Sunday, September 9, 2012

Đố Kỵ và Thóa Mạ

(Click vào ảnh để xem dung nhan của đố kỵ và thóa mạ)

Đố kỵ và thóa mạ là hai hành vi cực kỳ xấu xa và phi nhân bản mà không ai muốn phải đối diện trong đời sống của mình.  Nói chúng phi nhân bản là vì chúng làm vẩn đục đời sống con người và làm hạ thấp cùng cực giá trị nhân phẩm của những ai thực hiện những hành vi ấy. Tuy không muốn, nhưng việc phải chạm mặt hay đối phó là điều con người không thể tránh khỏi, đặc biệt đối với những người sở hữu những phẩm chất ưu việt hơn về tài năng, trí tuệ và nhân cách - nguồn khơi mào và kích thích lòng đố kỵ.  Trong bài viết này, người viết xin được trình bày những kinh nghiệm mà mình đã trải qua hay thấy được, cũng như những suy nghĩ cá nhân của mình đối với những hành vi chống lại con người này.


Con người là một loài động vật sống hợp quần thành xã hội, và xã hội được phát triển là nhờ vào bản năng tranh đua vốn luôn tồn tại trong bản thân mỗi cá thể như thuộc tính cố hữu.  Tuy vậy, bản năng tranh đua này không phải bao giờ cũng phát triển một cách lành mạnh và đúng hướng để giúp con người và xã hội tiến bộ hơn và tốt đẹp hơn.  Trong bất kỳ xã hội nào, dù là tây hay ta, dù là trong thế giới thực hay ảo, luôn xuất hiện những cá thể sống "hướng hạ", mà bản năng này đã phát triển một cách lệch lạc, vô thức và làm phát sinh nơi họ hành vi đố kỵ và thóa mạ .  

Tuy xã hội nào cũng có những con người như thế, nhưng có một sự thật rất đắng là:  Ở trong xã hội Việt, nơi những con người Việt sống với nhau, dù nội hay ngoại, những hành vi đố kỵ và thóa mạ đã trở nên đầy rẫy và lan tràn như những mầm vi khuẩn gây bệnh.  Chúng phổ biến đến nỗi, trong quyển sách gần như là một hồi ký của mình mang tựa đề Kỷ Niệm Sân Khấu được xuất bản vào tháng 5 năm 2010, MC Nguyễn Ngọc Ngạn của trung tâm Thúy Nga - một MC nổi tiếng nhất tại hải ngoại - đã viết:  "Văn hóa người Mỹ thiên về khuyến khích, văn hóa người Việt thiên về đả kích".  Điều này nghe có vẻ như là một sự thật làm mất lòng, làm tổn thương lòng tự ái dân tộc của những kẻ luôn sống trong ảo tưởng, nhưng thiết nghĩ không thể không nói ra.

Trong quyển sách đó, ông trình bày một điều rất đáng để suy nghĩ như thế này:  Nền văn hóa của người Mỹ là một thứ nền văn hóa có truyền thống hiệp sĩ, có nghĩa là khi có vấn đề gì không đồng ý và cần giải quyết với nhau thì người ta sẽ đối mặt và "đấu kiếm" với nhau như hai hiệp sĩ để tranh thắng bại.  Nếu so với thứ nền văn hóa ấy thì có thể thấy rằng những gì mà một bộ phận không nhỏ những con người Việt đang đối xử với nhau thật đáng xấu hổ biết bao nhiêu:  "ném đá giấu tay", vu khống, bôi bẩn, thóa mạ...  Những hành động ấy tưởng chừng như quá đê tiện và hèn hạ, thế mà, chúng xảy ra khá thường xuyên trong đời sống thường nhật.  Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, người đọc dễ dàng bắt gặp chúng tràn lan trên mạng. 


Qua những tâm sự của ông, người ta mới biết được rằng, lúc ông bắt đầu thành công với nghề cầm bút của mình (với nhiều quyển tiểu thuyết được xuất bản và yêu thích tại hải ngoại), cũng chính là lúc các nhà văn đồng nghiệp của ông sinh lòng đố kỵ và quay sang dùng mọi thủ đoạn không hay để nhằm "hạ bệ" uy tín của ông.  Nếu ai đã từng theo dõi chương trình Thúy Nga từ số 40 (chủ đề "Mẹ") đến nay thì có lẽ đã có dịp để thấy được những gì mà người ta đã làm với ông:  hùa nhau qui kết, "chụp mũ", dựng chuyện... Những gì vừa xảy ra ở sự kiện của những show diễn Châu Âu vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm vừa qua đã đóng góp thêm một minh chứng sinh động cho thái độ đố kỵ và thóa mạ luôn được nhắm vào ông. 

