Monday, March 16, 2015

(Audio + E-Book) Loan Mắt Nhung - Tiểu Thuyết Nguyễn Thụy Long (1970)









GIỚI THIỆU SÁCH

"Loan Mắt Nhung" 1967, tác phẩm nói về cuộc đời của một thanh niên do biến cố cuộc sống và thời cuộc đẩy đưa mà từ một thiếu niên ngây thơ trong sáng thật thà (có đôi mắt đen huyền đẹp như nhung) trở thành một đại ca giang hồ bản lãnh lì lợm trong giới dao búa hè phố. Tuy vậy, trong tâm hồn y đâu đó vẫn còn đọng lại bản chất lương thiện. Tiểu thuyết đã khắc hoạ ít nhiều giới giang hồ du đảng Saigon trước 1975, đâu đó phảng phất bóng dáng của Đại Cathay:  Bắt đầu bước vào đời bằng cuộc sống tù dày đến khi kết thúc vẫn tù đày... 

Tác phẩm này đã được hãng COSUNAM FILMS thực hiện thành phim cùng nhan đề và được NXB Âu Cơ tái bản lần thứ nhất 1970.  Nó là một tác phẩm được dựng thành phim, viết thành nhạc, đã gây tiếng vang trong giới trẻ Saigon trước 1975. 

Hình ảnh và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thụy Long

(Nguyễn Thụy Long (1938 - 2009)







1/ Vài nét về nhà văn Nguyễn Thụy Long :

Nhà văn Nguyễn Thụy Long (sinh 1938) là Cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người nổi tiếng với câu văn: "Đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi mà lòng người ngại núi e sông". Ông cùng cựu học sinh Hồ Ngọc Cẩn đi lính không quân, là hạ sĩ quan tiếp vận. Vì tiếp xăng cho cái tàu bay C47 do Phan Phụng Tiên lái chở đám sĩ quan nổi loạn ngày 11 tháng 11 năm 1960, do Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi cầm đầu chạy sang Nam Vang, nên đã bị ra tòa án quân sự xử mấy năm tù, phải vào Chí Hòa. Ra tù, Nguyễn Thụy Long làm báo Ngàn khơi của Nhã Ca, viết phóng sự. Rồi làm báo Sống của Chu Tử, viết các tiểu thuyêt Loan mắt nhung, Kinh nước đen nổi tiếng như cồn. Loan mắt nhung được đạo diễn Lê Dân quay thành phim, rất đông người xem.
Trước 1975, Nguyễn Thụy Long là tiểu thuyết gia viết về xã hội đen nổi đình đám nhất. Sau 1975, Nguyễn Thụy Long viết về thời đại cũng khá tầm cỡ.

TÁC PHẨM

Vác ngà voi (1965)

Bước giang hồ (1967)
Chìm trên ngọn khô (1967)
Trong vòng tay đàn ông (1967)
Bà chúa 8 của ngục (1968)
Tay anh chị (1968)
Vết thù (1968)
Đêm đen (1968)
Bóng tối (1969)
Gái thời loạn (1969)
Kiếp hoang (1969)
Kênh nước đen (1969)
Nợ máu (1969)
Nữ chúa (1969)
Ven Đô (1969)
Xóm âm hồn (1969)
Bão rớt (1970)
Cầu cá (1970)
Dấu chân gió chạy (1970)
Loan mắt nhung (1970)
Nhà chứa (1970)
Biến đen (1971)
Biệt thự phủ du (1971)
Đàn ông đàn bà (1971)
Hạt giống của trời (1971)
Những cánh tay thuồng luồng (1971)
Sầu đời (1971)
Tốt đen (1971)
Vang tiếng ruồi xanh (1971)
Dưới chân non nước (1972)
Gió hú (1972)
Tử tội hoan hỉ (1972)
Mặt biển đêm (1973)
Bầy tiễu quỷ (197?)
Viết trên "Gác Bút" (1999)
Giữa đêm trường (2000)
Thuở mơ làm văn sĩ (2000)
Thân phận ma trơi (2000)

Nhà văn Nguyễn Thụy Long (sinh 1938), tác giả những Loan mắt nhung, Kinh nước đenlừng danh trước năm 1975 và vài chục bộ tiểu thuyết từ năm 1975 tới nay đã trút hơi thở lúc 14 giờ ngày 3 tháng 9 năm 2009 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
(Giai thoại về nhà văn NTL có rất nhiều điều thú vị nhưng một phần thì quá dài, một phần thì nhạy cảm nên bạn nào muốn tham khảo thì mình sẽ post sau)

