Saturday, October 26, 2013

Touch (Chạm) - Một Bộ Phim Việt Sâu Sắc Gây Kinh Ngạc


Tôi đã đọc những lời giới thiệu và bình phẩm về bộ phim Touch của đạo diễn Việt Kiều Mỹ Nguyễn Đức Minh vào năm ngoái (2012) khi bộ phim ra mắt khán giả ở rạp. Nhìn chung, đó là những lời đánh giá khá cao về nội dung, cũng như hình thức, đặc biệt là về chủ đề tư tưởng của bộ phim. Tôi cũng có ý mong chờ nhưng mãi cho đến hôm nay, tôi mới có dịp được xem bộ phim này qua dịch vụ xem phim online Huluplus. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sững sờ và kinh ngạc: Nó quá hay, quá đẹp và quá sâu sắc cho một bộ phim Việt. Nói như thế là vì, tôi đã “ly dị” với phim ảnh Việt từ khá lâu “vì những bất đồng không thể hòa giải”. Dù bắt đầu xem phim khi đã khuya lắm, nhưng tôi không thể dừng nửa chừng mà phải xem cho hết, dù độ dài của bộ phim gần hai tiếng đồng hồ. 


Trước tiên, khi nói đến một bộ phim Việt mà ít nhiều có khả năng thu hút thì người ta nghĩ ngay đến đó là một bộ phim Việt được quay ở nước ngoài, hay do đạo diễn người Việt sống ở nước ngoài thực hiện. Tôi không chắc là có bao nhiêu người Việt có cùng suy nghĩ này như tôi, nhưng tôi chắc rằng ý kiến này của tôi rất khách quan và không hề mang định kiến. Cách đây đã khá lâu, tôi không còn có khái niệm về cái được gọi là “điện ảnh Việt Nam” nữa. Đơn giản là vì VN không có một nền điện ảnh nào cả. Những bộ phim (mà số lượng có thể đếm được trên đầu ngón tay) được sản xuất hằng năm ở Viêt Nam ngày nay không thể gọi là tác phẩm điện ảnh được, và vì thế, chúng không đủ tư cách để tạo dựng nên chân dung một nền điện ảnh nào cả. 

Đặc điểm chung bao trùm lên chúng là: hài, nhảm nhí, hời hợt và thô tục. Tôi xin được kể ra đây một vài cái tên như những thí dụ điển hình: Nàng Men Chàng Bóng, Cô Dâu Đại Chiến, Chuông Reo Là Bắn, Bóng Ma Học Đường… Và rất nhiều cái tên khác nữa mà tôi không bao giờ có đủ kiên nhẫn và “sự rộng lượng” để theo dõi, dẫu chỉ là liếc qua cho biết. Những đặc điểm ấy nghe qua không có vẻ gì là hay ho, nhưng nghịch lý là chúng lại là khuynh hướng đang lên ngôi: Một bộ phim muốn có khan giả xem thì phải là như thế, như lời của một vị đạo diễn nào đó đã thốt lên ai oán. Xét kỹ ra, điều tưởng chừng là nghịch lý ấy lại vô cùng có lý: Những bộ phim nhảm nhí ấy được sản xuất ra để phục vụ phần đông khán giả với thị hiếu vô cùng nhảm nhí - những người đang ngụp lặn trong một xã hội đầy rẫy những điều nhảm nhí. Ở trong xã hội ấy, con người ta cũng học tập, làm việc, cười đùa, ăn chơi, hưởng thụ, chém gió… như trong bất kỳ một xã hội nào khác. Duy chỉ một điểm khác biệt rất lớn duy nhất: Họ không suy nghĩ.



Đặc điểm chung bao trùm lên chúng là: hài, nhảm nhí, hời hợt và thô tục. 
Tôi xin được kể ra đây một vài cái tên như những thí dụ điển hình:
 Nàng Men Chàng Bóng, Cô Dâu Đại Chiến, Chuông Reo Là Bắn, Bóng Ma Học Đường… 
Và rất nhiều cái tên khác nữa mà tôi không bao giờ có đủ kiên nhẫn
 và “sự rộng lượng” để theo dõi, dẫu chỉ là liếc qua cho biết.

Hãy khoan nói đến chất lượng hình ảnh tuyệt vời, cùng với những thủ thuật và kỷ xảo quay phim vô cùng đặc sắc, Touch đặc biệt gây ấn tượng sâu đậm cho người xem ở chủ đề tư tưởng của nó, ở thông điệp mà nó gửi trao - một thông điệp vô cùng nhân văn và mang tính toàn cầu: Con người hãy đến sát nhau hơn, hãy chạm vào nhau để kéo gần những cách biệt và lấp đầy hố cô đơn sâu thẳm ngày càng trở nên lớn rộng hơn trong tâm hồn của mỗi con người đương đại. Thực tế là trong các xã hội văn minh ngày nay, và thậm chí ở những xã hội chỉ đang phát triển, sự thống trị của đồng tiền ngày càng trở nên dữ dội và khoét sâu hơn khoảng cách giữa con người với nhau. Con người ngày càng nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn, đối xử với nhau ít tình người hơn, ít tử tế hơn, và kéo theo đó là, ngày càng trở nên độc ác và vô cảm hơn. Trong bối cảnh lớn rộng ấy, thông điệp bộ phim đưa ra mang thật nhiều ý nghĩa, và nó cũng cho thấy tầm suy nghĩ thật cao thâm của một đạo diễn, tuy còn trẻ và chỉ mới ra trường.

Điểm hay lớn nhất của Touch nằm ở chỗ, thông điệp ấy được chuyển tải một cách thật bình thường và dung dị, thông qua một câu chuyện rất đời thường. Đó là câu chuyện về sự gặp gỡ tình cờ giữa hai tâm hồn đang cô đơn, giữa hai phận người rất khác biệt, tưởng chừng như chẳng thể có được điểm nào chung: Một cô gái Việt (tên Tâm) làm nail, với hoàn cảnh gia đình mang nhiều tính bi kịch, và một anh thợ sửa xe người Mỹ (tên Brendan), đang gặp trục trặc với cuộc hôn nhân của mình. Điều gì đã mang họ đến gần nhau? Chính là cái chạm – cái chạm của đôi tay khi Tâm chăm sóc bàn tay cho Brendan. Cái chạm ấy dịu dàng và nồng ấm quá, và chính nó đã mở đường cho họ trong việc trải lòng mình với nhau, mà trước tiên là việc Brendan đã thố lộ về sự lạnh lùng của cô vợ và hỏi xin Tâm lời khuyên để cứu vãn cuộc hôn nhân.





Thực ra, những tình tiết “chạm” diễn ra sau đó (thân mật hơn, nhạy cảm hơn) trong quá trình Tâm giúp Brendan chinh phục lại cô vợ xinh đẹp của mình (như ở những phân đoạn hai người ở trong bồn tắm với nhau) không hẳn mang nhiều tính thực tế lắm, vì trong thực tế, cho dù là có cởi mở đến đâu cũng hiếm có một cô gái Việt nào hành động như thế. Nhưng cũng chính những yếu tố phi thực đó đã khoác lên tấm áo nghệ thuật cho bộ phim và nâng ý nghĩa của nó lên một tầm cao mới. Chúng khiến người xem phải suy nghĩ và nghiền ngẫm xem bộ phim đang muốn chuyển tải điều gì. Trong văn chương, cũng như trong điện ảnh, những yếu tố phi thực luôn là con dao hai lưỡi. Nếu bị sử dụng một cách vụng về và vô lý, chúng sẽ khiến người đọc hay người xem không khỏi cảm thấy khó chịu và băn khoăn, tự hỏi về tính chân thật của tác phẩm. Trong Touch, đó là trường hợp ngược lại. Xem Touch, người ta ngạc nhiên và thán phục tác giả kịch bản (và cả đạo diễn) trong việc sáng tạo nên những yếu tố phi thực thật đẹp và nhiều ý nghĩa ấy.

Bên cạnh điều vừa đề cập đến, nói đến tính thuyết phục của bộ phim, không thể không kể đến diễn xuất thật tuyệt vời của hai nhân vật chính: Tâm (Porter Lynn) và Brendan (John Ruby). Điểm thú vị là họ đều không phải là những diễn viên thực sự có tên tuổi. Có thể chính vì vậy mà diễn xuất của họ thật tự nhiên và có hồn. Họ diễn cứ như không diễn. Trong khi Porter Lynn khắc họa thật sống động một cách có chừng mực và có chiều sâu một nhân vật nữ có đời sống nội tâm phong phú và ít nhiều bất trắc, thì nhân vật anh thợ sửa xe khá nhút nhát và thật hồn nhiên, thiện lương trong cuộc sống được John Ruby tạo dựng nên với một dáng vẻ thật thu hút người xem. Sự quyến rũ mà hai diễn viên này tạo được cho nhân vật của mình đã giúp thuyết phục người xem khi mà cuối cùng, họ đã phải lòng nhau trong tâm tưởng. Dẫu phải lòng nhau, nhưng họ đã dừng ở đúng điểm cần dừng. Điểm dừng ấy là điểm dừng bắt buộc nếu không muốn chủ đề tư tưởng của bộ phim bị phá vỡ. Dĩ nhiên là tác giả kịch bản và đạo diễn có thừa thông minh để không vượt qua lằn ranh ấy. Không chỉ ở hai diễn viên chính, các diễn viên còn lại cũng đã hoàn thành tốt vai diễn của mình, góp phần giúp khán giả bám chặt vào bộ phim, dẫu tiết tấu của nó có phần khá chậm rãi, và ở một đôi chỗ, khá dông dài.




Đặc biệt, khi xem xong bản nháp của Bụi Đời Chợ Lớn gần đây,
 nếu một mặt, các pha hành động của bộ phim này có thể xem
 là khá thu hút về mặt điện ảnh, thì ở mặt khác, 
chủ đề tư tưởng của bộ phim nhạt nhòa đến nỗi
 người xem có trình độ không khỏi phải suy nghĩ về 
trình độ học vấn và nhận thức của tác giả kịch bản, và đạo diễn bộ phim.

Ý nghĩa và thông điệp mà bộ phim Touch mang đến cho người xem hay và sâu sắc đến nỗi khiến cho tôi khi xem xong cứ băn khoăn hoài một suy nghĩ: Hình như đây là lần đầu tiên một bộ phim Việt chuyển tải được một ý nghĩa mang tầm vóc lớn đến như vậy. Và hơn nữa, ý nghĩa đó đã được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh thật ấn tượng. Không có nhiều những bộ phim Việt như thế, nếu không bi quan để nói là chưa bao giờ. Nếu đó là một bộ phim Mỹ, Pháp, hay Hàn, thì có lẽ đó cũng chẳng phải là điều gì đáng ngạc nhiên lắm. Nhưng ở đây, nó lại là một bộ phim Việt. Nói về tính hời hợt và cạn cợt của điện ảnh Việt thì không ít người xem vẫn còn nhớ những kinh nghiệm thật khó quên. Ngay cả ở những bộ phim Việt gây được ít nhiều tiếng vang như Hot Boy Nổi Loạn hay gần đây là Bụi Đời Chợ Lớn, độ thiếu sâu sắc của chúng khiến người xem không khỏi thất vọng và ngỡ ngàng. Đặc biệt, khi xem xong bản nháp của Bụi Đời Chợ Lớn gần đây, nếu một mặt, các pha hành động của bộ phim này có thể xem là khá thu hút về mặt điện ảnh, thì ở mặt khác, chủ đề tư tưởng của bộ phim nhạt nhòa đến nỗi người xem có trình độ không khỏi phải suy nghĩ về trình độ học vấn và nhận thức của tác giả kịch bản, và đạo diễn bộ phim.

Tóm lại, Touch là một bộ phim Việt mang đến một diện mạo mới cho phim ảnh của người Việt. Xem xong, người ta mới chợt nhớ ra là hóa ra người Việt cũng sâu sắc đấy chứ, cũng có những suy nghĩ mang tầm quốc tế đấy chứ. Xem xong, người ta mới chợt nhận ra là người Việt cũng có khả năng làm ra được một bộ phim mà khán giả thế giới sẽ bỏ công mà theo dõi và nghĩ ngợi đấy chứ. Xem xong, người ta chợt thấy mình bỗng mơ đến một ngày mà ở các giải thưởng Oscar sẽ xuất hiện tên của một bộ phim Việt nào đó. Chợt nhớ, chợt nhận, chợt mơ, rồi bỗng chợt thấy xót xa với ý nghĩ: Vì cớ gì mà nền điện ảnh của cả một dân tộc, bao năm qua, quẩn quanh không ngừng trong mớ bòng bong hỗn độn của sự hời hợt và nhảm nhí?


26/10/2013
Jeffrey Thai 


Xem Phim TOUCH (18+)










No comments:

Post a Comment