Tuesday, July 25, 2017

“Một Ngày Như Mọi Ngày, Bóng Đổ Một Mình Tôi” – Jeffrey Thai


Tôi vừa đọc được câu viết này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thấy nó rất hay: Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi. Tôi thấy nó hay có lẽ vì vần điệu của nó du dương quá, và cũng có lẽ vì văn vẻ của nó bóng bẩy quá. Và vì quá thích như thế nên ở giây phút đầu tiên, tôi đã không nhận ra được rằng, nó có chất chứa một chút gì đó ngậm ngùi.

Nói về cái sự “một mình” ấy, tôi chợt nhớ ra rằng nhạc sĩ họ Trịnh đã từng sống suốt cuộc đời mình hầu như một mình thì phải. Còn nhớ có lần trong một bài tình ca nào đó của mình, ông đã than thở rằng, từng người tình cứ bỏ ông đi như những dòng sông nhỏ, và ở những người tình ấy, những lời hẹn thề cứ như là gió thoảng mây bay.

Có phải chăng vì tình phụ (hay có thể cũng vì cả đời phụ) mà chàng nhạc sĩ họ Trịnh đã quyết tồn tại đơn côi trên thế gian này? Tôi không cho là như vậy, mà tôi tin rằng đó là một quyết định tự thân. Thật khó để hình dung một người nhạc sĩ có tâm hồn bay bổng như thể lại có thể vướng mắc quá sâu vào những nhiêu khê vụn vặt của đời sống, vốn luôn hủy diệt những mầm mống lãng mạn ngay từ buổi phôi thai.

Không nhiều những người sống một mình như thế. Có những người sống một mình nhưng chỉ trong những đoạn đời nào đó, hiếm ai sống một mình suốt cả cuộc đời. Thường thì họ là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… - những con người nghệ thuật vốn cần có một không gian cô tịch để sống với chính mình mà sản sinh tác phẩm.

Thảng hoặc hơn, tôi tin rằng có những con người (dẫu có là nghệ sĩ hay không) được sinh ra chỉ để… một mình. Cho dẫu vì lý do gì (hay không vì lý do nào cả), họ là những con người đã sống hai lần đời sống này, vì họ không phải tiêu tốn thời gian cho cái “mình” kia (đôi khi trở nên rất phiền toái).

Người đời thường cho rằng những người sống hai mình chắc hẳn rất hạnh phúc, còn những ai một mình chắc hẳn rất cô đơn. Có thể là như vậy lắm. Thực tế là có những cặp tình nhân đã may mắn tìm được nhau trên cõi đời này và họ đã ru nhau bình yên đi suốt đoạn đường trần. Nhưng thực tế cũng cho thấy là không có nhiều những con người như thế. Đa phần con người hối hả đi tìm nhau, rồi bám víu vào nhau, chỉ để rồi… phá nát đời nhau.

Tôi đã thấy có nhiều con người vẫy vùng một cách vô vọng trong cái sự “một mình” của mình, và cố tìm cách để thoát ra bằng mọi giá. Họ không thể sống một mình. Họ không chịu nổi sự cô đơn. Họ tiếp cận và bám víu vào bất kỳ ai trong tầm mắt, và rồi ngay sau đó, khóa chặt con mồi trong vòng kẹp thật chặt của mình. Thực ra, họ không đi tìm sự yêu thương, họ chỉ cố nhét đầy khoảng trống vô nghĩa trong cuộc sống mình. Những con người như thế thật yếu đuối và không lương thiện chút nào. Hình ảnh săn tìm những con mồi của họ cũng không đẹp chút nào.

Có hai nhạc phẩm nói về cái sự “một mình” mà tôi thấy rất hay và yêu thích vô cùng. Đó là nhạc phẩm Cà Phê Một Mình của ca nhạc sĩ Ngọc Lễ, và nhạc phẩm Một Mình của nhạc sĩ Lam Phương.

Hãy nghe đoạn đầu của hai bài hát ấy:

Sáng nay cà phê một mình,
Sài Gòn chợt mưa chợt mưa
Nhớ em bao nhiêu cho vừa,
Em ơi, em ơi...!
(Cà Phê Một Mình - Ngọc Lễ)

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình, đã có người nghe


Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình
Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh
. (Một Mình - Lam Phương)

Hình ảnh một người yêu một mình ngồi bên ly cà phê buổi sáng giữa cơn mưa Sài Gòn, mà nhung nhớ một người tình lỡ; hay hình ảnh một người tình đơn độc thức giấc một mình giữa một sớm mai có nắng lóe ngoài hiên, chỉ để rồi thấy bình minh vụt tắt thật nhanh trong nắng buồn, là những hình ảnh thật đẹp.

Tình duyên vốn như định mệnh, không thể mưu cầu. Có lẽ hiểu rõ điều đó nên chàng nhạc sĩ họ Trịnh đã không màng tìm kiếm mà chỉ âm thầm buông một phím lơi: Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi.

25/07/2017
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment