Wednesday, July 19, 2017

Thần Tượng, Ngưỡng Mộ - Có Điều Gì Đó Rất Sai! - Jeffrey Thai




Tôi nhận thấy ở văn hóa giao tiếp của người Việt như thế này: Mỗi khi có dịp gặp một ai đó có chút danh tiếng và muốn bày tỏ tình cảm, người ta dùng ngay (không một chút đắn đo và cân nhắc) hai từ ngưỡng mộ và thần tượng. Đại khái như là: Tôi ngưỡng mộ bạn quá. Bạn là thần tượng của tôi và cả gia đình tôi. Thậm chí, có trường hợp, người được ngưỡng mộ, thần tượng đề nghị được ngưỡng mộ trở lại người kia với câu: Chúng ta ngưỡng mộ nhau.

Thú thật, tôi vô cùng dị ứng với lối ứng xử như thế. Mỗi khi phải nhìn, phải nghe thấy, tôi luôn cảm thấy có một điều gì đó rất sai, rất không nên là như vậy.

Ngay sau khi thốt lên lời ấy, hình ảnh của người nói bỗng tụt dốc thật thảm hại trong con mắt của tôi. Tôi tự hỏi: Ơ hay, sao mới gặp nhau mà bạn đã tự hạ thấp con người mình thế kia? Hãy nhìn lại xem người vừa được bạn buông lời tâng bốc, tán tụng và tôn thờ ấy là ai? Có khi đó là một người ca hay, có khi là một người diễn giỏi, có khi là một người có biệt tài ăn nói, có khi là một người có một năng khiếu đặc biệt nào đó... Thậm chí, có khi đó không hẳn là người có chút tài năng gì, mà chỉ đơn thuần là may mắn có được một thứ hư danh nào đó của thời hỗn mang, vàng thau lẫn lộn.

Chỉ cần có thế thôi ư? Tôi xin được nói là thậm chí là người ấy có tài giỏi và vượt trội hơn nhân thế nhiều ngàn lần đi nữa về tài năng và nhân cách thì cũng không vội gì để bạn phải đặt mình ở vị thế kém cõi đến mức phải tôn sùng ai cả (qua hai từ cửa miệng là ngưỡng mộ và thần tượng).

Mỗi một con người sinh ra trong cõi trời đất này có một giá trị cá nhân hoàn toàn riêng biệt. Cho dù giá trị ấy là thấp hay cao, đáng giá nhiều hay chẳng đáng giá bao nhiêu thì đó cũng là giá trị riêng của con người bạn, chỉ một và duy nhất một mà thôi. Điều quan trọng nhất là giá trị duy nhất ấy cần phải được tôn trọng bởi chính bạn và tha nhân. Khi bạn tôn trọng giá trị duy nhất ấy của chính bạn, người ta gọi đó là lòng tự trọng. Còn việc tôn trọng tha nhân là nguyên tắc cơ bản trong đạo lý và đạo đức ở mọi xã hội con người.

Hãy hỏi lại mình xem, tại sao bạn phải làm điều đó ? Tại sao bạn lại dễ dàng thần tượng và ngưỡng mộ hầu như bất kỳ ai, ở hầu như mọi lúc, mọi nơi? Bạn đang tạo dựng hình ảnh của mình như là một cá thể con người hoàn toàn không có giá trị gì, chỉ cần một chút lấp lánh, một chút hào quang, một chút hư danh phù phiếm là đã đủ để bạn lóa mắt, rồi nhanh chóng quì gối xuống mà phủ phục và tung xưng vạn tuế. Bạn rẻ rúng đến thế sao?

Và tệ hại hơn nữa là những gì xảy ra sau đó.

Những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ngưỡng mộ và thần tượng ai đó một cách tràn lan như loài vi khuẩn sinh sôi?

Ngay sau động thái đạp đổ giá trị cá nhân mà tôi vừa nói ở trên, bạn tiếp tục có những suy nghĩ và hành vi hầu như vượt mọi tầm kiểm soát. Bạn ngay lập tức tự nguyện áp đặt lên chính mình một điều cực kỳ vô lý là: thần tượng của bạn lúc nào cũng đúng, cũng đẹp ở mọi vấn đề, mọi tình huống; ai cùng ý kiến với bạn người ấy là bạn, ai không đồng ý là thù. Nói chung, bạn không còn lý trí, bạn suy nghĩ và hít thở bằng khối óc và buồng phổi của kẻ mà bạn tôn thờ.

Tệ hại hơn nữa (và có lẽ là điều tệ hại nhất) là một ngày kia - cái ngày mà bạn không bao giờ mong chờ - lại đến, sẽ đến và phải đến. Ngày đó, hoặc là ngày thần tượng của bạn đổ sụp một cách thảm thương khi mọi góc khuất và bề mặt con người phía bên kia được phơi bày trần trụi dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt bởi bàn tay công luận, hoặc đó cũng có thể là ngày bạn bỗng dưng nổi loạn tự mình đạp đổ chính thần tượng của mình khi nó không còn chịu đi theo những chuẩn mực mà cái tôi của bạn đòi hỏi nó.

Dẫu ở bất cứ trường hợp nào, bạn cũng suy sụp và quì mọp xuống. Thêm một lần nữa, quì mọp giữa cuộc đời này.

Nhân đây, tôi xin được nói với bạn một cách rất nhất quyết rằng: Dưới ánh sáng mặt trời này, không hề tồn tại một thứ thần tượng nào để bạn phải tôn thờ, cũng không hề tồn tại một thứ tượng đài nào mà người ta phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ để dựng lên. Dưới ánh sáng mặt trời này, có chăng, tồn tại những giá trị siêu phàm và ưu việt mà chúng khiến người ta ngước cổ hướng tới để nâng tầm mình lên, chứ không phải để quì mọp xuống cúi đầu mà tôn thờ.



19/07/2017

Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment