Friday, August 2, 2013

(Audio) Bên Kia Bờ Ảo Vọng - Dương Thu Hương



Tác phẩm:  Bên Kia Bờ Ảo Vọng (1988)
Tác giả:  Dương Thu Hương
Người đọc:  Hiền Đức
Audio do diễn đàn Hột Mít thực hiện năm 2013.

Nhà văn Dương Thu Hương 

Bên kia bờ ảo vọng

Thời gian và thế nhìn trong tiểu thuyết


Sâu sắc. Thiết tha. Tàn nhẫn. Chân tình. Có những trang tuyệt đẹp. Một truyện tình hay.

Nhưng sao tác giả không giữ trọn hứa hẹn đã lôi cuốn tôi thấu đêm, từ trang đầu đến trang cuối Bên kia bờ ảo vọng[1] ?

Có nhà văn đã nhận xét : viết tiểu thuyết là viết về tình yêu. Khốn nỗi, đây là đề tài đáng sợ nhất : không xả thân ắt thất bại.

Yêu là gì ? Tại sao phải yêu ? Vì sao không yêu ? Yêu như thế nào mới là yêu ? Làm sao viết xuôi lòng người khác !

Thử nghĩ xem. Người ta có thể chết thay người khác. Ai có thể yêu thay người khác ? Người ta có thể chấp nhận người khác chết thay người yêu. Ai chấp nhận người khác yêu thay người yêu mình, người mình yêu ?

Người dám yêu dám đòi hỏi làm Người trong mắt người khác, dám tin chuyện đó có thể. Ðồng thời dám thừa nhận : không ai có thể ép người khác yêu mình. Không có tình cảm, thái độ, hành động nào thể hiện nhân sinh quan của con người một cách toàn diện, sâu sắc, thiết thân và... khó hiểu hơn tình cảm này. Vì vậy, rất ít tiểu thuyết dám lấy tình yêu làm chủ đề, lấy nội dung của tình yêu làm cốt truyện. Người viết chỉ tạo bối cảnh, để độc giả mặc sức mơ màng, thổn thức. Vậy là đạt. Ðó là sự giả dối quen thuộc trong nghệ thuật. Nó lôi cuốn người đọc thoát tục, vươn mình tới nhân cách của mình. Mặt nào đó, nó nói lên sự hẹp hòi của người viết văn : không chịu, không thèm, không dám chia sẻ với người đọc vốn sống, quan điểm của mình.

Lấy nội dung tình yêu làm cốt truyện là chấp nhận trao đổi với người đọc về một vấn đề dường như không thể trao đổi được, và bình thường dẫn tới thất bại. Thái độ dũng cảm này, trong nghệ thuật, hiếm. Ðối với khán giả của họ, nghệ sĩ thường thích cho, thích nhận, ít ai thích đối thoại.

Phương Linh, một nữ sinh đã hứa hôn với một anh chàng nhà giàu, gặp Nguyên, một thầy giáo trẻ, nhiều kiến thức, thông minh, trong sạch. Kính trọng dẫn đến say mê. Linh sòng phẳng và tự trọng, cắt đứt hứa hôn, thức đêm may áo kiếm tiền trả lại hôn lễ, để lấy chồng tuy nghèo nhưng có nhân cách.

Vợ đau ốm, Nguyên thu mấy đồng còn lại trong nhà đi mua phở cho vợ. Bị gã bán phở khi, Nguyên thấy đời tủi nhục rình đón vợ con. Anh đành làm một chuyện phổ biến trong xã hội ta : chiều thủ trưởng, viết báo láo, hưởng một số ưu đãi, đảm bảo đời sống vật chất cho vợ con.

Người đàn bà biết được, khinh chồng vô tư cách, đoạn tình, ngủ riêng. Một đêm mê sảng, vì thói quen, ôm chồng. Sáng tỉnh dậy, tủi nhục, chị quyết định bỏ chồng con, ở riêng.

Rồi người đàn bà si mê Trần Phương, một nhặc sĩ nổi tiếng, đã bị cách chức. Trần Phương, vì tham vọng, phản bội Linh, nhưng không sao dứt được mối tình. Linh, tuy bị lừa, vẫn ngỡ rằng Trần Phương phụ bạc mình vì hoàn cảnh, nhưng vẫn trung thành với lý tưởng. Linh tha thứ, chịu phần thua thiệt, yêu thờ người nhạc sĩ đạo đức.

Cuối cùng Linh biết sự thật, hiểu Trần Phương kém tư cách hơn người chồng mình hắt hủi. Tất cả – tình yêu, tâm hồn, thể xác, từng ngày từng giờ quằn quại với miếng ăn, nỗi thương con, sự áp bức, sỉ nhục của xã hội phong kiến, đạo đức giả – nàng đã dâng cho một thằng hèn hạ, bịp bợm. Người đàn bà đau đớn hiểu rằng nhân cách của mình không thể trao cho người khác, phải nhìn người đời ngang tầm mắt, bước qua bên kia bờ ảo vọng.

Ðó là đề cương của quyển sách. Khác gì đề cương về thời kỳ quá độ, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa ? Biết rồi, khổ lắm, nói mãi ?

Vậy mà đã đọc vài trang khó buông được quyển sách !

Vì sao thế ? Vì đây không phải một tràng lập luận không biết từ đâu tới, ai chịu trách nhiệm. Nó là lời tâm huyết của một con người dám đem tính mạng, hạnh phúc đời mình ra đảm bảo. Bên kia bờ ảo vọng kể chuyện con người ấy, chuyện sự trưởng thành của một con người, xuyên qua tình yêu không nhân nhượng. Nó là ý thức biến thành sự mê si, niềm say đắm phập phồng của tâm hồn, của da thịt, nỗi tủi nhục đắng cay hàng ngày, sự kiêu hãnh cuối cùng của một con người. Vì thế, tuy cấu trúc truyện kinh điển, đọc không chán.

Cũng vì người viết có đôi mắt sác bén lạ thường và một tấm lòng nhậy cảm khôn tả. Ít ai linh cảm khát vọng yêu đương đến thế.

Chính vì tác giả lấy tình yêu không nhân nhượng làm tấm gương soi mói nhân cách của con người, phẩm chất của xã hội mà tiểu thuyết này sâu sắc. Từ đầu đến cuối cứ vang vọng trong ta cái đêm người đàn bà nói với chồng : tôi không thể yêu một người tôi khinh. Do đó, mỗi hoàn cảnh trở thành một nét mặt của xã hội, mỗi nhân vật biến thành một nét mặt quằn quại của tình yêu, mỗi hành động, mỗi lời nói là sự đáp ứng hay lẩn tránh một câu hỏi không thể thoái thác. Tất cả lại sinh ra, hiện hình, nẩy nở và phôi thai qua những mùa sống của một tâm hồn.

Trong tiểu thuyết Việt Nam, lâu nay, ít có truyện tình thiết tha, tàn nhẫn như truyện này. Vì Phương Linh là một tấm gương. Một tấm gương vô cùng quyến rũ và ác nghiệt cho người đàn ông nhìn rõ nhân cách của mình : Nguyên hèn yếu, Trần Phương đê tiện, bí thư Dụng sợ dư luận hơn yêu lý tưởng... Chính sự đê hèn, tủi nhục đó là bộ mặt chân tình của tình yêu chân thật. Nó đòi hỏi phủ định cuộc sống thiếu nhân cách kia để vươn lên. Nó là hoài bão sâu xa trong lòng người khi dám yêu. Càng bị hắt hủi, Nguyên càng thiết tha vợ. Nguyên mê vợ vì vợ khinh mình. Càng hèn hạ, Trần Phương càng say đắm Linh. Trần Phương yêu Linh vì biết mình không xứng đáng. Cả hai đều hiểu Phương Linh là nhân cách của chính mình.

Linh là người đàn bà mà mỗi người đàn ông thầm kiếm và úy kỵ, mong nhớ khi mơ màng, say sưa và sợ hãi nếu gặp phải. Ðó là người đàn bà ta không bao giờ quên được, nhưng khó ôm vào lòng. Người đàn bà đẹp nhất, tàn nhẫn nhất. Người đàn bà vừa tự do vừa say đắm. Người đàn bà lý tưởng. Vì thế, người đàn ông thoải mái duy nhất trong Bên kia bờ ảo vọng là chàng họa sĩ vừa đeo đuổi lý tưởng vừa biết lý tưởng không thể lấyđược : anh tìm Linh để... vẽ lý tưởng thành tranh.

