Saturday, March 30, 2013

Những Thiệt Thòi Của Giới Trẻ VN Hôm Nay


Phác thảo chân dung của giới trẻ Việt Nam ngày hôm nay, người ta thấy hiện lên những đường nét của sự hoang mang, chán nản và mất định hướng.  Họ không biết tin và nương tựa vào đâu, tin vào giá trị vĩnh hằng của những chân lý mà họ đã học được hay tin vào những giá trị thực tế đang thống trị xã hội và đang diễn ra trước mắt họ trong từng ngày giờ sống.  Niềm tin sao hụt hẫng quá!  Họ không biết nên sống như thế nào là đúng, bám chặt vào cái cũ hay theo đuổi cái mới mà phần lớn đến từ nước ngoài trong một không gian toàn cầu hóa.  Đúng và sai sao nhập nhòa quá!  Hiện giờ, họ không có quyền tự do để lựa chọn và quyết định số phận của mình.  Nhưng ngay cả khi họ được trao ban cho những quyền đó, người ta cũng không chắc là họ có thực sự biết là mình nên lựa chọn gì và quyết định số phận của mình ra sao không.




Vì sao lại là như thế?


Những giá trị đạo đức truyền thống vốn là căn bản chung cho mọi dân tộc ở mọi thời đại (như sự chân thật, lòng dũng cảm, đức vị tha...) hiện không còn chỗ đứng trong xã hội VN.  Lên tiếng về sự suy thoái toàn diện ấy, ngay từ năm 1994, tức là khi chỉ đang ở giữa lưng chừng của con dốc xuống, nhà thơ Bùi Minh Quốc - một nhà thơ cộng sản - đã khái quát hóa chân dung xã hội ấy qua bài thơ "Bài thơ tháng Tám", trong đó có hai câu:
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa,
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi. 
Vâng! Đó là một xã hội ngập ngụa những bất công, phi lý và giả dối, trong đó, vị trí của cái thiện và cái ác đã bị hoán đổi hoàn toàn và lằn ranh giữa đúng và sai là vô cùng mong manh. 

Khi lớn lên và bắt đầu đối diện với một đời sống xã hội như thế, mỗi một người trẻ đều ngay lập tức thấy mình đang đứng ở một ngã ba đường.  Ngã rẽ phải là ngã sống thiện lương theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống (trung thực, dũng cảm, vị tha...), nhưng tiếc thay, đó lại là một ngõ cụt không lối thoát.  Chọn lối ấy là một hình thức tự sát cá nhân mà những người trẻ có thể dự cảm trước được và do đó, chẳng dại gì chọn lấy nó.  Ngã rẽ trái là sự lựa chọn duy nhất còn sót lại, cũng là ngã để sống còn.  Chọn lối sống rẽ trái, những người trẻ sống theo dòng chảy của xã hội:  giả dối đến tận cùng, đớn hèn đến bạc nhược và vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình...

Không chỉ những người trẻ còn non nớt mới phải lựa chọn, ngay cả những bậc phụ huynh cũng buộc phải lựa chọn một trong hai con đường khi giáo dục con trẻ.  Con đường thứ nhất là giáo dục đứa trẻ tất cả những gì tốt đẹp nhất để nó có thể trở thành một con người chân chính khi trưởng thành.  Tuy nhiên, làm như thế cũng có nghĩa là họ dồn con mình vào tử lộ, khi biến chúng thành những con người lập dị và hoàn toàn lạc lõng trong một xã hội mà thực tế hoàn toàn đối lập.  Những đứa trẻ ấy không thể sống còn và tồn tại được.  Do đó, dẫu muốn hay không, họ phải chấp nhận thỏa hiệp để giáo dục con họ thành những phiên bản thu nhỏ của xã hội, để chúng có thể hội nhập và phất lên, dù rằng có thể sau này, họ phải ngán ngẫm, thậm chí lãnh chịu hậu quả, cho thành phẩm bất lương ấy mà mình đã tạo dựng nên.   

Chấp nhận chọn lối rẽ trái, được giáo dục từ gia đình để rẽ trái, giới trẻ bước vào đời với một tâm thế luôn bất an vì sự xung đột nội tâm mạnh mẽ giữa bản chất thiện lương bẩm sinh và những ứng xử thỏa hiệp phi lý để sinh tồn, theo như con đường mà mình đã chọn.  Tâm thế bất an ấy chính là một trong những nguyên nhân lớn khiến giới trẻ cảm thấy hoang mang, chán nản và mất định hướng.  Người ta chỉ có thể định hình được cho mình một lý tưởng sống, một mục đích lớn cho đời sống, khi những nhận thức và suy nghĩ cá nhân mà mình cho là đúng đắn được sự hỗ trợ đồng điệu và có bệ phóng thăng hoa từ hiện thực xã hội.  Một hiện thực hoàn toàn trái ngược, tất nhiên, đã làm cho giới trẻ hụt hẫng và buông xuôi mọi nỗ lực, để rồi bị cuốn theo mọi thứ có vẻ ngoài lấp lánh và bị gói gọn vào những điều vụn vặt và nhảm nhí, vốn là thiên hướng tự nhiên của những con người "bé nhỏ" với những tâm hồn rất "nhỏ".     

Thực ra, giới trẻ ngày hôm nay quan tâm những gì?  Xã hội ư?  Đất nước ư?  Dân tộc ư? Lý tưởng sống ư?  Đó là những câu trả lời khôi hài, vì chúng là những khái niệm lớn, thậm chí là quá lớn đối với họ.  Giới trẻ ngày hôm nay chỉ quan tâm đến những gì lấp lánh, giật gân, vụn vặt và nhảm nhí, càng nhảm nhí càng tốt.  Hành động họ tôn sùng một cách dữ dội, gần như điên cuồng các thần tượng của mình, nhất là các thần tượng nước ngoài, nếu xét kỹ, là một hành động vô thức nhằm khỏa lấp sự trống rỗng của các giá trị bản thân, và là một sự bám víu tuyệt vọng vào bất kỳ một giá trị ngoại thân nào mà họ nghĩ là hùng vĩ và có thật, và họ khát khao mơ ước.  Đó là một hành động rất đáng tội nghiệp, vì một người có chút ít lòng tự trọng về bản thân mình sẽ không bao giờ ứng xử như thế. 

Việc giới trẻ sa đà vào những điều vụn vặt và nhảm nhí là một hệ quả tất nhiên khi mà chân lý và các giá trị lớn đã phá sản, không còn hiện hữu nữa.  Trong bối cảnh xã hội VN hiện tại, khi mà sự giả dối đã thực sự lên ngôi, thật khó cho bất kỳ một chân lý hay một giá trị lớn nào có thể tồn tại và đứng vững, duy trì được niềm tin ở con người.  Làm sao có thể tin được bất kỳ điều gì lớn lao khi mà bản thân sự trung thực đã trở thành một điều hoàn toàn xa lạ, nếu không muốn nói là quái dị trong đời sống.  Trong một xã hội giả trá ở mọi lãnh vực, mọi ngành, mọi nghề, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải như thế, kẻ sống trung thực há chẳng giống như một quái nhân lắm sao.   

Không tin được vào những điều lớn lao, thôi thì đọc, biết, nhìn và tin vào những điều vụn vặt vậy.  Âu đó cũng là một cứu cánh, một sự cứu rỗi.  Những điều vụn vặt vốn chỉ mang những ý nghĩ vụn vặt, vì thế chẳng có gì để phải suy nghĩ nhiều, để phải hụt hẫng nhiều.  Xét theo ý nghĩa đó, những điều nhảm nhí càng tốt hơn nữa, càng nhảm nhí, càng tốt.  Có thể thấy rất rõ một sự ngưỡng mộ và quan tâm rất lớn ở giới trẻ hiện nay đối với những gì nhảm nhí.  Họ thích đọc, xem, nghe và bàn về những điều nhảm nhí, về những nhân vật nhảm nhí, về tất cả những gì nhảm nhí.  Họ đã tạo dựng nên cho chính bản thân họ ấn tượng về một thế hệ trẻ nhảm nhí, và từ đó, vô hình trung, hình thành nên một "cặp đôi hoàn hảo":  Một thế hệ trẻ nhảm nhí "song ca" cùng một xã hội nhảm nhí.

Giới trẻ ngày hôm nay, cho dù có nhận thức hay không nhận thức được về sự nhảm nhí của mình, qua phân tích như trên, chỉ là thành phẩm của xã hội.  Mà đã là thành phẩm thì ta không thể nào đổ trút hết mọi trách nhiệm lên họ được, vì trước khi thành phẩm ra đời luôn phải hiện diện một chu trình sản xuất đóng vai trò quyết định.  Xã hội (song hành cùng giáo dục) chính là cái chu trình sản xuất ấy.  Chính chúng phải gánh trách nhiệm cho những thành phẩm méo mó này, cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi to lớn mà giới trẻ phải hứng chịu.  Cái điều tồi tệ nhất mà cái xã hội ấy đặt để cho họ chính là ở chỗ:  Họ không có quyền phản kháng và vùng vẫy.  Trật tự xã hội đã được thiết kế một cách rất chặt chẽ để định vị họ ở vị trí của những kẻ phục tùng tuyệt đối.  Họ không có quyền lựa chọn hay quyết định một điều gì cả, cho dù ngay cả đối với số phận của họ, chứ đừng nói gì đến xã hội hay quốc gia.  Nói một cách tổng thể, họ không có tự do ngoại tại - thứ tự do có thể được định nghĩa như là "sự tự do chọn lựa, tự do sinh hoạt, tự do hành động về phương diện chính trị và xã hội, nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân".  

Để chuẩn bị cho giới trẻ trở thành những kẻ tuân thủ tuyệt đối khi gia nhập vào xã hội, ngay khi còn ở nhà trường, nền giáo dục đã tước đoạt ở họ một điều vô cùng quí giá:  Đó là ý thức về tự do, mà cụ thể hơn là tự do nội tại.  Tự do nội tại là trạng thái thoát khoải mọi sự ràng buộc và áp đặt, con người làm chủ bản thân trong tất cả mọi cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình. Khái niệm tự do nội tại là một khái niệm mặc nhiên và phổ biến ở mọi xã hội và học đường phương Tây.  Bằng cách này hay bằng cách khác, giới trẻ luôn được tạo điều kiện để tiếp cận và lĩnh hội nó.  Chính ý thức về tự do nội tại này giúp giới trẻ định hình nên được chân dung của bản thân mình, của cuộc sống mình, và của cả thân phận mình.  Nó chính là công cụ giúp cho họ có thể giải phóng mình ra khỏi mọi bi kịch đặt để lên số phận, khỏi mọi sự sợ hãi cố hữu của bản năng con người, từ đó tự định đoạt số phận mình theo chiều hướng mà mình nghĩ là tốt nhất. 

Thiếu vắng sự tự do nội tại này, những con người trẻ sẽ phát triển còi cọc và khiếm khuyết về mặt tinh thần và trí tuệ, họ không có khả năng để hướng đến những điều vĩ mô, mà sa đà và ngày càng lún sâu hơn vào những điều vi mô, mà giới trẻ VN hiện thời là một minh chứng sống và thuyết phục.  Trong suốt những năm tháng ở nhà trường của giới trẻ, nền giáo dục VN không làm gì khác ngoài việc hướng dẫn và xem xét những gì họ được quyền nghĩ và được quyền nói, cũng như gieo trồng trong họ một ý thức bất di, bất dịch rằng số phận của họ, cũng như của toàn dân tộc, đã có những nhà lãnh đạo cấp cao lo, họ không phải bận tâm làm gì. 

Nơi nào không có tự do, giả trá sẽ phát sinh.  Thay vì được giáo dục ý thức về tự do, giới trẻ đã được tập làm quen với những điều giả trá từ rất sớm.  Những sự thật lịch sử giả trá, những huyền thoại giả trá, và cả những anh hùng giả trá đã được tạo dựng nên một cách công phu và kỹ lưỡng để đưa giới trẻ vào một cơn mê mịt mù về ý thức hệ cộng sản.  Ở trong ý thức hệ ấy, họ được đào tạo để trở thành những con thiêu thân phục tùng vô điều kiện, mà cứu cánh là những ánh đèn sáng lóa.  Những con thiêu thân này luôn chết trước khi chạm được vào ánh đèn ấy, cũng như họ sẽ chẳng bao giờ có dịp để được chiêm ngưỡng cái được gọi là "thiên đường cộng sản".  Thiên đường ấy chưa hề bao giờ có thật.

Việc giết chết ý thức về tự do này ở giới trẻ trong học đường bằng một nền giáo dục phi nhân bản chính là nguyên nhân lớn nhất tạo dựng nên một thế hệ trẻ VN "khuyết tật" như ngày hôm nay.  Tuổi trẻ là tiền đồ của đất nước.  Những thiệt thòi to lớn của giới trẻ VN ngày hôm nay cũng chính là những thiệt thòi to lớn của cả một dân tộc.  Lịch sử rồi sẽ phán quyết điều đó. 

30/03/2013
Jeffrey Thai

7 comments:

  1. Hơn 67 năm sau khi Hàn Quốc chia tách hai miền Nam Bắc làm hai thể chế chính phủ. Seoul đã bức phá làm nên kỳ tích phát triển xã hội một cách đáng kể ở "Top 10" của Thế giới; trong khi Bình Nhưỡng từ đó cho đến bây giờ vẫn còn trì trệ đến mức bế tắt, nhân dân phải bị chết đói mỗi năm có khi lên đến hàng triệu người.

    Khi nghĩ đến Việt Nam sau 38 năm thống nhất đất nước, ở chế độ Cộng Sản lãnh đạo nhân dân cho đến bây giờ...tôi cũng liên tưởng đến xứ sở Bắc Triều Tiên cũng bởi cách thức Chủ nghĩa Cộng Sản nắm quyền bính quốc gia họ, khiến tôi không khỏi rùng mình !!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi có cùng ý nghĩ y hệt như bạn vậy và tôi nghĩ là thời gian đã đủ dài để ngày càng có nhiều người hơn nhận chân ra được bản chất của bi kịch mà dân tộc Việt đang phải gánh chịu. Tuy vậy, vẫn còn một số người, vì một số lý do nào đó vẫn mãi u mê trong thiên đường cộng sản ảo vọng, và chính điều đó đã làm chậm đi bước thay đổi của đất nước VN.

      Cám ơn sự chia sẻ chân thành của bạn và vui với sự quan tâm này của bạn đối với đất nước và dân tộc. Chúc bạn nhiều may mắn và hy vọng là bạn sẽ ghé blog này thường xuyên hơn để trao đổi. Thân ái.

      Delete
  2. Khi nghĩ đến Việt nam, tôi cũng liên tưởng đến Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên sau 67 năm thỏa hiệp phân tách hai miền, hai thể chế chính phủ Cộng Sản và Cộng Hòa. Sự phát triển của hai thái cực đối lập hoàn toàn khác biệt nhau đến lạ lùng và kỳ diệu.

    Sau 38 năm Giải Phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới có thể theo kịp phát triển của nhân loại !?

    ReplyDelete
  3. Em đang trải qua nhưng ngày buồn vô vọng và cũng cảm thấy bế tắc, dù mình không còn trẻ. Nỗi buồn của một người trưởng thành, nỗi vô vọng của người trưởng thành có lẽ không khác giới trẻ là bao, song giới trẻ còn có một khoảng thời gian dài phía trước để nhen nhóm chút hy vọng, em nghĩ vậy!
    Đôi khi rảnh rỗi, em kể cho các đồng nghiệp trẻ cũng là giáo viên dưới quyền về một ngày xưa của mình để mà tiếc nuối. Một ngày xưa rất hiền lành, tinh khôi. Môn Đức dục không rao giảng nhiều về lý tưởng nhưng học sinh lại biết lễ phép với thầy cô, với người lớn tuổi. Ra đường gặp đám tang bèn đứng lại ngả mũ kính cẩn hay đi ngang một nơi nào đó đang chào cờ cũng dừng lại nghiêm trang. Không cần phải có những chương trình Rèn kỹ năng sống mới bổ sung, tụi em đều được dạy và áp dụng hết sức tự nhiên qua các môn Nữ công: thêu thùa, làm bánh,... Không cần những cuộc thi viết chữ đẹp rầm rộ để học sinh cứ căng thẳng đi đến các lớp luyện chữ ban đêm sau một ngày cày ở trường, những nét chữ đầu tiên với bút chì rồi bút lá tre, tòong teng bình mực tím và giấy thấm, em cùng các bạn giữ được nét chữ đẹp đến ngày hôm nay... Tất cả là từ phương pháp giáo dục, phải không anh? Một phương pháp giáo dục phát huy được sự tự do nội tại mà tuổi thơ ngắn ngủi em được hưởng. Em cho đó là điều may mắn. Bởi cho đến bây giờ, em vẫn chưa đánh mất mình.
    Em xin phép không đi sâu vào vấn đề anh đang bàn đến, nó quá tường minh như một phép tính tiểu học: A=B, B=C => A=C. Em cũng cảm thấy đau, đau lắm! Bàn tay em nhỏ bé, em có làm được gì đâu... Ngay cả sự bế tắc của chính mình lúc này, em cố oằn mình thoát ra mà khó khăn vô vàn. Khi bộc lộ chút kiêu hãnh cá nhân, bão mưa lại ập đến.
    Em buồn nên viết chẳng đâu vào đâu. Thật lòng, em muốn chia sẻ với entry này thật nhiều. Có lẽ anh hiểu.
    Anh giữ sức khỏe nhé! Em mến chúc anh luôn an lành.

    ReplyDelete
    Replies
    1. - Trước hết, anh rất cảm kích em về việc chia sẻ ý nghĩ của em đối với vấn đề này. Ở em, anh nhân thấy một sự hiểu biết và một lối ứng xử hợp lý trong nhiều trường hợp, khác rất nhiều so với những người khác mà anh giao tiếp qua mạng.

      - Với vị trí công việc của em, với tâm hồn phần nào nhạy cảm của em, em có nhiều lý do hơn để lảng tránh và lo sợ, nhưng em chưa hề bao giờ biểu lộ điều đó, trong khi đó, nhiều người khác lại làm anh ngạc nhiên, nếu không muốn nói là thất vọng đến sửng sờ.

      - Anh hiểu những gì em muốn nói qua phần bình luận của mình. Anh cũng hiểu được sư bế tắc và chán chường của em. Ngày xưa, anh cũng đã ở vị trí của em, nên anh hiểu cái cảm giác ấy là như thế nào. Do đó, điều mà anh luôn cám ơn cuộc đời là đã cho anh được thoái khỏi cái định mệnh buồn ấy.

      - Anh cũng hiểu em đang sống trong một hoàn cảnh có nhiều điều làm em mệt mỏi và không vui. Anh hy vọng là có thể chia sẻ được với em ít nhiều, và anh thành thật chúc em có được nhiều điều an vui trong cuộc sống.


      Delete
  4. Rất may mình đã tìm thấy blog của anh, bởi vì nó có nghĩa mình đã tìm thấy chính mình, trong mỗi bài viết; mình chưa bao giờ đủ ngôn ngữ viết hay nói để thể hiện, nên mình nghe và đọc. Cơ bản, mình bắt đầu nhìn ra "con người" mình từ ngày đọc "7 Aha! Khơi sáng tâm hồn giải tỏa strees" - một quyển sách có ích, giúp mình hiểu mình là một cá thể độc lập và tự do, ít nhiều tìm thấy trong "Chuyện phiếm nước Mỹ: Hồn nhiên" của anh, tự do trong suy nghĩ, tự do trong cách sống, tự do thoát ly, bứt ra khỏi chuẩn mực con người trong xã hội Việt Nam; nhưng sau khi đã khơi sáng mình lại vướng vào một vấn đề muôn thuở mà mình tiếp tục tìm thấy ở "Một phút tâm tình của người viễn xứ", giờ mình lại loay hoay "Vietnam, i wish i knew how to quit you" - một Việt Nam của ngày hôm nay, chạy theo sự nhảm nhí, số đông, mà quên mất: xã hội hiện nay rất vô cảm, người có thể tin được hầu như đều im lặng.
    Gửi "con người" mình ở đất nước hình chữ S này, một ngày mình sống đều cũ kỹ và đè nén chính mình để tồn tại, chờ ngày sống.
    Mình thực sự rất thích cái nhìn của anh, nó thật và với mình hiện giờ cũng rất phũ phàng.
    Cảm ơn anh, một Aha! nữa

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh đọc những gì em bày tỏ và cảm nhận được cái điều mà tiếng Anh diễn đạt là "We are on the same page" - một điều không dễ tìm thấy ở những con người Việt hôm nay. Trong những tháng ngày tâm tình cùng người Việt qua những bài viết trên mạng ảo, đôi khi, anh có ý nghĩ là có phải chăng mình đang nói chuyện với một thế hệ con người Việt nào đấy xa xôi và lạ lẫm quá. Họ quan tâm và nghĩ về những điều khác hẳn - những điều làm buồn và đau cho một dân tộc vốn không còn gì nhiều sót lại để tự hào.

      Cám ơn sự quan tâm và đồng cảm của em.
      Trân trọng.

      Delete