Saturday, January 11, 2014

Thử Hiểu Người Cộng Sản (Phần I) - Jeffrey Thai


Phần I: Cộng Sản và Tôi 

Người cộng sản, trong phạm vi bài viết này, xin được gói gọn ở định nghĩa: Là người có ít nhất một trong ba động thái sau: tin vào lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản (cncs), xem chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng sống của đời mình, và dấn thân để thực hiện lý tưởng đó.

Tôi không phải là một người cộng sản. Hoàn toàn không và chưa bao giờ. Điều đó nếu được đặt vào trong lịch sử bối cảnh sống của tôi trước đây, thì có vẻ như hơi có chút kỳ lạ: Tôi lớn lên và được giáo dục hoàn toàn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa (xhcn), học hết lớp 12 và hoàn thành cả bậc đại học, trước khi rời VN.

Việc khẳng định có phần chắc nịch ấy có thể khiến cho người đọc nghĩ: Giữa tôi và những người cộng sản có một “vấn đề” gì đó nghiêm trọng lắm, gia đình tôi chắc hẳn đã phải chịu nhiều đau thương và mất mát sau ngày hai miền Nam và Bắc được thống nhất. Hoàn toàn không. So với những gì mà các gia đình miền Nam khác phải hứng chịu, thì gia đình tôi quả là may mắn hơn nhiều lắm, khi không có bất kỳ điều gì quá tồi tệ xảy ra, ngoài những mất mát tài sản thông thường.

Về bản thân tôi, tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì đang diễn ra lúc ấy: Tôi vô tư đón chào người cộng sản theo cái cách một đứa trẻ nhỏ hăm hở trước một trò chơi mới lạ. Trong suốt những năm tháng dưới mái trường xhcn, tôi đã học tập cần mẫn và siêng năng. Tôi thuộc lòng mọi điều được giảng dạy về cncs và hai quyển sách triết học đầu tiên (mà tôi đã đọc rất kỹ) chính là hai quyển triết học duy vật (biện chứng và lịch sử), rao giảng về cncs.

Được giáo dục kỹ lưỡng như thế, thế thì lý do gì tôi lại thờ ơ và lãnh đạm thế với cncs và người cộng sản? Nhìn lại quá khứ, tôi cũng không thể hoàn toàn giải thích tại sao. Nó giống như là một thứ định mệnh đã được sắp đặt: Tôi là người được sinh ra không phải dành cho cncs, và không phải để trở thành một người cộng sản. Nói thì nói vậy, nhưng nếu phân tích một cách có lý lẽ, tôi cũng có thể đưa ra một vài yếu tố có thể giải thích đôi phần cho điều này.

Tôi học và tôi đọc về cncs rất nhiệt tình, nhưng nếu hỏi tôi – đứa học trò lúc ấy - thực lòng, tôi có tin vào những gì mình đã học và đọc không, thì nếu được khuyến khích để nói thật, tôi sẽ trả lời là không.

Lý do gì tôi lại không tin? Có phải, dẫu đang là học sinh, nhưng tôi đã có đủ nhận thức để có chính kiến của riêng mình? Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Dẫu tôi là một học sinh được cho là có óc thông minh nổi bật, nhưng sự thông minh ấy cũng chỉ ngăn cản tôi đừng tin vào bất kỳ điều gì một cách mù quáng, chứ nó không đủ để giải thích, một cách có lập luận, tại sao tôi lại tin hay không tin một điều gì đó (to lớn như thế, về phương diện chính trị). Nhìn lại, tôi cho là có ít nhất ba yếu tố đã góp phần vào việc không tin ấy của tôi: 




1) Những lý thuyết về cncs ấy hoàn hảo quá. Thế giới của cncs hoàn hảo ấy giống như một giấc mơ. Chính vì nó quá hoàn hảo nên nó mang dáng vẻ của một sự thêu dệt. Điều đó lại càng được khẳng định hơn khi hoàn cảnh sống của người dân VN lúc ấy, cuối thập niên 70 và cả thập niên 80, mà tôi nhìn thấy bao quanh mình, lại là một sự tương phản đến tột cùng: đen tối và nghèo đói vô tận, và không có một dấu hiệu tươi sáng nào cho ngày mai. Tại sao nó đẹp đẽ thế mà hàng triệu người lại liều mạng lìa bỏ quê hương? Tại sao người ta liều chết, lũ lượt lìa bỏ “hòa bình và thiên đường xhcn hạnh phúc”? Có thực sự họ là “bè lũ phản động” mà tôi vẫn luôn được nghe rêu rao hay không? Nếu thực sự là như vậy, thì tại sao tôi lại cảm thấy gần gũi với “bè lũ phản động” ấy đến thế? Chẳng lẽ tôi đã trở nên “phản động” sớm thế sao, khi chỉ mới là một cậu học sinh chưa biết gì?

2) Sự áp đặt. Tại sao tôi, cũng như tất cả mọi người, lại bị bắt buộc để học những điều này và buộc phải tin vào chúng vô điều kiện, hoàn toàn không có một sự lựa chọn nào khác? Phàm bản năng mỗi con người, dẫu là trẻ thơ hay là người lớn, đều ẩn chứa khả năng chống chọi để sinh tồn, trong đó bao hàm cả khả năng phản kháng mọi sự cưỡng chế lên con người mình, về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Sự áp đặt chỉ khiến bản năng con người cảm thấy bức bối và muốn được khai phóng hơn mà thôi. Tính phi lý của sự áp đặt này càng lộ rõ hơn với tôi, khi tôi có dịp đọc được (vô số) những ấn phẩm cũ còn rơi rớt lại và lưu truyền bí mật. Chúng cho tôi thấy một thế giới tư tưởng khác phong phú và đa dạng hơn nhiều, trong đó, con người có thể sống theo nhiều cách và nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Thế giới ấy thật khác xa với cái thế giới đơn điệu và buồn tẻ mà cncs đã vẽ ra trước mắt tôi: mọi người ăn vận, suy nghĩ, hành động, cười và khóc giống hệt nhau, như những cổ máy, những robot hiện đại. 




3) Hoàn cảnh xuất thân. Nếu tôi được sinh ra trong một gia đình cách mạng hay liệt sĩ nghèo khổ nào đó, có thể suy nghĩ của tôi sẽ khác đi không ít thì nhiều. Xuất thân từ một gia đình phú thương, những ký ức thơ trẻ (tuy mù mờ) về một xã hội phồn thịnh và giàu có đã mất đi, cứ luôn hiện về trong tôi như một sự mất mát thật to lớn. Ký ức ấy khi đứng kế bên hiện thực tối đen càng làm cho lý thuyết về một thứ “thiên đường xhcn” nào đó trở nên thiếu thuyết phục hơn bao giờ hết. Để có một điều tốt đẹp to lớn, cần ít nhất điểm xuất phát là một điều tốt đẹp, dẫu vô cùng nhỏ nhoi. Tôi đã không nhìn được bất cứ một điểm xuất phát nhỏ nhoi tốt đẹp nào cả ở thời điểm giao thời ấy. Là một đứa trẻ nhỏ học giỏi, tôi sớm có quan niệm rằng, những chức vụ dù nhỏ hay lớn trong xã hội đều phải do những con người học giỏi đảm trách. Trong đầu óc trẻ nhỏ của tôi luôn băn khoăn câu hỏi thật lớn: Những người cộng sản vừa trở về từ rừng núi với trình độ học vấn nhỏ nhoi thế kia sẽ làm gì đây và làm ra sao với những chức vụ lớn và thật lớn? (Khi nhìn vào hiện thực xã hội VN hôm nay, sau hơn ba thập kỷ, câu hỏi “làm gì đây” và “làm ra sao” của tôi ngày xưa bỗng có vẻ như là một lời châm biếm hơn là một câu hỏi).

Dựa trên ba yếu tố (mang phần nào tính chất trải nghiệm cá nhân) đó, tôi sẽ thử lý giải câu hỏi: Tại sao người cộng sản lại tin vào và dấn thân cho cncs? Họ không thông minh ư? Họ không có bản năng phản kháng để sinh tồn ư? Hay tất cả họ đều được sinh ra trong những gia đình cách mạng nghèo khổ, từ đó dễ có cơ sở để tiếp thu nhân sinh quan cộng sản?

Câu trả lời không hề đơn giản, vì để trả lời chính xác, cần phải hiểu người cộng sản nhiều hơn, mà người viết như tôi, như đã nói trong tiêu đề, vẫn đang mày mò để hiểu hơn về người cộng sản kia mà. Tuy vậy, những điều mà tôi nhìn thấy và nghĩ rằng có thể lý giải được đôi phần cho câu hỏi ở trên, tôi xin được trình bày dưới đây.



 10/01/2014
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment