Monday, March 3, 2014

(Audio + E-Book + Video) Đoạn Tuyệt - Nhất Linh








Đọc Đoạn Tuyệt của Nhất Linh và Đôi Điều Suy Nghĩ - Thành Nam

Hẵn trong chúng ta, những người học hết bậc trung học, ai cũng có đọc qua tác phẩm “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh. Đại khái nội dung truyện:

Loan, con của ông bà Hai ở phố Mới và Thân con ông bà phán Lợi ở ấp Thái Hà (Hà Nội). Gia đình nghèo nhưng ông bà Hai cố gắng nuôi Loan ăn học đến hết bậc cao đẳng, còn Thân tuy con nhà giàu có quyền thế nhưng học vấn kém. Hai bên đã giao ước cho đôi trai gái lớn lên kết duyên chồng vợ. Ông bà Hai có mượn tiền gia đình ông bà phán Lợi nên quyết tâm gả Loan cho Thân để một phần giảm căng thẳng về mặt nợ nần. Loan không thuận lấy Thân trái lại âm thầm thương Dũng một bạn trai học thức, nghèo, dường như có đầu óc hướng theo đường lối cách mạng(?). “Áo mặc sao qua khỏi đầu?”, dù cự tuyệt, sau rồi Loan cam chịu về làm vợ Thân. Va chạm giữa hai luồng tư tưởng cũ/ mới: bên nhà Thân thì bảo thủ phong kiến; cá nhân Loan theo trường phái tân học tiến bộ nên không khí gia đình luôn bất hòa rạn nứt, mâu thuẫn xảy ra thường xuyên… Gay gắt nhất kể từ khi đứa con trai của Loan sinh ra không lâu bị bệnh chết do gia đình chồng không cho mang thằng bé vào bệnh viện chữa trị mà dùng bùa chú của các thầy lang. Lúc sinh con do cơ thể không còn cho phép Loan bị “triệt sản”, để có cháu nối tông môn, gia đình chồng bắt Loan đứng ra cưới Tuất một cô gái trẻ gần nhà làm vợ lẽ cho Thân. Tuất sinh được đứa con trai, lại tỏ ra “kẻ trên”, gia đình chồng ngày càng khinh miệt Loan xem nàng như một loại nô dịch không công, một “chiếc máy đẻ” vô cảm “trục trặc” không còn tác dụng... Quá ư cay nghiệt, mang trong lòng nỗi ức ách, Loan không thiết chiều lụy cái đại gia đình chồng hà khắc bất công, nhiều phen nàng muốn bức phá bỏ nhà chồng ra đi. Nhưng phận “chim lồng cá chậu” không dễ, dùng dằng mãi... Rồi một đêm, ngẫu nhiên định mệnh đến với nàng, kết thúc cuộc tình éo le đeo mang không duyên nợ bằng một vụ án mạng để Loan có cơ hội đoạn tuyệt với gia đình chồng…

* * *

Đọan Tuyệt là cuốn tiểu thuyết luận đề chủ đích chính của tác giả là muốn nêu lên tư tưởng giải phóng phụ nữ, xóa bỏ tư tưởng bất công về về giới tính đã ăn sâu gốc rễ trong xa hội ta hằng nghìn năm ảnh hưởng bởi triết lý Khổng Mạnh. (Có thể ảnh hưởng từ ngàn năm giai đoạn “phụ hệ” trong gia đình nhất thiết phải cói con trai làm trụ cột khác với thời kỳ “mẫu hệ”?).

Đứng về khía cạnh đạo đức, luật pháp… nhiều vấn đề đặt ra từ khi cuốn sách xuất bản đến nay hơn 70 năm, nhiều bình luận khen chê phê phán. Ý nghĩa quan trọng mà ta thấy cần ghi nhận là tác giả nêu bậc được hiện tượng xấu cần phải “tiểu trừ” như một loại giặc là quan niệm “trọng nam khinh nữ”.  Tư tưởng ấy đã trở thành loại phong kiến rắc rối đã hằng nghìn năm và hiện nay còn vương vấn như một linh hồn chưa tan biến hẵn vào mây khói thiên thu…

Loan đơn thân độc mã đấu tranh xóa bỏ quan điểm xem con trai là trọng con gái như không.

Những đoạn văn tác giả nêu lên bản chất thời phong kiến xem thường nữ quyền cần đấu tranh phá bỏ trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh:

Loan nói:
- Nếu đứa con em đẻ ra là con gái thì em cũng sẽ cho nó đi học, nhưng em sẽ hết sức làm thế nào cho nó khỏi gặp cảnh ngộ như em. - (chương 10)

 Thân bước vào buồng nhìn quanh quẩn rồi hỏi Loan:
- Con trai hay con gái thế mợ?
Loan quay lại chồng đứng lặng ở đầu giường ngong ngóng đợi câu trả lời. Nàng nhếch miệng mỉm cười đáp:
- Con gái.
Thân vẻ mặt lạnh lùng ngồi xuống ghế…(Chương 12)

Thấy hai thiếu nữ suýt bị xe cán phải, quay lại nhìn, rồi vô cớ cất tiếng cười khúc khích với nhau…(Chương 18)

Từ ngày cuốn tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh ra đời đến nay biết bao nhiêu sự đổi thay về mặt tư tưởng trong quan điểm “trọng nam khinh nữ”. Tâm huyết của của Nhất Linh là phải thay đổi quan điểm xem nhẹ nữ quyền. Và quan điểm ấy đã nở rộ trong xã hội, len lỏi tận vào các sân khấu kịch nghệ, cải lương… vạch trần số phận hẩm hiu, thực trạng đau buồn của phụ nữ bị xã hội bạc đãi, họ sinh ra đời là một sự không may mắn, “đầu thai” lên để mục đích làm nô lệ kể cả “nô lệ tình dục”. Xã hội có thay đổi lớn về nhân sinh quan khi nhìn về thân phận phụ nữ, nghĩa là mơ ước của nhiều người nói chung và tác giả nói riêng có hiệu quả. Thực tế cho đến nay tư tưởng phong kiến ấy chưa thể phôi pha hoàn toàn mặc dù xã hội ta đã thay đổi nhiều về quan điểm xem thường phụ nữ. Tư tưởng “phân biệt đối xử” xưa vẫn để lại hậu quả cho đến nay khiến cán cân phái tính lệch xệ về một phía để các nhà quản lý dân số hiện tại cũng phải “la làng” báo động.

* * *

Tôi không rành lắm câu nói của ai, thời nào: “Nhất nam viết hữu, thập nữ  viết vô” (sanh một người con trai kể như có, sanh mười đứa con gái kể như không).

Ai cũng hiểu từ ngày khai sinh lập địa, lúc trái đất có loài người, thiếu phụ nữ là thiếu đi một nửa. Những người đàn ông cô độc rất khó khăn khi phải tự sống, tự an ủi, tự đè nén cảm xúc lòng mình. Có khi nhờ phụ nữ mà “bầy người nguyên thủy” đàn ông được cảm hóa, biết suy tư để dừng lại những cuộc chém giết tương tàn, bớt đập đầu nhau bằng những cành cây hay rìu đá.

Phụ nữ có thể tạo ra chiến tranh, phụ nữ có thể lập lại hòa bình, họ toát lên vẻ đẹp thánh thiện cho trái đất thêm muôn màu sặc sỡ và nhiều hương vị… Nữ anh hùng thời nào ở đâu cũng có, họ biết điều binh khiển tướng tạo nên những chiến công lừng lẫy làm điếm nhục đối phương là phái mạnh.

Việt Nam trải qua bao thời kỳ chống kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng tên tuổi lẫn vô danh. Trong phát triển và xây dựng đất nước, ta lại có nhiều gương phụ nữ tốt nổi cộm.

Nhìn ra thế giới bao la ta biết có những nữ hoàng, nữ thủ tướng, nữ tổng thống, nữ cố vấn tham mưu cho các nam nguyên thủ quyết định nhiều chính sách lớn cho đất nước họ.

Một thực tế không kém phũ phàng đã xuất hiện nhiều nơi trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại qua nhiều quốc gia, là ý thức hệ xem nhẹ nữ quyền.

Chúng ta đã từng nghe bà cố, bà nội, bà ngoại, má… mình kể về “thân phận làm dâu” thời phong kiến xa xưa. Và vài chục năm trước đây thôi nhiều sản phụ trong vùng rất sợ sanh bé gái. Có người “giết con trong trứng” khi phát hiện đó là thai nữ, có người quăng hài nhi nữ vào sọt rác lúc vừa sanh! Nhiều đàn ông xem phụ nữ như “chiếc máy đẻ” vô hồn, là công cụ phục vụ nhu cầu tình dục.

Đến cả bây giờ, một số nước còn bắt phụ nữ khi ra đường không được nhìn đàn ông, không được cho đàn ông nhìn mình, người ta cắt đứt nguồn gợi cảm vô biên mà tạo hóa ban cho phụ nữ, bắt phụ nữ làm vợ lẻ đời thứ mấy, ngăn cấm mọi khả năng vươn tới con người hoàn thiện, khâm liệm cả tuổi thanh xuân đầy mộng mơ ở phụ nữ! Có nơi bắt phụ nữ “cưới chồng” và giao nộp “của hồi môn” nếu không, khi về làm vợ sẽ bị trừng phạt!...

Biết bao thứ mà người ta đã đối xử không đẹp, tàn nhẫn, thiếu công bằng với phụ nữ từ quan điểm “trọng nam”.

Trong các nhà hàng ở Việt Nam chương trình văn nghệ giúp vui ở các lễ gả, cưới có ta thường nghe ca sĩ hát câu “sanh con đầu lòng một bé trai thật là ngoan…”, ta vỗ tay tán thưởng một cách vô tâm, thiếu ý thức! (Tại sao phải là bé trai mà không phải bé gái hay trai, gái gì cũng được?).

 Bây giờ phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế: Phụ nữ đang khan hiếm dần và từ từ sẽ có giá trị hơn mọi loại vàng trên mặt đất!

Những nơi trước đây xem thường phụ nữ, từng hủy diệt những sinh linh nữ, quăng liệng các hài nhi nữ… giờ hơi rối khi điểm lại thấy thưa thớt phụ nữ đến lạnh lùng cả gối chăn, cán cân phái tính lệch tuột do nam thừa, nữ thiếu. Xứ sở thiếu quá nhiều cô dâu, những nhan sắc làm lộng lẫy thêm cho bầu trời cao sang của họ. Họ chạy đi tìm phụ nữ khắp chân trời, góc biển… không còn chê khen màu da chủng tộc! Và phụ nữ một số nước đang phát triển, một số nước nghèo phải chịu ảnh hưởng vòng xoáy ấy. Dù rất yêu quê cha đất mẹ… cũng vỗ cánh bay đi, có khi không vì tình yêu mà cần những người đàn ông nhiều tiền khát phụ nữ!

Chúng ta đã đau lòng khi biết được ngay chính quê hương mình ngày càng vắng đi những người đẹp. “Làng phụ nữ”, “đảo phụ nữ” do hậu quả từ chiến tranh, từ những trận cuồng phong nhận chìm hết đàn ông xuống đáy biển… hằn sâu nơi ký ức mình những phiên khúc buồn. Chúng ta cũng sẽ rùng mình không khi nghĩ đến rồi một ngày kia có nhiều “làng đàn ông”, nhiều “đảo đàn ông” như sỏi đá mọc ra để trả giá cho triết lý xem nhẹ nữ quyền?

Ở thành phố Hồ Chí Minh có một bà mẹ vì tha thiết có một cô “công chúa” thách thức cả mạng sống của mình: hai lần sanh trước mổ bắt hai đứa con trai, bác sĩ khuyên không nên sanh nữa nhưng vì muốn được một con gái nên bà chấp nhận mổ sanh lần thứ ba mất sáu lít máu! (Báo Tuổi Trẻ 26-06-2008). Đọc bài báo ta thấy xúc động đến nghẹn ngào, ước mơ có con gái trở thành khốc liệt với bà ấy và biết đâu cũng còn với rất nhiều người trong xã hội?

Ở Ấn Độ có bang nọ ứng cử viên tranh cử vào các chức vụ bang gặp nhiều cử tri nam giơ cao biểu ngữ: “Hãy kiếm vợ cho tôi để lấy phiếu”! (Báo Tuổi Trẻ 25-09-2009).

Nếu khoa học không dự phần vào việc quyết định phái tính thì chuyện sinh trai hay gái là một xác suất ngẫu nhiên, công bằng không chọn lựa ở tạo hóa. Có thể cũng vì câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mà giờ đây con trai, đàn ông từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… phải vất vả đi tìm  một nửa cho mình ở các nước khác?

Nhiều tác giả có uy tín cho rằng nếu chúng ta không sớm thức tỉnh thì cán cân phái tính sẽ càng lệch thêm. Tới lúc nào đó con trai xứ ta cũng chạy đi tìm vợ nhưng không còn chỗ nào thừa phụ nữ nữa! Trên mạng Yahoo gần đây cũng báo động đến năm 2020 sẽ có hàng triệu nam giới VN có thể không lấy được vợ!

Tổng cục Dân số và Kế Hoạch hóa gia đình VN năm 2011 đã báo tỷ số từ 111 (cá biệt có nơi 130) nam/ 100 nữ lứa tuổi từ 0 đến 4 ở xứ ta và tỷ lệ đang trên đà tăng!

Trong gia đình, ngoài xã hội nếu ta không can đảm thừa nhận phụ nữ đang có giá hơn thì ít ra cũng nên xem họ bình đẳng. Việc bạo hành, chà đạp nữ quyền là đi ngược đạo lý làm người.

Vùng tôi ở, câu “sanh một người con trai xem như có, mười đứa con gái kể như không” trong thực tế không tồn tại. Mà ngược lại người ta hay khôi hài bằng một câu mang tính văn học dân gian khác: “Sanh con gái vàng đeo tới háng/ Sanh con trai mang bằng khoán đi cầm”! Giống như câu khẩu hiệu của Hàn Quốc: “Một người con gái tốt bằng mười người con trai”.

Nói như thế ta cũng không nên cực đoan quay lại chà đạp “nam quyền” phát sinh quan điểm mới mang tính trả thù, để vài chục, một trăm năm sau chịu một hậu quả đau thương đảo ngược không kém phần gay gắt khốc liệt hơn nữa!

Ở Cần Thơ năm kia có một bé trai mới sanh còn mang dây rốn bị bỏ trong thùng mốp thả trôi trên sông Cái Răng, may mắn được một người gặp cứu sống tới nay và một bé trai khác tương tự ở Hậu Giang bị bỏ trong thùng rác cũng có người phát hiện cứu nhưng sau đó có lẽ bị nhiễm trùng chết. Quá thương tâm!

Khi ta sinh ra một con người thì dù là trai hay gái đều thiêng liêng cao quí, đều may mắn như nhau cả. Ta phải trân trọng, cưu mang, ôm ấp chúng vào lòng bằng một thái độ thương yêu bình đẳng. Phân biệt giới tính chỉ tồn tại nơi những con người và xã hội thiếu văn minh, không nhân bản…

* * *

Đã 77 năm từ lúc đứa con tinh thần đặt tên “Đoạn Tuyệt” được Nhất Linh “khai hoa nở nhụy” và 50 năm kể từ ngày ông mất đi giá trị cuốn sách vẫn còn. Đoạn Tuyệt vẫn còn như một tuyên ngôn và Loan đại diện cho trường phái tiến bộ đấu tranh kêu gọi bình đẳng giới, kêu gọi mọi người tẩy chay tư tưởng phong kiến sai lầm. “Nhất nam viết hữu…”  mang tính ích kỷ cá nhân vặt vãnh của giai cấp đàn ông thời xa xưa xem nhẹ nữ quyền, họ đặt ra triết lý ấy để làm lợi cho phái mạnh của mình!


THÀNH NAM
(Nguồn:  http://bongtram.vnweblogs.com/

Vở Cải Lương Đoạn Tuyệt - Minh Vương, Bạch Tuyết...



Trích đoạn kịch Đoạn Tuyệt - Đoàn kịch Sống Túy Hồng






No comments:

Post a Comment