Sunday, March 2, 2014

(Audio + E-Book + Video) Giông Tố - Vũ Trọng Phụng



Giông tố của Vũ Trọng Phụng

Riêng năm 1936, Vũ Trọng Phụng viết sáu tác phẩm, bấy giờ đăng trên các báo, những năm sau mới xuất bản thành sách: Giông tố (tức Thị Mịch), tiểu thuyết dài (đăng Hà Nội báo từ tháng 1-1936), Cơm thầy cơm cô, phóng sự dài (đăng Hà Nội báo từ tháng 3-1936). Số đỏ, tiểu thuyết dài (đăng báo Tương lai, từ tháng 9-1936), Làm đĩ, tiểu thuyết dài (viết tháng 10-1936, in năm 1939), Giết mẹ (kịch, dịch Lucrèce Borgia của Victo Hugô, in năm 1936). Trong sáu tác phẩm ấy, thì có ba cuốn tiểu thuyết cho đến ngày nay vẫn được đánh giá cao: Giông tố, Vỡ Đê, Số đỏ, và cũng là những tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng.

Từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”

Trong văn chương hiện thực phê phán trước Cách mạng, hiếm có tác phẩm nào, trong đó tác giả dồn lại bấy nhiêu cảnh xấu xa, mục nát, tội lỗi của xã hội cũ như trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Quả không có. Thường thường thì người ta cũng chỉ tả một khía cạnh nào đó. Nguyễn Công Hoan là nhà văn hay khai thác những đề tài như Vũ Trọng Phụng, nhưng ông phải dàn trải ra trong rất nhiều truyện ngắn, chứ chưa hề sáng tác được một truyện dài có những điển hình tập trung như trong Giông tố.

Trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng dẫn chúng ta từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”, từ những chốn ăn chơi truỵ lạc, gái đĩ, thuốc phiện đến những cảnh xa hoa - cũng không kém truỵ lạc - trong phòng Tịnh Tâm ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành của Nghị Hách. Không kể những nhân vật chính, riêng những con người của xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng vẽ bằng một hai nét trong Giông tố cũng đã nhiều vô kể. Ở thôn quê thì đủ các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự cùn ra mà cãi vã nhau, rồi chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ, hèn nhát. Ở thành thị, thôi thì đủ hạng người, thượng vàng hạ cám. Những tay doanh nghiệp sắc sảo, gian hùng, “coi đời như canh bạc lớn”, “làm việc thiện để quảng cáo cho mình” có chân trong các hội ái hữu, nhưng “kỳ chung không có ai là bạn trên đời”, đã từng chủ tọa những ban giải thưởng văn chương nhưng chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết; những tay cổ động cho Phật giáo mà lại đi xây hàng dãy nhà xâm; những anh làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ mà đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời; những anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, và là chủ dược phong, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, mà lại bán cả thuốc lào mốc, v.v... Tóm lại, tất cả những người tự xưng là “thượng lưu” nhưng kỳ thực chỉ biết có đồng tiền và danh hão, dùng mọi cách đầu cơ, mọi ngón bịp bợm. Theo tác giả thì đó là “những mẫu” hàng đặc biệt của công giới và thương giới". Ai từng sống ở Hà Nội lâu năm, nhất là vào khoảng 1930-1939, chắc có thể tìm thấy ở những nét sơ sài trên, một con người có thật, bằng xương bằng thịt, đã làm giàu một cách trắng trợn như thế và cũng đã trở nên những tai to mặt lớn của xã hội đương thời.

Trong các tiệm hút của Hàng Buồm, hay trong các nhà hát ả đầu phố Khâm Thiên, Vũ Trọng Phụng lại có dịp cho chúng ta biết một hạng người khác, hạng người truỵ lạc. Không kể Vạn tóc mai, đứa con hoang của Nghị Hách, xỏ lá, xỏ xiên, nói xấu bố với nhà báo để “làm tiền” bố, có đủ mặt “các nhân viên làng bẹp, những thiếu phụ mặt bự những phấn, môi tái nhợt, tóc búi, cổ đeo kiềng, mặc áo tân thời cổ bánh bẻ”; những tên lính da trắng, da đen; một mụ đầm già. Rồi những ông giáo, ông cử nhân Tây học hẳn hoi, bề ngoài đạo mạo, nghiêm nghị, nhưng đến đây thì giở đủ trò đểu cáng. Tác giả Giông tố dùng ngòi bút phóng sự của mình để tả cuộc đời bẩn thỉu dâm đãng của thành phố Hà Nội dưới thời Pháp thuộc.

Đã hết đâu! Ngoài những cảnh “lầm than” công khai, còn những cảnh “lầm than” kín đáo hơn. Một bà nhà “tử tế” ngoài bốn mươi, chuyên môn nhảy đồng bóng và nằm với anh cung văn; một cô thiếu nữ tân thời hẹn hò với trai trong khách sạn.

Còn chốn quan trường thì như thế nào? Một ông quan thuộc địa “cáo già” dùng những lời nói ngọt ngào, những hành động khôn khéo để phỉnh dân, bóc lột dân cho dễ: một ông tuần và một ông quan huyện chuyên bênh vực những người có của. Dám nói đến các quan Tây, trong các cuốn tiểu thuyết, thì trước đây, có lẽ chỉ Vũ Trọng Phụng mới có gan ấy. Đọc những đoạn tác giả tả Nghị Hách, gặp quan sứ, hoặc đoạn các quan Tây đến dự buổi tiệc của Nghị Hách sau cuộc phát chẩn, chúng ta thấy cái cười mỉa mai của tác giả dưới những câu giả đò ngây thơ. Ngoài những quan cai trị đương chức, đương quyền, lại có những ông quan cai trị đã về hưu, nhưng để ý việc doanh thương từ lâu, và hiện làm đại diện cho một hội lý tài lập bên Pháp, vốn liếng có hai mươi triệu “phật lăng” và đang tìm cách giữ độc quyền nước mắm.

Trở lên trên là những con người. Dưới đây là các sự việc trong xã hội cũ: bỏ truyền đơn, cờ đỏ cộng sản để vu cáo người khác, hối lộ ở chốn quan trường, luật lệ hà khắc của chính phủ thực dân; dạy trên năm người học trò không khai báo thì bị tội, tranh cử ở nghị trường, thông đồng với các cơ quan ngôn luận để làm hậu thuẫn cho các cuộc tranh cử, những bài “đít cua” rỗng tuếch, trò hề của những tai to mặt lớn... Có thể nói không có cái gì khả ố, lố bịch trong xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng không đề cập đến.

Vũ Trọng Phụng còn tỏ ra biết đời nhiều nên ông còn đưa lên sân khấu một cô thầy bói, một ông già đóng vai thầy địa lý và thầy số đi xem đất, đặt huyệt, lấy số tử vi. Dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, cả xã hội cũ hiện lên một cách bi đát đau thương mà cũng hết sức tồi tệ, đáng căm giận.

* * *

Trong văn học hiện thực phê phán, Giông tố của Vũ Trọng Phụng có một giá trị rõ nét. Ông đi sâu vào mặt trái của xã hội, đem phơi bày cái xấu xa, bỉ ổi cho mọi người trông thấy. Ông đã xã hội nên điển hình Nghị Hách sống mãi trong lòng người đọc. Đó là mặt ưu điểm.  Nhưng chúng ta không khỏi lấy làm tiếc, về mặt nghệ thuật, ngòi bút Vũ Trọng Phụng chỉ thành thạo khi vẽ hai hạng người, một là những kẻ vì đồng tiền mà trở nên lưu manh; hai là những kẻ lưu manh mà trở nên giàu có. Ông chỉ hiểu tâm lý những nhân vật như thế. Còn những nhân vật khác, thì ông bôi bác vụng về và ông điều khiển như những con rối... Một nhược điểm nữa, về hành văn tuy ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng sắc sảo và giàu bản chất tạo hình nhưng có đoạn ông không giữ gìn lắm. Đó là, tình trạng chung của một số nhà văn chúng ta ngày trước, phải viết nhanh, viết nhiều, bán văn nuôi thân. Nghĩ như vậy thì đáng thương hơn đáng trách. Vũ Trọng Phụng có những đóng góp quan trọng cho thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết của ông đầy những xung đột căng, giàu kịch tính. Vũ Trọng Phụng đã xây dựng những nhân vật được cá thể hóa cao độ, đa dạng, phong phú về mặt thẩm mỹ, những con người đang đuổi theo những dục vọng cá nhân. Những màn bi kịch và hài kịch thay thế nhau, đan chéo nhau kết cấu Giông tố, tạo nên một sự hấp dẫn cuốn hút đối với người đọc.

Trương Chính

(Nguồn: Tác phẩm văn học, tập I, 1930-1945, NXB Khoa học Xã hội, 1990.)













No comments:

Post a Comment