Saturday, November 1, 2014

(Video) Gone With The Wind - Cuốn Theo Chiều Gió (USA, 1939, Eng. & Viet. Sub.)











Lời Giới Thiệu


Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind) (1939) là bộ phim Mỹ, thuộc thể loại phim chính kịch-lãng mạn-sử thi, được phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell, xuất bản năm 1936.  Phim được sản xuất bởi David O.Selznick, đạo diễn Victor Fleming và kịch bản gốc Sidney Howard.  Bộ phim được quay ở miền Nam nước Mỹ trong thời gian xảy ra nội chiến.  Các diễn viên chính bao gồm: Clark Gable, Vivien Leigh, Leslie Howard, Olivia de Havilland và Hattie McDaniel.  Nội dung của phim xoay quanh cuộc nội chiến Mỹ và thời kỳ tái thiết nhìn từ quan điểm của một người Mỹ da trắng ở miền Nam.

Ra mắt năm 1939, Gone With the Wind vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng khán giả khi dẫn đầu danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Mỹ. Đây là kết quả từ cuộc thăm dò của nhật báo điện ảnh Screen Digest. Bộ phim đoạt 9 giải Oscar vừa được bình chọn là bộ phim có nhiều khán giả nhất mọi thời đại trong lịch sử chiếu bóng Anh Quốc. Kể từ khi được phát hành năm 1939, "Cuốn theo chiều gió" đã mang lại 5.4 tỉ đô la (gấp nhiều lần so với con số 1.84 tỉ đô la doanh thu phòng vé mà Titanic kiếm được, tính đến thời điểm này).

Một vài chi tiết thú vị


Tất cả rượu sử dụng trong bộ phim đều là trà. Tuy nhiên, trong cảnh quay khi Clark Gable và Hattie McDaniel uống mừng ngày sinh của Bonnie thì Gable đã bí mật thay trà bằng rượu thật. Hattie không hề biết chút gì cho tới khi uống một ngụm. Chiều hôm sau, Gable hỏi Hattie: "Này vú, cơn say rượu thế nào ?

Gable cũng bị đoàm làm phim chơi một vố. Trong cảnh quay khi Rhett tới để cứu Scartlett, Prissy và hai mẹ con Melanie, Rhett phải vào phòng ngủ để bế Melanie (đang bệnh) ra khỏi giường. Nhân viên hậu trường đã khâu thêm 70 pounds vào đồ ngủ của Melanie. Khi Gable bế de Havilland lên, ông cảm thấy bà nặng hơn bình thường. Vốn là người là người rất vui tính, Gable đã đùa lại rằng có ai đó trong đoàn làm phim đã đóng đinh de Ha villand vào giường.

Trong bốn nhân vật chính trong phim thì Melanie là nhân vật duy nhất chết. Điều kì lạ là ngoài đời thực thì diễn viên Olivia de Havilland là diễn viên duy nhất còn sống (Leslie Howard mất vì tai nạn máy bay trong chiến tranh, Vivien Leigh mất năm 1967 do căn bệnh viêm phổi còn Clark Gable thì chết vì nhồi máu cơ tim vào năm 1960)

Vivien Leigh nói rằng bà không thích hôn Clark Gable vì miệng ông có mùi rất khó chịu.

Khi Hattie McDaniel nhận được giải Oscar, bà sung sướng đến phát khóc và chỉ lí nhí được lời cảm ơn. Bạn diễn của bà, Olivia de Havilland đã tới chúc mừng và chỉ đến lúc ấy, de Havilland mới nhớ ra là mình đã bị vuột mất giải Oscar (cả hai người đều được đề cử giải Oscar cho diễn viên phụ xuất sắc nhất). Quá thất vọng, de Havilland đã lặng lẽ ra ngoài trong nước mắt.

Trong giờ nghỉ, Vivien Leigh và Clark Gable thường chơi trò battleship (một trò đố chữ). Một lần, hai người mời Olivia de Havilland chơi và bà đã dễ dàng đánh bại cả hai người. Từ đó, Leigh và Gable không cho de Havilland chơi cùng nữa.

Trong thời gian quay phim, Vivien Leigh hút bốn gói thuốc lá một ngày.

Giải thưởng của Viện hàn lâm khoa học Mỹ Academy Award (Giải Oscar)


Phim được đề cử 13 giải năm 1939, trong đó có 8 đoạt giải, trở thành phim đầu tiên đoạt trên 5 giải Oscar.

Phim hay nhất - Selznick International Pictures (nhà sản xuất: David O. Selznick)
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Vivien Leigh
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất - Hattie McDaniel
Quay phim xuất sắc nhất - Ernest Haller and Ray Rennahan
Đạo diễn xuất sắc nhất - Victor Fleming
Biên tập phim xuất sắc nhất - Hal C. Kern and James E. Newcom
Kịch bản chuyển thể hay nhất - Sidney Howard
Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất - Lyle Wheeler
Giải thưởng đặc biệt - William Cameron Menzies - "Vì thành tích nổi bật trong việc sử dụng màu sắc làm tăng kịch tính trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió."
Giải thưởng về thành tựu kỹ thuật - Don Musgrave and Selznick International Pictures


(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

No comments:

Post a Comment