Saturday, September 13, 2014

(Audio) Điêu Tàn - Tác Phẩm và Dư Luận - Chế Lan Viên (Người đọc: Ngọc Hân)


Nếu so sánh với thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mạc tử về phương diện nghệ thuật trong thơ, thì giá trị tập Điêu tàn không có gì đáng được xét đến.  Nhưng điều đáng quan tâm nghiên cứu, đáng được đem ra mổ xẻ là, như Hoài Thanh đã nói : Giữa đồng bằng vǎn hóa Việt Nam, ở nửa thế kỷ 20, Nó (Chế Lan Viên) đứng cũng như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật.  Tất cả vấn đề đã khởi đầu từ bí mật ấy. 


CHẾ LAN VIÊN: Từ Điêu Tàn đến Bánh Vẽ !…

Nhà văn Lê Xuân Quang

 1

Có lần, trong cuộc hội thảo văn thơ, một nhà thơ nổi tiếng của dòng Thi Ca Tiền Chiến (1930 – 1945) đã nói: Thi sĩ Việt Nam đã, đang rơi vào tình trạng :’’Hiện tượng Một Bài’’. Ông nêu dẫn chứng về khá nhiều tác gỉa nổi tiếng thời Tiền Chiến, sau khi đi Kháng chiến trở về, cố lắm tuyển chọn mới có một bài có thể gọi là hay, sau đó… không có thi phẩm nào vượt qua được ’’Một bài ’’ kia. Nhận xét này khá đúng vào thời điểm đó. Thế nhưng suy gẫm, đối chiếu, liên hệ, cho đến tận bây giờ nhận xét đó vẫn chưa mất tính thời sự, xác thực.

Riêng đối với Chế Lan Viên,  có thể xem  là trường hợp ngoại lệ.

Ông tên thật Phan Ngọc Hoan, Chế Lan Viên là bút danh – người quê Bình Định, học trường Quy Nhơn (1). Chế Lan Viên đến với thi đàn Việt Nam bằng tập thơ Điêu Tàn (1937) lúc mới 17 tuổi. Đó là tập thơ có chủ đề đặc biệt, cấu trúc độc đáo. Vào lức nổi danh, tác gỉa là chàng trai – theo quan niệm chung của các bậc ’’Cha – Chú’’: Đang tuổi ’’Ăn chưa no, lo chưa tới’’. Lẽ ra, Chàng Phan đang mài đũng quần ở trường trung học hay lớp chuyên nghiệp nào đó. Hoặc it ra, cần được vũ trang lí luận của một ngành chuyên khảo về lịch sử, nhân chủng học, phải có thời gian sống, chiêm nghiệm thế thái nhân tình, ’’đào bới’’… ’’quằn quại’’, suy tư – mới viết được những vần thơ làm người đọc ’’Sốc’’ trước đau thương của cả một thời đại, một dân tộc, một quốc gia hoàn toàn xa lạ với chàng Phan . Thế mà điều kì diệu đả đến : Người đọc giật mình, choáng – trước các câu thơ và cả tập thơ của chàng trai 17 tuổi. Chế Lan Viên thoắt hiện ra, lừng lững trên thi đàn Việt Nam vào giai đoạn dòng Thơ Mới , mới phôi thai!

Đọc Điêu Tàn, người đọc bỡ ngỡ… đến chóang ngợp. Điều ’’kinh hoàng’’ hơn: Chàng Phan còn dựng dậy, nhập vào những hồn ma, làm họ sống động như những con người thật, đi lại, vật vờ xung quanh đống đổ nát điêu tàn của cả triều đại, cất tiếng than khóc cho số phận nghiệt ngã của dân tộc mình. Chế Lan Viên đã ’’nhập hồn, hóa cốt’’ vào dân tộc Hời… rồi qua họ, bước lên thi đàn Việt Nam như một biểu tượng rực rỡ trong giòng Thơ Mới ở nửa đầu của thế kỷ 20.

Có thể đọc một bài tiêu biểu trong Điêu Tàn – làm thí dụ:

TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời
……………………………………………………..
……………………………………………………..
 (2 giòng này bị kiểm duyệt Pháp thời đó cắt bỏ)
Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,
Những sông vắng lê mình trong bóng tối,
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn,
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy !
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận,
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang,
Mắu Chàm cuộn tháng ngày niềm óan hận,
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.
Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm Quốc,
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi,
Những Chiêm nử nhẹ nhàng quay lại ấp,
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.
Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm trơ trên sông lặng,
Bày voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.
Đây, trong ánh ngọc lưu ly huyền ảo,
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo,
Cùng nhịp nhàng, uyển chuyển uốn mình hoa.
Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi,
Và từ đãy lòng ta luôn tràn ngập,
Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời !

(Điêu Tàn – 1937)

Tập thơ ra đời được 5 năm, ngay cả Hoài Thanh nhà biên khảo có uy tín trên văn đàn Việt Nam – cũng viết: ‘’…Vong linh đau khổ của nòi giống Chàm đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên dầu không phải người họ Chế, CLV  vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành…’’(2).(Thi nhân VN)

Sau này nhiều người theo đó cũng phát triển, nhận định lạc hướng họa theo: ‘’… tập thơ (Điêu Tàn) miêu tả nỗi cô đơn của một người không tìm thấy sự hòa hợp với cuộc đời…’’ (3) Wikipedia tiếng Việt.

Nếu chúng ta đọc Điêu Tàn theo một cách khác: Mở rộng và suy tư cặn kẽ, sâu sắc hơn, nhận ra – Nghĩa đen, đúng là tác gỉa hướng dẫn người đọc đi vào thế giới mộng ảo và cảm nhận qúa khứ bi thương… Nhưng trấn tĩnh lại, ta chợt giật mình, nhận ra, ở phía sau – nghĩa bóng của Điêu Tàn: Bao thế kỷ, bao năm qua, dân tộc Việt, nói giống Việt cũng đã bao phen chèo chống cố thoát ra khỏi cảnh bi nô lệ của phong kiến phương Bắc, nhưng vẫn bị chúng đuổi cùng giết tận dù phải bồng bế nhau xuôi giòng sông, chạy xuống sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới là Việt Nam ngày nay. Đã có kinh nghiệm của qúa khứ, khi bước vào thử thách hiện thời, tổ tiên ta nhận thức ra :  Quyết không để’’Người Phụ Mình’’ cho dù phải bắt buộc’’Mình Thà Phụ Người’’ để tồn tại. Lịch sử đã ghi lại, chứng minh: Việt Nam đã từng bị vương quốc Chiêm Thành xâm chiếm… vua nhà Trần phải mang con gái cưng của mình hiến cho vua Chiêm, để đổi lại sự yên bình cho giòng tộc Việt ở phía Nam mà vẫn chưa yên. Trong thời đại thế giới hỗn mang trên nguyên tắc: Mạnh được, yếu thua. Hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ lại bị ép từ 2 phía:

Bắc – phong kiến phương Bắc lăm le thôn tính, lợi dụng cuộc Huynh – Đệ tương tàn của 2 giòng họ: Trịnh – Nguyễn, coi nhà Trịnh như một tên lính xung kích để chờ thời sẵn sàng hớt tay trên nếu Trịnh thôn tính xong Nguyễn.

Nam – Chiêm Thành luôn luôn xâm lấn, đe dọa….

Không còn đường nào khác, thế là cuộc trường chinh: Dẹp, mở rộng phía Nam để yên một mặt, chú tâm chỉ chống một kẻ thù phía Bắc – thay vì chống với cả hai.  Đây là hòan cảnh, là lịch sử. Nếu lần này nữa lại hành xử như qúa khứ: Bồng bế nhau rút chạy? Nhưng bây giờ: chạy đi đâu? Thế là phải thực hiện quy luật: Cùng tắc Biến (Biến tắc thông). Và, thảm cảnh giữa hai quốc gia, hai dân tộc Đại Việt – Chiêm Thanh đã xẩy ra không thể nào cưỡng được…

Cao hơn, đúng hơn: Chế Lan Viên viết Điêu Tàn chỉ là cách ‘’mượn xác – hoàn hồn’’ – lấy Xưa nói Nay. Tác gỉa đã đánh thức cả dân tộc bằng một thông điệp: Dân tộc Việt Nam hãy nhìn gương tấy liếp đây : Tổ quốc, dân tộc hay là tiêu vong !

Xin bạn đọc hãy chú ý 2 câu thơ – thứ 3 và 4 – ở khổ thơ thứ nhất – Trên Đường Về. Tôi rất muốn biết: Hai câu thơ đó là thế nào, mà kiểm duyệt Pháp thời năm 1937 – xóa đi. Chúng ta biết: Từ năm 1936, Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp. Họ đã mở rộng ‘’thí cho’’ các nước thuộc địa một số cải cách để dân nô lệ đỡ sống ngột ngạt hòng xoa dịu phản kháng. Thế mà 2 câu thơ này vẫn bị xóa, chứng tỏ nội dung của nó rất’’Dữ dội’’ khiến chính phủ bảo hộ ở An Nam không chịu được. Chắc chắn 2 câu thơ ‘’phạm húy’’hay động chạm đến chính sách cai trị hà khắc của chế độ thực dân ở thuộc địa… cũng có lẽ : Kêu gọi đấu tranh giành độc lập, dân chủ, tuej fo (!?). Nếu trước đây họ sẽ bị hành xử khác, còn bây giờ (…), bộ máy kiểm duyệt đành cho cắt bỏ 2 câu, cả bài thơ vẫn cho phổ biến, (để không bị Sếp lớn cho là bất tuân thượng lệnh)!

Tiếc thay, vì mất 2 câu – toàn bài thơ đã chuyển hướng theo ý nghĩa khác làm nhiều người hiểu lầm, hiểu sai nguyên tác Điêu Tàn. Suốt thời gian dài, bài thơ và cha đẻ của nó –  tác giả – đã bị những người’’hời hợt’’ giải thich, hướng dẫn dư luận đánh giá – sai !…

Thời kì đầu Thế kỉ 20 đến cuối những năm ba mươi, Thực dân Pháp đàn áp các cuộc nổi dậy, chém giết các chiến sĩ cách mạng tràn lan qua các vụ : Hà Thành Đầu Độc, Ngày Tang Yên Bái, Cần Vương, Đề Thám, Sô viết Nghệ Tĩnh…Có thể tinh thần phản kháng của tác giả nằm ở hai câu thơ mà thực dân Pháp nhận ra rồi cắt bỏ. Từ suy nghĩ phân tích trên, có thể đi đến nhận định: Chế Lan Viên viết Điêu Tàn là có chủ ý: Khơi dậy trong lòng dân tộc tinh thần chống ngoại xâm. Bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta phải phục hiện sự thực, cho dù quá muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Không thể để các thế hệ sau tiếp tục hiểu sai lệch ý tác gỉa và tập thơ Điêu Tàn, chỉ vì vài ý kiến trước đó hiểu chưa đúng do vô tình hoặc cố ý (…) làm biến dạng nguyên tac…

Chê Lan Viên là người yêu tổ quốc, đất nước như bao người Việt Nam khác. Chỉ nói riêng phần thi ca, ông đã viết, làm nổi lên những gía trị, nối tiếp sau Điêu Tàn. Sau các tập thơ, bài thơ và chỉ ngay 4 câu thơ trong bài Tiếng Hát Con Tầu đã đủ đưa ông lên vị trí nhà thơ lớn của dân tộc:
‘’…
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua mà chẳng thấy yêu thương
Nơi ta ở – chỉ là đất ở
Nơi ta đi – đất bỗng hóa tâm hồn…’’

Nhà Văn – Nghệ – Sĩ có thể có nhiều cách thể hiện ca ngợi tổ quốc mình bằng sáng tạo tác phẩm – dài, ngắn. Chế Lan Viên chỉ cần 4 câu thơ đã nói thay cõi lòng của nhiều người. Tổ quốc – Dân tộc  là Đất – Nước. Đọc lên mọi người cảm nhận ngay bởi mấy từ Đất bỗng hóa tâm hồn. Vì là tâm hồn nên Đất trở thành thiêng liêng, thân yêu. Đất – chính là  Mẹ hiền, là Tổ quốc Việt Nam !

Phải nghe tiếp những câu thơ hào hùng trong bài: Tổ quốc có bao giờ đệp thế này chăng – xâu chuỗi lại mới thấy rõ chủ ý của Chế Lan Viên – từ Điêu Tàn, ngược từng cột mốc lịch sử của hôm qua rồi quay trở về hôm nay: Kêu gọi cả Dân tộc đứng lên Bảo Vệ Tổ Quốc khỏi họa xâm lăng đang ngày đêm tiềm ẩn :

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?
Chưa đâu !
Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất !
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
Hưng Đạo diệt quân Nguyên
                   trên sóng Bạch Đằng…


Những anh hùng dân tộc – đứng đầu các cuộc chống xâm lăng phương Bắc được nhà thơ ghi lại trong từng câu thơ khiến người đọc đương thời cảm động, trỗi dậy khí thế hiên ngang nhờ oai linh của tổ tiên…Chê Lan Viên đã để lại cho thi đàn Việt Nam nhiều bài thơ gía trị, cùng những tác phẩm nhiều thể loại khác. Ông cũng là người duy nhất trong làng thơ Việt Nam: Dù đã đi vào cõi vĩnh hằng, dù lúc còn sống các thi phẩm gía trị chưa được công bố . Giờ, khi tác gỉa đã trở về với cát bụi, các thi phẩm tuyệt vời mới được người đời, đọc. Người đọc Việt Nam ngà mũ kính chào Thi sĩ trứ danh của Văn Chương Việt Nam hiện đại.

Các thi phẩm nổi tiếng công bố muộn mằn của Chế Lan Viên – in trong Di Cảo Chế Lan Viên – chính là 3 bài thơ: Ai Tôi – Bánh Vẽ – Trừ Đi!

Chúng ta hãy cùng đọc và cùng suy tư các tác phẩm này:

AI TÔI ?

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
                   trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người khi ở mặt trận
                             về sau mười năm
Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi chỗ
Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!…
1987. (Di cảo của Chế Lan Viên)

BÁNH VẼ!

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui!
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn đâu dịp nhai thứ thiệt ?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…

(Rút trong tập  Văn học và Dư luận,

NXB Trẻ TP HCM –  Di cảo của Chế Lan Viên)

TRỪ ĐI!

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu ? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay…
                   trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
                   cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển.
Giết mưa và giết luôn cả cỏ
                   mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi,
                   không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi –  người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình !

(Rút trong tập Di cảo (4)  của Chế Lan Viên)

Berlin 27.9.2007

1 – Lấy từ Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942. Theo Bách khoa toàn thư VN : Chế Lan Viên sinh ở Cam Lộ, Quảng Trị (?)
2 – Thi Nhân VN trang 238 – 239
3 – lời giới thiệu của Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam…
4 – Di Cảo được Hội nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng văn chương.


No comments:

Post a Comment