Friday, January 18, 2013

Hoài Niệm Tết



Tết!  Thanh âm ngắn ngủi, giản đơn ấy vang lên:  đứa trẻ thơ đang chơi đánh đáo ngoài sân hay đang mải mê khóc nhè vòi vĩnh bỗng đột nhiên dừng chơi, ngưng khóc, rối rít thay ngay manh áo mới, rồi ngoan ngoãn khoanh tay lễ phép, rộn ràng chờ đợi những bao lì xì đỏ chói; cô thanh nữ xuân thì buông vội mảnh khăn đang thêu dở, thẫn thờ nhìn ngắm dung nhan mình trong gương, rồi đưa tay lên khẽ chạm vào đôi má hồng và đôi môi đỏ, mắt lấp lánh, sáng ngời niềm mơ hạnh phúc về ngày cất bước vu qui; người mẹ bỏ dở nồi canh đang nấu, thất thểu bước về phía bên song cửa, mắt buồn vời vợi hướng về một cõi trời xa, lặng lẽ tự hỏi đến giờ sao đứa con đi xa vẫn mãi còn biền biệt chưa về; người ông khẽ khàng đặt cặp kính lão xuống bàn, vào trong thay cho mình bộ y trang tươm tất nhất, rồi trang nghiêm ngồi xuống bên ấm trà đang nghi ngút khói, mắt hướng về phía cánh cửa chính, nôn nóng đợi chờ lũ con cháu sang thăm.


Tết!  Thanh âm ngắn ngủi, giản đơn ấy vang lên:  kẻ xa quê buông tiếng thở dài não nuột,  mắt thất thần nhìn vào khoảng không gian mông lung phía trước mặt mình, có chút ngấn nước trào dâng nơi khóe mắt sâu, có chút thanh âm sụt sùi thoát ra từ khóe miệng trễ; người viễn xứ trở về sau ca làm khuya mệt nhọc, vội vàng khẽ nhắc ống điện thoại trên bàn, hí hoáy bấm vào những con số thân quen, có chút háo hức hòa lẫn trong giọng nói nhanh, dồn dập, có chút bùi ngùi tỏa lan trong những lời thăm hỏi ân cần; anh Việt Kiều thành đạt hối hả kéo lê chiếc va li trên sàn phi trường bóng loáng với những bước sải thật dài, lòng rộn ràng, khấp khởi xen lẫn nỗi lo âu mơ hồ, sợ nhỡ chuyến bay cho lần về "vinh qui, bái tổ"; cụ ông, cụ bà nơi đất khách xa quê, không con cháu ghé thăm, mắt buồn mênh mông, thăm thẳm, lặng lẽ cùng nhau dán mắt vào màn hình Paris By Night với chủ đề Xuân, thỉnh thoảng lại đưa mắt liếc sang phía cánh cửa khép kín như một thói quen xa xưa không dễ gì từ bỏ. 

Tết!  Tết đến mỗi năm, khi con người lại vừa đi qua thêm một vòng quay của chu kỳ cuộc sống, gượng ép cộng thêm vào tuổi đời của mình con số một vô cảm. Tết đến mỗi năm, khi con người vừa chợt nhận thấy trong lòng mình có một chút gì đó rũ rượi, tàn phai, mơ hồ khát khao một làn gió mới tươi mát, hồi sinh.  Tết đến mỗi năm, khi cây mai ngoài ngõ vốn đang trơ cành, trụi lá, bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, nở rộ khắp cành những đóa hoa vàng tươi thắm, e ấp mỉm cười trong làn nắng ấm áp của mùa Xuân.  Dẫu vậy, dẫu Tết đến rồi đi đã bao nhiêu lần rồi, không còn đếm xuể; dẫu Tết đã là cột mốc hình thành nên những con số thành to lớn trong đời sống của những con người; Tết vẫn thanh tân, nguyên vẹn như ngày đầu Tết đến, Tết vẫn rạo rực, rộn ràng như người con trai lần đầu hò hẹn tình nhân, Tết vẫn e ấp, nồng nàn như người con gái ngày lên xe hoa cất bước theo chồng; Tết không có tuổi bao giờ, không ai lại dám hàm hồ bảo rằng, dám hàm hồ nghĩ rằng Tết đã cũ, Tết đã xưa hay Tết đã già. 

Cứ như thế, với sức thanh xuân trường cữu, với nhan sắc mỹ miều không dấu ấn của thời gian, Tết như một huyền thoại nhân gian, mỗi năm một bận, lại trở về để làm lan tỏa những dòng sinh lực lên trên những phận người Việt khốn khó, vốn có một định phần dân tộc rất riêng.  Dân tộc ấy vốn chưa có được những ngày vui trọn vẹn vì vẫn còn nhiều lắm những phận đời còn lắm nỗi cơ cực, còn nhiều lắm những tâm tình thương yêu nhau nhưng mãi còn phải cách xa nhau nghìn trùng biển rộng; và vì thế, dân tộc ấy luôn khao khát những ngày mới tươi vui hơn, những tiếng cười giòn tan không còn gượng ép, những lần hội ngộ không còn bóng dáng biệt ly.  Tết về như một niềm mặc khải, làm tạm vơi đi những nhọc nhằn, khốn khó; Tết về nhắc người tìm về với người như chim kia xao xác tìm về tổ cũ, cho ấm lại những ly cách và chia phôi.  Tết về tưới đầy ân sủng đất trời lên trên một khoảng không gian ngập đầy gió lộng, làm tạm giãn ra những nét nhăn nhó, đăm chiêu vì mải mê với toan tính, mưu sinh, làm nở ra những nụ cười trên những đôi môi đã quen mím chặt, khép kín.  

Có ai là người Việt mà trong vùng ký ức tuổi thơ lại chưa một lần thấy lòng mình nôn nao đón chờ những bao lì-xì đỏ chói, chưa một lần thấy lòng rộn ràng, reo vui khi khoác lên mình manh áo còn thơm mùi vải mới, chưa một lần thấy lòng mình rực lên cái cảm giác yêu đời muốn sống rất lạ, khi chợt vô tình bắt gặp trong trời đất ngọn gió Tết thoảng qua.  Có ai là người Việt mà khi Tết về lại không thấy vọng vang trong tâm tưởng mình tiếng nổ đì đùng của những tràng pháo dài vô tận, nghe náo nức như tiếng trống Tràng Thành, nghe hào hùng như khúc Khải Hoàn Ca, nghe hân hoan như pháo mừng ngày cưới.  Có ai là người Việt mà khi Tết về lại không thấy mình chợt nhớ da diết cái hương vị ngọt bùi của những miếng bánh chưng, bánh tét được gói ghém bằng những mảnh lá chuối quê hương thơm nức mùi đồng nội, không thấy mình nhớ đến tái tê cái vị ngọt lịm ngất ngây của những miếng mứt gừng, mứt bí được gói trong những mảnh giấy bao trong đầy màu sắc.  Những thanh âm ấy, những hương vị ấy gợi nhớ và gợi thương đến mức có thể làm tuôn rơi những giòng lệ lã chã trên những khuôn mặt vọng cố hương.  


Dẫu ở nơi đâu, dẫu ở phương trời xứ lạ nào, khi Tết về, những đứa con xa quê lại khăn gói tìm về làng cũ bên bà mẹ già ngày đêm nhớ mong, ngóng đợi, để lại được quì bên gối mẹ mà làm đứa con nhỏ bé vòi vĩnh ngày xưa, để được sống lại vùng ký ức tuổi thơ giữa làng quê, thôn xóm, để lại được gọi mầy, xưng tao với những thằng bạn từ những ngày tóc còn để chỏm.  Dẫu ở nơi đâu, dẫu ở góc trời nào trên quả địa cầu này, khi Tết về, những người con dân Việt lại náo nức tìm về với nhau theo những hẹn hò không cần sắp đặt, như một sự thôi thúc bản năng của loài chim di trú, để được quây quần bên nhau, chuyện trò hỏi han, nhắc với nhau về những kỷ niệm Tết xưa, để lòng được thấy gần nhau và ấm lại như chưa hề lần nào cách xa nhau sau những thiên thu cách biệt.  Dẫu ở nơi đâu, dẫu có đang ngập chìm trong dòng xoáy bộn bề của đời sống xứ người, khi Tết về, những phận người lưu vong lại lục tìm trong mớ ký ức hỗn mang của mình, vốn đã phai phôi nhiều theo năm tháng, những mảnh vỡ tan tác của những mùa Tết cũ, nhặt và chắp vá chúng lại như chắp vá những mảnh vỡ thủy tinh rơi trên sàn gạch lát, có những mảnh vỡ nhọn và sắc, vô tình làm chảy máu và gây đau. 

Đã hơn 20 năm tôi rời xa dòng sông tuổi nhỏ.  Cũng chừng ấy khoảng thời gian, tôi không còn có dịp để thấy mai vàng, pháo đỏ khi Tết đến làm xôn xao làng trên, ngõ dưới.  Cũng chừng ấy khoảng thời gian, gió Tết không còn mơn man trên những luống kỷ niệm đời thân yêu. Những ký ức về Tết của một thời tuổi thơ thần tiên dần nhạt nhòa, ngủ yên theo những năm tháng lượn lờ trôi trên dòng sông định mệnh của đời người.  Tưởng như chúng không bao giờ còn sống lại, tưởng như chúng đã mãi ngủ quên thật rồi, như biết bao nhớ nhung, chia ly trong đời vẫn vậy:  Quên nhau một lần có khi là quên nhau vĩnh viễn, xa nhau một lần có khi là xa nhau trọn kiếp.  Nhưng không!  Có một phút, một khoảnh khắc như giây phút, như khoảnh khắc này đây, chúng tìm về lên tiếng nói. Tiếng nói ấy cất lên từ dồn nén tận cùng của những xúc cảm xa xưa, tuy cũ, nhưng vẫn thân quen, như chưa hề xa cách bao giờ, như giữa ngày xưa và ngày nay chưa hề bao giờ tồn tại một khoảng cách lạnh lùng, xa diệu vợi.  Có một phút, một khoảnh khắc, như giây phút, như khoảnh khắc này đây, khi vọng vang trong không gian mờ ảo quanh tôi như có tiếng pháo nổ đì đùng, khi thoang thoảng trong không gian mờ ảo quanh tôi như có mùi hương của bánh chưng, bánh tét; tôi bỗng dưng thấy như có một điều gì đó rất lạ:  Dường như Tết đang ở quanh đây! 


18/01/2013
Jeffrey Thai 

1 comment:

  1. Những bài viết của Jeffrey Thai rất hay để lại trong lòng chị cùng các bạn đọc nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp.
    Mong em ở nơi xa luôn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
    Chị,
    Trang Mỹ Dung

    ReplyDelete