Nếu người đọc có dịp nhìn thấy những gì mà họ đã làm với ông trên mạng Internet (như tuyên bố hay viết những bài viết công kích ông với những câu chuyện bịa đặt, giả mạo tên ông để lập trang Facebook nhằm gây hiểu lầm, ghép ảnh ông để bôi nhọ hình ảnh...) thì có thể hiểu được tại sao ông phải luôn tuyên bố rằng ông không dùng Internet:  Ông không muốn tạo thêm điều kiện để những kẻ đó có thể thực hiện những hành vi bỉ ổi  nhằm làm tổn hại tinh thần của mình.  Vợ ông cũng đã biết rõ và chán ngán thái độ đố kỵ quá mức ấy đến nỗi đã ngăn cản ông bước lên sân khấu làm MC ngay từ ngày đầu.  Ông đã cãi lời vợ và từ ấy đến nay, bao nhiêu điều đố kỵ và thóa mạ cứ liên tiếp được nhắm vào ông. 


Câu hỏi được đặt ra ở đây là có ai tin theo những lời thóa mạ ấy không?  Sự tiếp tục hiện diện và thành công của ông trong vai trò nhà văn và MC trong suốt những năm tháng vừa qua và cho mãi đến hôm nay đã là một câu trả lời đầy thuyết phục.  Với riêng tôi, tôi không hẳn là một người đặc biệt ngưỡng mộ ông, nhưng qua những gì mà ông đã thể hiện (nói và viết) trong suốt chừng ấy năm, tôi có thể nhận định mà không hề sợ bị lầm lạc rằng:  Ông là một người có tài, có nhân cách và đáng tin tưởng.  Nếu không tin ông, chẳng lẽ lại đi tin vào đám người đã luôn sử dụng những thủ đoạn hèn hạ và đê tiện ấy sao?   Câu hỏi có vẻ quá thừa thãi, phải không?  Bản thân những điều mà họ đã làm đã tước đoạt đi ở họ niềm khả tín nơi người khác và cao hơn nữa, giá trị của một con người trong mắt đồng loại. 

Ngoài trường hợp MC Nguyễn Ngọc Ngạn, sự thóa mạ cũng xảy ra ngay cả với một nhạc sĩ là thần tượng của vô số người yêu nhạc:  Trịnh Công Sơn.  Sự thóa mạ nhắm vào ông có vẻ mang màu sắc chính trị nhiều hơn là đố kỵ, tuy rằng, bóng dáng của sự đố kỵ không hẳn là không có.  Với một người sống như ông - hiền lành và thoát tục - dư luận (vốn được cấu thành bởi những con người chẳng tốt đẹp gì) cũng không tha cho, khi gán ghép vào ông những scandal thật vớ vẩn như scandal đạo nhạc hay những điều khiếm nhã khác...  Ngoài một số ít bài viết thóa mạ ông mà tôi đã đọc để xem người viết muốn nói gì, tôi chưa bao giờ đọc hay quan tâm bất kỳ một điều gì khác có ý ám chỉ không hay về ông.  Tôi có thái độ ấy là vì tôi tin và tin một cách rất mãnh liệt vào ông - một nhà nhạc sĩ tài hoa đã sớm nhận ra và luôn ưu tư về lẽ vô thường của đời sống, cũng như sự ngắn ngủi của kiếp phận con người.  Tôi cũng tin rằng con người không thể dối trá dài lâu đến như thế trong văn chương.  

Ngoài hai trường hợp tiêu biểu mà tôi vừa nêu, sự đố kỵ và thóa mạ còn đang "làm mưa, làm gió" trên các chùm thông tin liên quan đến showbiz Việt.  Có một bộ phận người làm báo hôm nay không biết có đố kỵ hay không, mà những gì họ viết về các nhân vật của công chúng luôn thấp thoáng bóng dáng của một ý định thóa mạ không thể nhầm lẫn.  Một số nhân vật công chúng qua ngòi bút của họ đã bị gán vào mình những "vết nhơ" thật oan uổng và không đáng có.  Gần đây, cũng xuất hiện một số lời phát biểu của các ca sĩ  đàn chị nổi tiếng có liên quan đến thế hệ đi sau mình.  Những lời phát biểu này đã làm dậy sóng dư luận với những quan điểm trái chiều và bản thân người phát biểu cũng có những lý lẽ rất vững chắc của riêng mình.  Riêng tôi, tôi cảm nhận trong những lời "thóa mạ" đó, có thấp thoáng những đường nét của một niềm đố kỵ bị chôn chặt, dồn nén.

Trong cuộc sống cá nhân, bản thân tôi cũng trải qua nhiều sự đố kỵ và thóa mạ.  Nhưng có lẽ vì tôi vốn ít có quan hệ với người Việt trong quá khứ và hầu như không còn có quan hệ nào với người Việt hiện nay (còn với người Mỹ mọi quan hệ chủ yếu chỉ gói ghém trong công việc), nên những ký ức về chúng cũng đã nhạt dần với thời gian.  Tuy vậy, có hai câu chuyện nổi bật mà tôi muốn chia sẻ ở đây.

Câu chuyện thứ nhất xảy cách đây hơn một năm, lúc tôi đăng tải một vài bài viết về nghệ sĩ trên một diễn đàn ở hải ngoại.  Đấy là những bài viết tôi tập viết (và đánh máy) trở lại bằng tiếng Việt, với mục đích ôn lại tiếng Việt mà tôi đã lãng quên khá nhiều, sau mười mấy năm trời không sử dụng.  Việc đăng tải này có lẽ chẳng có điều gì để nói nếu chúng không nhận được lời khen vô tình từ một vài thành viên.  Sau những lời khen nồng nhiệt  (đại khái như bài viết hay, mang tính nhân văn...), cũng chính là lúc xuất hiện những lời chửi rủa thô tục nhắm vào tôi, dù họ chẳng biết gì về tôi ngoài cái nickname và bản thân tôi cũng chẳng nói hay làm điều gì.  Kinh nghiệm ấy đã phần nào làm tôi "sốc" và từ đó về sau, chẳng còn dám tham gia vào diễn đàn ấy nữa. 


Câu chuyện thứ hai xảy ra trên trang mạng xã hội Tầm Tay và cũng xảy ra vào chính thời điểm tôi được khá nhiều các thành viên khác yêu mến và ủng hộ.  Lần này, sự đố kỵ và thóa mạ đã vượt quá mọi giới hạn mà tôi - một con người đã quen với nền văn hóa Mỹ - có thể tưởng tượng và hiểu được.  Dẫu tôi đã nhanh lên tiếng từ giã, ngay khi phát hiện ra có một sự đố kỵ nảy sinh nhắm vào mình, nhưng điều đó chẳng có tác dụng gì:  Những gì mà thành viên đố kỵ đó lén lút làm một cách miệt mài từ đó đến nay (gần nửa năm) đã vượt quá giới hạn của một con người bình thường.  Ngoài việc lần mò trong bóng đêm để kích động, xúi giục các thành viên khác; gây sự, sách nhiễu các thành viên có quan hệ thân cận với tôi; viết những bài viết thóa mạ thô tục; lập nên một trang blog mạo danh sử dụng hình ảnh tôi trái phép nhằm mục đích bôi nhọ; còn một điều này nữa, mà tôi đã không khỏi chợt thấy... "bàng hoàng" - nỗi "bàng hoàng" của sự thương hại vô bờ một con vật khốn cùng. 

Tôi cảm thấy "bàng hoàng" vì tôi không thể hiểu được tại sao có người lại tự hành hạ mình quá đáng, bằng cách bỏ ra một khoảng thời gian rất lớn và nhiều công sức đến thế để chế tạo ra hàng chục (40,50) video clip nhạc có lồng, ghép hình ảnh của tôi, cùng với những lời thóa mạ thô tục, rồi upload lên YouTube bằng những nickname khác nhau để "ném đá giấu tay".  Từ trước đến nay, bất chấp những gì thành viên này đã làm, tôi vẫn luôn giữ một thái độ im lặng và thông cảm, cũng như cố nghĩ trong đầu óc mình rằng những hành động đó chỉ là hệ lụy của lòng đố kỵ.  Nhưng đến mức này, tôi đã phải tự nhủ với mình rằng:  Đây là một con người (nếu còn có thể gọi như vậy) hoàn toàn không còn có lòng tự trọng và có thể làm bất kỳ điều gì mà một con người bình thường không bao giờ làm.  (Click vào dòng chữ màu đỏ để xem ảnh)

Kể ra những kinh nghiệm này để cho thấy rằng, lòng đố kỵ hủy diệt con người thật tàn bạo:  Nó không những chỉ phá hoại tâm hồn mà còn triệt tiêu nhân phẩm - những phẩm chất cần có của một con người.  Lòng đố kỵ luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta như một loài quỉ dữ.  Những con người chân chính và hiền lương luôn biết cách trấn áp nó, biến nó thành động lực giúp mình phấn đấu và tiến bộ không ngừng, để vượt qua được người khác, cũng như chính bản thân mình.  Bằng cách đó, con người sống đúng nghĩa với giá trị của một con người. Trong khi đó, có những con người lại buông mình để nó khống chế, và bị nó sai khiến để thực hiện những hành vi bỉ ổi, đốn mạt và đê tiện.  Bằng cách đó, họ đã thực sự bán linh hồn cho quỉ dữ và sống như một loài quỉ. 

Cuộc sống này luôn mở rộng và dành cho chúng ta một sự lựa chọn.  Hãy sống làm người, đừng sống làm quỉ. 

09/09/2012
Jeffrey Thai 

1 comment:

  1. Nhớ anh Thái lắm,chúc anh vui khỏe và ...hạnh phúc

    ReplyDelete