Sunday, July 18, 2021

SỰ CẦN THIẾT CỦA NỖI SỢ

Minh họa năm 1924 của Kay Nielsen cho "Chú lính chì dũng cảm" của Han Christian Andersen.

Tầm quan trọng của việc biết sợ: Nhà văn người Ba Lan đạt giải Nobel bàn về truyện cổ tích và sự cần thiết của nỗi sợ

Nhà văn Andersen đã can đảm viết ra những câu chuyện kết thúc không có hậu. Ông không tin rằng chúng ta nên cố gắng trở thành người tốt vì điều đó sẽ được đền đáp, mà vì cái ác bắt nguồn từ sự hạn hẹp trí tuệ và cảm xúc. Nó đích thị là một kiểu nghèo nàn mà chúng ta cần phải tránh xa.

“Nếu chúng ta muốn con cái mình thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho chúng. Và nếu chúng ta muốn con cái mình cực kỳ thông minh, hãy đọc cho chúng nhiều truyện cổ tích hơn nữa.” – một câu nói nổi tiếng được cho là của Einstein. Dĩ nhiên trí thông minh là một khái niệm rộng bao hàm nhiều thành tố, nhưng nhìn nhận sâu sắc của Einstein rõ ràng liên quan đến trí thông minh thứ 9 trong thuyết đa trí tuệ của nhà tâm lý học phát triển Howard Gardner: trí thông minh hiện sinh. Cổ tích – những câu chuyện cổ tích đúng nghĩa như truyện cổ tích của anh em nhà Grimm và cổ tích của Hans Christian Andersen mà tôi vẫn còn nhớ từ thuở bé sống ở Đông Âu, không bị kiểm duyệt và không bị “thêm đường” bởi những phiên bản kể lại của người Mỹ - khẳng định những điều trẻ em bẩm sinh đã biết tỏng rồi nhưng dần dần bị dạy để quên đi, rồi lại bị dạy dỗ để biết sợ: đó là những điều tuyệt vời và những thứ đáng sợ nảy sinh từ cùng một cội nguồn và điều mang lại vẻ đẹp và sự kỳ diệu cho cuộc sống không phải là sự vắng bóng của nỗi kinh sợ mà là sự uyển chuyển và thông thái chúng ta sử dụng khi đương đầu với những khó khăn, thử thách.

Tranh minh họa của Arthur Rackham cho ấn bản giới hạn năm 1917 truyện cổ tích của Anh em nhà Grimm.

Đây là trọng tâm trong quan điểm của J.R.R. Tolkien về tâm lý học trong truyện cổ tích. Gần một thế kỷ sau, khi viết lại “Hansel và Gretel” (Truyện cổ Grimm), Neil Gaiman đã khẳng định rằng “nếu chúng ta được bao bọc khỏi những điều đen tối, xấu xa thì chúng ta sẽ không có bất kỳ khả năng tự vệ, kiến thức hay hiểu biết nào về những điều đen tối ấy khi chúng xuất hiện”.

Nhà thơ người Ba Lan lừng danh đạt giải Nobel Wisława Szymborska (2.7.1923 – 1.2.2012) đã thực hiện một thí nghiệm tâm trí tuyệt vời về năng khiếu phát triển nỗi sợ trong tác phẩm “Đọc sách ngẫu hứng”. Đây thực chất là một bộ sưu tập khổng lồ những tản văn bà viết ra để ghi lại cảm nhận của mình khi bà phải “tiêu hóa” một lượng sách đồ sộ trong khoảng thời gian ngắn những năm 1970. Cuốn sách này cũng cho chúng ta biết những suy ngẫm của bà về việc sách giúp ích gì cho tâm trí của con người và bằng cách nào viễn cảnh về sự cô độc trong vũ trụ có thể khiến tính nhân đạo trong chúng ta lớn mạnh hơn.


Nhà văn Wistawa Szymborska.

Trong một tản văn có tựa đề “Tầm quan trọng của việc biết sợ” – một bài cảm nhận sau khi đọc những câu chuyện cổ tích phiên bản đầu tiên của Hans Christian Andersen, tác phẩm đã “cách mạng hóa” cách kể chuyện – Szymborska đã viết rằng:

Trẻ con thích những câu chuyện cổ tích có thể dọa chúng sợ kinh lên. Chúng có một nhu cầu bẩm sinh là phải trải qua những cảm xúc mạnh mẽ đó. Andersen khiến trẻ con sợ chết khiếp nhưng tôi chắc chắn không đứa nào để bụng chuyện đó, kể cả khi chúng đã trưởng thành. Những câu chuyện kỳ diệu của ông có rất nhiều những sinh vật siêu nhiên, chưa kể những con vật biết nói và những chiếc xô nhiều chuyện. Không phải tất cả các nhân vật trong vòng tròn bạn hữu này đều tốt đẹp và thân thiện. Nhân vật thường xuyên xuất hiện nhất là cái chết, một thứ tất yếu, đột ngột và âm thầm mang hạnh phúc đi mất, đoạt luôn những gì tốt đẹp nhất, những gì ta yêu quý nhất. Andersen viết cho trẻ em rất nghiêm túc. Ông ấy không chỉ toàn kể với trẻ em về những chuyến phiêu lưu đầy niềm vui, mà còn về những tai ương, những nỗi thống khổ và thất bại thường gặp mà những chuyến phiêu lưu mang lại. Những câu chuyện cổ tích của ông, chứa đựng những sinh vật kỳ diệu, lại thực tế hơn hàng tấn truyện kể dành cho thiếu nhi ngày nay - những câu chuyện cứ mãi trăn trở về tính chân thật và tránh né những điều kỳ diệu như thể đang tránh dịch. Andersen đã can đảm viết ra những câu chuyện kết thúc không có hậu. Ông không tin rằng chúng ta nên cố gắng trở thành người tốt vì điều đó sẽ được đền đáp, mà vì cái ác bắt nguồn từ sự hạn hẹp về trí tuệ và cảm xúc. Nó đích thị là một kiểu nghèo nàn mà chúng ta cần phải tránh xa.

Bổ sung vào tản văn đặc biệt này trong tác phẩm “Đọc sách ngẫu hứng” tuyệt đỉnh là bài viết của Neil Gaiman về sức hấp dẫn của những câu chuyện đáng sợ, Flannery O'Connor về lý do tại sao sự kỳ cục lại hấp dẫn chúng ta, và những minh họa đẹp nhất trong suốt 2 thế kỷ của truyện cổ tích Anh em nhà Grimm, sau đó là những bài phân tích đầy mê hoặc của Amanda Palmer cho 2 bài thơ "Những khả năng" và "Cuộc sống khi bạn chờ đợi” của Szymborska.

Người dịch: Hà Thy

Nguồn:  dungdinhdoc.com

No comments:

Post a Comment