Sunday, September 27, 2015

Nghịch Lý Đời Sống: Người Lương Thiện Buồn Và Trắc Trở! - Jeffrey Thai



Việc người lương thiện hay gặp nhiều nỗi buồn và nhiều điều trắc trở là một điều hoàn toàn có thật và dễ được nhìn thấy trong cuộc sống. Cũng như việc người ác có vẻ như sống một đời sống thật thoải mái và thuận buồm xuôi gió cũng thế. Để lý giải điều đó, cũng không có gì là khó.


Người lương thiện là những người sống có lương tâm, có lòng trắc ẩn, biết thương yêu và quan tâm đến người khác, biết lẽ phải trái, đúng sai. Với những đặc tính nhân bản ấy, họ là những con người nhạy cảm và đa đoan, và không dễ thỏa hiệp với cái xấu và cái ác. Trong khi đó, trong hầu hết các xã hội hiện đại hôm nay mà chúng ta đang sống, có một thực tế rất đáng ái ngại là, cái xấu và cái ác tràn lan khắp nơi và đang trong giai đoạn thống trị, chi phối mọi hoạt động của xã hội. Kết quả (hay hậu quả) của việc phải sống trong một xã hội như thế đối với một người lương thiện là, họ sớm muộn gì cũng không thể tránh khỏi số phận là nạn nhân của chính sự lương thiện của mình.

Trong khi đó, đa số kẻ ác làm gì có lương tâm, lòng trắc ẩn, cũng như biết (hay quan tâm đến) lẽ đúng sai. Ở họ, chỉ có quyền lợi vật chất của bản thân là trên hết và là mối quan tâm duy nhất; ngoài ra, họ không quan tâm đến ai, hay đến điều gì khác. Họ sống gần như hoàn toàn vô cảm với mọi thứ diễn ra chung quanh mình, sẵn sàng giẫm đạp lên lẽ phải mà sống, sẵn sàng giẫm đạp lên kẻ khác mà tiến thân, và sẵn sàng hãm hại bất kỳ kẻ nào mà họ thấy “gai mắt”. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc nhận dạng những kẻ độc ác và ích kỷ như thế cũng là điều dễ dàng. Có nhiều khi sự độc ác và ích kỷ của họ được ngụy trang khéo léo dưới một vẻ ngoài hoàn hảo của sự quan tâm ân cần (giả dối), và những lời đường mật (không chân thành).

Trong hầu hết các xã hội đương đại mà chúng ta đang sống hôm nay, chỉ cần bước chân vào bất kỳ một tổ chức lớn nhỏ nào, ta cũng đều có thể nhận chân ra ngay những thí dụ cụ thể rất linh hoạt về nghịch lý cuộc sống đang được đề cập này. Ở nơi làm việc, đặc biệt trong những giai đoạn hãng xưởng suy thoái và rối rắm, điều người ta thường thấy là những người lương thiện, tốt và lịch sự thường ưu tư, trầm lặng và là những người quyết định ra đi vì lẽ này hay lẽ khác; trong khi đó, kẻ ác lúc nào cũng tỏ ra thoải mái như chẳng có điều gì xảy ra hay họ chẳng có trách nhiệm gì, và họ sẽ “bám trụ” đến mức lâu nhất có thể để tận dụng tối đa những quyền lợi vật chất mà họ có thể “kiếm chác” được.



Nói chung, sự hoán đổi cảnh ngộ giữa người lương thiện và kẻ ác chính là một trong những nghịch lý bi kịch của thế giới con người đương đại. Nghịch lý này ngày càng thách thức qui luật nhân quả của trời đất và phủ nhận thành ngữ lâu đời “Ở hiền gặp lành” của người dân Việt, vốn là kim chỉ nam để giáo dục nhân cách con người. Một hậu quả nhãn tiền thật tai hại từ nghịch lý này mà con người đang phải đối mặt trong một số xã hội chính là sự phát sinh và ngày càng lớn mạnh của thái độ sống vô cảm ở mọi tầng lớp con người trong xã hội.

Thái độ sống vô cảm ấy không bao giờ là một điều được khuyến khích, nhưng sự lớn mạnh không ngừng của nó đã minh chứng tính logic cho sự ra đời và phát triển của nó. Khi sống lương thiện có nghĩa là sẽ gặp phải vô số điều rắc rối và trắc trở; khi sống tốt có nghĩa là phải chịu thiệt thòi và bị giẫm đạp, lợi dụng; khi làm điều tốt có nghĩa là sẽ gánh phải những điều không hay hay bị trừng phạt; thì việc người ta trở nên vô cảm, xét ra, là một điều không thể nào tránh khỏi. Và khi cái tốt đã bị đẩy lùi vào trong bóng tối, thì việc cái ác từ trong bóng tối tràn ra ánh sáng và đường hoàng lên ngôi lại là một điều khác nữa không thể tránh khỏi.

Nghịch lý đời sống người lương thiện gặp nhiều nỗi buồn và những điều trắc trở là một nghịch lý ngày càng hiển thị rõ ràng hơn trong cuộc sống của con người. Thật khó cho một con người thành thật nào để phủ nhận sự hiện diện không thể chối cải của nghịch lý ấy. Thế nhưng, phản ứng của con người với nghịch lý ấy là một điều đáng quan ngại. Đa số đều chọn cách “mắt nhắm, tai ngơ” và tập cách sống thỏa hiệp với cái xấu và cái ác, vốn là một giải pháp dễ dàng và có nhiều tư lợi. Thảm họa đời sống của con người trong tương lại sẽ bắt nguồn từ đó, và chỉ có thể có một giải pháp duy nhất là phải trả tất cả mọi thứ trở về đúng với vị trí của nó, và chỉ khi đó, kẻ ác mới không còn có thể thủ lợi và người lương thiện không còn là nạn nhân.

Hiển nhiên, việc đặt để mọi thứ trở về với đúng vị trí của nó không bao giờ là một việc dễ dàng, nó mang tầm vóc xã hội, quốc gia và đòi hỏi sự đồng lòng của mọi công dân, cùng hiệp lực với một chính thể, lực lượng cầm quyền biết làm gương bằng cách đứng đúng ở và làm đúng với vị trí lãnh đạo của mình.



Tuy nhiên, có một điều cần được lưu ý trong nghịch lý này để hiểu rõ đúng ý nghĩa của nó là các khái niệm người lương thiện và kẻ ác phải được xem xét với đúng ý nghĩa đích thực của nó. Khi các khái niệm này bị đánh tráo ý nghĩa thì nghịch lý trên không còn là nghịch lý nữa, và khi đó, hiển nhiên nó không còn có giá trị biểu hiện.

Một người không bằng lòng với những gì mình có được, mà luôn khao khát một cách không chính đáng để có thêm những gì không thuộc về mình; để rồi khi không có được thì lòng sinh ra đau khổ. Một kẻ như thế là một kẻ tham lam, nhất định không thể nào là một người lương thiện; và do đó, không thể nào tự xem mình là người lương thiện được. Tham là khổ, đó là một hệ quả tất nhiên, chẳng có gì là nghịch lý.

Một người luôn để ý đến những gì người khác có được mà mình không có, luôn so đo xét nét hơn thua cao thấp với người khác, luôn xem mình là cao, là giỏi, còn người khác là thấp, là dở, để rồi từ đó lòng sinh ra tức bực, thù ghét, xem thường đối với người khác, nhất định không thể nào là một người lương thiện được; và do đó, không thể nào tự xem mình là người lương thiện được. Sân là khổ, đó là một hệ quả tất nhiên, chẳng có gì là nghịch lý.

Một người không nhận thức được vị trí của bản thân mình, không đặt để tình cảm mình đúng đối tượng, mà lại hợm hĩnh đem lòng khao khát một đối tượng hoàn toàn không thể thuộc về mình; để rồi khi bị chối bỏ, lại đem lòng đau khổ quá độ và từ đó chuyển hóa thành hận tình cùng cực và tìm cách trả thù cho bằng được, nhất định không phải là một người lương thiện; và do đó, không thể tự xem mình là người lương thiện được. Si là khổ, đó là một hệ quả tất nhiên, chẳng có gì là nghịch lý.

Khi một con người mê muội không nhận thức được đúng về bản thân mình, tự cho mình là một người lương thiện trong khi mình không hề, thì không thể nào nhận thức đúng đắn về người khác được. Vì thế, người mà kẻ ấy cho là kẻ ác thường khi là người chẳng ác bao giờ.

27/09/2015
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment