Ngày ấy là ngày 30-04 của một năm cách đây đúng 38
năm. Là ngày đã đi vào lịch sử Việt Nam
như là một ngày trọng đại. Là ngày đã
làm thay đổi đời sống của hàng chục triệu người, theo chiều hướng tốt hơn và xấu
hơn. Là ngày có hàng chục triệu người
vui, nhưng có hàng chục triệu người buồn.
Người vui biết rất rõ vì sao mình vui.
Họ ngỡ ngàng và choáng ngợp trước những gì được nhìn thấy, khác xa với
những gì được biết. Họ hát ca và reo
hò. Họ hát bài gì đó, như có một ai đó
trong ngày vui đại thắng. Người buồn
không thể không biết vì sao mình buồn. Họ
lo lắng, hoang mang và sợ hãi. Rồi thì,
nỗi buồn ngày càng hiện rõ hơn hình dáng.
Những đau buồn, mất mát, tai ương, thảm họa cứ lần lượt kéo đến như gió
vào nhà trống.
Cân đo số ngày tôi sống trước và sau ngày ấy, cán cân lệch
89 độ. Trong 1 độ nhỏ nhoi còn sót lại ấy,
tất cả sao vui vẻ, rộn ràng và lôi cuốn thế.
Có lẽ là con nít mà. Đối với con
nít, cái gì cũng ngọt ngào như kẹo, cũng đẹp như giấy gói kẹo nhiều màu sắc. Con nít chẳng làm gì khác ngoài việc nô giỡn
suốt ngày. Tôi cũng vậy. Tôi vốn hiếu động trong ngôi nhà gạch hai tầng
mà trong ký ức con trẻ của tôi, nó lớn như thể một cung điện nguy nga. Có lần chạy nhảy trên lầu cao vào lúc về đêm,
vô tình đầu tôi va mạnh vào cạnh cửa nứt toạc.
Tôi được đưa lập tức đến nhà ông y sĩ ở ngã tư của phố để khâu vết
thương lại. Chuyện nhớ lại cứ mập mờ như
trong cơn mơ, nhưng không thể là mơ, vì vết thẹo vẫn còn ngay trên đỉnh đầu
tôi.
Trong “cung điện” ấy, cái gì cũng có, từ gạo, nhớt, xăng, dầu,
đến rượu, bia, nước ngọt, đến xà bông, bột ngọt, nhang, đèn, thuốc lá... Mà thứ
nào cũng nhiều ơi là nhiều, đếm không thể hết được, mỗi thứ có một chỗ riêng của
nó. Lúa thì được chứa trong một cái vựa
thật lớn, được cất riêng ở phía bên trái của nhà. Xăng, dầu được đựng trong những thùng sắt lớn
thì được để ở sân rộng ngoài trời ở phía bên phải. Mỗi sáng, khi bốn cánh cửa xếp sắt ở gian bên
trái và bên phải của ngôi nhà được mở ra, người ở đâu mà tràn vào như nước lũ,
họ hăm hở cười nói, hết mua cái nọ, đến mua cái kia, râm ran cả lên. Chiều chiều, tôi có thói quen mò mẫm đến tủ
tiền để vọc chơi với những tờ giấy bạc thật đẹp có in hình mấy ông tướng. Tiền ở đâu mà nhiều quá, đầy ắp, vậy mà lại bỏ
không thế này, chẳng ai coi cả... Chắc ai cũng bận cả, công việc nhiều thế kia
mà, làm không xuể. Nhiều khi, thấy mọi
người cười nói xôn xao, tôi cũng muốn dự phần, nhưng chẳng ai chú ý đến một đứa
con nít con cả.
Một hình ảnh khác kém rõ nét hơn, nhưng vẫn còn lần mò được
là cái vựa lúa bên trái. Ngày ấy là ngày
cuối của tháng tư, có nghĩa là sau thu gom mùa lúa, nên nó đầy ắp. Khi nó đầy ắp, tôi có cảm giác như cho cả huyện
ăn chắc cũng không hết. Vậy mà, ngày một,
ngày hai nó biến đi đâu nhanh thiệt. Người
nhà có bán bớt không, tôi không biết. Điều
tôi biết và còn nhớ là, cứ vài ngày thì có mấy anh mặc áo xanh đến với một vài
người khác, cùng với những chiếc xe đẩy.
