Saturday, December 2, 2017

Chữ Việt Lâm Nguy - Jeffrey Thai


Không phải đợi đến khi cái được gọi là "đề xuất cải tiến chữ Việt" của Bùi Hiền được thập thò hé lộ, chữ Việt mới lâm nguy.  Nó đã bị lâm nguy từ lâu, rất lâu!  "Đề xuất" của Bùi Hiền chỉ là một cú "knock-out" để kết thúc nó hoàn toàn, khi nó đang trên giường bệnh.  Bùi Hiền có biết điều đó không?  Lão biết rất rõ.  Có thể lão ta là một tên tiến sĩ ngu si như vô số tiến sĩ cộng sản ngu si khác, nhưng lão ta có thừa sự gian xảo và quỉ quyệt để biết rằng đó là cách nhanh nhất để giêt chết một ngôn ngữ.  Khi ngôn ngữ không còn, văn hóa sẽ không còn; rồi là nước mất, nhà tan.


Nói rằng chữ Việt lâm nguy không hẳn là ý nói bản thân chữ Việt có những vấn đề lớn lao.  Vấn đề ở đây là ở cái cách người Việt viết và sử dung chữ Việt.

Còn nhớ ở cuối thập niên 80, khi tôi là một thầy giáo trẻ mới ra trường, lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc trực diện với chữ Việt của các thầy giáo dạy Văn cấp 3 người miền Bắc được gửi vào Nam để đứng lớp.  Tôi đã nhận thấy là:  Văn của họ rất yếu, dở, và công thức.  Cách sử dụng chữ Việt của họ lủng củng, không thuần thục.  Còn về chính tả thì họ viết cũng không chuẩn.  Từ đó, tôi đã nhận ra là nền giáo dục hệ 10 năm ở miền Bắc chỉ là một nền giáo dục què quặt, yếu kém quá nhiều so với nền giáo dục hệ 12 năm của miền Nam.  Cứ thế, hãy tưởng tượng xem chữ Việt đã trở nên ốm yếu (xuất phát từ miền Bắc) đã tự bao giờ.

Tôi trở lại để đọc và viết chữ Việt chỉ sáu, bảy năm nay (sau hơn một thập kỷ gián đoạn), kể từ khi chữ Việt và các trang mạng chữ Việt bắt đầu xuất hiện phổ biên trang mạng.  Và thông qua các trang mạng xã hội của Việt Nam, các trang blog, cũng như Facebook, tôi nhận ra một điều khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng:  Đa số người Việt trên mạng dường như không thể viết nổi một câu tiếng Việt chuẩn mực.  Không thể hiểu được những gì họ viết vì chúng rối rắm, dài dòng, tối nghĩa và nhất là, sai chính tả nghiêm trọng quá nhiều. 

Dùng từ "đa số" để ám chỉ vấn đề chỉ là một cách nói chung.  Nói một cách cụ thể hơn, qua kinh nghiệm bản thân trên mạng, tôi đồ chừng rằng có hơn 90% người Việt hôm nay không còn có khả năng để sử dụng ngôn ngữ Việt nhuần nhuyễn và thuần thục.  90% này bao gồm cả các nhà trí thức, các nhà văn hóa, các nhà văn, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ (như lão Bùi Hiền nhà ta), các phóng viên, các nhà viết báo và tất cả những ai tự nhận mình là có trình độ học vấn tiếng Việt đủ cao để viết đúng chữ Việt.

Điều nghiêm trọng nhất trong vấn đề sử dụng chữ Việt của người Việt hôm nay cũng chính là điều cơ bản nhất:  cách sử dụng các dấu chấm câu (dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hỏi, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép... ).  Tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng 90% con người Việt đó chẳng hề quan tâm gì đến các dấu chấm câu này khi viết chữ Việt.  Có thể là họ cẩu thả, lười biếng.  Cũng có thể là họ đã chẳng hề được giáo dục kỹ lưỡng hay chẳng được giáo dục gì cả trong nhà trường.  Cũng có thể là họ đã từng được giáo dục nhưng đã chẳng hiểu, hay đã quên.  Cho dù vì bất kỳ lý do gì đi nữa thì điều đó đã khiến cho việc trao đổi với họ thông qua chữ viết Việt không còn là một điều dễ dàng.

Nói về nguyên nhân khiến cho việc sử dụng chữ Việt của người Việt trở nên vụng về và yếu kém thì có nhiều, nhưng có nguyên nhân này rất dễ nhìn thấy:  Họ lười đọc, họ không muốn đọc, họ không biết đọc, việc đọc chữ đối với họ đã tự bao giờ trở nên xa lạ và không cần thiết.  Chỉ bấy nhiêu đó thôi, đã nói lên rất nhiều về trình độ dân trí của một dân tộc - một trong những nguyên nhân cốt cán khiến cho đất nước Việt Nam lâm vào tình trạng bi đát hiện giờ.

Chữ Việt đã tự bao giờ trở nên yếu ốm và gầy mòn vì sự sử dụng cẩu thả và vô trách nhiệm của người Việt là một thực trạng.  Có kẻ âm mưu phá hủy chữ Việt để từ đó tiêu diệt luôn cả nền văn hóa và kiến thức bao đời của dân tộc Việt lưu truyền lại là một thực trạng khác đáng báo động hơn.

Xem ra hành trình gìn giữ chữ Việt và qua đó, bảo tồn sự hiện diện của đất nước và giống nòi Việt là một hành trình đầy gian nan và khốn khó mà phần thua của người dân Việt dường như đã bắt đầu lộ rõ.

02/12/2017
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment