết bao, chừng nào mà, đối với những gì chắc chắn là không có thực, chúng ta vẫn có khả năng để tin được rằng chúng hoàn toàn là thực.  Tức là tin vào những gì hoàn toàn không thể (to believe in the impossible).  Một khi chúng ta vẫn còn có khả năng để tin vào những gì không thể, thì cũng có nghĩa là niềm tin chưa hẳn đã chết - nó chỉ tiềm sinh.  Rồi nó sẽ sống lại xanh tươi hơn sau những phong ba vùi dập. 



Kinh nghiệm sinh tử ấy cũng là một kinh nghiệm quí báu vì nó đã dạy tôi hai bài học. 

Bài học thứ nhất là:  Cái chết không đáng ghê sợ như những gì người ta thường nghĩ.  Lãng mạn, mộng mơ hay kinh hoàng, khủng khiếp chỉ là những định kiến mà người đời đã quen gán cho các sự việc trên cõi đời này.  Và với thói quen đó, con người đã tự dạy dỗ nhau để hoảng sợ cái chết, cho dẫu có hoảng sợ đến mấy cũng không thể lãng tránh và trốn thoát nó được khi thời điểm đã đến.

Bài học thứ hai là:  Khi không thể chết, con người không còn một sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cuộc sống với nguyên vẹn những gì nó đang có, cho dù nó có méo mó hay khuyết tật đến mức độ nào đi chăng nữa.  Con người trở nên "dễ tính" hơn, thỏa hiệp hơn và do đó, trở nên khôn ngoan hơn để tránh mọi cuộc đối đầu không cân sức giữa bản thân mình và... định mệnh. 

Khi không thể chết, khi trở về từ cõi chết, con người cũng chợt nhận ra rằng cõi đời này phù du biết bao, biên giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một sợi tóc quá đỗi mỏng manh.  Những gì con người quá khát khao ở thế giới bên này và cố chiếm đoạt cho bằng được, rốt cuộc, cũng chẳng thể đi theo mình về thế giới bên kia.  Nhận ra điều đó, con người tái sinh trở nên nhân hậu hơn và kiên nhẫn hơn.  Nhân hậu ngay cả với những con người không hề có ý định tử tế với mình.  Và kiên nhẫn đối với mọi bất công, oan trái mà mình phải đối mặt trong cuộc sống không thể chối từ. 

Cũng với kinh nghiệm sinh tử ấy, diễn ra rất sớm trong cuộc đời mình, tôi cảm thấy mình thật già nua vào lúc mà tuổi đời còn quá trẻ.  Tôi hiếm khi cười, trong khi chung quanh tôi, bạn bè cùng trang lứa luôn hân hoan, rộn rã.  Tôi luôn nhìn đời với ánh mắt đăm chiêu và rồi suy ngẫm, tư lự.  Trong khi bạn bè tôi vô tư nhìn nhau và...  tận hưởng cuộc sống.  Đó có lẽ là nghịch lý lớn nhất trong chân dung của chính mình mà tôi đang mày mò phác thảo.

Nghịch lý ấy không chỉ dừng lại ở điểm đó, mà đã đi xa hơn, làm một cú xoay chiều ngoạn mục.  Theo thói thường, người đời thường trở nên già nua theo năm tháng.  Riêng với tôi, quá trình ấy là một quá trình chuyển nghịch:  Mỗi ngày sống tới tôi thấy mình trở nên trẻ trung và tươi mới hơn.  Như bầu trời trở nên sáng hơn sau cơn giông bão.  Bây giờ, khi những người bạn đồng trang lứa có lẽ đang phiền muộn, đong đếm xem vốn ngày sống của mình còn sót lại bao nhiêu, thì tôi cứ mãi ung dung làm con chim hót líu lo quên ngày tháng.  Trong khi họ đang mải mê đắm chìm trong vòng quay của bạc tiền và danh lợi, tôi ngồi đây, mải miết viết lên những tâm tình ca ngợi tình yêu và cuộc sống. 

Tôi cảm thấy mình không có tuổi và mỗi ngày sống tới là một ngày xuân sắc.

28/05/2012
Jeffrey Thai

2 comments:

  1. Đọc bài viết hay và đầy ấn tượng của anh, em thấy một niềm tươi vui, lạc quan. Anh lại giúp em hiểu thêm về giá trị cuộc sống và có thêm kinh nghiệm sống. Em cám ơn anh - một blogger tài hoa mà em luôn ngưỡng mộ.

    ReplyDelete
  2. Chị suy nghĩ như thế này :
    Tôi sống trên cõi đời này với số phận của tôi ; vì cuộc sống đầy chông gai ,nhưng con người ta vẫn phải vượt qua tất cả để sống và làm việc ; để yêu thương ; để khẳng định sự tồn tại " TÔI : trong cuộc đời này .
    Ngẫm nghĩ, suy tư ; và hành động , tất cả cũng để cho bản thân thêm yêu cuộc sống .
    Thanks ! bài viết của em rất sâu sắc chính xác là chắt lọc .

    ReplyDelete