Sunday, November 21, 2021

BÀ NGOẠI TÔI - JEFFREY THAI

 

Nhớ có lần cách đây cũng hai năm, vô tình bắt gặp hình ảnh một cái ấm đựng trà được đặt trong một trái dừa khô, tôi đã nhớ thật nhiều đến ông ngoại tôi, và đã viết về ông. Đó là lúc tôi còn sống ở thành phố và tiểu bang cũ.

Từ lúc dọn sang thành phố và tiểu bang mới, tôi có dịp sống với những cánh đồng bát ngát với những lùm, bụi cây trên những con đê nhiều hơn (trên đất Arkansas). Chúng luôn gợi lên thật thiết tha trong tôi hình bóng của quê nhà. Và trong ký ức của tôi, ẩn khuất sau những lùm cây dày đặc ấy là nhà của ngoại tôi, là hình bóng già yếu lụm khụm của bà ngoại tôi.

Bà ngoại tôi không phải là người Việt. Bà được cho là dạng người "minh hương", nghĩa là gốc gác ở bên Tàu, nhưng đã sống trên đất Việt từ lâu. Thực ra, tôi chỉ gọi bà là "bà" thôi vì đó là cách gọi truyền thống; không bao giờ được dùng thêm chữ "ngoại". Gọi "bà ngoại" thực sự là một điều cấm kỵ và rất kỳ khôi đối với cái lỗ tai của mọi người.

Lý do là vì đó là cách gọi của người Việt, mà chúng tôi không phải là người Việt. Họ luôn cố bám lấy gốc rễ của mình bằng mọi cách, dẫu sống trên đất lạ. Còn một lý do khác nữa là, người "minh hương" không thích người Việt. Họ cho rằng người Việt tham lam, xảo quyệt và không uy tín. Họ luôn tự hào về đức tính thành thật và uy tín của mình. Niềm tự hào ấy đã thâm nhập và ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với tôi từ những ngày còn thơ ấu trong cuộc sống làm người.

Ký ức của tôi về bà ngoại tôi là một ký ức đẹp. Ngày ấy còn bé, cứ mỗi lần qua nhà bà chơi, bà lại dọn cơm bắt ăn, rồi bà ngồi kế bên, trên tấm phản trong gian bếp, mà kể chuyện đời xưa một cách say mê cho tôi nghe. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ giọng nói trìu mến của bà, nhớ ánh nắng chiều dọi qua khung cửa nhỏ lên trên gian bếp của bà...

Chung quanh nhà bà là những mảnh đất rộng trồng vườn và rẫy, và bà sống nhờ vào đó. Hồi đó, còn nhỏ, tôi mê ăn đu đủ lắm. Cứ mỗi lần qua nhà bà là lại ra vườn tìm hái đu đủ chín để ăn một cách thoải mái. Hết đu đủ thì lại đến đào (điều). Những cây đào (điều) sai trái được trồng dọc theo những bờ ao, trái nhiều đến nỗi trở thành một ký ức không thể quên.

Hình như hồi tôi còn bé, bà còn khỏe thì phải. Cứ mỗi chiều của Tết Chợ Đêm hàng năm thì bà lại gánh hai gánh cải ra chợ để bán. Đến năm tôi đi học đại học xa thì có lẽ bà bắt đầu bệnh. Còn nhớ lần đó, tôi đang học năm thứ hai đại học, về quê nghỉ phép, tôi có qua nhà bà để ngủ để trông bà đang bệnh nặng. Đó là lần duy nhất tôi ngủ ở nhà bà, và cũng là kỷ niệm cuối cùng tôi nhớ về bà.

Đêm ấy, trong cái hoang tịch của bóng đêm thôn làng mà tôi vốn không quen vì tôi vốn là dân phố chợ, tôi ngủ cùng thằng em cô cậu (cách tôi một hai tuổi) trên cái phản được đặt ở nhà trên, còn bà thì nằm ở một góc nhà dưới, trong gian bếp. Đêm ấy, thằng em tỉ tê cùng tôi cũng khá lâu về chuyện hẹn hò với đứa bạn gái của nó, mà một thời gian sau đó nó cưới làm vợ.

Thế rồi, tôi được kể lại, không lâu sau đó (tôi cũng không còn nhớ là bao lâu), một hôm ra đồng làm ruộng, nó bị rắn cắn chết, và đứa em dâu cô cậu đó của tôi bỗng dưng góa chồng, và sống cùng bà ngoại tôi. Tôi nhớ chừng (không biết có đúng không), nó ở vậy chăm sóc bà ngoại tôi cho đến ngày bà mất. Còn bà mất khi nào, tôi cố nhớ, nhưng không hiểu sao, tôi chẳng thể nào nhớ được. Có lẽ bà mất vào lúc tôi còn đi học xa, hay là khi tôi đã đi vượt biên chăng?

Lần cuối, tôi ghé thăm nhà bà để thắp nhang lên trên bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian trên nhà bà là vào ngày Tết đầu năm 1998, tức là cách đây đã gần 24 năm rồi, trước khi tôi sang định cư ở Mỹ một, hai tháng sau đó. Từ đó đến nay, tôi chẳng có dịp nào để về thăm lại quê xưa, để về lại nhà của bà, để chợt nhớ đến bà nữa. Và cũng từ lâu lắm rồi, chẳng có ai nhắc bà với tôi nữa cứ như bà đã chẳng bao giờ tồn tại trên cõi đời này.

Không, không đâu. Những ký ức thân yêu và ấm áp về bà vẫn nằm sâu trong tâm não tôi đấy thôi, chưa chết đâu bao giờ. Để có lần nào đó nhìn vạt nắng chiều tôi đã nhớ đến vạt nắng chiếu rọi trong gian bếp nhiều khói của bà. Để những ngày này, lang thang giữa những cánh đồng rộng bao la của đất trời Arkansas vào những lúc chiều đã buông bóng nắng, tôi cứ tưởng như, thực lắm, đằng sau nhưng lùm cây xa kia là nhà bà đó, và bà vẫn đang đâu đó đứng đợi thằng cháu nhỏ ghé chơi để bà có dịp kể lại những câu chuyện thời Tam Quốc.

20/11/2021
Jeffey Thai

No comments:

Post a Comment