Ðã lý tưởng thì trừu tượng. Trừu tượng của chung nhân loại, không của riêng ai. Vì vậy truyện tình dễ viết nhất là truyện tình trống rỗng. Lấy tình yêu làm đề tài, lấy nội dung tình yêu làm cốt truyện, tác giả chấp nhận thử thách lớn nhất đối với nhà văn : thể hiện cái chung lạnh lẽo qua cái riêng của nhân vật, thể hiện quan niệm qua cuộc sống, lý tưởng qua con người, con người qua ảo vật... Mà không rơi vào những tràng tuyên ngôn nhạt nhẽo, những cuộc đấu lý khô khan.

Viết làm sao biến được quan điểm thành tiểu thuyết ? Viết thế nào cũng được, miễn sao giải quyết đẹp vấn đề mấu chốt của tiểu thuyết, vấn đề thời gian : phải là thời gian của người đọc.

Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật tiểu thuyết. Giữa người viết tiểu thuyết và người đọc luôn luôn có một giao kèo ẩn. Người viết kêu gọi người đọc tái tạo tác phẩm của mình. Mở sách ra, người đọc đã đáp lời một nửa, vươn qua bên kia những nét mực lem nhem, tạo lại một lý trí, một tâm hồn. Sự kiện này xẩy ra mỗi lần ta đọc sách. Một câu văn, một công thức toán, tự nó chỉ là một mớ dấu hiệu ngoằn ngoèo, không có nghĩa lý gì. Nó bắt đầu có ý nghĩa khi ta trút vốn sống, sự hiểu biết của ta vào nó, cho nó mượn thời gian của ta. Thời gian đó gồm thời gian sống và thời gian chết. Thời gian chết là toàn bộ kiến thức ta đúc kết từ cuộc sống đã qua của ta. Ta thường so sánh nó với kiến thức của người khác, với thời gian chết của người khác.

Thời gian sống là hiện tại, là những ước mơ, hồi hộp, phập phồng của ta trước tương lai hoàn toàn bất định, hoàn toàn tự do. Ta phải làm gì ? yêu ? ghét ? tiếp tục ? chấm dứt ? Không ai quyết định thay ta được. Ta cũng không thể trốn tránh sự lựa chọn. Lúc ta lựa chọn là lúc quá khứ và tương lai hội tụ, lúc ta tái tạo toàn bộ giá trị trên đời : một quãng đời của ta tự nhiên lộ một nét mặt mới, một người yêu đột nhiên thay hình đổi dạng, và cả trời đất bỗng nhiên xấu đẹp, buồn vui...

Thời gian sống đó, ta chỉ có thể cho nhân vật mượn nếu nhân vật cũng như ta, là ta, một con người không có thánh thần phù hộ, chỉ đường dẫn lối, không có tương lai cố định, không có định mệnh, một con người tự do, sáng tạo, một con người[2].

Nghệ thuật tiểu thuyết tập trung vào điểm này : khiến độc giả cho mượn cả thời gian chết lẫn thời gian sống của mình, cho mượn hết mình, quá khứ, hiện tại và tương lai, tóm lại, khiến độc giả vận dụng tự do của mình để tái tạo tác phẩm[3]. Vì vậy, tiểu thuyết hay không ai đọc cạn ý được : vốn sống càng dày, kiến thức càng rộng, tương lai càng bao la, phức tạp, thì hiện tại càng căng nhựa sống. Vì vậy, đọc tiểu thuyết hay, ta quên giờ quên giấc, đọc đi đọc lại vẫn miên man : hiện tại của ta chỉ chấm dứt khi toàn bộ tương lai của ta đã trút vào quá khứ, khi ta không còn gì để cho ai mượn.

Ðoạn văn đẹp nhất trong Bên kia bờ ảo vọng, đoạn văn tả cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Nguyên và Linh (trang 307 đến 315), thể hiện cái thời gian đó.

Linh đã bắt đầu hiểu Trần Phương không phải con người lý tưởng mình tưởng và chồng mình không tồi như mình đã nghĩ. Gặp lại Nguyên, liếc qua, Linh thấy chồng vẫn thủy chung, say đắm. Linh nhớ lại hạnh phúc xưa, bắt đầu luyến tiếc. Nguyên đã chấp nhận sự hèn yếu của mình và trả giá để xứng với tình yêu của vợ. Nguyên tìm Linh để nối lại mối tình. Về tình, về lý, sự gặp gỡ này phải đi tới sự trùng phùng, tái hợp. Thực tế ngược hẳn, oái oăm. Ngược lòng mình, Linh phũ phàng với Nguyên. Ngược lòng mình, Nguyên đưa tờ giấy ly hôn cho vợ ký. Hai người đều làm chuyện mình không muốn, chuyện hoàn toàn ngược ý nguyện của mình.

Tại sao vậy ? Tại hai người đã sống trọn vẹn hiện tại của họ (ôm cả quá khứ vươn tới tương lai mình tự tạo). Nguyên đã trả giá để làm người có nhân cách, không thể van xin người khác được nữa, dù là người yêu. Ðó là tình yêu của người có tư cách : tôn trọng tự do của người mình yêu.Phương Linh đã linh cảm sự lầm lẫn của mình nhưng, chưa kiểm nghiệm tới cùng, chưa thể ung dung bước qua bên kia bờ ảo vọng. Ðó là tự do có trách nhiệm của người có tư cách : chưa chắc chắn, chưa kết tội người khác.

Hai người đó bạc đãi nhau vì họ tôn trọng nhau. Họ bạc đãi nhau vì họ tự do, tự trọng, chân tình. Không ai chấp nhận một mối tình rẻ tiền.

Thế đã hay.

Nhưng sự chia tay kia không chỉ bất ngờ, đột ngột. Nó còn là sự vĩnh biệt. Thế mới sâu sắc.

Hạnh phúc tuyệt đối mà hai người lưu luyến chỉ là sự tuyệt đối của quá khứ : sự thực không thể thay đổi hay phủ nhận. Nó tuyệt đối như những gì đã qua, đã chết, những gì ta luyến tiếc. Nó là ảo ảnh. Tuy đang thiết tha cứu vãn nó, hai người cùng đã biết. Từ tương lai lờ mờ của họ vọng lại một đòi hỏi : đi thêm bước nữa để nên người. Nguyên đã không thể van xin ai nữa, kể cả người yêu, ắt cũng không thể chấp nhận lệ thuộc ai, kể cảLinh. Nguyên phải đoạn tình mới nên người được. Bàn tay hạ bút không chỉ ký một tờ ly hôn. Nó đồng thời khai sinh một con người mới. Bản thân Nguyên cũng chưa hiểu, chỉ thể hiện qua thái độ : bình thản thú nhận với Linh mình yêu Linh ngay cả trong giấc mơ mà tay ký không run, lời nói rạch ròi, hành động quả quyết. Ngược lại Linh đã cảm thấy ngay ! Linh sững sờ nhìn chồng : Thế là hết... Cô hiểu rằng anh cũng có khả năng dứt bỏ cô...

Thế mới là hiểu người, hiểu đời, hành văn, viết tiểu thuyết.

Linh đã khinh Nguyên và bỏ Nguyên từ lâu, lại không phải loại người nhỏ nhen, tham vặt. Tại sao lại sững sờ ? cái gì hết ? mà đau đớn vậy ?

Ta hồi tưởng xem, có gì đâu đớn hơn sự thật tàn nhẫn này : một người say đắm ta bỗng nhiên cũng có khả năng dứt bỏ ta. Khinh thì khinh, đau vẫn đau. Tính chất tôn giáo, thần thoại của tình yêu thể hiện mãnh liệt trong đoạn văn ngắn này. Ðồng thời cũng lộ ra một vấn đề rất thời đại : có thể có một tình yêu ngang tầm người không ? phải trả giá nào ? để được gì ?

Giây phút Linh thực sự mất Nguyên chính là giây phút Nguyên nên người, đáng yêu. Tình yêu của Nguyên trở thành vô giá chính vì Nguyên không lệ thuộc nó nữa. Vì vậy mà sững sờ, đau đớn, xé lòng nhìn nhận : Thế là hết...

Linh đã không vì yêu chồng mà bỏ qua cho Nguyên hành động yếu hèn, làm sao có thể lợi dụng tình yêu của chồng để xí xóa cho mình ? Hạ bút ký, Linh chấp nhận bước tới cùng con đường ảo vọng. Ngay Linh cũng chưa hiểu, tưởng vì lòng tự ái. Quả là tự ái, nhưng là một thứ tự ái đặc biệt : phải sống cạn con đường ảo vọng mới có thể công bằng với anh hơn để mãi mãi chia ly vì cô chỉ có thể đi trên con đường của chính cô.

Hai con người này không thể yêu nhau như cũ vì họ đã và đang trở thành người khác : họ sống động, họ là cuộc sống, là người.

Dù sao, chuyện đã rồi, không gì xóa, hàn gắn được. Hai người đều luyến tiếc, đều không nói, đều hiểu : phải dứt bỏ ảo vọng cuối cùng, dĩ vãng[4]. Hành động của họ hoàn toàn trung thực với nhau, hoàn toàn giả dối với mình. Hành động đó vượt qua sự suy luân tức thời của họ : nó là hành động toàn diện của con người[5].

Ðọc câu :

– Buồn quá phải không Linh. Chúng ta đều đã biến thành những kẻ dối trá.

mà lòng bồn chồn, tê tái.

Thấm thía làm sao ! một câu văn...

Hoàn toàn đúng, hoàn toàn sai. Tha thiết (với quá khứ chung), trung thực (với tương lai từng người), chân tình và tàn nhẫn (với nhau trong hiện tại).

Lại hồn nhiên dựa vào lời nói chuyện với một đứa trẻ thơ.

Tuyệt.

Trong tiểu thuyết, hiếm có đoạn văn nào đẹp như vậy. Mỗi lần Nguyên bình tĩnh rít hơi thuốc, ta như trút vào ngực những tháng năm quằn quại của đời người, nuốt trửng nỗi buồn tủi từ muôn kiếp sống dồn lại. Và từ lời nói điềm đạm thở ra trong khói thuốc, vút lên trong ta niềm tự hào khốn nạn của con người : cuộc đời này đáng gánh, cuộc tình này đáng sống trọn, vì con người kia đáng yêu.

Ðọc đoạn văn đó mà ngậm ngùi, thổn thức và... kiêu căng :

Ta hồ ! trượng phu đương như thị[6]...

Sự thử thách nói trên dẫn tới một khó khăn đặc biệt. Người viết vừa phải thuyết phục (lý trí) vừa phải quyến rũ (nghệ thuật). Hai đòi hỏi này dễ mâu thuẫn trong bút pháp. Ðạt được, văn hay như người đàn bà vừa thông minh vừa đẹp, như đôi mắt nâu của Phương Linh. Thông minh làm vẻ đẹp lộng lẫy, sâu sắc. Vẻ đẹp làm thông minh dịu dàng, trìu mến. Nghe lời nói mà nhớ gương mặt, nhìn gương mặt lại nhớ tâm hồn.

Không giải quyết đẹp mâu thuẫn đó, dòng văn sẽ đứt đoạn. Thí dụ :

Linh nhớ mãi buổi sáng sương mù thời thơ ấu....

– Con gái ơi, ra với bố nào...

Bố cô thường gọi cô như thế, giọng nghẹn ngào, nồng hơi rượu. Chính ông cũng có lỗi với cô. Ông yêu bà nhiều tới nỗi trái tim ông không còn đủ chỗ dành cho đứa con gái và ông đã bỏ cô để đi về cõi đất âm u tìm vợ. Chính ông đã dậy cho cô thế nào là tình yêu. Trí nhớ tản mạn, mong manh của Linh hồi tụ, trở nên sáng rõ dưới mặt trời hiện tại, dưới quyền năng mãnh liệt của mối tình cô đang thờ phụng. Sự nghiệm sinh có sức mạnh vĩ đại hơn chúng ta tưởng, chính vì nó...

Ta vừa thoát xác, trút hồn vào nhân vật, biến những nét mực lem nhem thành con người, thành tình cảm, nghẹn ngào nhớ tới tuổi thơ, mối tình của cha ta đối với mẹ ta, liên tưởng tới người yêu, chợt hiểu một quãng đời mình...

Ðùng một cái, tác giả lôi cổ ta ra lý sự : Sự nghiệm sinh có sức mạnh vĩ đại hơn chúng ta tưởng, chính vì nó...

Ðã nghe tác giả, ta phải buông nhân vật trôi theo số phận hẩm hiu của nó : một cái xác khô cứng, một mớ chữ ngoằn ngoèo. Người viết văn đâu có quyền khinh nhân vật của mình như vậy, khác gì kết thúc sinh mạng nó, phá bĩnh quá trình tái tạo nó của độc giả !

Chỉ vài dòng sau ta lại bị lôi cuốn :

Còn ông, ông cứ ngồi như cái bóng. Trước đây Linh thấy bố kỳ dị. Giờ, cô hiểu rằng niềm đăm mê đã đem lại cho ông dáng vẻ lạ lùng ấy. Giờ đây, cô cũng có thể ngồi vài giờ liền cạnh Trần Phương, nghĩ tới ông triền miên ngày này qua tháng khác, có thể sung sướng nhìn đôi mắt đen u sầu của ông dưới hàng mi rợp, ve vuốt những vết nhăn trên gò má và sau đuôi mắt ông... Tình yêu nào cũng thế, nó gắn cho đối tượng những vòng hào quang...

và lại lãnh đủ một gáo nước lạnh.

Ðây là nhược điểm lớn nhất trong bút pháp Bên kia bờ ảo vọng : lý giải không đúng nơi, không đúng chỗ, không thuận tình. Dĩ nhiên, muốn thuyết phục, phải lý giải. Nhưng lý giải bằng văn chương khác lý giải bằng lôgíc. Lý giải bằng văn chương phải... thuận tình. Lý giải không thuận tình giết sự quyến rũ. Khi Phương Linh nói với chồng :

– Em khinh anh, bây giờ em khinh cả chính mình.

câu đó hồn nhiên cay đắng. Nó vừa là lý giải vừa là hành động, nó thể hiện một con người, một lời nói có máu xương, nó là sự thật đang hình thành xuyên qua một cuộc sống, là sự thật của ta khi ta chấp nhận đọc sách, trút hồn mình vào nhân vật, tái tạo nó. Khi tác giả phân bua : Tình yêu nào cũng thế, nó..., tác giả báo cáo về một kinh nghiệm của người khác, đã tổng kết từ lâu,ta tiếp thu một khái niệm trừu tượng, lạnh lẽo.

Ðộc giả bị dồn vào thế lưỡng nan : độc giả không thể vừa sống qua nhân vật (cho nó mượn (cái) tôi, tái tạo nó) vừa tranh luận với tác giả (rút (cái) tôi về để thảo luận với người khác). Ðã sống qua nhân vật thì lý giải kia trở thành nhạt nhẽo. Ðã thảo luận với tác giả thì nhân vật kia toi mạng.

Có lúc tác giả thẳng thừng tống cổ ta ra ngoài.

Nguyên vừa quyết định bỏ Ngọc Minh. Nguyên đứng nhìn Ngọc Minh nằm trên giường khóc. Anh nhớ những ngày chung sống, tấm lòng tốt, ngây thơ của người đàn bà :

Nguyên định vào nhà, an ủi Minh. Nhưng anh biết điều đó chẳng ích gì. Người đàn ông đứng thêm mười lăm phút nữa rồi lên xe về.

Ðể biết Nguyên đã đứng 15 phút ta phải nhìn Nguyên từ ngoài, vừa chú ý theo dõi đồng hồ vừa xem xét động tác của hắn, rồi kết luận : hắn đứng đúng 15 phút. Ta đã rời bỏ thế giới của nghệ thuật, đi vào một phòng thí nghiệm khoa học. Hai câu trước ta còn là Nguyên, ta đang mủi lòng, do dự. Ðùng một cái, ta biến thành một quan sát viên lạnh lùng, một người ngoài cuộc, ta không còn là độc giả tiểu thuyết nữa.

Vì thời gian trong tiểu thuyết là thời gian của độc giả, thế nhìn của độc giả phải làm kim chỉ nam cho ngòi bút của nhà văn. Nhà văn viết để rủ người khác đọc, rủ người khác tái tạo tác phẩm của mình, không nên áp đặt thế nhìn của mình một cách đơn giản.

Nhu cầu trao đổi với độc giả mãnh liệt tới mức nó tác động tới cả cấu trúc của câu văn :

Bàn tay ai đặt trên trán cô, giống bàn tay mẹ trước khi bà bị cơn sốt thương hàn cướp đi cuộc sống.

Lôgíc đòi hỏi viết như vậy, rõ ràng, đầy đủ. Vẻ đẹp, ngược lại, đòi hỏi một chút mơ hồ. cơn sốt thương hàn cướp đi chẳng hạn. Vẫn trọn nghĩa nhưng khác hẳn. Một câu lập biên bản một sự kiện khách quan, một câu thổ lộ sự mất mát của một con người.

Khó khăn này, thực chất, thể hiện mâu thuẫn giữa sống thật và sự thực.

Người làm khoa học có những giây phút rất thơ : đặt câu hỏi, mơ màng sáng tạo giả thuyết, say sưa kiểm nghiệm đúng sai, để rồi thành công hay thất bại. Người đó cũng có lúc lạnh lùng : trình bầy giải đáp đã được chứng mình. Giả thuyết đã trở thành sự thực, thành khái niệm. Sự thực, khái niệm, là của chung nhân loại, không của riêng ai. Nó không còn nét đậm, chiều sâu của sự sống, màn đêm của con người đeo đuổi nó : nó đã mất hồn, lăn vào thế giới thực.

Quan điểm cũng vậy. Nó là sự thật đã trở thành. Nó là quá khứ đã được phân tích, tổng kết của một cuộc sống. Người đọc có thể tán thành hay chống đối, khó có thể rung động vì nó.

Bên kia bờ ảo vọng, đã đọc, khó buông, đọc xong lại ấm ức, cũng vì vậy : nhiều đoạn đẹp, rung cảm, như sự thật đang hình thành (trong ta, qua nhân vật) ; nhưng thỉnh thoảng lại xen quan điểm của người ngoài cuộc, từ trên trời giáng xuống (tác giả không phải là nhân vật trong truyện), không thiết thân gì với thời gian ta đang sống. Hình ảnh Phương Linh đẹp nhất không phải đôi mắt trong suốt chân lý. Là hình ảnh cuối cùng : một người đàn bà thẳng người bước qua bên kia bờ ảo vọng. Ðọc tới đó mà lặng người, bồi hồi, và... muốn lật lại trang đầu.

Suốt đêm đeo đuổi những chấm mực lem nhem lún trong giấy nâu xạm. Sáng đến, mắt nát nhàu khép sách lại. Tôi mơ màng, một ngày nào đó, mở lại Bên kia bờ ảo vọng, thấy giấy trắng lạnh lùng như cuộc sống hôm nay, nét mực sắc sảo như tình yêu muôn thuở, đọc một hơi, hồn cuồn cuộn theo những đoạn văn như :

Những hình ảnh quen thân ấy khua động tình yêu bị vùi lấp trong anh – một tình yêu cuồng si cả óc não cùng thân xác. Tình yêu của một chàng trai hai mươi, của một người đàn ông từng trải và dạn dầy nhẫn nhịn, của cả một ông già sáu mươi tám tuổi mai sau... Cái tình yêu ấy gào thét trong anh, sau một quãng thời gian trống vắng, sau nhiều đêm hy vọng mỏi mòn, sau nhiều ngày chờ đợi...

– Tôi căm thù cô.

Tôi sẽ bồi hồi nói với bè bạn : phải đọc ngay Bên kia bờ ảo vọng, truyện tình đẹp nhất.

Phương Linh là người đàn bà chỉ biết cho, không biết nhận. Cho tất cả những gì cao đẹp nhất của con người, nhận tất cả – trừ sự thực khó nhận nhất : con người ngày nay đê hèn. Nguyên là người dám nhận mà không dám cho. Nhận tình yêu, nhận thoả hiệp, nhưng không dám cho cái khó cho nhất ở đời : nỗi tủi nhục.

Ta là người trong tiền sử của nhân loại. Ta chào đời, hai tay đã vấy máu. Có những lúc, tình người, nhân cách chỉ có thể thể hiện bằng cách giết người. Diệt Mỹ chẳng hạn. Những lúc đó, có khi sự dũng cảm, tình người, nhân phẩm chỉ còn ở một điểm : ý thức mình đang giết người. Phải giết. Muốn giết. Trả giá phải trả để nhân loại tiếp tục là hy vọng của con người. Có những lúc, tình thương giữa hai kẻ nô lệ thu gọn trong nỗi căm thù chung người xiềng xích họ. Ngoài ra, nhìn nhau vẫn thấy nguyên hình ảnh, tư cách và hành động hàng ngày nhục nhã của hai cuộc đời nô lệ.

Ta chào đời, tâm hồn đã phủ màn đêm. Ðộc lập, tự do, hạnh phúc, công bình, bác ái, phẩm tiết, nhân cách, giống nòi, giai cấp, lý lịch... Biết bao giá trị từ muôn đời dồn lại...

Cái gì còn là ta ? Cái gì là nanh vuốt của người đã chết, vắt hồn ta để kéo dài sự giãy giụa ?

Và làm sao biết có gì đằng sau mắt người yêu ? Một màn đêm thăm thẳm...

Yêu nhau, có khi chỉ là thời gian ta tặng nhau để tìm một tia nắng.

Ngày nào đó, khi ta còn sống[7]...

Những ngày đó là những ngày của ta. Ta không thể có những ngày khác. Ngày nào đó, khi ta còn sống, ta – những thằng lang thang nơi cạn trời ráo đất – còn khẳng định : cuộc đời ngày nay đáng sống, con người ngày nay đáng khinh, đáng hận, đáng ghét, đáng yêu. Ta không thể yêu gì khác và, tới ngày toàn biệt, ta vẫn muốn yêu. Ngày đó, hồn ta vẫn khát gọi màu xanh[8], ảo vọng vẫn là lẽ sống, những chuỗi ngày ta gánh đi vẫn là cuộc sống đáng sống nhất, vẫn là nội dung thần thoại của tình yêu, của tình người, vẫn là ta.

Cảm ơn tác giả.

Trần Đạo
1989


[1]  Bên kia bờ ảo vọng, tiểu thuyết của Dương Thu Hương.

[2]  Vì vậy văn minh họa lập trường, đường lối, đạo đức... thường máy móc, vô duyên.

[3]  Ðọc sách khoa học hay triết học ta chỉ cho mượn thời gian chết : vận dụng kiến thức của ta, cố gắng tìm hiểu ý của tác giả ; nhưng ta vẫn giữ khoảng cách cần thiết giữa ta và những ý đó để xem xét, phân tích, đánh giá, phê phán. Ðọc truyện dở cũng vậy : hồn không bén lửa.

Ngược lại, người đọc tiểu thuyết hay vẫn có thể đọc với thái độ hẹp hòi. Nếu đầu óc rập khuôn, trái tim héo mòn, đọc hàng nghìn trang cũng chỉ thấy chỗ này đúng, chỗ kia sai, không bao giờ rung cảm được : mất khả năng sống hiện tại của ngôn ngữ, ngày nay của xã hội.

Buồn, vui, tủi nhục, tự hào, say sưa, ấm ức... chỉ đến với ta khi, đọc sách, ta cho mượn chính mình. Thưởng thức văn là một nghệ thuật dành riêng cho những tấm lòng rộng mở. Tấm lòng đó, chỉ nhà văn dám tin tưởng, biết tôn trọng độc giả, mới giành được. Vì vậy nhân vật dậy đời, nhà văn giảng đạo luôn luôn khiến ta ngáp ngủ.

[4]  Tuổi thơ của con người cũng giống như tình yêu của họ. Nó là một lâu đài bằng pha lê, khi đã vỡ không bao giờ hàn chắp được. [Bên kia bờ ảo vọng]. Rất đúng khi tình yêu đã tan nát, trôi vào dĩ vãng với tuổi thơ. Tuổi thơ cũng như tình yêu, khi đang sống nó, không ai nói được nó làgì. Sống qua rồi nó trở thành cái này, và sẽ trở thành cái nọ, tùy hiện tại.

[5] André Malraux có câu nhận xét nổi tiếng : L'acte précède la pensée [Hành động đi trước tư duy]. Nhưng chưa từng viết một đoạn văn nào đẹp như vậy trong ý đó.

[6] Trượng phu áp dụng cho cả hai người. Thảm thay, ngôn ngữ ! Nay xin dịch :

Than ôi ! Làm người phải như vậy...

Thời gian của con người như vậy : cả quá khứ (của mình, của xã hội) dồn vào một hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh đó con người tự tạo nhiều khả năng, lựa chọn một tương lai cho quá khứ kia. Sự lựa chọn này hoàn toàn tự do. Phẩm chất của con người do con người sáng tạo xuyên qua sự lựa chọn đó. Trong đoạn văn này cả hai nhân vật đều lựa chọn tương lai đẹp nhất, nhân cách nhất. Nếu hai người khóc sướt mướt, ôm nhau, dắt nhau về nhà, độc giả sẽ thở dài, đóng sách lại, trùm chăn, ngủ. Ðây là sự khác biệt lớn giữa chính trị và nghệ thuật khiến nhà cầm quyền và nhà thơ có lúc không thể đội trời chung : có thể có đường lối, chính sách, hành động chính trị bất nhân, vô liêm sỉ... thành công (có khi vài chục năm, thậm chí vài thế hệ), nhưng không thể có tác phẩm nghệ thuật bất nhân, vô liêm sỉ. Khán giả, độc giả chỉ ngáp một cái, tan tành ngay. Nhân cách của người đọc là sinh mạng nghệ thuật của nhà văn. Coi thường nó ắt tự sát.

[7]  Một tuyên ngôn của người nghệ sĩ. Dương Thu Hương.

[8]  Một tuyên ngôn của người nghệ sĩ. Dương Thu Hương.


No comments:

Post a Comment