Saturday, January 11, 2014

Thử Hiểu Người Cộng Sản (Phần III) - Jeffrey Thai


Phần III: Những Người Cộng Sản Phản Tỉnh

Trở về vấn đề người cộng sản nghĩ gì, khi ở một thời điểm nào đó trong đời, chợt chua xót nhận ra lý tưởng cao đẹp mà mình theo đuổi chỉ là một cơn mê. Có thể hình dung được là họ đau đớn biết chừng nào. Đau đớn, và hụt hẫng, chán chường. Họ đau đớn vì họ đã bị lừa một cách hoàn hảo bởi bóng dáng phù du của một thứ chủ nghĩa hoàn hảo. Họ hụt hẫng vì niềm tin của họ đã bị phản bội. Và họ chán chường vì tất cả bỗng trở nên vô nghĩa. Thịt, xương, và máu mà họ đã bỏ ra, bây giờ, xem như vô nghĩa. Công bằng, bác ái, và tự do, hạnh phúc đâu họ không thấy; họ chỉ thấy ở trên là những quan tham ăn sạch từ trên xuống dưới, còn ở dưới là bóng dáng của lũ dân đen ngày đêm khóc than khiếu kiện. 


Có thể thấy được những điều tôi vừa viết ở trên qua tâm tình của những người cộng sản đã lên tiếng trong thời gian vừa qua và trước đây, công khai hoặc không công khai. Như diễn viên Kim Chi, chẳng hạn. Tôi tin rằng người nữ nghệ sĩ này là một người công sản chân chính theo như ý nghĩa mà tôi đã trình bày ở trên. Và càng chân chính bao nhiêu thì sự đớn đau càng dâng đầy bấy nhiêu. Những dòng thơ bà viết hôm nay cho thấy một sự thức tỉnh ngỡ ngàng:

Ta đã mù hết cả một đời
Đã tôn thờ điều không có thật
Ta muốn kêu cho thấu trời thấu đất
Đó chỉ là ảo ảnh mà thôi…


 (Ta Chợt Nhận Ra Mình Phải Làm Gì – Kim Chi)
Những ngày cuối đời mình, Chế Lan Viên - tác giả của tập thơ Điêu Tàn - cũng đã sống trong dằn vặt khôn nguôi về sai lầm lớn lao của đời mình và ông đã gửi tâm sự uất nghẹn đó vào ba bài thơ nằm trong Di Cảo Chế Lan Viên: Ai Tôi?, Bánh Vẽ, và Trừ Đi. Ba bài thơ này chỉ được người đời biết đến sau khi tác giả đã qua đời, trong đó bài Bánh Vẽ được biết đến nhiều hơn cả. Nếu như ở trên đây, người viết đã ví lý tưởng cộng sản như một cơn mê, diễn viên Kim Chi đã đau đớn thốt lên nó chỉ là một thứ ảo ảnh, thì với nhà thơ Chế Lan Viên, ông cay đắng nhận ra nó chỉ là một thứ bánh vẽ không hơn không kém. Đáng nói hơn, như nỗi ân hận thâm sâu của danh sĩ Lương Sinh đã được khắc họa trong tiểu thuyết Bút Máu của nhà văn Vũ Hạnh, trong bài Ai Tôi?, Chế Lan Viên đã tự nguyền rủa về ngòi bút đã dấy máu người của mình: 


Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong


(Ai Tôi? - Di Cảo Chế Lan Viên)


Những điều tôi vừa trình bày ở phần trên về cncs (như sự thêu dệt, tuyên truyền, áp đặt, lừa mị...) cuối cùng, cũng đã được chính những người cộng sản phản tỉnh đưa ra ánh sáng với một thái độ quyết liệt và một mong muốn quyết tâm cảnh tỉnh những con người khác. Hai trong số những người làm điều đó mạnh mẽ nhất chẳng ai khác hơn là nhà văn Dương Thu Hương và cựu đại tá Bùi Tín. Với lối nói trần trụi, thẳng thắn và không kiêng dè, nhà văn DTH đã khiến người nghe không khỏi giật mình về những gì được ẩn giấu phía sau bức màn sắt. Bà đã nói rất nhiều và nói rất thẳng; nhưng có chi tiết mà không người nào đã nghe có thể quên được là việc bà đã ngồi bật khóc vỡ mộng trên đường phố Sài Gòn, khi nhìn thấy hiện thực Sài Gòn hoàn toàn khác biệt với những gì bà đã được tuyên truyền, vào cái ngày bà đang hăm hở vui mừng đại thắng.


\
Nhà văn Dương Thu Hương

Cựu đại tá cộng sản Bùi Tín có lẽ là người phải trả giá nhiều nhất cho sự lầm lạc của mình khi phản tỉnh. Ông phải trả giá nhiều cũng chỉ bởi vì ông muốn tận dụng những tháng ngày còn lại của đời mình để đưa ra ánh sáng công luận những gì bí ẩn mà ông đã biết. Ông không ngừng viết bài và nói chuyện để nêu lên quan điểm của mình về những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ ở VN cũng như hôm nay. Ông cũng không ngại ngần nói thẳng những hiểu biết của ông về những huyền thoại cộng sản như huyền thoại Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp. Nói ông phải trả giá nhiều là vì những người cộng sản hiện nay ở VN xem ông như một tên phản quốc, họ không ngừng mạt sát và nguyền rủa ông. Trong khi đó, có nhiều người không cộng sản sống ở hải ngoại lại tỏ ra dè dặt, nghi ngờ và thậm chí xúc phạm ông khi ông đến để nói chuyện. Họ lớn tiếng chất vấn và lên án ông về những điều mà họ cho là tội ác ông đã gây ra vào cái thời ông còn là người cộng sản. Có vẻ như những điều đó không ảnh hưởng nhiều đến ông, ông vẫn tiếp tục con đường làm nhân chứng cảnh tỉnh của mình, và đó là một sự dũng cảm đặc biệt mà không phải ai cũng có được.

Người cộng sản phản tỉnh mà tôi tình cờ biết gần đây nhất chính là cựu đại tá Đào Văn Nghệ. Qua một video clip trên YouTube dài gần một giờ, ông đã giúp người nghe một lần nữa thấy được rất rõ những đặc tính trên đây của cncs mà tôi đã trình bày ở trên: che giấu, bưng bít sự thật, tạo dựng nên những huyền thoại giả tạo, sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào... Người nghe có lẽ không còn quá ngạc nhiên trước những gì ông tiết lộ, vì đã có nhiều người trước ông làm điều đó, nhưng nghe lại những sự thật đó vẫn không khỏi khiến người nghe băn khoăn tự hỏi về cơn mê dài lâu của một dân tộc. 



Trong khi những người chống cộng (cực đoan) dành luôn cả những lời lẽ hằn học và mạt sát cho những người cộng sản chân chính và đã phản tỉnh này, tôi lại nhìn thấy ở họ một số phận đáng thương và cho rằng quyết định phản tỉnh của họ là một quyết định đầy dũng khí mà những người không cộng sản nên trân trọng. Chỉ có họ mới có thể biết được đầy đủ và chính xác những "thâm cung bí sử" của cncs và đưa chúng ra ánh sáng, giúp nhân loại có một cái nhìn hoàn thiện hơn về thực chất của chủ nghĩa này. Họ đáng được ghi nhớ và cơn mê quá khứ của họ nên được nhắc đến với một tiếng thở dài ngậm ngùi hơn là một cơn giận dữ không nguôi theo năm tháng.

Kết Luận


Sau một thời gian ngắn huy hoàng, cncs đã sớm vội vụt tắt như một ngôi sao băng. Kể từ sau sự sụp đổ hàng loạt các nước cộng sản ở Đông Âu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giờ đây cncs chỉ còn hiện diện ở một vài nước: Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc, Cuba.  Riêng ở VN, cncs thực ra không còn giữ nguyên hình dáng ban đầu của nó mà đã biến thể và cả biến chất. Hiện giờ, nó chỉ còn được sử dụng như một chiếc áo khoác ngoài để giữ thể diện và che chắn cho cơ thể gầy guộc bên trong tránh khỏi những luồng gió lớn.

Trong xã hội VN, cũng không còn hiện diện nhiều những người cộng sản chân chính. Một số đã qua đời do tuổi tác. Một số khác già yếu và sống trong im lặng. Người ta không thể biết được họ nghĩ gì vì họ không nói. Nhưng qua một số tiếng nói của một vài người trong họ được cất lên ở thời gian gần đây, có thể đoán rằng họ hối tiếc nhiều hơn là an vui. Cho mãi đến cuối đời, họ vẫn không có dịp được nhìn thấy dẫu chỉ là một vệt mờ của "thiên đường xhcn" mà họ đã dành cả cuộc đời mình để phấn đấu.

Nếu dùng một thuật ngữ khác để gọi, tôi cho rằng, vẫn còn rất nhiều những người cộng sản ở VN. Thuật ngữ đó chính là "những người cộng sản quyền lợi". Cùng nhau họ tạo dựng nên những "nhóm lợi ích" và chung qui lại, hình thành nên một "tập đoàn tư bản đỏ". Có thể người ta đã và sẽ không bao giờ có dịp được nhìn thấy "thiên đường xhcn", nhưng "tập đoàn tư bản đỏ" này là một tập đoàn có thật và nó đúng là một thiên đường (theo đúng nghĩa đen, không cần ngoặc kép) đối với những ai được nằm trong nó.

Trong mắt tôi, xã hội cộng sản của đất nước VN hiện nay hình thành nên ba tầng lớp rõ rệt:

1) Ở trên tuốt đỉnh cao là các thành viên cộng sản cao cấp thuộc vào các "nhóm lợi ích" (hay nói chung là thuộc vào "tập đoàn tư bản đỏ"), và họ hiện đang tranh thủ hưởng thụ "thành quả cách mạng" mà họ đã bỏ công sức ra để giành giật lấy.  Sự giàu sang và quyền hành của họ là không có giới hạn.

2) Ở giữa là những người dân Việt may mắn có được một đời sống sung túc từ nhiều nguyên nhân, trong đó thân nhân ở hải ngoại là một yếu tố góp phần đáng kể. Vì cuộc sống sung túc nên thái độ của họ đối với hiện thực xã hội là một thái độ tùy ‎ý: quan tâm hay không quan tâm. Có nhiều ‎ý kiến cho rằng đa số họ là những người vô cảm, nhưng nếu loại bỏ yếu tố lương tâm con người vốn chẳng còn tồn tại trong xã hội, thì lấy cớ gì để trách họ?

3) Ở tận cùng đáy sâu của xã hội, ngoài "những người khốn khổ" đông đảo vốn luôn hiện diện từ bấy lâu nay như một sự mặc nhiên, ngày càng có mặt nhiều hơn của một đội ngũ dân oan - những người bỗng nhiên mất tất cả (mất đất, mất nhà, mất cả cuộc sống) chỉ sau một lệnh thu hồi cưỡng chế. Họ đang kêu gào vật vã để đòi công lý trong một xã hội không có công lý. Có một chút xíu trớ trêu ở đây là: Một số trong những người đó là những người cộng sản năm xưa đã không quản ngại hy sinh xương máu cho công cuộc cách mạng và giờ đây, dường như họ đang phải gánh lấy chính hậu quả của cái được gọi là "thành quả cách mạng".  Tôi cho rằng họ mới chính là những người cộng sản đáng thương nhất.  Để kết thúc bài viết, xin được dành một phút mặc niệm cho những người cộng sản bất hạnh cực cùng này.




11/01/2014
Jeffrey Thai 

No comments:

Post a Comment