Saturday, September 27, 2014

(Video) Liveshow Diệu Hiền - Trao Gửi Nghiệp Cầm Ca (2003)
















Nghệ sĩ Diệu Hiền: Đệ nhất đào võ sân khấu cải lương




Trên sân khấu cải lương miền Nam, tài năng ca diễn của một số nghệ sĩ đã mang đến cho họ những mỹ danh bất tử, mà mỗi khi nhắc đến mỹ danh này, thì người ta không thể nghĩ đến một nghệ sĩ nào khác. Như danh hiệu “vua ca vọng cổ” thì dành cho Út Trà Ôn, “Nữ vương Sầu Nữ” dành cho Út Bạch Lan, “Nữ hoàng sân khấu” dành cho Thanh Nga…
Trong những thập niên 1960, đã xuất hiện một phong cách ca diễn cũng tạo được “thương hiệu” riêng cho mình, đó là nữ nghệ sĩ Diệu Hiền. Với lối ca diễn mạnh mẽ rất « võ tướng », Diệu Hiền có thể được xem là “Đệ nhất đào võ của sân khấu cải lương”.

Từ tuổi thơ gian khó…

Tuổi thơ của Diệu Hiền cũng giống như đa số nghệ sĩ cải lương thế hệ vàng, là “ba chìm bảy nổi”. Tuy nhiên, trường hợp của Diệu Hiền có thể được xem là đứng đầu trong cái gọi là “ba chìm bảy nổi” đó. Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, trong một gia đình có 7 người con. Diệu Hiền là con thứ 5 trong gia đình theo cách gọi của người miền Nam. Người ta nói giọng ca của Diệu Hiền “lạ”, nhưng khi tìm hiểu về cuộc đời cô, ta thấy rằng cái “lạ” đã xuất hiện khi bé Hiền mới chào đời, đó là: bé Hiền đặc biệt khóc nhiều.

Chưa đầy 5 tuổi, Hiền đã mất cha. Mẹ Hiền muốn lên Sài Gòn kiếm sống, nên đã định gửi các con lại cho hai bên nội ngoại nhờ nuôi dưỡng. Nhưng vì bé Hiền khóc nhiều quá nên không ai dám nhận, và thế là nhờ khóc nhiều mà Hiền được theo mẹ lên Sài Gòn.

Nhưng lên Sài Gòn nào có sung sướng gì với cái cảnh mẹ góa con côi tha phương cầu thực. Mẹ con Hiền phải lang thang làm mướn làm thuê kiếm sống. Nhưng, mỗi khi xin vào giúp việc cho một gia đình nào đó, thì mấy bữa mẹ con Hiền lại bị đuổi vì Hiền khóc dữ quá chủ nhà không chịu được. Thế là hai mẹ con dắt dìu nhau ngày đi làm thuê làm mướn, tối ngủ dạ cầu. Mà ngủ dạ cầu cũng nào có yên đâu, bởi phần thì bị chính quyền nhắc nhở, phần thì bị những người lang thang khác giành chỗ ngủ. Diệu Hiền kể có khi mẹ cô còn bị nắm đầu đánh bởi những người cùng cảnh ngộ mà không biết đùm bọc lẫn nhau.

Thế rồi, số phận đẩy đưa, mẹ Hiền chấp nối với một người đàn ông nghèo góa vợ. May mắn cho bà, người này thương bà thật lòng, nên đã không ngại nuôi dưỡng các con bà. Mẹ Hiền rất mê cải lương, mỗi tối bà ngồi nghe ké đài phát thanh phát ra từ hàng xóm. Ba dượng của Hiền thương vợ, mới dành dụm tiền mua cho bà một chiếc vé hạn chót (mà hồi trước gọi là hạng cá kèo) để đi coi cải lương. Năm đó được 9 tuổi, Hiền theo mẹ đi coi hát. Lần đó hai mẹ con xem tuồng “Lòng mẹ Việt Nam”, sau này gọi là “Tình Mẫu Tử”, với hai giọng ca trứ danh của thập niên 1950 là Út Trà Ôn và Cô Ba Kim Anh. Và như vậy, Hiền bắt đầu thấy thích cải lương, và bắt đầu nuôi mộng đi hát cải lương

