Saturday, January 5, 2013

Mai Quốc Huy: Tiếng Hát Làm Rơi Những Giọt Buồn


Trời đổ mưa,
Cho phố vắng mênh mông,
Khơi lòng bao nỗi nhớ.
Trời làm mưa,
Cho ướt áo em thơ,
Mưa rơi tự bao giờ... 


Đã bao lần, cơn mưa ấy - cơn mưa xa xăm ở một miền tỉnh lẻ - đổ xuống ướt lòng tôi, ướt cả một bầu không gian bao quanh, qua tiếng hát Mai Quốc Huy.  Có khi cơn mưa ấy đổ ngay giữa một buổi trưa hè nắng cháy trên bầu trời nước Mỹ.  Có khi nó đổ vào giữa một đêm trường mông quạnh, khi phố xá nước Mỹ đã chùng hẳn nhịp sống rộn ràng.   Dẫu không gian là ngày hay đêm, cơn mưa đổ xuống từ tiếng hát của MQH tầm tã lắm; nó làm trôi tuột hết những lớp bụi phủ của thời gian và làm sống lại mãnh liệt một vùng ký ức xưa cũ.  Người nghe như thấy bóng dáng của mình thấp thoáng đâu đó trong vùng ký ức mưa phủ của những con phố mênh mông vì vắng, của những đêm trường không ngủ vì nhớ, vừa được khơi gợi bằng một chất giọng quá đỗi da diết và nồng nàn của MQH.   

Từ một thời điểm nào đó, cách đây một hai năm (mà tôi không thể xác định cụ thể), tiếng hát MQH đã thầm lặng len vào hồn tôi và ở lại đó, tạo dựng nên một mối liên kết gắn bó và dài lâu.  Đó là một mối liên kết kỳ quặc và định mệnh, vì rằng tôi đã rất hiếm nghe nhạc Việt từ lâu lắm - từ ngày tôi khép lại những trang sử nhiều thăng trầm của cuộc đời mình để hội nhập vào cuộc sống mới, vốn không có chỗ cho những giai điệu u hoài.  Giữa phố phường Mỹ hừng hực nhịp sống sinh động, những giai điệu ấy trở nên lạc lõng đến bơ vơ.  Đêm nước Mỹ cũng rộn ràng với những điệu nhảy cuồng say, những giai điệu ấy quá buồn vá quá chậm cho một đêm vui. 

Thực ra, không phải tôi chỉ mới biết đến Huy và giọng ca của Huy một hai năm gần đây.  Tôi biết Huy ngay vào thời điểm Huy xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Paris By Night vào khoảng cuối năm 2006.  Ấn tượng đầu tiên lúc ấy của tôi là:  Đó là một chàng ca sĩ trẻ và mới của trung tâm Thúy Nga, có giọng ca nghe được, một vóc dáng hao gầy và một phong cách còn rất nhiều bỡ ngỡ.  Đến bây giờ, mỗi khi xem lại những phần trình diễn đầu tiên của Huy, tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên rằng, tại sao tôi đã không có một ấn tượng gì đặc biệt về tiếng hát của Huy ngày ấy.  Vấn đề không nằm ở đâu xa, mà chính là ở bản thân tôi:  Vào những ngày ấy, tôi đã đang sống với một tâm hồn rất Mỹ, tôi chỉ xem chứ tôi không thực sự nghe nhạc Việt.  Nói cách khác, với một tâm hồn xa lạ, tôi đã nghe nhưng tôi không thể cảm.    



Bằng cách nào mà tiếng hát ấy đã làm được cuộc bứt phá kỳ lạ, phá vỡ lớp rào cản văn hóa, để đưa tôi trở lại với những giai điệu đặc trưng của dân tộc mình ở một khoảng cách địa lý rất xa?  Cuộc bứt phá ấy nghe có vẻ kỳ lạ nhưng xét kỹ, có lẽ chỉ đơn giản là sự hội ngộ rất đỗi tình cờ của những cuộc kiếm tìm trong đời sống.  Ai tìm kiếm ai và ai đã gặp ai?   Tiếng hát ấy cất cao miệt mài, đi tìm những tri âm ở khắp chân trời góc biển, băng đại dương, xuyên rừng núi.  Tôi đi tìm lại chính mình, tìm lại một nỗi buồn mà tôi đã bỏ rơi rớt trên những chặng đường mưu tìm sự sống.

Đi tìm lại nỗi buồn?  Một động thái có vẻ kỳ quặc, đi ngược lại xu thế chung thường tình của đám đông.  Lạ, kỳ nhưng có thực và rất thực.  Có những ngày sống, tháng sống, năm sống rất dài nơi mảnh đất mới, tôi đã quên dĩ vãng và sống như một con người đã được tái sinh.  Ở nơi đây, thực tế là có rất ít những nỗi buồn và có quá nhiều những ngày vui, niềm vui.  Nhởn nhơ và đắm chìm trong một thế giới mang dáng vẻ ảo mộng, tôi thấy mình lôi chính mình trượt đi trong một đời sống được ghép lại rất khít khao và chính xác từ những giờ học chăm chú, những giờ làm việc căng thẳng và những chuyến phiêu lưu xa hoa, vương giả.  Cứ tưởng rằng bấy nhiêu đó đã quá đủ cho đời sống của một con người.  Cứ tưởng rằng đó là điều ao ước của hàng vạn, hàng triệu người đang sống đời khốn khổ. 


Nhưng không!  Có những bí ẩn rất kỳ lạ trong đời sống tâm linh và xúc cảm của con người.  Trong dòng sống tưởng chừng đáng mơ ước ấy, khi mà đồng tiền dễ kiếm như nước lấy được từ một dòng sông, có những đêm tôi trở về nhà sau một ngày dài mệt nhọc, và thấy mình, thay vì đi nghỉ, lại cứ ngồi bên ống thông hơi trong nhà bếp, để nhả những cuộn khói vu vơ và tự hỏi riêng mình:  Dường như có chút gì đó thiếu vắng trong cuộc sống này, làm cho cả một không gian tuy màu hồng nhưng dư vị lại có vẻ nhòa nhạt?  Dường như có một điều gì đó rất đỗi thân quen, đã từ lâu không còn ghé thăm tôi nữa?    Với niềm trăn trở ấy, trong vô thức, tôi sờ soạng đi tìm lại bóng dáng của một nỗi buồn huyền bí đã biệt tăm, mà khi có nó, cuộc sống như được khoác lên một ý nghĩa đậm màu, sau lớp ngoài tưởng chừng như ủ rũ. 

Có lẽ việc ra liền một lúc năm album nhạc sến của Huy, mà Huy tự nhận là một quyết định có phần "điên khùng", hóa ra, lại là quyết định đúng đắn nhất trong những quyết định mà Huy đã từng thực hiện trong cuộc đời ca hát của mình.  Nhờ chúng mà Huy đã có dịp để phô diễn rộng rãi đến mọi người, cả trong nước và ngoài nước, một chất giọng quá đỗi nồng nàn và da diết, có sức len lỏi vào và lay động rất mãnh liệt tâm hồn của người nghe.  Với tôi, chúng đưa đường dẫn lối cho một cuộc kỳ ngộ mà tôi đã không bao giờ nghĩ là còn có thể có được.  Vốn sống quá lâu trong một môi trường không dùng tiếng Việt, tôi đã không nghĩ là tôi còn có thể cảm, có thể thấm, có thể mở lòng cho một giọng ca Việt nào khác ở thời điểm hôm nay để len vào và ở lại.  Tiếng hát MQH đã làm được điều hiếm hoi ấy. 

So với thời điểm mới xuất hiện ở trung tâm Thúy Nga, MQH hiện giờ đã có một sự thay đổi khá lớn về ngoại hình và phong cách trình diễn.   Điều đó được thể hiện rất rõ qua liveshow Dấu Ấn Cuộc Đời vào tháng ba năm 2012 - một liveshow được Huy đầu tư khá công phu và đạt được một kết quả tương đối tốt đẹp.  Không còn là một ca sĩ quá gầy gò với một phong cách e dè, Huy giờ đã có vóc dáng của một ca sĩ chuyên nghiệp với một phong cách thật tự tin trong biểu diễn, cũng như trong giao lưu tâm tình trên sân khấu.  Đặc biệt, cách phát âm và nhả chữ của Huy đã đạt được đến mức độ chuẩn xác và rõ ràng nhất mà khó có một ca sĩ nào khác có thể làm tốt hơn.  Qua Dấu Ấn Cuộc Đời, có thể nói giọng ca và phong thái của Huy đang ở đỉnh cao sung mãn nhất mà một người ca sĩ có thể có được. 

Dẫu vậy, có một điều rất quí mà Huy vẫn giữ được cho mình:  Đó chính là sự mộc mạc, chân thành trong cách nói và cách nghĩ.  Nghe Huy nói, người ta cảm nhận được Huy đang nói thật lòng mình, Huy nói những gì Huy nghĩ, Huy không biết vẽ vời, thêm thắt.  Những nghĩ suy của Huy đơn giản và chân phương như dòng nhạc mà Huy đang theo đuổi.  Và có điều này quan trọng hơn nữa:  Nghe Huy hát, người nghe có cảm giác từng lời ca tuôn ra từ một nỗi buồn rất thực và rất sâu, tận trong một góc khuất tâm hồn nào đó của người ca sĩ. 

Từ trong tiếng hát của Huy, những giọt buồn cứ rơi xuống bất tận, ồ ạt và mê mải, như đớn đau vì người tình đã ra đi vĩnh viễn, như lặng khóc cho một cuộc tình đã lỡ trăm năm.  Tiếng hát ấy thổn thức khôn nguôi, tưởng chừng như dư âm của nó sẽ kéo dài mãi suốt một đời người.  Tiếng hát ấy buồn sắt se và tê tái quá, gợi nhớ đến hình ảnh những giọt máu đang rỉ ra từng giọt một, từ một trái tim đã quá đỗi muộn phiền:

Ta mất nhau thật rồi,
Giọt buồn rơi rơi mãi.
Tình đôi mình, tình lỡ trăm năm,
Câu hát nào còn lại,
Sao vẫn vời vợi buồn,
Một đời nào nguôi...

Đã có không ít những ca sĩ đã trình bày những nhạc phẩm mà Huy đã trình bày, đã có không quá ít những ca sĩ đang theo đuổi cùng dòng nhạc trữ tình như Huy, nhưng chỉ qua tiếng hát Huy, những nỗi buồn và nỗi đau thường tình của nhân thế mới có thể dâng cao chất ngất đến như thế, thăng hoa trong một vùng không gian mênh mông huyền hoặc của nỗi buồn, và rồi, lắng đọng trong tận cùng tâm hồn của người nghe với một sức an ủi thật huyền nhiệm. 

Bản chất của con người là cô đơn - cô đơn vô cùng trước đời sống.  Cô đơn từ thuở mới sinh ra.  Cô đơn trong từng hơi thở.  Con người cần than thở và được vỗ về.  Bản chất của cuộc sống của con người là bi thương.  Triết lý Phật Giáo không ngừng rao giảng:  "Đời là bể khổ, tình là giây oan".   Tình yêu thường mang kèm theo nó là những hệ lụy thương đau.  Sau những phút giây trốn chạy trong những tràng cười bất tận, con người không thể không đối diện với chính mình.  Đó cũng chính là phút giây tâm hồn con người chới với và hoang mang trong một nỗi hoang vắng lạnh lùng và một niềm trống rỗng hư không.  Tiếng hát MQH tiếp cận với con người vào ngay chính thời điểm ấy, và bằng cách làm rơi xuống những giọt buồn, nó thủ thỉ với con người về những nỗi buồn và niềm đau rất thực trong đời sống mình.  Và rồi, với những lời lẽ êm như nhung, và âm điệu mượt như tơ, những giọt buồn ấy hóa thành những giọt hồi sinh, xoa dịu lòng người và truyền sang một sức sống mới.    

05/01/2013
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment