Tiếng hát Trang Mỹ Dung bắt đầu được cất lên từ những ngày đầu của một mùa mưa cách đây đã hơn bốn thập niên. Tiếng hát ấy được cất lên trong tiếng mưa rơi rả rích, cô liêu của một đêm trường nơi cõi nhân gian nên âm vang của nó nghe trầm mặc và nhuốm buồn từ thuở khai sơ. Cũng có thể nó vốn đã trầm buồn như thế từ trong thai nghén cưu mang, như một thuộc tính được gởi trao, như một mặc phận được sẵn dành. Vâng, tiếng hát ấy được gởi trao, được sẵn dành để, trong suốt cuộc hành trình lãng du của nó, hát về những cơn mưa, về những niềm hạnh phúc còn mãi lang thang đâu đó trong đời sống của mỗi con người.
Tiếng hát Trang Mỹ Dung cất lên những thanh âm đầu đời mặc khải của nó để hát về "Hai mùa mưa", hai mùa mong đợi gắn kết hai cá thể con người: một người con trai và một người con gái vốn là đôi bạn thân cùng chung trường lớp. Một đêm nọ, chàng trai ghé thăm cô gái giữa một cơn mưa buồn tủi, lạnh giá của đất trời. Họ cùng nhau hàn huyên bên ly cà phê nóng ấm. Kỷ niệm về trường xưa lớp cũ cứ theo những giọt mưa xối xả ngoài hiên mà tuôn trào không dứt. Sáng hôm sau, cô gái đưa tiễn chàng trai trở lại vùng chinh chiến. Còn riêng cô quay về, lặng lẽ đếm những cơn mưa đi qua trong đời mà chờ đợi âm thầm, mà mong nhớ xa xăm...
Rồi một mùa mưa nữa lại đến. Người con trai đã hẹn ở mùa mưa trước rằng sẽ quay về ở mùa mưa này nhưng rồi không thể. Người con gái chờ đợi mỏi mòn, thao thức suốt cả canh thâu, nghe tiếng còi tàu vang mà tự hỏi chàng đang ở nơi đâu giữa những vùng lửa khói. Hai mùa mưa là hai mùa mong nhớ mênh mang, hai mùa vàng mắt chờ trông, tím lòng ngóng đợi kẻ ở phương xa biền biệt. "Hai mùa mưa" đã dệt gấm thêu hoa một nỗi nhớ sắt son, chung thuỷ thời lửa loạn. Có lẽ một phần nhờ thế, một phần có lẽ vì "trời" và "đất" gặp nhau, "Hai mùa mưa" đã đánh trống điểm cho một phút vinh thăng, đưa một tiếng hát lên ngôi: tiếng hát Trang Mỹ Dung.
Tháng sáu trời Việt Nam làm mưa, làm gió thật nhiều. Ở một thời điểm đã xa xăm lắm rồi không còn nhớ rõ, khi mà một trong những cơn mưa ấy đang rơi, tôi đã loáng thoáng nghe tiếng hát ấy - tiếng hát Trang Mỹ Dung - vọng vang trong một quán cóc ven đường, từ một chiếc máy cassette cũ kỹ. Chẳng biết có phải vì trời đất đang đổ lệ sụt sùi buồn quá hay vì tiếng hát ấy tỉ tê từng giọt sầu lênh đênh với những lời hát về mưa mà lòng tôi bỗng dưng ướt đẫm. Cũng có thể vì cả hai và vì cả sự cộng hưởng "vu vơ" rất đỗi tình cờ của trời đất và bản thân tiếng hát. Để rồi sau đó, tuy thanh âm lời hát đã bay xa theo gió và cơn mưa của đất trời cũng ngừng rơi, nhưng trong lòng tôi tiếng hát kia mãi ở lại và một cơn mưa khác - mưa lòng - mãi rơi, rơi không ngừng kéo dài qua bao năm tháng.
Những cơn mưa của trời đất không phải bao giờ cũng giống như nhau. Nếu có những cơn mưa vũ bão, co giật liên hồi, rít lên những thanh âm hoảng loạn và để lại trong lòng người một dư âm bất trắc thì cũng có những cơn mưa dịu êm, rỉ ra, rỉ rích, như tỉ tê, như tâm sự và khi chúng ngừng rơi, lòng người nghe thấy có một chút lưu luyến, bồi hồi. Tiếng hát Trang Mỹ Dung là tiếng hát của những cơn mưa thứ hai. Tiếng hát ấy không cố làm ra vẻ u sầu để lòng người thương cảm. Nếu người nghe thấy buồn, chẳng qua là vì trong mưa vốn vương niềm u uẩn tự thân và cũng vì có ai nghe tiếng mưa rơi mà lòng lại cảm thấy vui bao giờ.
Tiếng hát ấy cũng không cố thét gào để gây ấn tượng. Nó được vang lên một cách tự nhiên, tự nhiên như chim bay, như hoa nở, như mặt trời mọc ở phương đông, lặn ở phương tây và hơn hết cả, nó tự nhiên như ... tiếng mưa rơi. Mưa chẳng cố rơi bao giờ. Mưa rơi vì đất trời khô hạn, mưa rơi chỉ để thỏa những khát mong. Tiếng hát ấy, tiếng mưa ấy ung dung đi qua những cánh đồng khô hạn, dịu dàng nghiêng mình rót xuống những giọt nước hồi sinh, ân cần, không vội vã. Mưa đến, rồi đi theo một nhịp điệu luân kỳ. Tiếng hát ấy miệt mài ngân vang giữa chốn cõi trần, đôi khi trên những đài cao sáng loá, đôi khi lặng lẽ riêng một góc trời.
Và cũng với cùng một cách thức như thế, người sở hữu giọng ca ấy miễn nhiễm với mọi phù phiếm vinh quang. Với chị, hào quang, danh vọng dường như là những khái niệm xa vời, chúng chưa một lần có dịp đặt chân lên mảnh vườn tâm tưởng của cuộc đời chị. Chị như một cơn mưa lặng lẽ bên đời. Cơn mưa ấy đã bắt đầu rơi xuống trần gian những giọt nước mát trong lành đầu tiên từ hơn bốn thập niên trước. Có lúc mưa rơi réo rắt hơn qua truông dài, biển rộng, có lúc mưa thu mình lại chỉ làm ướt nhẹ thôi mảnh vườn nhỏ sau nhà. Nhưng cơn mưa ấy đã chẳng bao giờ ngừng rơi. Đôi lần do cách trở nhiêu khê về thông tin, về địa lý, tôi cứ tưởng rằng chị không còn trở lại với ánh đèn sân khấu.
Nhưng không, hoá ra là chị chỉ khiêm cung, khép mình lại bên một góc đời bé nhỏ, mà sắt son, mà thuỷ chung gìn giữ một giọng hát trầm buồn. Trong suốt cả cuộc đời ca hát của mình, chị chưa hề thiết tha bán rao tiếng hát để mưu sinh. Chị chỉ muốn hát cho tri kỷ, tri âm, cho những ai đã lỡ phải lòng tiếng mưa rơi tí tách, u hoài trong một đêm trường tĩnh mịch nào đó ở chốn nhân gian. Tiếng hát chị miệt mài len lõi vào những khe sâu kín trong cõi lòng của mỗi con người chỉ để xoa dịu, để vuốt ve, để trao gửi ân cần những mảnh tâm tình chị chắt chiu, gìn giữ qua bao năm tháng. Nhưng có điều kỳ lạ là sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, tiếng hát ấy đã ở lại đấy, chẳng ra đi. Giải thích cho điều ấy, có thể nói rằng, có lẽ vì tiếng hát ấy đã "từ một trái tim đến với một trái tim".
Nghệ sĩ là những con người của nghệ thuật diễn xuất dù họ có ca hát hay không ca hát. Để tôn vinh nét diễn, họ đắp lên khuôn mặt mình những lớp hoá trang. Đôi khi, chúng chỉ đơn thuần là những lớp hoá trang. Đôi khi, chúng được sử dụng như một lớp mặt nạ. Tôi vốn ngại biết và nhìn người nghệ sĩ đằng sau lớp mặt nạ ấy. Là một ca sĩ, chị cũng hoá trang mỗi khi cất bước lên thánh đường rực rỡ, nhưng chị chưa hề đeo mặt nạ bao giờ. Với chị, chúng ta có thể yên tâm rằng, những gì chị diễn, chị hát, chị nói là thật. Chúng xuất phát từ chính trái tim của chị, chúng thật như chính con người chị hiện hữu bằng xương, bằng thịt.
Lặng lẽ, khiêm cung, chị đã miệt mài gìn giữ tiếng hát trầm buồn ấy, dáng hình dịu dàng ấy, nhân cách trong lành ấy qua bao thăng trầm dâu biển của một đời người, để hôm nay tôi viết những dòng chữ này về chị, về một cơn mưa lặng lẽ bên đời, mà có cảm giác như đang viết về một....huyền thoại.
18/04/2011
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment