Friday, January 24, 2014

(E-Book) Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967) - Phạm Công Thiện









TIỂU SỬ

Phạm Công Thiện sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho. Từ năm 13-16 tuổi đã có bài viết cho tạp chí Bách Khoa, một tờ báo cao cấp trong giới trí thức Sàigòn: “nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một cuốn sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi) “. (trích Trang mở đầu “Ý Thức Mới trong Văn nghệ và Triết học).

Năm 18 tuổi là giảng viên Viện Đại Học Saigon (bộ môn Triết học).

Cũng trong tuổi 18-19 ông bắt đầu viết tác phẩm “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học”, hoàn thành năm 22 tuổi . Nói cho đúng hơn là ông tập hợp những bài viết đã đăng rải rác trên các báo ở Sàigòn thời bấy giờ và biên tập thêm vài chương mới.

Từ năm 1966-1968, Giám Ðốc Soạn Thảo Tất cả Chương Trình Giảng dạy cho tất cả Phân Khoa Viện Ðại Học Vạn Hạnh.

Từ năm 1968-1970 , khoa trưởng Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Ðại Học Vạn Hạnh , sáng lập viên và nguyên chủ trương biên tập tạp chí Tư Tưởng của Viện Ðại Học Vạn Hạnh.

Xuất ngoại từ 1970. Từ năm 1970 cho đến 1983, sống ở Do Thái, rồi ở Đức, và ở lâu dài tại Pháp. Ông còn có một khoảng thời gian dài sống với Krishnamurti ở Ấn Độ trước khi dịch cuốn "Tự do đầu tiên và cuối cùng".

Đến năm 1983, trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles.

Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

Nguyên là Giáo sư Triết học Tây Phương Viện Ðại Học Toulouse, Pháp Quốc, Giáo sư Phật Giáo Viện College of Buddhist Studies, Los Angeles, Hoa Kỳ.

TÁC PHẨM
Tác phẩm đã xuất bản:

- Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964)
- Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965)
- Trời tháng Tư (1966)
- Ngày sanh của rắn (1967)
- Im lặng hố thẳm (1967)
- Hố thẳm của tư tưởng (1967)
- Mặt trời không bao giờ có thực (1967)
- Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất — Trở về Rainer Maria Rilke (1969)
- Henry Miller (1969)
- Bay đi những cơn mưa phùn (1970)
- Ý thức bùng vỡ (1970)
- Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)
- Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật giáo (1994)
- Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995)
- Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc (1996)
- Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney (1996)
- Làm thế nào để trở thành một bậc bồ tát sáng rực khắp bốn phương (1993)
- Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật giáo (1998)
- Trên tất cả đỉnh cao là im lặng (2000)
- Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử (2000)
- Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết Học Là Gì? (2000)
- Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzsche (2000)

Ngoài ra năm 1996, ông còn viết cuốn “Nguyễn Du, Đại Thi Hào Dân Tộc – Triết lý Việt Nam về chữ “Lòng” và chữ “Tơ”, mà tôi không thấy các trang trên mạng nói đến.

Với sự nghiệp như thế, cho nên:

Ông Thiện đã phủ nhận tất cả các triết gia: “Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empédocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta”. Ông coi những nghệ sĩ như Goethe Dante như những thằng hề ngu xuẩn. Ông muốn mửa màu đen trên những người làm văn nghệ ở Paris. Còn về J.P. Sartre và S. de Beauvoir, “nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”... Về Thiền tông “Tao đã gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy học, thời gian tao học ở Hoa kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao. Còn các Văn Sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức “mười lăm xu”, ái quốc nhân đạo “ba mươi lăm xu”, triết lý tôn giáo “bốn mươi lăm xu””. (Nguyễn Văn Trung).

Dịch phẩm đã xuất bản:

- Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
- Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968)
- Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
- Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
- Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)

PHẠM CÔNG THIỆN, GIÁO SƯ ĐẠI HỌC KHÔNG BẰNG TÚ TÀI DẠY THIÊN HẠ LÀM LUẬN ÁN TIẾN SĨ

Cuối thập niên năm mươi thế kỷ hai mươi nhà thơ Nguyễn Vỹ tác giả hai câu thơ :

“Thời thế bây giờ nghĩ cũng khó.
Nhà văn An nam khổ hơn chó”

khoe với tôi ông vừa khám phá ra một “thần đồng” sinh ra ở Mỹ Tho mới 15 tuổi đầu mà đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha và còn biết những Tử ngữ như Sanccrit [tiếng Bắc Phạn] và La Tinh và người đó có tên là Phạm công Thiện
Giữa thập niên 60 của thế kỷ hai mươi Phạm công Thiện trở thành Tỳ kheo Thích Nguyên Tánh, Khoa trưởng hai khoa Phật học và Văn khoa của Viện đại học Vạn Hạnh và viết những bài nghiên cứu triết học nghiên cứu văn học trên tờ nguyệt san Tư Tưởng làm các bậc khoa bảng lúc bấy giờ phải cúi đầu “tâm phục khẩu phục”, làm những giáo sư đại học cỡ Nguyễn văn Trung không chê vào đâu được. Tôi hỏi ra mới biết Phạm Công Thiện chưa hề bao giờ đi thi Tú Tài nên cũng chưa bước chân vào học một trường đại học nào cả trong đời.

Thế rồi đầu thập niên bẩy mươi thế kỷ hai mươi Phạm công Thiện khoác áo cà sa cùng thượng tọa Thích Minh Châu Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh đi dự một hội nghị quốc tế về đại học ở nước ngoài; dịp này Thiện đã trút bỏ áo cà sa lấy một cô vợ người Pháp rồi trở thành giáo sư đại học ở Pháp và xuất bản thơ.

Thế là thiên hạ đua nhau công kích thơ Phạm công Thiện nhưng thơ Phạm công Thiện càng bị đả kích bêu riếu bao nhiêu thì lại càng có nhiều người mê ngưỡng mộ thơ Phạm công Thiện bấy nhiêu vì thơ Phạm có ngôn ngữ riêng; thế giới thơ Phạm công Thiện là một thế giới đầy bí ẩn, đầy ẩn dụ đã huyễn hoặc người đọc.

Phạm công Thiện dạy đại học ở Pháp có nhiều sinh viên cao học triết Đông Phưong đã xin làm môn sinh của Phạm công Thiện nhờ Phạm hướng dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ triết học Ấn độ cổ đại và ông đã hướng dẫn thành công.

Tới nay nhà thơ Phạm công Thiện đã hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên cao học ở Pháp rồi ở Mỹ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học Đông Tây nhưng bản thân ông thì vẫn chưa hề bao giờ có bằng Tú Tài.

Phạm công Thiện vẫn làm thơ vẫn viết những cuốn sách “đại luận” về triết học Đông Tây và đi vào những vấn đề gai góc nhất của triết học hiện đại. Phạm đã qua mặt những nhà triết học Hiện tượng luận. Phạm công Thiện đi vào triết học Đức như đi vào thế giới không người khiến những bậc thầy triết học Đức phải ngạc nhiên cúi đầu kính phục.

Nhiều người bảo Phạm công Thiện “điên chữ” nhiều người phê phán thơ Phạm công Thiện là thơ “khùng” nhưng người thán phục Phạm công Thiện thì lại ngày một đông không khác gì hồi thế kỷ 19 người ta tôn sùng Kỳ Đồng, một người Việt Nam được thiên tài hội họa của nhân lọai P.Gauguin tôn vinh là thi sĩ “bất hủ”

Tôi gọi Phạm công Thiện là hiện tượng thơ, hiện tượng nghiên cứu triết học, một văn tài hiếm có và một người một khi đã trở thành một hiện tượng thì đời sống cũng hiện tượng có nhiều điều đáng “bị” phê phán như khoác áo cà sa ăn mày cửa Phật rồi bỏ chùa hoàn tục lấy vợ, rồi bỏ vợ sống không giống ai, điên điên khùng khùng ăn nói lung tung như người mê sảng; tuy nhiên Phạm công Thiện có những tác phẩm triết học những bài thơ đáng giá cho đời nên mọi người có thể rộng lượng một chút với kẻ có đóng góp một chút gì đó cho đời dù kẻ đó có sống không giống ai và sống “ngược đời” thích ngồi ngồi xổm lên dư luận của xã hội.

Trích thơ Phạm Công Thiện:

THIÊN SƯƠNG

Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày
Tỉnh nhỏ quên rồi em ở đâu
Mây bỏ trời đi tìm sông sâu
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồ chế trôi về Thương Hải Châu

Phạm Công Thiện

No comments:

Post a Comment