Saturday, January 4, 2014

(Video) Như Giọt Sương Khuya (1972) - Trần Quang, Bạch Tuyết...









Như giọt sương khuya
Như giọt sương khuya.PNG
Thể loạiTâm lý, tình cảm, phiêu lưu, hành động
Định dạngPhim màu
Kịch bảnNguyễn Đình Thiều (tiểu thuyết)
Đạo diễnBùi Sơn Duân
Nguyễn Văn Quý
Quốc gia Việt Nam Cộng hòa
Ngôn ngữTiếng Việt
Sản xuất
Nhà sản xuấtBùi Sơn Duân
Địa điểmSài Gòn
Kỹ thuật điện ảnhTrần Đình Mưu
Thời lượng90 phút
Công ty sản xuấtViệt Ảnh
Phân phốiSài Gòn Music
Trình chiếu
Quốc gia công chiếu Việt Nam Cộng hòa
Cờ Hoa Kỳ Hoa Kỳ
Phát sóng1972

Như giọt sương khuya là một bộ phim tình cảm của đạo diễn Bùi Sơn Duân, ra mắt năm 1972. Được xem như phần tiếp theo của bộ phim Như hạt mưa sa rất thành công trước đó, truyện phim dựa theo cuốn tiểu thuyết Đừng gọi anh bằng chú của nhà văn Nguyễn Đình Thiều.

Nội dung:


Trong phim, Huấn (Trần Quang) là kỹ sư cơ khí du học từ Pháp về, nhưng không thích làm công chức hay làm công cho người ta, mà lên một tỉnh nhỏ vùng cao nguyên mở tiệm sửa xe hơi. Gặp lại người bạn cũ là anh của Dung (Bạch Tuyết), hai người này xúi Huấn đi buôn lậu quốc tế vùng Việt Miên Thái. Hạnh (Nguyễn Thị Tường Vy) em con cô của Dung gặp Huấn và yêu Huấn, nhưng Huấn lại yêu Dung. Trong cuộc Huấn đưa Dung sang Miên gặp Đạt, họ đụng độ bọn cướp. Dung bị bắn chết… Đây là loại phim hành động…

Bùi Sơn Duân

Đạo diễn Bùi Sơn Duân

Đạo diễn điện ảnh Bùi Sơn Duân sinh năm 1932 tại Phú Yên và mất năm 2000 tại Hoa Kỳ. Trước 1975, đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện phim cho Trung tâm điện ảnh Sài Gòn, và riêng hãng phim Việt Ảnh do ông làm giám đốc thì cũng cho ra đời được vài bộ phim có giá trị.

Năm 1969, ông đã làm một cuộc “cách mạng điện ảnh” bằng cách sắp đặt tất cả diễn viên là người của điện ảnh (mới hoặc cũ), chỉ đặc biệt vai chính là chọn một nam nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời đó là Thanh Tú đóng vai chính trong phim Ba Cô Gái Suối Châu của Trung tâm điện ảnh Sài Gòn. Tiếp đó phim Như Hạt Mưa Sa, ông cũng chỉ chọn mỗi một mình nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Bạch Tuyết để mời góp mặt trong phim. Thấy đường lối trên làm ăn khá, khán giả cải lương hoan nghênh, đạt kết quả tốt đẹp về tài chính nên nhiều hãng phim khác đã bắt chước, và nhờ đó mà một số nghệ sĩ cải lương tên tuổi được dịp chuyển sang lãnh vực điện ảnh và trở nên nổi tiếng hơn.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân thành lập một hãng phim tư nhân mang tên Việt Ảnh, trong đó có đạo diễn Nguyễn Long, diễn viên Trần Quang và nhiều diễn viên khác kết hợp thành nhóm làm phim thể loại xã hội đen, buôn lậu. Ba phim Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya, Hải Vụ 709đều là sản phẩm của hãng phim Việt Ảnh do ông làm Giám đốc.

Như Hạt Mưa Sa là bộ phim đen trắng, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do đạo diễn Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971. Hợp diễn với Thẩm Thúy Hằng là Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều… Người nữ nghệ sĩ khả ái này đảm nhận hai vai diễn là hai chị em sinh đôi với hai tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị thì dịu dàng và nữ tính, còn cô em thì trẻ trung, hiện đại. Bộ phim này cũng có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp phần 2 là Như Giọt Sương Khuya bằng phim màu, in tráng phim tại Hồng Kông. Nhưng ở bộ phim Như Giọt Sương Khuya quay vào năm 1972, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết vào vai chính bên cạnh nam diễn viên Trần Quang. Như Giọt Sương Khuya được chuyển thể từ tác phẩm Đừng Gọi Anh Bằng Chú của Nguyễn Đình Thiều, do đạo diễn Bùi Sơn Duân chỉ đạo diễn xuất.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân còn thực hiện bộ phim Hải Vụ 709 vào năm 1974, do hãng phim Việt Ảnh hợp tác với hãng phim Dan Thai của Thái Lan sản xuất. Bộ phim này được xem là phim nhựa hợp tác Việt Nam – Thái Lan đầu tiên. Truyện phim và đạo diễn do Bùi Sơn Duân đảm trách. Các diễn viên trong phim phía Thái Lan có Apinya và Duang Jai. Về phần diễn viên phía Việt Nam có Đoàn Châu Mậu, Trần Quang, Tony Hiếu, Tâm Phan, Trần Hoàng Ngữ…Quay phim Trần Đình Mưu. Phim đã quay nhiều cảnh đẹp ở Thái Lan cũng như những phong tục cổ truyền của nước này. Các cảnh quay tại Việt Nam được thực hiện tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc. Một bộ phim màu hoành tráng và công phu, thuộc thể loại xã hội đen, buôn lậu.

Năm 1973, Liên hoan điện ảnh châu Á được tổ chức tại Sài Gòn. Diễn viên điện ảnh Trần Quang được phân công đón tiếp phái đoàn điện ảnh các nước. Nhờ vậy, Trần Quang gặp Juisue Horikoshi, nữ diễn viên số một của Nhật Bản. Năm ấy cô 23 tuổi. Một tuần trôi qua nhanh, liên hoan kết thúc cũng là khi mối tình nảy nở nhưng chưa ai nói với ai lời nào. Khi tiễn đoàn ra phi trường, diễn viên sân khấu điện ảnh Mộng Tuyền đưa cho Trần Quang một chiếc bông tai: “Có người gửi cho anh cái này, mong có ngày đôi bông tai sẽ được tái ngộ”. Trần Quang chạy như tên bắn lên máy bay, ôm lấy cô ấy như một lời ngầm hẹn ước. Mối tình kéo dài đến năm 1974. Năm đó đạo diễn Bùi Sơn Duân quyết định hợp tác với một hãng phim của Nhật làm phim Đôi Bông Tai dựa theo câu chuyện của Trần Quang, dự định hai diễn viên cũng chính là người thật: Trần Quang và Horikoshi. Họ dự định tháng 7 năm 1975 sẽ làm đám cưới và thực hiện bộ phim nhưng sau đó mọi chuyện đổi khác. Mối tình lãng mạn kéo dài trong ba năm đã kết thúc với những lời hẹn ước còn dang dở. “Sau này, nhiều lần tôi muốn qua Nhật tìm cô ấy, nhưng có cái gì níu bước chân tôi. Tôi muốn giữ lại trong nhau những hình ảnh đẹp nhất. Có thể cô ấy đã có chồng, đã có một cuộc sống hạnh phúc, tôi cũng đã có một cuộc sống khác.” – diễn viên Trần Quang bày tỏ.

Bùi Sơn Duân vốn là một đạo diễn tâm huyết và rất yêu nghề. Sau năm 1975, với nghệ danh là Lam Sơn, ông đã thực hiện các bộ phim như: Giữa Hai Làn Nước, Bản Nhạc Người Tù, Đám Cưới Chạy Tang, Đường Dây Côn Đảo, Tiếng Đàn, Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Con Gái Ông Thứ Trưởng, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác, Ba Biên Giới.

Năm 1977, trong vòng mấy tháng, đạo diễn Bùi Sơn Duân và nhà quay phim Nguyễn Đông Hồng cùng với đoàn làm phim của Xưởng phim Tổng hợp TP.HCM đã làm xong phim Giữa Hai Làn Nước và cho ra mắt khán giả, bộ phim được đánh giá tốt. Ở Sài Gòn và Hà Nội khán giả chen nhau mua vé. Nhiều báo chí trong nước, báo ảnh Việt Nam đã giới thiệu bộ phim này. Phim Giữa Hai Làn Nước được chiếu trong buổi khai mạc tuần phim Việt Nam ở Moscow nhân lễ Quốc khánh 2-9 của Việt Nam. Nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Bungari đã xem phim này tại thủ đô Sofia. Báo Đất Việt của Việt kiều ở Canada giới thiệu phim này chiếu ở Montreal. Cũng có một bài phê bình ngắn trên báo Đoàn kết của Việt kiều ở Pháp về nhân vật Dũng, nhân vật chính, thợ lặn ụ tàu, trước đây do tổ chức phản động cài lại để phá hoại chính quyền mới, sau được cuộc sống mới mở hướng trở lại giúp nhà máy bắt bọn phá hoại. Bài báo phê bình vì sao lại cho Dũng là con của một chiến sĩ cách mạng, vì sao Dũng không phải là người thợ bình thường: Nếu Dũng không phải là con chiến sĩ cách mạng thì có được giúp đỡ tận tình như trong truyện hay không?. Thật ra ý của tác giả viết truyện phim này là nêu chi tiết đó với ý nghĩa khái quát hơn: Truyền thống cách mạng của dân tộc. Người Việt Nam, bất kể ai, miễn là người lao động đều mang trong mình dòng máu cách mạng của nghĩa quân Trương Định, Khởi nghĩa Nam Kỳ, Cách mạng tháng Tám. Đó là chi tiết văn học chứ không phải chi tiết lý lịch để vận dụng chính sách. Thật ra, thành công của một bộ phim là công lao chung của người viết kịch bản, đạo diễn, nhà quay phim và tập thể làm phim. Phim Giữa Hai Làn Nước đã được bằng khen tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V vào năm 1980.

Năm 1989, đạo diễn Bùi Sơn Duân còn hỗ trợ cố vấn chỉ đạo nghệ thuật cho bộ phim vidéo Ba Biên Giới của diễn viên điện ảnh Trần Quang thử sức mình với vai trò đạo diễn.

Năm 1990, đạo diễn Bùi Sơn Duân xuất cảnh đi Mỹ. Năm 1993, ông nhận lời đạo diễn phim Gia Đình Cô Tư, một bộ phim hài với nghệ sĩ sân khấu điện ảnh Túy Hồng, và đây cũng là cuốn phim cuối cùng của ông.

Sống tại hải ngoại, Bùi Sơn Duân thành lập Hội Ðiện ảnh Việt Nam hải ngoại, tổ chức hằng năm các Ngày Điện Ảnh Việt Nam, ông từng tổ chức cuộc thi viết truyện phim với hy vọng khôi phục nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại, nhưng chưa làm được gì đáng kể thì ông đã vĩnh viễn ra đi vào năm 2000 tại Pomona.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân và cố nhạc sĩ Y Vân rất tâm đầu ý hợp nên bất cứ phim nào do đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện đều mời nhạc sĩ Y Vân làm nhạc đệm cho phim của mình trước 1975 và sau 1975.

Đạo diễn Bùi Sơn Duân còn là bác ruột của diễn viên điện ảnh Thương Tín, hầu như các phim do ông làm đạo diễn sau 1975 đều luôn mời cháu ruột mình tham gia vai chính hoặc vai thứ ở các phim như: Tiếng Đàn,Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác.

No comments:

Post a Comment