2/ Phim Loan Mắt Nhung :

Loan mắt nhung là một bộ phim điện ảnh miền Nam năm 1970 của đạo diễn Lê Dân.
Bộ phim phản ánh, phê phán lối sống của một bộ phận thanh niên miền Nam trước 1975. Phim được làm theo truyện Loan mắt nhung viết năm 1967 củaNguyễn Thụy Long. Nguyễn Thụy Long đã sống một thời gian dài cùng giới du đãng và vũ nữ để viết được truyện này.
Loan, với biệt hiệu là "Loan mắt nhung" là một thanh niên lương thiện bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Vì cuộc sống khốn khổ, Loan phải đương đầu để sinh tồn rồi trở thành một đàn anh trong giới dao búa.
Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với một cô gái tên Xuân (do Thanh Nga đóng). Vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan đã thực hiện nhiều phi vụ lớn, ăn cướp, buôn lậu... nhưng anh vẫn mong có một ngày trở về cuộc sống lương thiện.
Gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại và giết chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn du đãng, giang hồ rồi ra đầu thú chính quyền.
Phim có nhiều cảnh ăn chơi, sinh hoạt vũ trường của Sài Gòn trước 1975. Vai Thanh Italy do Ngọc Phu thể hiện được đánh giá là vai diễn nổi bật nhất trong phim. Huỳnh Thanh Trà trong vai Loan Mắt Nhung, vốn là một diễn viên kịch nói.
Ca khúc chính trong phim Loan mắt nhung là của nhạc sĩ Huỳnh Anh.

3/ Diễn viên điện ảnh Huỳnh Thanh Trà :


Vào những năm đầu của thập niên 1960, Huỳnh Thanh Trà là học viên của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn và tốt nghiệp lớp đào tạo nghệ sĩ sân khấu cải lương ở đây, có nghĩa là anh xuất thân là môn đệ của những Năm Châu, Duy Lân, Năm Nở...
Năm 1966 lúc Huỳnh Thanh Trà ra trường lại là lúc có đoàn Ánh Chiêu Dương của Năm Châu ra đời, và Huỳnh Thanh Trà lúc bấy giờ với cái nghệ danh Dạ Khách đã gia nhập đoàn hát ngay từ buổi đầu mới thành lập, và chỉ đóng vai phụ, nhưng rồi đoàn này chẳng sống được bao lâu thì rã gánh. Kế đó Dạ Khách lại đi gánh Thiên Hương, rồi thì cũng bị cảnh gánh hát rã.
Người ta nói có lẽ Huỳnh Thanh Trà không có duyên với cải lương hay sao, chớ trước đó đào Phương Ánh cũng xuất thân từ trường lớp này, và được lên sân khấu lớn Thanh Minh Thanh Nga, đóng vai chánh gái bán ba, trong tuồng “Gái Bán Ba”. Nhưng rồi cũng do lận đận với cải lương, đổi tên là Huỳnh Thanh Trà. Nhờ đam mê nghệ thuật, dù cải lưng hay điện ảnh, ai mời đâu đóng đó.
Một ngày đẹp trời nọ Huỳnh Thanh Trà lọt vào cặp mắt nghề nghiệp của đạo diễn Lê Dân, và bước đường nghệ thuật của anh ta đã có dịp đi lên. Đạo diễn Lê Dân đã chọn Huỳnh Thanh Trà thủ vai chính trong phim Loan Mắt Nhung rồi nổi tiếng luôn, và cũng kể từ đó cái tên Dạ Khách đã lui về dĩ vãng.
Huỳnh Thanh Trà trước 1975 đã từng tham gia diễn xuất trong bốn cuốn phim như sau :
- Loan Mắt Nhung (vai Loan) : Đạo diễn Lê Dân, Thanh Nga trong vai Xuân, Tâm Phan.
- Xin Đừng Bỏ Em : Đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Huỳnh Thanh Trà đóng chung với Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Thanh Lan, Huy Cường.
- Mưa Trong Bình Minh : Đạo diễn Nguyễn Văn Tường, Huỳnh Thanh Trà đóng chung với ca sĩ Thanh Thúy (vai Mai), Bạch Tuyết (vai Dung), Kim Cương (vai cô gái điên).
- Trống Mái : Đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Huỳnh Thanh Trà đóng chung với người đẹp tiếp viên hàng không Ngọc Hạnh, Thanh Tú (vai Vọi).
- Phận Má Hồng : Đạo diễn Thái Thúc Nha, Huỳnh Thanh Trà đóng chung với Mộng Tuyền, Thanh Thanh Tâm.

Sau 1975, Huỳnh Thanh Trà diễn kịch trên sân khấu đoàn Kim Cương trong các vở diễn như : Về Nguồn, Người Tình Trễ Xe, Vực Thẳm Chiều Cao(vai Tâm), Tania, Trà Hoa Nữ (vai Tuấn), Lôi Vũ (vai Chu Phát Viên), Nụ Hôn Đầu Xuân. Huỳnh Thanh Trà không có tham gia bất cứ phim ảnh Việt Nam nào sau 1975 cả !. Hiện nay, Huỳnh Thanh Trà đã giải nghệ không còn hoạt động nghệ thuật gì nữa.


Băng nhạc Tuấn Khanh 2 : Loan Mắt Nhung (Trước 1975)

Tuấn Khanh 2 - Loan mắt nhung (do Tuấn Khanh và Tâm Anh thực hiện)

Song list :

Mặt A:

a1. Loan Mắt Nhung(Huỳnh Anh)Thiên Trang
a2. Mùa Thu Chết(Phạm Duy)Phương Hồng Quế
a3. Trăng Mơ(Thanh Phương)Phương Thanh
a4. Phố Đêm(Tâm Anh)Thanh Tuyền
a5. Tương Tư 3(Mặc Thế Nhân)Ban Mây Rừng
a6. Men Chua(Tâm Anh)Ngọc Minh
a7. Vùng Ngự Trị(Mặc Thế Nhân)Huy Khanh
a8. Kinh Chiều(Hoàng Thi Thơ)Quỳnh Hương
a9. Sa Nguồn(Tâm Anh)Thiên Trang
a10. Giọt Sầu(Trường Sa)Ban Mây Rừng 

Mặt B:

b1. Mây Hạ(Trầm Tử Thiêng)Ban Mây Rừng
b2. Hãy Ngủ Đi Em(Tâm Anh)Thanh Tuyền
b3. Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời(Phạm Duy)Quỳnh Hương
b4. Tưởng Không Còn Nhìn Thấy Nhau(Trầm Tử Thiêng)Trầm Tử Thiêng
b5. Thói Đời(Trúc Phương)Phương Hồng Quế
b6. Chùm Gửi(Hoàng Trang)Trúc Mai
b7. Tình Xa(Trịnh Công Sơn)Thùy Dương
b8. Tách Bến(Minh Nhựt)Bạch Lan Hương
b9. Thu Sầu(Lam Phương)Ngọc Minh
b10. Mảnh Hồn Hoang(Bão Tố)Quỳnh Hương
b11. Tạm Biệt Người Yêu(Hoài Nam)Linh Tuyền



Trong gia tài sáng tác không nhiều (trên dưới 20 bản) của nhạc sỹ Huỳnh Anh, có một nhạc phẩm gây chú ý vì cái tựa rất khó hiểu: Loan mắt nhung. Tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng như sự ra đời của cái tên “Loan mắt nhung”, người ta phát hiện ra nhiều điều thú vị: “Loan mắt nhung” là bản nhạc do nhạc sỹ Huỳnh Anh viết cho bộ phim cùng tên do đạo diễn Lê Dân thực hiện vào năm 1970, lấy cốt truyện từ tiểu thuyết cũng cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Tác phẩm này xuất bản năm 1967, nói về cuộc đời của một thanh niên bình thường có đôi mắt đen huyền đẹp như nhung, bị hoàn cảnh đưa đẩy trở thành một giang hồ và chịu nhiều bi kịch.




NGUYỄN THỤY LONG VÀ TIỂU THUYẾT “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Báo Công An TPHCM)

Nhà văn Nguyễn Thụy Long đã ra đi vào sáng 3-9-2009, khi vừa bước qua ngưỡng cửa “thất thập”. Dĩ nhiên với ngần ấy năm sống giữa thế gian, anh đã nếm trải đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời.

Sinh năm 1938 tại Hà Nội, anh là một trong số những nhà văn hàng đầu ở miền Nam trước 1975 còn ở lại và suốt đời gắn bó với quê nhà. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Thụy Long đã viết hơn 30 tiểu thuyết, trong đó có 20 tác phẩm hiện đang được lưu trữ tại thư viện của Viện Đại học Cornell, New York. Vào đời sớm, có thể nói thủa thiếu thời và những ngày mới lớn, Nguyễn Thụy Long thật sự là người của hè phố. Anh lặn hụp kiếm sống với đủ thứ nghề như một kẻ bụi đời chính hiệu, nhưng trái tim anh lại thuộc về một thế giới khác: thế giới của cảm xúc, biến mọi nhọc nhằn thành chất liệu cho ước mơ và văn học. Từ đó người đọc có thể bắt gặp nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long sự nhẫn nhục và chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách nhân ái và độ lượng.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thụy Long: Chim trên ngọn khô, Vác ngà voi, Sầu đời, Vết thù… đặc biệt là Loan mắt nhung, tiểu thuyết được dàn dựng thành phim và đã đọng lại trong lòng người xem những cảm xúc lâu dài.

Ngoài viết văn ra, Nguyễn Thụy Long còn là một nhà báo, dưới thời cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành, anh là một trong những cộng tác viên đặc biệt của Báo Công An thành phố. Vào những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Thụy Long được Huỳnh Bá Thành gởi gắm cho địa phương trông coi một ao cá nằm trong hẻm sâu trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Anh cùng với vợ con sống lây lất nhiều năm tháng trong căn chòi lợp tạm bên cạnh ao cá với đủ thứ vật liệu phế thải mà anh gọi đó là “căn chòi của tình người”. Nguyễn Thụy Long cũng có một kỷ niệm khó quên với nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn. Cách đây khoảng 18 năm, có lần nghe anh Huỳnh Bá Thành mô tả Nguyễn Thụy Long ở ao cá viết lách khó khăn, mắt anh rất yếu, lại chỉ quen viết trên máy đánh chữ, sẵn có chiếc máy đánh chữ xách tay mới mua được vài tuần lễ, Trần Tử Văn không nghĩ ngợi liền tặng cho người bạn văn. Nhận được chiếc máy đánh chữ, Nguyễn Thụy Long mừng lắm, nhưng chỉ sử dụng chừng hơn tháng lại thấy anh quay lại viết tay. Gặp nhau, Trần Tử Văn hỏi máy chữ đâu? Nguyễn Thụy Long ngập ngừng một lúc rồi nói: “Kẹt quá, đành phải mang đi bán lấy tiền mua sữa cho con rồi, mong ông đừng buồn”. Trần Tử Văn không nói năng gì, chỉ đứng lặng yên, siết bàn tay Nguyễn Thụy Long thật chặt. Văn không tiếc của mà anh có vẻ xót xa cho số phận của một người bạn cầm bút.

Kể ra thì giã từ cuộc đời ở tuổi 71 như Nguyễn Thụy Long cũng không quá sớm mà cũng không quá muộn và chưa hẳn người ra đi đã buồn bã bằng người ở lại khi bằng hữu ngày càng vơi dần theo từng tháng, từng ngày. Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang tưởng nhớ với lời cầu chúc giấc ngủ bình yên, một giấc ngủ không bao giờ bị đánh thức và như thế anh đã trút hết mọi buồn vui, mọi âu lo, toan tính gởi lại hết cho đời. Vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long, vĩnh biệt Loan mắt nhung!



ĐẠO DIỄN LÊ DÂN KỂ VỀ BỘ PHIM “LOAN MẮT NHUNG”

(Nguồn: Thanh Niên)





Sau phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ (1957-1958), vì những hoạt động chính trị, tôi ngưng làm phim một thời gian dài. Đến giữa năm 1969, bất ngờ tôi gặp lại Gilberte Lợi, người cùng quê Tây Ninh với tôi. Cô nhờ tôi chọn một cốt truyện để làm phim.

Lúc ấy cô là Giám đốc Hãng nhập khẩu Cosunam Films nổi tiếng, nay muốn sản xuất bộ phim Việt Nam đầu tiên của hãng. Tôi giới thiệu quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống giang hồ du đãng khá hấp dẫn. Gilberte Lợi đồng ý, mời tôi chuyển thành truyện phim và làm đạo diễn. Thế là tôi trở lại ngành điện ảnh với một loạt ba phim liên tiếp về tuổi trẻ: Loan mắt nhung (1970), Trần Thị Diễm Châu (1971) và Sau giờ giới nghiêm (1972), với mục đích phê phán xã hội suy đồi trong vùng địch tạm chiếm.

Loan mắt nhung kể chuyện về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà), một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Khi vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại đến chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn ác, rồi tự nộp mình cho cảnh sát, ân hận rằng mình đã lãng phí tuổi trẻ.

Dư luận báo chí khen ngợi rất nhiều phim này. Tuần lễ chiếu phim đầu tiên, khán giả đã nô nức đi xem, phim Loan mắt nhung phải tiếp tục tuần lễ thứ nhì tại nhiều rạp. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trà chỉ là một khuôn mặt mới, nhưng từ phim này đã nổi lên, sau đó được nhiều đoàn nghệ thuật liên tiếp mời biểu diễn với thù lao rất cao. Huỳnh Thanh Trà, một diễn viên sân khấu, được tôi chọn nhờ có vóc dáng thích hợp, nhất là có đôi mắt to, sắc sảo, dễ gây ấn tượng.

Vai nữ chính là Thanh Nga, một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình. Hai người là chị em con một cha, ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi, cùng quê Tây Ninh với tôi. Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thơ  tức bà bầu Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng. Khi gặp mặt nhau lần đầu tại trụ sở của Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao, nhưng thật tình: “Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ gây cảm tình với khán giả”.

Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến gửi tặng hoa hồng cho người mình ái mộ. Nhưng rồi do thời cuộc, duyên nợ không thành, nên mối tình này không đi đến cái kết có hậu.

Đối với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ nhiều lần về tình yêu của người trong cuộc, tôi có niềm tin Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả xem phim trước hoàn cảnh bi đát của cô gái tên Xuân, người yêu của Loan mắt nhung. Niềm tin ấy không sai, vì bộ phim này đã là một thành công đáng nhớ.


NGUYỄN THỤY LONG,
BÓNG CHIM TRÊN NGỌN KHÔ

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

Du nhập vào những đường hướng mới trong văn học nghệ thuật thập niên 60, quả nhiên có nhiều ngã rẽ, lập dựng cho mỗi văn nghệ sĩ thời đó một nét nhìn sáng hóa đặc biệt, giúp tác phẩm được bùng vỡ mãnh liệt. Mỗi người văn nghệ đột phát cho mình một phương hướng sáng tạo riêng biệt, không lẫn lộn vào ai, tạo cho văn chương miền Nam nhiều hướng đi mới rạng rỡ, đối chiếu không thua sút văn chương nước ngoài. Từ thơ văn nhạc kịch biên khảo hội họa kinh kịch sân khấu kiến trúc điêu khắc, nhìn lại thật hảnh diện cho bước đường sáng hóa của nghệ thuật giai đoạn sơ khai nầy. Từ những bóng dáng khai hoang văn nghệ của lớp đi trước ở phía Nam như Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Phi Long…dần đến Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Bá Thế, Truy Phong, Sơn Nam, Kiên Giang, Nguyễn Minh Tâm… Đến lớp sĩ phu Bắc hà như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan và lớp văn nghệ sĩ gần gũi thế hệ văn chương phía Nam trong thập niên 60 như Mai Thảo, Viên Linh, Duyên Anh, Lý Hoàng Phong, Hoàng Trúc Ly nối tay cùng bóng dáng của Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện, Dương Hà, Ngọc Linh, Dương Trữ La, Hoài Điệp Tử, Phan Bá Thụy Dương, Võ Hồng, Nguyễn Thi Thụy Vũ, Nhã Ca…Còn nhiều tên tuổi nữa gắn bó tạo một sinh khí đa dạng, tân lập cho phong hóa văn chương thời bấy giờ, chuyển biến cùng cực và kỳ diệu.
Nguyễn Thụy Long là một nhà văn cũng bùng vỡ tài hoa trong giai đoạn thập niên 60 nầy, tác phẩm của Ông chợt bước vào một lối rẽ sáng tạo mới. Ông đi thẳng vào đề tài tuổi trẻ khơi dậy trong nỗi quạnh hiu bất công cuộc đời, đưa nhân vật hùng cứ một phương cách sống trong một xã hội đen biệt lập. Trước 1965, vài tác phẩm của Nguyễn Thụy Long ra đời cũng đã biểu hiện phong cách tự do theo nghĩa ngoài lề xã hội. Từ Vác Ngà Voi vẫn còn mang một bút hiệu khác Mặc Lan Giao, là hình như tác giả còn ẩn nấp trong tư thế chờ đợi. Đến những tác phẩm kế tiếp, tên tuổi Nguyễn Thụy Long bùng sáng trong giới giang hồ văn chương, nhất là những tác phẩm nổi đình nổi đám như Loan Mắt Nhung (1967) rồi Kinh Nước Đen (1969)…Khi Loan Mắt Nhung được chuyển hóa phim ảnh do đạo diễn Lê Dân thực hiện với Huỳnh Thanh Trà, Thanh Nga, Tâm Phan, Ngọc Phu, Kim Xuân, Nguyên Hạnh…phim truyện Việt Nam bắt đầu tiếp nối tranh bá quyền với phim Hồng Kong, Ấn Độ.
Sức sáng tạo những năm trước 1975 của Nguyễn Thụy Long thật mãnh liệt, tác phẩm như dòng suối tuôn trào không thời gian ngừng nghỉ. Tôi bước vào lối đi của Ông, bằng sự tò mò như tò mò với Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, tò mò với những bộ tiểu thuyết Yêu – Điên - Loạn…của Chu Tử. Nhưng sự bắt gặp kinh khiếp với những hình ảnh phơi bày cực kỳ ghê rợn trong tác phẩm Chim Trên Ngọn Khô, ám ảnh tang thương trong đời sống hạ tầng bi đát quá, bi đát trước thiên nhiên, trước nhân tình và cuộc đời, khiến tôi thường xuyên tìm kiếm tác phẩm Ông. Hình như, Chim Trên Ngọn Khô xuất hiện trước Loan Mắt Nhung, nhưng chính vì phong cách tài tình trong dựng truyện, khiến Nguyễn Thụy Long được đặt trên ngôi vị độc đáo trường phái riêng.
Thật sự, trước những tác phẩm quyết định hướng đi cho sự hòa nhập vào xã hội đen, bằng một lối rẽ phải có trong tận cùng đời sống đầy cá tính phản kháng với đời thường. Mỗi mặt trái mặt phải đều nặng nề một cương lĩnh đạo lý khác biệt.Nghĩa khí và cách trao đổi cuộc sống thắm đẫm tư duy sinh học chênh nhau như những vòng xoắn hình ống trong một không gian hình học ba chiều. Nên cách cư xử như thế thường của lý triết hủ nho không đầy được bản chất phá cách, liều lĩnh, tư duy của một xã hội tận cùng nếp sống. Nguyễn Thụy Long hoàn toàn bình tĩnh bước vào môi trường đột biến như vậy, hóa thân trong tâm thức và hành động của những con người phá cách đó. Ông thành công mãnh liệt trong hai bộ tiểu thuyết Loan Mắt Nhung và Kinh Nước Đen. Theo hồi ký viết Trên Gác Bút (NXB Văn Nghệ, California 1999), Nguyễn Thụy Long bước vào làm ký giả báo Sống của nhà văn Chu Tử, được sự khuyến khích hợp với cách viết theo trào lưu của một xã hội có thực những anh hùng của một xã hội có lối rẽ riêng. Tác phẩm Loan Mắt Nhung ra đời năm 1967, bằng hình ảnh một cậu học trò lương thiện sống tại đô thành Sài Gòn trong thập niên 60, trước những áp bức cuồng rối phủ dập tạo nên hoàn cảnh xã hội đẩy đưa trở thành du đảng nổi tiếng. Sống cuồng loạn trong một xã hội đen như một thủ lĩnh anh chị làng dao búa. Nhưng trong những phút giây bất chợt, vẫn cảm thấy cô đơn trong cuộc đời, hối hận đánh mất một thời tuổi trẻ, muốn hoàn lương bằng cách cuối cùng diệt kẻ ác rồi nộp mình cho cảnh sát. Cách viết bạch hóa sự gai góc trong cuộc đời của lớp người sống trong hoàn cảnh của xã hội đen tối.
Thật ra, trong giai đoạn đầy rẫy hỗn loạn của thời kỳ thập niên 60, với nhiều sự du nhập những khuynh hướng ngoại lai, và những hiện trạng bất an trong xã hội đương thời, khiến cuộc sống phân cách theo xu hướng nhận định tự kỷ. Chính vậy, sự tách biệt nhiều thành phần trong xã hội cũng là một logic, Nguyễn Thụy Long thành công như hoàn chỉnh một luận án sâu sắc của thế giới tận cùng. Tác phẩm thành công như bước đi mới trong đoạn đường phá cách lối sáng tác với điển tích sáo mòn.
Hàng chục tác phẩm liên tiếp ra đời, nối tiếp những hình ảnh sinh động trong thế giới như thế, đương nhiên Nguyễn Thụy Long trở thành một nhà văn “du đảng”, bằng phong cách viết như thế…Thật ra, người nghệ sĩ đều muốn mình có một thế giới văn phong riêng, tạo dựng cho chính sáng tác một sự sáng hóa biệt lập. Sự tự do đó giúp nhà văn xây dựng được hình ảnh đặc thù độc đáo trong văn học.
Sau 1975, những buổi trưa ngồi với Nguyễn Thụy Long trong hẽm nhỏ 6C  đường Tú Xương Quận 3, tôi lặng lẽ nhìn hình ảnh một “đại ca” văn nghệ oanh liệt một thời. Cung cách sống vẫn còn hào nhoáng khí phách, vẫn bụi đời trên trang phục thô ráp , vẫn lịch thiệp cùng những bạn bè văn nghệ nhỏ tuổi quay quần bên Ông. Thời chưa mở cửa, mỗi ngày gặp gỡ là những lần chung đụng những tàn phai của quá khứ, tâm sự cho qua ngày tháng bên những chai bia lên men con cọp, cười đùa thăm viếng trong mọi vấn đề cần hỏi, rồi theo gót buổi chiều sắp bãng lãng hoàng hôn, chìa tay đóng góp trả quán ra về, không quên hẹn lại ngày mai…Nguyễn Thụy Long vẫn cung cách trang trọng lịch lãm, nhưng anh em đều hiểu rõ sự cơ cực phủ đầy trên nếp áo. Ngoài căn bệnh huyết áp cao, Nguyễn Thụy Long còn tiểu đường nặng với nhiều di chứng. Hình như, cũng vài lần Nguyễn Thụy Long đương đầu với triệu chứng tai biến mạch máu não. Nhưng mỗi lần thù tạc, anh em khuyên uống ít thôi, thì Ông cười ngó tôi có thầy thuốc lo gì? Tâm trạng hình như Ông thích gặp gỡ bằng hữu để giải tỏa những bức bách trong lòng, mọi bệnh trạng khắc nghiệt như thế nhưng Nguyễn Thụy Long vẫn trầm tĩnh như không còn thời giờ ngó ngàng tới.
Khoảng hơn 15 năm gác bút, mười năm kế tiếp (1991-2001) Nguyễn Thụy Long viết được thêm 4 tác phẩm: Nữa Đời Đối Bóng (1991), Viết Trên Gác Bút (1999), Giữa Đêm Trường (2000), Người Xây Lò (2001). Bước qua thiên niên kỷ mới, Nguyễn Thụy Long viết lại hồi ký và tác phẩm Thìn Ma (2007), Ông tâm đắc trong quyển Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút và Hồi Ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ. Trong cuộc sống khắc nghiệt cơ cực, nên trong Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút, Nguyễn Thụy Long trần tình mình không bao giờ giấu diếm những thói hư tật xấu, nên viết thật như đã sống thật với cuộc đời, với vinh nhục xấp lốp trong cuộc sống, nhưng vẫn thản nhiên phó mặc những vùi dập trôi nổi chung quanh. Chính vậy, nhân vật của nhà văn Nguyễn Thụy Long thường nhẫn nhục, chịu đựng những nghịch cảnh, nhân ái và độ lượng.
Năm 2009, Ông dồn hết tâm huyết cho bộ bản thảo Mả Động, dự trù khoảng 4000 trang, nhưng đến khi nhắm mắt lìa đời, Mả Động mới viết được hơn 1000 trang.
Nguyễn Thụy Long để lại, ngoài dang dở của bộ tác phẩm Mả Động còn hơn trăm truyện ngắn, (nằm u buồn vất vưởng giữa thế gian !!!….)


NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Cuối Đông/2012

No comments:

Post a Comment