….Đến nghệ danh Diệu Hiền



Từ năm 9 tuổi, Hiền bắt đầu ngày nào cũng xin mẹ đi theo đoàn hát, nhưng người mẹ vốn không muốn xa con nên không đồng ý. Hiền kiên trì xin mẹ đến năm 14 tuổi. Một hôm, mẹ Hiền giận quá mới lấy quần áo đuổi Hiền theo gánh hát. Sau này, Diệu Hiền tâm sự, khi ấy, cô biết do mẹ giận lẫy mới làm vậy, nhưng cô đã tranh thủ cơ hội đó lấy quần áo vội vàng chạy đi vì sợ chậm tay mẹ sẽ đổi ý. Thế là cô bé Lâm Thị Hiền bắt đầu cắn răng xa mẹ để theo đuổi niềm đam mê cải lương, cũng là hy vọng kiếm tiền giúp mẹ đỡ bề cực khổ.

Hồi trước, các đoàn hát thường đi lưu diễn ở khắp nơi. Khi ấy người ta gọi là “Gánh hát” hay “Ghe hát”, bởi đoàn hát nào cũng di chuyển bằng ghe trên sông, nơi nào có chợ là dừng bến dựng rạp, có hát thì mới có tiền mua gạo cho anh em nghệ sĩ và công nhân hậu đài ăn, sau khi hát xong thì các vị ‘‘vua chúa công hầu’’ trên sân khấu cởi bỏ trang phục treo võng tòng teng dưới sân khấu mà ngủ. Thế là, cô bé Lâm Thị Hiền đã bắt đầu sống cái cảnh gạo chợ nước sông như vậy từ năm 14 tuổi.

Nghệ danh Diệu Hiền không phải do cô tự chọn mà là do khán giả tặng cho, nó đánh dấu tên tuổi của nghệ sĩ Diệu Hiền được khẳng định trong lòng người mộ điệu. Số là, khi mới đi hát, vì mê giọng ca của Vua Xàng Xê Minh Chí, nên Lâm Thị Hiền xin được đặt nghệ danh là Minh Hiền. Vào khoảng năm 1960, tại đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Cao, trong một lần diễn ở Đà Lạt với vở Hoa Tàn Trong Am Vắng, anh kép Mộng Vân (con trai của soạn giả Mộng Vân Tử) đến giờ diễn mà chưa có mặt, nên soạn giả Hoàng Khâm mới đề nghị cho Minh Hiền thế vai. Và soạn giả Hoàng Khâm đã sửa vai chú tiểu của Mộng Vân thành ni cô Diệu Hiền để cho Minh Hiền thủ diễn. Không ngờ, sau xuất diễn đó, khán giả không còn nhớ đến cái tên Minh Hiền mà bắt đầu gọi cô là Diệu Hiền. Thế là ông bầu Cao mới treo băng rôn quảng cáo tên cô với nghệ danh Diệu Hiền, và nghệ danh đó gắn với cô cho đến bây giờ.

Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân: Hai vai đào võ để đời

Diệu Hiền đã từng đứng chung sân khấu với hầu hết các kép chánh tên tuổi như Út Trà Ôn, Thanh Hải, Minh Cảnh, Tấn Tài, Út Hiền, Minh Phụng, Minh Vương, Hoài Thanh…qua các nhiều đoàn hát như : Hoa Lan – Xuân Liễu, Thống Nhất, Kim Chung, Hương Tràm, Tháp Mười, Sài Gòn 2, Phước Chung… Trên bước đường ca hát, Diệu Hiền may mắn được thụ giáo với những bậc tông sư của cải lương như : Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ba Vân, Phùng Há, Tám Vân, Hoàng Nô, Út Trà Ôn, Hoàng Giang … Tuy nhiên, Diệu Hiền đã biết học mỗi “Thầy” một chút, và biến thành cái riêng của mình.

Diệu Hiền cho biết là thường theo dõi, học hỏi cách ca diễn của các nam nghệ sĩ nhiều hơn các nữ nghệ sĩ đi trước. Xem kỹ lại cách ca diễn của Diệu Hiền, ta thấy cô có lối ca hơ hơ ngắt hơi ảnh hưởng của nghệ sĩ Bảy Cao, nhưng cô không ca hơ hơ nguyên xi như ông, mà chất nữ vốn có trong giọng ca của cô đã tạo thành lối vuốt nhẹ, êm, truyền cảm hơn, tạo được nét lạ không trùng lắp. Ta cũng thấy ở Diệu Hiền có lối ca diễn hùng tráng, uy nghi của Vua Xàng Xê Minh Chí, rồi cách vô vọng cổ chồng vút lên của Út Trà ôn, rồi bộ chân, bộ tay thì Diệu Hiền chịu ảnh hưởng nhiều của nghệ sĩ Hoàng Giang. Như vậy, Diệu Hiền đã biết “rút tỉa” tinh hoa của người đi trước, và đã trui luyện, sáng tạo, bổ sung theo cách riêng để biến thành cái riêng của mình, tức thành cái “rất Diệu Hiền”, và chỉ có thể tìm thấy ở Diệu Hiền.

Có lẽ vì cô bị ảnh hưởng nhiều bởi các nam nghệ sĩ, nên phong cách ca diễn của Diệu Hiền rất mạnh mẽ, oai phong, phù hợp với vai đào võ. Thêm vào đó, ta thấy có một điều mà có lẽ tổ nghiệp đã sắp đặt ban cho cô : Diệu Hiền có một bộ dạng mạnh mẽ và một chất giọng bi hùng rất phù hợp với vai đào võ, tức là chỉ mới nhìn bộ tướng, chỉ mới nghe tiếng ca là người ta đã thấy cái chất võ tướng trong đó rồi. Diệu Hiền đã không phụ lòng tổ nghiệp khi đã rất thành công các vai đào võ trong đó có hai vai để đời là vai Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều Tướng Quân, và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ Tướng Cờ Đào.

Vai nữ tướng Bùi Thị Xuân là một vai khó diễn, khó là bởi vì dù là vai nữ chính, nhưng xem kỹ lại thì rõ ràng là Bùi Thị Xuân hầu như thiếu đất diễn. Không hề có một cảnh tình bi lụy ướt át để khiến khán giả thương hại, hay một trường đoạn kết hợp nhiều bài ca diễn để diễn viên có dịp trổ tài. Hơn nữa, đây lại là một tuồng lịch sử, ca ngợi hai danh tướng Bùi Thị Xuân và chồng bà là tướng Trần Quang Diệu, hai vị đại tướng của Hoàng đế Quang Trung, đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng sau khi Quang Trung mất, và cả gia đình đã bị Nguyễn Ánh xử tử để báo thù. Thường thì các tuồng lịch sử thể loại như thế rất bị bó buộc về nội dung nên thiếu chất lãng mạn, lâu lâu mới có một tuồng lịch sử có đủ chất “mùi” của cải lương như Tiếng Trống Mê Linh hay Nhụy Kiều Tướng Quân. Còn Nữ Tướng Cờ Đào thì ngược lại, thiếu hẳn những tình tiết trữ tình, mà vận hành theo những tình tiết lịch sử có vẻ khô khan.

Bề ngoài là vậy, nhưng nếu người diễn biết đào sâu lịch sử, biết nghiên cứu kỹ tâm lý nhân vật, và đặc biệt là có năng lực ca diễn thật sự, thì những vai như Bùi Thị Xuân lại chính là những vai dễ lấy lòng công chúng bởi đó là vai của một nữ tướng được xem là anh hùng dân tộc. Và có lẽ là tổ nghiệp đã tạo ra một nữ nghệ sĩ Diệu Hiền để cho những loại vai khó diễn như Bùi Thị Xuân.

Với phong cách diễn oai phong, bộ tịch uy nghi tự nhiên, Diệu Hiền đã không bỏ sót một chi tiết nào dù là nhỏ nhất để gửi hết tâm hồn vào đó và đã tạo ra một nhân vật Bùi Thị Xuân trên sân khấu oai phong lẫm liệt và hết sức tự nhiên, không hề thấy có sự gượng ép hay cố gắng tỏ ra oai phong nào trong cách diễn. Cái oai phong ở đây được tìm thấy từ những cái phất tay, từ ánh mắt nhìn, và đặc biệt từ giọng nói trời cho đầy sinh lực. Với giọng ca oai hùng nhưng man mác niềm tâm sự đã tạo ra nét bi hùng, và khi cần thiết, Diệu Hiền đã đẩy mạnh chất bi trong giọng ca để tạo ra một Bùi Thị Xuân đầy tình cảm làm rung động lòng người.

Như trong lớp diễn Bùi Thị Xuân một mình qua sông đến trung quân của tướng Vũ Văn Dũng khi tướng này mang quân bao vây kinh thành Phú Xuân và giết chết quan Thái Sư Bùi Đắc Tuyên. Đắc Tuyên vốn là cậu ruột của vua Cảnh Thịnh (Con trai vua Quang Trung), và là chú của Bùi Thị Xuân. Nên khi hay tin bà đến, võ tướng Vũ Văn Dũng không tin là bà đến để giảng hòa, vì ngại bà còn giữ trong lòng mối thù giết chú. Đây là lớp diễn thể hiện tài diễn xuất thượng thừa của Diệu Hiền.

Trong lớp diễn này, Diệu Hiền đã đẩy mạnh chất bi trong giọng ca để tạo ra một cách nói, cách ca đầy tâm sự, chan chứa tình cảm, với mục đích là để cho tướng Vũ Văn Dũng hiểu được tâm ý của bà là vì nghĩa lớn của Tây Sơn mà bỏ qua mọi hiềm khích, tránh chia rẽ để cùng nhau đánh dẹp Nguyễn Ánh.

Diệu Hiền có một giọng cười rất đặc biệt, và khi ca diễn ba điều trách cứ đối với Vũ Văn Dũng, ta thấy Diệu Hiền đã kết hợp nhuần nhuyễn chất oai hùng để thể hiện sự dứt khoát trong cách suy nghĩ, sự chan chứa thâm tình để thể hiện tình đồng đội dưới lá cờ Tây Sơn. Diệu Hiền đã làm cho vai diễn thêm phần sống động với những tiếng cười rất bi hùng và rất “Diệu Hiền”. Tất cả đã khiến cho tướng Vũ Văn Dũng không thể nào không bị thuyết phục cho được.

Qua phân tích bên trên, ta thấy rằng, Diệu Hiền đã thể hiện xuất sắc điều mà tác giả gửi gấm trong vai Bùi Thị Xuân, một cách diễn “rất Diệu Hiền”. Người dàn dựng tuồng này trong những năm 1980 là nghệ sĩ Thanh Tòng đã nhận định: “Bùi Thị Xuân là một vai bình thường, nhưng khi vào tay Diệu Hiền thì nó không còn bình thường nữa”.

Đến với vai Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều Tướng Quân, có thể nói rằng, đây là vai khẳng định vị trí số một của Diệu Hiền trong nghệ thuật ca diễn vai đào võ. Tất cả những cái gì đặc trưng của “phong cách ca diễn Diệu Hiền” đều được tìm thấy trong vai diễn này. Đoạn hay nhất trong vở tuồng này được người mộ điệu ngày nay yêu cầu Diệu Hiền diễn đi diễn lại là đoạn Triệu Thị Trinh khóc thương và tuyên thề tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương trước thi thể của người bạn cũng là thuộc tướng tên là Lê Minh. Vai Lê Minh diễn ăn ý nhất với Diệu Hiền là nam diễn viên Hoài Thanh.

Trước thi thể của Lê Minh, Nhụy Kiều Tướng Quân – Diệu Hiền đã ca hai câu vọng cổ một cách đặc sắc. Trước tiên, Nhụy Kiều Tướng Quân-Diệu Hiền lạy ba lạy và sau đó là thề tiếp tục chiến đấu. Diệu Hiền diễn lúc này không bi lụy, mà trái lại từng ánh mắt, từng điệu bộ, từng cái vẫy tay, từng cái lạy … tất cả điều rất oai phong và uy nghi, nói chung là rất “đào võ”. Bên cạnh sự oai phong đó, Diệu Hiền đã thể hiện nỗi niềm tiếc thương vô hạn đối với tướng Lê Minh bằng một giọng ca được phát huy tối đa chất bi hùng, bằng một giọng cười đầy uất hận. Có thể nói, đây là cách cười độc nhất vô nhị của Diệu Hiền. Người xem cũng cảm thấy con tim quặn thắt cùng Nhụy Kiều Tướng Quân – Diệu Hiền trên sân khấu, nhưng người xem đồng thời cũng được Nhụy Kiều Tướng Quân – Diệu Hiền truyền sang một ngọn lửa sôi sụt câm thù chống ngoại xâm.

Ở đây ta thấy có một sự trùng hợp rất thú vị, đó là Triệu Thị Trinh và Bùi Thị Xuân cả hai đều là nhân vật nữ lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, hai vai này lại “lọt vào tay” của cô đào diễn vai đào võ xuất sắc nhất của làng sân khấu cải lương là nghệ sĩ Diệu Hiền, bởi vậy mà hình ảnh đầy thiện cảm của hai vị nữ tướng đã giúp cho Diệu Hiền dễ dàng lấy cảm tình của khán giả, nhưng hai nhân vật quá được lòng dân này cũng gây khó khăn cho Diệu Hiền bởi ca diễn mà không cẩn thận chẳng những không tròn vai diễn, mà còn dễ gây phản cảm đối với khán giả. Thế nhưng, bằng tài năng ca diễn đặc biệt của mình, Diệu Hiền đã thật sự trở nên rất “Diệu Dữ” khi đã biến hai vai diễn nói trên thành vai diễn để đời. Có thể nói rằng, hai nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh và Bùi Thị Xuân đã làm bất tử Diệu Hiền trong lòng người mộ điệu, và chính Diệu Hiền đã làm bất tử hai vai diễn về hai vị nữ tướng này trên sân khấu cải lương.

Một giọng ca “lạ” và “Trường phái Diệu Hiền”

Bàn về giọng ca của Diệu Hiền, ta thấy rằng đây là một giọng ca “lạ”. Ông vua viết lời vọng cổ Viễn Châu cho rằng: “Khi khen một giọng ca, người ta thường khen là giọng ca mùi, ca hay, ca ngọt ngào, ca truyền cảm, nhưng đối với Diệu Hiền thì đây là một giọng ca lạ. Cô ca có vẻ ẩn ức, uất nghẹn, cô đóng rất đạt các vai võ tướng”. Soạn giả Viễn Châu đã rất chính xác khi dùng từ “lạ”, bởi không chỉ đến thời điểm 1960, mà ngay cả đến hiện tại, giọng ca của Diệu Hiền vẫn là độc nhất vô nhị.

Đó là một giọng ca cao vút trong trẻo, ca như tiếng nấc, tiếng khóc bật ra từ đáy lòng, những dấu nhấn sắc, hỏi, ngã được Diệu Hiền ca vút lên thật ngọt, thật chín, đặc biệt là những đoạn ngân cuối câu Diệu Hiền hơ hơ một cách “đứt mà không đứt” nghe rất lạ, tạo thành sắc thái riêng của Diệu Hiền.

Trong giọng ca Diệu Hiền, có mấy điểm sau đây cần nhấn mạnh. Thứ nhất, ta thấy nét dễ nhận ra nhất trong lối ca của Diệu Hiền chính là cách ca ngắt chữ trong cách ngân, cách vuốt “đứt dây đờn” những chữ mang dấu sắc, hỏi, nặng, và chính cách ca đánh mạnh vào các dấu này đã tạo nên một cung bậc bổng trầm rõ rệt, nghe thật du dương và rất êm tai. Muốn ca như Diệu Hiền là rất khó, đòi hỏi phải có giọng cao, hơi khỏe và ca ngọt, mùi, đặc biệt là phải chắc nhịp. Về điểm này, ta thấy Diệu Hiền có cách sắp chữ rất đều và chắc nhịp.

Thứ hai, ta thấy rằng, Diệu Hiền vuốt chữ mang dấu nặng khi xuống vọng cổ rất tuyệt. Không phải chỉ có Diệu Hiền mới vuốt dấu nặng khi vô vọng cổ, mà vì cô có chất giọng mạnh mẽ, lạ, nên cô vuốt dấu nặng khi xuống giọng cổ nghe cũng rất lạ, rất hay, nghe rồi không mê là không được. Chẳng hạn như, trong bài vọng cổ Tần Quỳnh Khóc Bạn, khi vô vọng cổ câu 4, Diệu Hiền vuốt chữ “bạn” rất hay: “La Thành ơi, anh trách em ở ăn chi quá nghiệt, nỡ vun gươm giết thác bạn (vuốt)…anh hùng”.

Một điểm đáng chú ý nữa là lối vô vọng cổ rất “lạ” của Diệu Hiền. Như Diệu Hiền đã nói là học cách vô vọng cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn, thế nhưng ta thấy với giọng ca mạnh mẽ, và lối ca nhấn dấu, Diệu Hiền đã tạo được một trường phái riêng của mình, đó là vô vọng cổ tưởng không ngọt mà rất ngọt. Tức là, khi nghe Diệu Hiền vô vọng cổ, ta có cảm giác sợ cô bị nghẽn không xuống ngọt được câu vọng cổ, thế nhưng cô đã điều hơi một cách thần sầu và xuống vọng cổ một cách ngọt như mía lùi.

Trường phái ca nhấn nhá dấu đặc biệt này, lối xuống vọng cổ đặc biệt này ta thấy hậu duệ của Diệu Hiền đến hiện tại có hai người : Trước có Hà Mỹ Xuân, sau có Vũ Linh. Nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân trong những ngày chập chững vào nghề đã được sự chỉ dẫn của nghệ sĩ Diệu Hiền, và Hà Mỹ Xuân cũng có lối ca mạnh mẽ nhấn dấu rất lạ. Còn Vũ Linh cũng đã được Diệu Hiền dìu dắt vào nghề, và anh đã chịu ảnh hưởng nhiều của Diệu Hiền trong cách vuốt những dấu sắc, hỏi, nặng rất tuyệt. Càng về sau, ta thấy Vũ Linh càng áp dụng cách vuốt “đứt dây đờn” này khi ca diễn.

Chấn động làng cổ nhạc với Tần Quỳnh Khóc Bạn và Trụ Vương Thiêu Mình

Mấy năm nay, giọng ca Diệu Hiền lại gây chấn động trong làng cổ nhạc với hai bài vọng cổ Tần Quỳnh Khóc Bạn và Trụ Vương Thiêu Mình của soạn giả Viễn Châu. Bài Tần Quỳnh Khóc Bạn thì kể lại việc Đơn Hùng Tín đi hành thích vua nhà Đường là Lý Thế Dân, bị bắt và xử tử bởi chính những người anh em kết nghĩa mà ông đã từng một thuở cưu mang. Người trực tiếp chém đầu Đơn Hùng Tín lại là võ tướng La Thành, người mà trước đây họ Đơn phải vất vả cưu mang nhiều nhất. Lúc chém Đơn Hùng Tín, thì một trong số những người anh em kết nghĩa là Tần Quỳnh có việc công cán ở xa, nên khi trở về thì Đơn Hùng Tín đã bị giết rồi.

Viễn Châu viết bài Tần Quỳnh Khóc Bạn là để bày tỏ tâm tình của Tần Quỳnh trước cái chết của Đơn Hùng Tín. Đây là một bài ca hay, dù lấy đề tài cổ xưa nhưng rất được yêu thích bởi nó chạm đến một đề tài muôn thuở đó là tình bằng hữu, thêm vào đó là cách hành văn, sắp chữ rất dễ hiểu, dễ ca. Trong bài ca này có hai câu mà soạn giả Viễn Châu và người mộ điệu rất tâm đắc, đó là: “Dù không thương cũng đừng nên hạ thủ, giết kẻ thù chớ giết bạn đành sao?”.

Còn bài Trụ Vương Thiêu Mình thì đề cập đến việc Trụ Vương hoan dâm vô đạo mê đắm Đắc Kỷ dẫn đến họa diệt vong. Viễn Châu nói về tâm tình của vua Trụ khi bị quân khởi nghĩa tứ phía bao vây và phải tự thiêu ở Trích Tinh Lầu.

Cũng như Viễn Châu xác nhận, là hai bài ca này được ông viết để cho những giọng ca nam. Mà dù là giọng ca nam đi nữa, thì thật sự mà nói cần phải có một giọng có đủ chất bi hùng. Ở đây, ta nhấn mạnh từ “có đủ”, bởi dư một chút “bi” cũng không được, mà thừa một chút “hùng” cũng chẳng hay. Một cái khó khác là hai bài ca này bàn đến một câu chuyện quá xa xưa, mà thường thì những đề tài cổ hay được soạn giả chọn cho những từ ngữ và điển tích cổ, rất khó thu hút người nghe, nhất là giới trẻ.

Đối với Diệu Hiền, khi thể hiện hai bài ca này, cô chẳng những gặp những cái khó nêu trên, mà cô còn chịu một thử thách khác cũng rất hóc búa, đó là bài Trụ Vương Thiêu Mình là bài ruột của Vua ca vọng cổ Út Trà Ôn, còn bài Tần Quỳnh Khóc Bạn là bài ruột của danh ca Thanh Hải. Hai cái bóng này quả thật quá lớn để khán giả có thể mở lòng chấp nhận một giọng ca khác.

Ấy thế mà Diệu Hiền đã làm được. Với bộ nhịp chắc chắn, với lối ca điêu luyện, với giọng ca và cách ca “lạ” oai hùng mà chứa chan tình cảm, Diệu Hiền đã thể hiện thành công hai bài ca nói trên, được người mộ điệu hoan nghênh nhiệt liệt. Như đã nói, trong bài Tần Quỳnh Khóc Bạn, chỉ nghe Diệu Hiền vuốt chữ “bạn” khi xuống vọng cổ câu 4 là người nghe đủ “lạnh xương sống”. Hay như khi xuống vọng cổ câu 1 của bài Trụ Vương Thiêu Mình, Diệu Hiền cũng vuốt “đứt dây đờn” chữ “vội”: “Trời ơi đám tôi trung đã phản trụ đầu Châu, kéo binh về đây vấn tội. Trong khi Hoàng hậu Tô Nương đã bỏ ta mà vội (vuốt) bôn….đào”. Đặc biệt, trong hai bài ca, Diệu Hiền đã sử dụng rất thành công giọng cười bi hùng rất riêng của cô. Có thể nói, trong làng sân khấu cải lương, chưa thấy có cô đào nào có một kiểu cười và giọng cười đầy chất bi hùng đến như vậy.

Đến hiện tại, sau Út Trà Ôn và Thanh Hải, Diệu Hiền không phải là nghệ sĩ duy nhất thể hiện hai bài ca này. Ấy thế nhưng, để đạt được độ bi hùng già dặn trong giọng ca và điệu bộ thể hiện oai phong như Diệu Hiền thì chưa thấy ai. Nhiều giọng ca khác cũng đã chọn ca bài này, nhưng không phải là họ ca không hay, mà là có người thì ca diễn buồn quá khiến cho người nghe có cảm giác bi lụy, có người thì oai hùng quá mức làm mất chất bi trong bài ca. Với Diệu Hiền thì khác, hai bài ca đã được thê hiện một cách bi mà không lụy, oai phong mà tình cảm.

Và hiện tại, đối với khán giả, mà đặc biệt là giới trẻ, hễ nhắc đến hai bài Tần Quỳnh Khóc Bạn và Trụ Vương Thiêu Mình là nghĩ ngay đến Diệu Hiền, mà hễ nhắc đến giọng ca Diệu Hiền thì nghĩ ngay đến Trụ Vương Thiêu Mình và Tần Quỳnh Khóc Bạn. Chia sẻ về thành công này của Diệu Hiền, soạn giả Viễn Châu cho biết: “Tôi phục tài nghệ của Diệu Hiền khi cô thể hiện 2 bài ca cổ Tần Quỳnh Khóc Bạn và Trụ Vương Thiêu Mình. Thật ra, 2 bài này tôi viết cho kép ca. Thanh Hải và anh Mười Út Trà Ôn là hai nghệ sĩ thể hiện xuất sắc tâm can bài này. Song một ngày, tôi nghe điện thoại của Diệu Hiền: “Thưa thầy, con xin được ca 2 bài đó”. Tôi hỏi: “Cô có kham nổi không?”. Diệu Hiền quả quyết: “Con sẽ ráng”. Quả nhiên, sự mạnh mẽ của Diệu Hiền đã làm tôi kinh ngạc khi nghe những trường độ, cao độ mà cô sắp xếp để nhả chữ, lấy hơi và đưa khí tiết dũng mãnh vào từng câu hò, câu xề của bài vọng cổ”.


Trao gửi nghiệp cầm ca



Tóm lại, nói về Diệu Hiền, ta có thể khẳng định rằng, cô là “Đệ nhất đào võ” của sân khấu cải lương. Chữ “Đào võ” ở đây không hạn chế trong việc đóng vai nữ tướng trên sân khấu, mà ở Diệu Hiền còn được thể hiện qua bộ tướng và giọng ca. Có thể nói rằng, trong hình dáng của cô và giọng ca của cô đã có đầy đủ tố chất nữ võ tướng. Đặc biệt là giọng ca được cho là “lạ” của cô.

Hơn 50 “ăn cơm tổ”, và đến hiện tại Diệu Hiền cũng vẫn còn tiếp tục “ăn cơm tổ” khi thường xuyên tham gia ca hát ở nhiều địa điểm mà không ngại xa xôi. Trong hơn nửa thế kỷ đó, đóng góp của Diệu Hiền cho sân khấu cải lương là vô cùng to lớn, trong đó có hai điểm cần nhấn mạnh: Thứ nhất, Diệu Hiền đã tạo một trường phái riêng góp phần làm phong phú cho sân khấu cải lương, trường phái xin được gọi là “Trường phái Diệu Hiền”, một trường phái rất riêng về giọng ca và cách ca nhấn dấu bổng trầm độc đáo; Thứ hai, đó là Diệu Hiền đã thể hiện được tinh thần “Tre tàn măng mọc” khi luôn có ý thức đào tạo thế hệ kế thừa, mà trong đó hai “đệ tử” thành công nhất của Diệu Hiền, đó là nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và nam nghệ sĩ Vũ Linh.

Tấm lòng này của Diệu Hiền rất đáng được trân trọng bởi nó cần thiết hiện diện ở tất cả nghệ sĩ xưa cũng như nay trong việc trao truyền nghiệp cầm ca. Tinh thần đó của Diệu Hiền có thể được tóm lược qua lời tâm sự của một nhân vật mà Diệu Hiền thủ diễn trong vở cải lương Người Đưa Đò của soạn giả Hoàng Song Việt: “Cha mẹ cho hình hài, những bậc thầy bậc anh bậc chị mỗi người cho một chút nghề là để phục vụ cho khán giả. Chứ đó không phải là tài sản của riêng người nghệ sĩ mà muốn hủy diệt khi nào thì hủy diệt”.

Lê Phước - RFI

No comments:

Post a Comment