Họ đẩy lúa đi từ từ. Hình như họ
mượn để cứu giúp mấy người nghèo khổ gì đó.
Tôi không chắc là họ mượn tổng cộng bao nhiêu, nhưng có điều tôi chắc là
họ có mượn nhưng không có trả. Mà kỳ lạ
là cũng chẳng thấy người nhà ta thán gì, có lẽ là không biết tiếc của.
Không ai ta thán gì cả.
Im lặng? Ừ, im lặng. Kể từ ngày ấy, "cung điện" ấy không
có nhiều tiếng nói nữa. Một không khí âm
u và cô tịch bao trùm. Vựa lúa bên trái
trống trơn. Mảnh sân bên phải chỉ còn những
thùng sắt móp méo, trống rỗng. Những kệ
hàng với tủ kính cao tới trần, quay mặt ra ngoài ngạo nghễ lúc trước, giờ được
quay ngược trở lại vào trong tạo nên một khoảng tối rờn rợn khi bước vào
nhà. Hai cánh cửa xếp sắt phía gian bên
phải của ngôi nhà vốn là nơi bán gạo, không còn mở ra nữa. Mở nữa làm gì? Khoảng trống bên ấy giờ để chứa những đồ vụn
vặt, thỉnh thoảng mới có người trong nhà ghé qua. Mà cũng lạ nhỉ! Mới đấy thôi mà sao tất cả im lìm và trống
trơn thế này. Cả con người nữa. Sao không ai làm gì hết thế nhỉ? Chỉ trầm ngâm, rồi u uất thế này. Mà sao không ai ra ngoài chơi nhỉ? Ngoài kia, có nhiều người reo hò vui lắm: như có ai đó, như có ai đó trong ngày vui đại
thắng.
Rồi tôi đi học. Đi học
về, tôi cắm đầu vào học bài, học hết ngày này sang ngày khác, học luôn cả ngày
chủ nhật. Tôi bị nghiện học từ những
ngày còn rất bé. Mà không học thì làm gì
nhỉ? Chẳng có gì để vui chơi cả. Ti vi không còn. Máy hát đĩa không còn. Không còn gì cả. Tất cả đội nón ra đi để đổi gạo, đổi
cơm. Học nhiều nhưng ít nói. Mà nói với ai nhỉ? Chung quanh im lìm, cô tịch quá, trầm ngâm và
u uất. Những ánh đèn điện ngày trước
không còn nữa, máy phát điện đã bán đi rồi, nên tôi phải học dưới ánh sáng ngọn
đèn cốc tù mù trong suốt những ngày học phổ thông. Mà tôi lại thức khuya thường, rồi đọc sách
nhiều quá, nên ánh mắt mà tôi luôn tự hào là rất tinh ấy, sau này, khi tôi sang
Mỹ và đi học lại, đã phải đeo kính sớm hơn người khác.
Mọi thứ trong ngôi nhà ấy biến đi, tôi chẳng có gì thấy tiếc. Chỉ có một thứ mà tôi còn nhớ là tôi tiếc lắm. Đó là mấy quyển sách. Sách nhiều lắm. "Sợ gì mà sợ dữ vậy?" Tôi la lên, rồi dằn dỗi. "Để đó đi, mai mốt tôi lớn tôi đọc." Mặc tôi la lối, chúng vẫn được khiêng ra cái
sân ở phía sau nhà và được chôn lấp đi vào trong một cái hố sâu, trong sự tức
tưởi của tôi. Tội nghiệp những quyển
sách mới và đẹp ấy, bìa vở ai vẽ mà đẹp quá.
Dưới lòng đất sâu, cái gì còn phải rã tan nữa, sá chi là mấy trang giấy. Tôi tức là tôi không có đủ quyền hạn để cứu
tính mạng của chúng. Chúng chết oan
khiên và yểu mạng khi chưa có nhiều người cầm đến mân mê. Không hiểu sao ngày ấy, tôi mê sách đến độ như
thế, hơn tất cả mọi thứ trên đời. Sau
này, tôi lần hồi đi mướn lại hết những quyển sách ấy để coi. Cũng có những người gan dạ, chôn đi rồi bới lại,
rồi đem cho thuê. Sách đã nhàu nát mà
sao vẫn thấy hay ơi là hay.
Thế là, những thanh âm tiếng cười của sự nhộn nhịp trong
ngôi nhà ấy chỉ thoáng qua trong ký ức tuổi thơ của tôi như một cuộn phim thật
ngắn. Còn lại là những ngày dài im lặng
và vắng vẻ. Những ánh đèn sáng choang
mãi mãi trở thành một giấc mộng, dù vốn biết là nó đã từng có thật. Còn lại là bóng tối bao trùm trong suốt những
ngày tôi đi học. Thi thoảng, về đêm, khi
đi ngang qua một ngôi nhà có truyền hình, tôi dừng lại thật lâu, lén nhìn vào
xem trộm trong chốc lát. Vừa xem, vừa nhớ
lại đã có những ngày ngắn ngủi mình muốn xem bao nhiêu tùy thích, xem lúc nào
cũng được. Ai ai cũng bận rộn, chả ai có thì giờ đâu để ghé mắt vào cái màn ảnh
nhỏ ấy. Ngẫm lại, thấy mình oách thật,
còn nhỏ xíu mà đã có toàn quyền với cái ti-vi 20 inch, có cửa đóng lại và có bốn
chân thật cao. Trước ngày ấy, cả cái chợ
huyện ấy có lẽ chỉ có vài nhà có nó là cùng.
Nó mắc đã đành, nhưng còn thêm một nỗi nữa là, phải có cả máy phát điện
nữa mới coi được, chứ nó có chạy không đâu.
Ngoài những giờ học, đêm về, trong bóng đêm tù mù, tôi có
thói quen ôm cái radio nghe đọc truyện.
Tên truyện mà tôi còn nhớ là quyển Mùa Gió Chướng. Nội dung thì tôi không còn nhớ gì, tôi chỉ nhớ
tên truyện thôi vì nó là tên của một mùa gió rất thân quen. Mùa gió chướng về đẹp lắm và hơi lạnh nữa. Tôi nhớ nó nhiều là vì có những đêm ngủ không
có chăn đắp, lạnh quá, không ngủ gì được.
Nghe gió thổi ngoài kia hì hù suốt cả đêm thâu mà thấy lạnh tới cả xương
sườn. Một chút ánh sáng lóe lên trong những
ngày ấy có lẽ là những đêm tôi đi xem phim chiếu ngoài trời. Chỉ đi xem phim thôi mà giống như ngày hội. Có lẽ vì tất cả mọi sự vui chơi chỉ có thế. Tôi mê phim thần thoại lắm, vì ở đó, tôi thấy
mình được đắm mình trong một không gian hoàn toàn khác, không đen và tối như
không gian tôi đang sống. Ở đó, người ta
có ước mơ và thường thì mọi ước mơ đều trở thành sự thật. Mà cho dù có không trở thành sự thật đi nữa,
như nàng tiên cá yêu vô vọng hoàng tử, thì ước mơ đó cũng vẫn đẹp vô cùng.
Thực ra, sự biến đổi trong căn nhà nơi tôi ở không hẳn là
quá tồi tệ khi so với một số người thân.
So kỹ hơn, có nhiều điều may mắn là khác, vì vẫn còn nhà để ở và không
ai "được" đi "học tập" dài hạn cả, chỉ đôi ba ngày
thôi. Ông cậu ruột của tôi không biết
làm chức vụ gì mà tưởng là đi "học tập" một vài bữa, nhưng hóa ra lại
đến một vài năm. Mấy đứa con trở nên lạc
loài, côi cút, còn bà mợ phải lo thăm nuôi dài hạn đến phờ người. Nhớ lại gia cảnh ông ta lúc đó mới thấy là có
cố đến mấy cũng không thể nào có lòng dạ để cùng tham gia "vui đại thắng"
được. Sau này, khi ông ta về, không biết
nghĩ sao, ông ta gom hết vàng bạc hì hục tìm đường cho mấy đứa con. Cũng lận đận vài ba chuyến, cuối cùng, cả ba
đứa cũng lần lượt sang định cư ở Mỹ cả.
Số nhà ông tuy "tiền hung", nhưng "hậu" như vậy, xem
ra cũng "kiết" lắm rồi, chỉ tội là ông không sống lâu để hưởng đức từ
những đứa con, không biết là có do ảnh hưởng gì từ khoảng thời gian đi "học
tập" không.
Chuyện của nhà bà cô ở xa thì có vẻ như căng thẳng hơn nhiều
lắm. Nhà cửa bị tịch thu và cả nhà phải
đi vùng kinh tế mới. Tội lỗi của gia đình
bà ta là của cải nhiều quá, làm ăn, buôn bán lớn quá. So với nhà mình, tôi cũng không chắc là ai lớn
hơn ai. Chính vì vậy, mà tôi mới có ý
nghĩ là nhà mình may mắn hơn nhiều khi không phải trải qua thảm cảnh ấy. Có hồi tưởng này làm tôi có chút nhói
lòng. Đó là về thằng con nhỏ của bà cô,
tức là, đứa em cô cậu của tôi. Nó nhỏ
hơn tôi một vài tuổi. Trong thời gian cả
nhà đi vùng kinh tế mới, nó được gửi xuống để ở chung với gia đình tôi. Có một buổi chiều tối chạng vạng, tôi lên lầu
thì bắt gặp nó ngồi một mình trong bóng tối, khóc sợ hãi. Căn lầu rộng lắm, thường vắng tanh không có
ai, lại chưa thắp đèn nên không khí đáng sợ thật. Tôi chạy đến ôm chầm lấy nó mà thấy tội nó vô
bờ. Nó lẻ loi và cô quạnh quá, mới chừng
ấy tuổi đầu mà sống xa mẹ, xa cha. Năm sau,
có lệnh nhà nước cho di tản bán chính thức, tức là đóng vàng để được vượt biên
hợp pháp, giá cả đâu khoảng bảy cây vàng một đầu người. Cả nhà nó có sáu, bảy người, bị tịch thu hết tài
sản rồi, vậy mà, không biết bằng cách nào vẫn kiếm đủ số vàng cao chất ngất để
được đi. Từ đó đến nay, mấy chục năm rồi,
cả nhà nó sống bên Úc luôn đến giờ.
Thế là, lần lượt hết người này đến người khác, ai cũng
đi. Ngày ấy, có câu nói này, nhớ lại vừa
thấy buồn cười, vừa thấy đau xót: Đến cây
cột đèn mà nó đi được thì nó cũng đi. Câu
nói đó hình như ai cũng biết. Đến hôm
nay, vẫn còn nhiều người nhắc lại. Mấy đứa
em cô dì ở Sài Gòn, vì ở xa nên tôi ít gặp.
Gia đình tụi nó không chuyện gì, vậy mà tụi nó cũng đi. Có lẽ vì thấy cột đèn cũng đi, nên tụi nó không
chịu ở lại chăng? Tôi chỉ nghe được là tụi
nó đi theo ngả Hồng Kông, còn có đến nơi được hay không và hiện giờ như thế nào
thì tôi không biết. Đi theo ngả Hồng Kông
thì rẻ tiền hơn và dễ dàng hơn nhiều lắm nên hầu hết dân miền Bắc thường đi
theo ngả ấy. Có điều là, vì dễ dàng như
vậy, nên việc định cư khó khăn hơn vô cùng.
Lượng người bị trả về sau này rất lớn.
Ký ức ngày xưa đã khép chặt lại cùng với căn nhà ấy, nơi tôi đã sống những ngày không ánh sáng. Từ ngày sang Mỹ đến nay cũng đã lâu lắm rồi, tôi chưa một lần trở về nơi ấy để đối diện lại bóng tối của những năm nào. Có lẽ tôi muốn quá khứ ngủ yên.
28/04/2013
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment