Sunday, November 18, 2012

Trên Hòn Đảo Bidong


Ở đó, ở trên hòn đảo Bidong đó, có một cái cầu tàu.  Tên của nó là Jetty.  Người ta còn gọi nó là "cầu tàu ly biệt".  Nó có tên như thế là vì nó không chỉ là nơi đón nhận những người đến, mà nó còn là nơi đưa tiễn những người đi.

Người đến thì đến từ những hãi hùng biển cả, từ những mảnh ký ức kinh hoàng của hải tặc, của đói khát hay của bão biển giữa muôn trùng, mà mình vừa bỏ lại ở phía sau lưng.  Dĩ nhiên đã có nhiều, rất nhiều những con người đã chẳng thể nào đến được, và họ đã ở lại cùng lòng biển lạnh như một nấm mộ sau cùng. 



Người đi - đi khỏi Bidong - thì phần lớn đi về phía thiên đường, nơi họ bắt đầu một đời sống mới, khác rất xa với những ngày tháng cũ.  Nơi đó, lần đầu tiên trong đời mình, với đầy sự bối rối và ngượng nghịu trên bờ môi còn hay không còn son trẻ, họ bắt đầu bập bẹ đánh vần hai chữ T-Ự D-O. 

Rất thảng hoặc cũng có những con người lầm lũi rời khỏi Bidong với dáng đi lê lết và ánh nhìn mang dáng hình sự chết:  Họ trở về miền hỏa ngục, nơi họ đã xuất phát.  Đó là một sự lựa chọn – có lẽ là sự lựa chọn đớn đau, chua xót và bẽ bàng nhất mà họ đã từng thực hiện trong đời mình.  

Những cuộc chia ly như thế diễn ra hầu như hằng ngày trên "cầu tàu ly biệt" đó vào những buổi sáng nắng chói, những buổi trưa oi nồng hay những buổi chiều buồn rười rượi của Bidong.  Những tiếng cười vui chúc mừng yếu ớt luôn bị lấn át bởi những tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào xen lẫn với những tiếng khóc vật vã, thét gào.


Những ngày tháng sống với nhau nơi đây, dù ngắn dù dài, đã trở thành một thứ keo bền chắc kết chặt những phận người khốn khó, nên khi phải chia tay, lòng người cứ đau như cắt.  Nước mắt, dù đã hết sức kìm nén, cứ tuôn mãi không dừng trên những đôi má héo hon, sạm nắng, và nhăn nheo, hằn sâu nét khổ ải.   Mà làm sao nước mắt có thể dừng lại được khi xa nhau lần này biết đến bao giờ mới có thể gặp lại nhau được nữa.  Người, sau khi rời khỏi cầu Jetty, có khi đi theo những ngả đường định mệnh hoàn toàn trái ngược nhau, mà điểm gặp gỡ có chăng là ở điểm vô cùng.

Tương truyền rằng, có lần nước mắt đổ xuống nhiều đến nỗi làm ngập lụt cả một vùng bờ biển Bidong và làm sập cả "cầu tàu ly biệt".  Điều đó có thực không, tôi không được rõ, vì tôi ít khi nào ra đó.  Tôi sợ nước mắt lắm. Tôi cũng sợ cả chia ly.  Tôi sợ phải ngắm cảnh nắng chiều Bidong hắt những tia nắng tàn phai, héo úa lên "cầu tàu ly biệt", lên mặt biển chiều hoàng hôn.   Tôi sợ phải nghe… biển khóc. 

Sợ thế nhưng cũng không thoát được.  Có lần đó tôi đã phải nghe và nhìn cô giáo dạy chung với tôi trong  cùng một lớp học khóc.  Cô khóc như trời đổ mưa.  Cô khóc như biển chiều lúc sóng động.   Cô khóc làm cả lớp học cũng buồn theo, cũng nghẹn ngào. 

Lớp học ở Bidong cũng giống như những lớp học thông thường.  Nó được dựng lên để dành cho những đứa trẻ cút côi hay không cút côi đã tập làm người viễn xứ rất sớm, từ lứa tuổi chưa biết gì.  Điểm khác biệt là mỗi lớp học luôn có hai người thầy hay cô cùng hiện diện, thay phiên nhau giảng dạy.  Tôi có gốc là thầy chuyên nghiệp.  Còn cô thì không.  Không cần là chuyên nghiệp, ai cũng có thể dạy được, miễn là có tấm lòng.  Tấm lòng thì cô có nhiều.   Cô nhiệt tình, dịu dàng và mềm mỏng với học sinh lắm.  Chả bù với tôi, tôi không thích hợp lắm, tôi không quen với trẻ con, nên tôi có chiều gắng gượng, dẫu vẫn thương yêu hết lòng những đứa trẻ cùng thân phận tha phương. 

Ngày mai cô đi.  Cô đi về phía thiên đường.  Nơi đó có người chồng cô đón đợi.  Cô thuộc diện vợ chồng nên qua cuộc phỏng vấn dễ dàng, dẫu cùng chung thân phận muộn màng như tôi.  Cô muộn chỉ vài ngày thôi.  Còn tôi muộn…  nửa năm.  Nửa năm khác biệt biến thành vài năm mòn mỏi đợi chờ.  Đợi chờ chỉ để được phỏng vấn, chứ chẳng phải là để đương nhiên được định cư như những ngày trước.  Người qua được cuộc phỏng vấn sẽ đi về phía thiên đường.  Những người có diện (như vợ chồng, anh em, quan chức cũ… hay thậm chí, nạn nhân hải tặc) qua khỏi cuộc phỏng vấn dễ dàng.  Những người có diện cũng có nghĩa là có người trợ cấp về tài chính, ngoài những cung cấp được ban cho chung ở mức tối thiểu.  Cô có diện nên cô luôn hồn nhiên, vui cười.  Tôi “mậu diện” (không có diện) nên đời buồn hẩm hiu, không một tia hy vọng le lói. 


Ngày mai cô đi.  Cô đi về phía thiên đường.  Đúng ra cô phải cười vui hơn thường lệ.  Nhưng không.  Cô khóc.  Cô không chỉ khóc hôm nay.  Cô đã khóc từ hôm qua, từ mấy ngày trước.  Cô khóc như có đám tang.  Cô khóc đỏ mắt.  Lũ học trò ngơ ngác chẳng hiểu tại sao.  Tôi cũng ngu ngơ chẳng hiểu nốt.  Tôi chẳng thể hiểu có lẽ do tôi là chàng thanh niên còn trẻ quá.  Trong khi đó, cô đã ngoài ba mươi.  Đêm cuối cùng, cô đến trường tìm tôi.  Đêm đêm tôi thường đến trường, chỉ đến giờ giới nghiêm mới lặn lội trở về nơi ở chật chội, tối tăm ở trên một đồi núi thật vắng lặng và thật cao.  Đường về nhà không quá dài, quá xa nhưng thoai thoải, chập chùng, cheo leo dọc theo những triền núi.  Đêm ấy, cô đến giã biệt mọi người:  Ngày mai cô đi. 

Cô lặng lẽ đến bên tôi trao cho tôi một túi quà nhỏ.  Trong đó có một chiếc áo cô mới mua cho tôi và vài vật dụng cần dùng.  Cô biết tôi chẳng có quần áo để mặc.  Trao vội thôi, không nói nhiều, rồi cô âm thầm quay bước.  Nhưng giây phút ấy - đúng ngay giây phút cô trao túi quà cho tôi - nhìn vào mắt cô buồn vời vợi, tôi chợt ngỡ ngàng hiểu ra… vì sao cô khóc. 

Ngày mai cô đi.  Tôi ở lại.  Vài tháng dạy chung không hẳn quá dài nhưng đã đủ để kết nối những phận người tha hương, cùng chia sẻ với nhau những tháng ngày khốn khó chẳng thể nào quên được.  Cô vẫn thường hay nói với tôi:  “N.  ơi, mai mốt này H. đi, H. sẽ nhớ mãi những ngày tháng gian nan này.”  Trên hòn đảo đó, có những chiếc lá lành đùm bọc những chiếc lá rách, và những chiếc lá rách đùm bọc những chiếc lá rách nát hơn. 

Những tháng ngày sống ấy, trên hòn đảo Bidong, tôi là một chiếc lá… rách tả tơi. 

Ngày mai cô đi.  Cô đi về phía thiên đường. Cô tập sống như một người giàu sang.  Tôi ở lại, tiếp tục làm một chiếc lá rách nát tơi tả.  Cô đi, cô ra cầu Jetty.  Tôi không dám ra tiễn.  Tôi ít khi nào ra đó.  Tôi sợ nước mắt lắm.   Tôi cũng sợ cả chia ly.  Tôi sợ phải ngắm cảnh nắng chiều Bidong hắt những tia nắng tàn phai, héo úa lên "cầu tàu ly biệt", lên mặt biển chiều hoàng hôn.   Tôi sợ phải nghe… biển khóc. 


*
*        *




Ở đó, ở trên hòn đảo Bidong đó, có những căn nhà dài, mà người ở đấy gọi chúng là những "longhouse".  Chúng được cất bằng những mảnh ván gán ghép tạm bợ và được lợp bằng những mảnh tôn nóng đổ lửa.  Trưa ở đảo hoang, trưa trong những căn “longhouse” ấy, người ta không thể ngủ vì mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cả thân xác nhọc nhằn.  Mà ngặt nỗi thời tiết giữa đảo hoang chỉ có một mùa thôi:  Mùa nóng. 

Những căn “longhouse” này được ngăn ra thành từng phòng, mà mỗi phòng của nó nhỏ hơn bất cứ căn phòng chung cư nào trên thế giới.  Phòng thì nhỏ nhưng người "bạn" thân quen với những con người ở đây là rệp thì lại nhiều vô số kể, nhiều hơn sao ở trên trời, nhiều hơn cả muỗi ở vùng rừng đước Cà Mau. Trong những căn phòng nhỏ hẹp đó, chất đầy những cô gái lầm lỡ tuổi xuân thì, những chàng trai lỡ vận cuộc đời và những phận người long đong khác.

Vì lầm lỡ tuổi xuân thì nên những chiều buồn Bidong có những cô gái ra ngồi cạnh bên khung cửa mà hóng nắng cho mái tóc dài nhàu úa, thầm đếm nỗi buồn vương trên từng sợi tóc quạnh hiu.  Đời con gái chỉ có một thời thôi mà em đã ở với Bidong những ngày dài tháng rộng.  Mỗi ngày trôi qua thấy má héo hon, thấy môi kém thắm, thấy đời thu ngắn một thời con gái xuân xanh.  Có những cô gái không may trên biển cả, đêm nằm rưng rức khóc, ám ảnh một ký ức đớn đau, không dễ phai mờ. 

Vì lỡ vận cuộc đời, "kiếp giang hồ" đành thôi gác lại, nên có những chàng trai lang thang ra biển vào những buổi chiều buồn Bidong để ngậm ngùi cho một thuở "tung hoành ngang dọc", để mơ về một ngày kia lại được khoác kiếm lên vai, tiếp nối bước tang bồng.   Ngày ấy là ngày nào?  Chàng trai hỏi biển.  Biển lặng câm không nói, mải miết vỗ vào bờ những đợt sóng vô tình.  Chàng trai lên đồi, hỏi núi.  Đồi núi không nói, chỉ nghiêng nghiêng ra dáng của một nỗi đợi chờ.   Chờ ngày ấy như chờ em - chờ một người con gái trong đời.  “Chờ em, chờ đến bao giờ?”:  Câu hát đợi chờ chợt trùng khớp với tâm cảnh đến… bơ vơ. 

Vào những chiều buồn Bidong, những phận người long đong khác làm gì nhỉ?  Họ ngồi khóc, nhớ.... quê hương.  Mỗi phận người ra đi là bỏ lại sau lưng những đoạn đời gắn bó thật sâu, những thâm tình không gì thay thế được.  Có người bỏ lại một nửa của mình.  Có người bỏ lại đứa con thơ.  Có người bỏ lại cha mẹ đã già yếu.  Có người đớn đau hơn, chẳng bỏ lại gì ở quê hương, vì tất cả những gì thân yêu nhất đã được bỏ lại giữa lòng biển cả. 

Rồi đến một ngày kia, Bidong bắt đầu tập nói tiếng "không".  Từ đó, Bidong không còn những người đến, Bidong cũng không có những kẻ đi.  Bidong chỉ còn ... những người ở lại, những người bị kẹt giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và khổ đau.  Chiều Bidong trở nên dài hơn, quạnh quẽ hơn.  Ước mơ thiên đường ngày càng trở nên xa xôi, hụt hẫng.  Người Bidong chỉ còn biết câm lặng mà đếm tháng ngày trôi, mỏi mệt nhìn tuổi đời chồng chất, nhìn mái tóc dần phai màu kỷ niệm.

Từ đó, chiều Bidong trở nên bảng lảng, mơ hồ, lơ lửng giữa... thiên đường và địa ngục.



Tôi đã sống những ngày tháng trên hòn đảo Bidong ở giữa lằn ranh của thiên đường và địa ngục đó.  Hai năm gắn bó với Bidong, với núi, với rừng, với biển, thấy đời như một giấc mơ, vừa hư ảo như mơ, như mộng, vừa thực như nỗi đau đớn triền miên, như nỗi đợi chờ miên viễn.  

Những ngày cuối của Bidong, Bidong trông như vừa trải qua một cơn đại hồng thủy.  Từng căn "longhouse” lần lượt được dỡ bỏ, được đốt đi.  Khắp mọi lối đi hoang tàn cảnh đổ nát.  Mọi dấu vết thân yêu giờ chỉ còn là một bãi chiến trường hoang lạnh - chiến trường mà chẳng ai là người thắng cuộc.  Người người đã lần lượt rời Bidong để sang một nơi khác ở đất liền - một trại cấm không thể ra được bên ngoài.     

Tôi tình nguyện ở lại Bidong cho đến ngày sau cuối.  Tôi không nỡ rời xa.   Chiều chiều về lại giếng nước xưa dưới gốc một chân đồi để tắm rửa, thấy thương Bidong mai này cô liêu thật nhiều, thấy kỷ niệm như sống lại trên từng bước đi qua.  Kia, ở đống đổ nát kia là nơi tôi ở ngày đầu mới đến.  Ngày ấy mới bỡ ngỡ làm sao.  Chưa quen đi trên những lối đi lồi lõm, chập chùng, cứ có cảm giác như nghiêng, như ngửa.  Kia, ở trên đồi cao kia, là nơi tôi ở suốt cả năm trời giữa những thành phần bất hảo, thấy mình lạc loài như con nai giữa bầy hổ dữ.  Kìa góc nhỏ tối tăm ở dưới căn hầm tôi đã ngủ những đêm dài giữa bầy chuột chạy suốt đêm, trên chiếc võng rách nát như cuộc đời mình đang te tua, rách nát. 

Đêm cuối cùng trên hòn đảo Bidong, đêm yên vắng đến lạ lùng.  Tôi nằm thầm thì với Bidong lời ly biệt, giữa một không gian hoang vu và lạnh lẽo:   Ngày mai tôi đi, lần đi này chắc là vĩnh viễn, chắc khó có lần nào nữa để về với Bidong.  Tôi rời Bidong để về với trại cấm.  Nơi ấy, Bidong biết không, không còn đồi, không còn núi, không còn rừng, không còn biển, mà chỉ còn bao quanh là những… hàng rào gai dây kẽm chập chùng.  Bidong ơi!  Thôi nhé!  Đành thôi.  Giã biệt. 

18/11/2012
Jeffrey Thai

 

No comments:

Post a Comment