Sunday, February 5, 2017

“You Look Like An Actor” – Jeffrey Thai


Người phụ nữ ấy nhìn tôi chằm chằm với một ánh mắt rất lạ hơi khó hiểu, khiến tôi cảm thấy chột dạ. Tôi tự nói với mình trong tích tắc là, mình có làm gì đâu kia chứ, mình chỉ đang đứng đây, tại quầy tính tiền này, để trả lại những quần áo đã mua trên mạng nhưng không vừa ý thôi mà. Thực ra, khi vừa bước vào trong trung tâm mua sắm to lớn này (mà ở đây gọi là “mall”) thông qua cánh cửa kính bên hông, từ bầu trời chan hòa ánh nắng mùa đông bên ngoài, tôi đã trông thấy bà ta ở quầy tính tiền phía bên kia hơi xa một chút, nhưng vì thấy bà ta đang bận phục vụ khách hàng nào đó, nên tôi đã không đến đó để trả hàng.

Thật may mắn, khi tôi đến quầy tính tiền quen thuộc ngay ở phía trước mặt, thì một người phục vụ cũng vừa trở về quầy. Đó là một người phụ nữ da trắng đã lớn tuổi lắm, nhỏ bé, cổ kính và dịu dàng. Việc gặp một nhân viên bán hàng là người da trắng trong trung tâm mua sắm này, xét ra là một điều hiếm, vì trung tâm này tọa lạc ở khu vực mà hơn 90% dân số là người Mỹ da đen. Trong khi người phụ nữ da trắng đang “scan” các mã số để hoàn tiền lại cho tôi ở các thẻ mà tôi đã dùng để mua, thì cũng chính là lúc người phụ nữ ấy chợt xuất hiện đứng bên cạnh và nhìn thẳng vào tôi với một ánh mắt trực diện không che giấu, mà tôi hoàn toàn không biết phải hiểu như thế nào. Thường thì phép lịch sự ở đất Mỹ này không cho phép một người nhìn người khác với ánh mắt như thế, nếu không có một lời giải thích kèm theo.

Thực ra, người phụ nữ ấy tôi không lạ, vì tôi đã đến đây nhiều lần và bà ta chắc hẳn đã hơn một lần nhìn thấy tôi. Đó là một người phụ nữ da đen trông có vẻ đã khá lớn tuổi, nhưng do làm công việc bán hàng ở một trung tâm mua sắm thời trang lớn, nên bà ta ăn vận và trang điểm rất thời trang theo kiểu của một người mẫu: dáng vóc gọn gàng, tóc nhuộm vàng nâu uốn xoăn ép sát mái đầu và thường thì bà ta hay vận một bộ đầm thun đen ôm sát lấy người, và mang một đôi buốt đen cao. Đặc biệt hơn nữa, bà ta luôn đeo hai bên vành tai hai cái khuyên tai mang hình dáng đồng tiền với màu đỏ chói lọi, theo kiểu của các cô gái tuổi đôi mươi.

Bà ta nhìn tôi. Cái nhìn lâu hơn bình thường. Lâu đủ để tôi chợt có cảm giác có một cái gì đó hơi bất thường. Ánh mắt ấy cũng thật lạ. Đôi mắt mở tròn xoe. Có một chút gì đó ngỡ ngàng. Tôi đã chợt cảm thấy bất an và đã sắp phải hỏi một câu hỏi thường được hỏi trong một tình huống như thế: “Excuse me, did I do anything wrong? (tạm dịch, xin lỗi, tôi đã có làm gì sai không ạ?). Trước khi câu hỏi ấy có dịp được buông ra khỏi cửa miệng tôi thì bà ta đã đặt cho tôi một câu hỏi khác, với một giọng điệu chắc nịch: “Do you know that you look like an actor?”


Có lẽ đã rất lâu rồi, tôi chưa hề có một sự ngạc nhiên nào như thế. Thực ra, tôi không ngạc nhiên vì có một ai đó nói rằng mình trông giống một diễn viên điện ảnh. Thường thì hay có người nói như thế với tôi nhưng thường thì đó là một người Việt, và thường thì nó đã là ở một quá khứ đã xa. Đây là lần đầu tiên có một người Mỹ - một người phụ nữ Mỹ nói thẳng với tôi như thế. Và hơn nữa, câu nói ấy hay câu hỏi ấy lại xảy ra ở thời điểm hiện tại, khi mà tôi đã bước vào lứa tuổi mà thường thì người ta không ai còn muốn soi gương nữa.

Trong trường hợp này, nếu gặp phải một gã Mỹ trung niên nào hơi lỗ mãng một chút, thì phản ứng của gã ta có thể là: “What? What did you say? Me? An Actor? You must be kidding me. Come on, ma’am. I’m an old man.” (Tạm dịch - “Cái gì? Bà nói cái gì? Tôi ấy à? Diễn viên điện ảnh à? Bà có giỡn không vậy. Thôi đi bà nội. Tôi già rồi nhé). Dĩ nhiên, tôi trông không có vẻ gì là một gã lỗ mãng cả, nên bà ta mới dám nói thẳng ra như vậy, mà không cần phải phòng dè. Ở đây, có một chút khác biệt ở hai nền văn hóa của người Việt và người Mỹ. Trong khi ở người Việt, nếu một người khác nói thẳng một điều gì đó với mình, chỉ cần đó là một lời khen thì sao cũng được; còn ở người Mỹ, cho dẫu đó là lời tốt đẹp nhưng nếu nói không thích hợp với lứa tuổi hay không ở một không gian và thời gian phù hợp thì vẫn có thể bị xem là một sự xúc phạm hay làm phiền.

Sau khi nói thêm một chút về một gã tài tử có cái tên Chris… gì đó, mà theo bà ta là tôi trông rất giống gã, bà ta chợt dừng lại như có ý chờ tôi trả lời. Theo phép lịch sự, tôi trả lời nhẹ nhàng theo kiểu cho qua: “Yeah. Some people have told me so, but I’m not so sure if it is true.” (Tạm dịch – Tôi biết chứ. Có nhiều người đã nói với tôi như vậy nhưng tôi không chắc là có đúng vậy không nữa).

Việc trả lại hàng ở Mỹ thật dễ dàng và tiện lợi, nhất là ở Macy’s nơi tôi đang trả lại hàng đây. Trong hai chiếc quần mà tôi mang trả thì có chiếc quần Jeans tôi mua tháng trước trên mạng, không vừa ý nhưng làm biếng đem trả nên để đến hôm nay. Còn chiếc quần văn phòng kia thì tôi đã mua gần cả năm trước, giờ thậm chí không tìm thấy hóa đơn, vẫn trả lại dễ dàng. Có lẽ không nhiều người biết rằng luật của Macy’s là quần áo mua có thể trả lại trong vòng một năm, và khi trả, nhân viên của họ không được quyền chất vấn người đem trả bất kỳ câu hỏi nào.

Vì việc trả hàng nhanh chóng như vậy, nên câu chuyện “You look like an actor” mà tôi vừa kể, nghe có vẻ dài dòng như vậy, nhưng trong thực tế, chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Sau khi cám ơn người phụ nữ bán hàng da trắng, tôi ra về theo lối cửa bên hông, nơi tôi đã vào. Thực ra, trước khi tôi kịp cám ơn bà ta thì bà ta đã cám ơn tôi trước rồi; mặc dù việc cám ơn người đem hàng đi trả đối với người Việt chắc nghe có vẻ kỳ lạ lắm. Trên đường đi ra ngoài, về phía vùng ánh sáng chan hòa mùa đông mà tôi đã từ đấy bước vào, câu hỏi của người phụ nữ da đen bỗng vụt trở lại trong tâm trí tôi, đòi hỏi một sự lý giải: Vì sao, bà ta lại có câu hỏi kỳ lạ đó?



Tôi nhớ ra rồi, lúc tôi vừa từ vùng ánh sáng ấy bước vào và đưa mắt nhìn về phía bên phải nơi người phụ nữ da đen đang đứng, tôi đã thoáng thấy ánh mắt của bà ta nhìn về phía mình. Bà ta đã nhìn thấy gì? Thử đoán xem. Tôi. Đôi kính trắng chuyển màu đã trở nên sẫm màu đen kịt vì bầu trời nắng sáng. Chiếc áo khoác da New York màu đen rất đắt tiền mà khi tôi đặt hàng trên mạng, những người đã mua để lại bình luận rằng bất cứ ai nhìn thấy cũng sẽ phải bị gây ấn tượng. Và có lẽ là do chiếc cặp thanh nhã đựng cái laptop dạng vừa mà tôi thường mang theo mình nữa.

Cũng chiếc cặp ấy, nhưng với một cái áo khoác khác và một bộ đồ khác, hôm tôi xuất hiện ở ngưỡng cửa của một văn phòng bác sĩ người Việt vào đúng ngày cuối năm của năm ngoái, bà y tá người Việt cứ một mực tưởng rằng và cho rằng tôi là một bệnh nhân người Hàn, và không chịu dùng tiếng Việt; cho đến khi tôi nhẹ nhàng hỏi rằng: “Chị trông tôi không giống người Việt sao?”, bà ta mới vừa cười, vừa thanh minh với cái giọng rất Việt Nam rằng: “Trời ơi, trông cậu giống tài tử Hàn Quốc quá trời!”

Chuyện phiếm này kể ra, nghe có vẻ như tôi đang cố tô vẽ cho hình ảnh của mình. Thực ra, không phải vậy đâu. Thực ra, đó là những lần hiếm hoi tôi xuất hiện giữa cuộc đời này. Đã có rất nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm, tôi hiếm khi xuất hiện giữa ánh sáng mặt trời, tôi hiếm khi gặp ai, và tôi cũng hiếm khi nhìn lại chính bản thân mình. Tôi đã sống rất nhiều những đêm trắng và những ngày dài mộng mị, mà ở đó hạnh phúc của tôi nằm đâu đấy ở nơi giao thoa giữa ảo và thực. Năm qua, thật khó để người ta tin rằng tôi đã tiêu tổng cộng hơn chục nghìn đô vào hơn hai trăm bộ quần áo với những nhãn hiệu đắt tiền nhất. Chẳng phải để làm sang. Chẳng phải để khoe mẽ. Chẳng phải để vui thú gì. Mà chỉ nhằm một mục đích duy nhất: thuyết phục chính tôi trở lại với cuộc đời. Đã từ rất lâu, lâu lắm, tôi không còn muốn hiện diện giữa đời sống này.

Viết đến đây, tôi nhớ loáng thoáng hai câu thơ trong một tiềm thức xa xăm về một người kỹ nữ phận bạc, có ai đó đã cố công khuyên cô ta hãy cố mỉm cười lên mà sống dù đời có ra sao:

Em ơi, điểm phấn to son lại,
Ngạo với nhân gian một nụ cười.


05/02/2017
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment