Sunday, September 14, 2014

Khoảng Trống - Jeffrey Thai



I)

"Có đi xa rồi,
Tôi mới hiểu bạn gần gũi thế.  
Cái khoảng trống lặng im và buồn tẻ,
Chẳng một ai có thể lấp đầy....  "

Khoảng trống thường không về, không hiện hữu khi khoảng cách đủ gần.  Khi khoảng cách xa xăm, khoảng trống mới hình thành như một lỗ thủng trong tâm hồn, không gì lấp đầy được.  Khi con người nhận ra khoảng trống ấy cũng là lúc lòng cảm thấy một nỗi buồn nhớ mênh mông dâng đầy.  


Chuyến xe đưa tôi đi ngày ấy là chuyến xe đơn côi.  Đơn côi không phải là vì chỉ có một mình, mà là vì bạn đã không đến.  Không có bạn, không gian bỗng trở nên quạnh quẽ quá.  Và ở thời khắc ấy, tôi nhận ra sự thiếu vắng bạn đã để lại một khoảng trống thật to lớn trong tâm hồn mình.    

Khoảng cách đâu quá xa, thời gian đâu quá lâu, mà sao cuộc hành trình ấy dường như dài bất tận.  Xe chuyển bánh rồi, tôi không buồn nhìn về phía trước mà cứ ngoáy lại đằng sau.  Ở phía đằng sau ấy, có một mảnh linh hồn của tôi vừa bỏ lại.  Tôi ngoái lại chỉ để cố tìm trong vô vọng chút váng vất của ảnh hình bạn, chập chờn ẩn hiện giữa khung trời đại học buồn - nơi chúng ta dắt dìu nhau đi qua những tháng ngày sinh viên mòn mỏi.  

Tuổi trẻ chưa bao giờ bị thui chột đến thế và tương lai chúng ta chưa bao giờ mờ mịt và vô định đến thế.  Những đêm trong quán tối, tôi không ngừng đốt những điếu thuốc đến vàng tay.  Trong không gian cô tịch của bóng đêm và làn khói thuốc, thỉnh thoảng, tôi lại len lén nhìn bạn.  Dáng bạn suy tư trông thật gần, mà cũng thật xa xôi.    

Nơi tôi đến có núi cao sừng sững, cao hơn hẳn những tòa biệt thự nhiều tầng ở thành phố.  Lần đầu tiên, tôi đối diện với một thực thể cao và to lớn như thế, nhưng nỗi buồn nhớ trong lòng dường như cao và to lớn hơn thế nữa.  Nó vương vất đâu đấy ở phía bên trên của đỉnh núi trơ vơ.

Lần đầu tiên, tôi đối diện với một khoảng trống to lớn như thế trong lòng mình.  Trong cảm giác hụt hẫng và chơi vơi, tôi thấy mình giống hệt như vị hoàng tử trong câu chuyện thần thoại Nàng Tiên Cá xa xưa:   Chàng không nhận ra tình yêu kề bên mình mà cứ mải miết đi tìm một thứ ảo ảnh xa xôi.  

Những ngày đại học qua đi, bạn và tôi chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nữa.  Chúng ta xa nhau không nói lời từ biệt, cứ thế dần cách xa trong lặng lẽ, như những cụm lục bình trôi theo dòng nước cuốn trên sông.  Không biết bạn và bạn bè ngày ấy có còn đứng trên bục giảng?  Riêng tôi, đã đi xa...  lâu rồi.

Nhớ bạn, tôi nhớ nhiều đến khung trời đại học buồn ngày cũ, đến quãng đời làm sinh viên  mốc meo với ly cà phê đen và khói thuốc.  Và tôi nhớ nhất khoảng trống bạn đã để lại trong lòng tôi ngày ấy - khoảng trống to lớn đầu tiên trong đời.

II)

"Giờ  xa rồi, các em nhớ thầy không?
Thầy ra đi, trống vắng lắm ở trong lòng.
Chiều phố huyện trời giăng giăng mây xám,
Cô quạnh lòng thầy là nỗi nhớ mênh mông."   

Khoảng trống thường không về, không hiện hữu khi người ta đang sống trong hạnh phúc.  Khi hạnh phúc biến tan, khoảng trống mới hiện về, ùa chụp lấy con người và thực hiện một cú rơi hun hút về phía vực sâu.  Khi con người nhận ra khoảng trống ấy, cũng là lúc lòng dâng lên một nỗi tiếc nuối vô bờ - tiếc nuối một giấc mộng đẹp nhưng không đủ dài.  

Chuyến xe đưa tôi đi ngày ấy là chuyến xe giã biệt. Giã biệt có nghĩa là chấm dứt một điều gì đấy, chẳng hạn như một đoạn đời, có thể dài, có thể ngắn.  Vì là giã biệt nên chuyến xe ấy rất buồn, buồn hơn nhiều những chuyến xe khác trong đời.

Tôi không còn nhớ rõ là lúc ấy trời bên ngoài có mưa hay không, nhưng bên trong lòng tôi, dường như là có.  Xe lăn bánh rồi mà tôi cứ nhìn mãi lại về phía đằng sau.  Ở phía đằng sau ấy, thấp thoáng đâu đó có bóng dáng của một thứ hạnh phúc vừa chợt biến tan.  

Khoảng trống!  Khoảng trống hay là điều gì khác nữa?  Tôi không còn phân định được rõ ràng những gì đang diễn ra trong lòng mình lúc ấy.  Trống thì rõ ràng là trống lắm.  Thoáng chốc, không còn những gương mặt thánh thiện thân yêu.  Thoáng chốc, không còn những tiếng gọi "Thầy ơi!" tha thiết.  Không còn những chuyến đi dài đông vui.  Không còn lời thương, lời nhớ...  Không còn lại gì.  Chỉ còn lại một khoảng trống buồn tênh.  

Khoảng trống thường tạo nên cảm giác hụt hẫng, hay cảm giác chơi vơi.  Khoảng trống này dường như không hẳn chỉ là như thế.  Nó không hẳn hoàn toàn chỉ là một khoảng không của hư vô.  Nó dường như chứa đựng trong mỗi hạt phân tử một tế bào cảm giác.  Và tổng thể cảm giác chúng tạo nên là một cảm giác đau âm ĩ mơ hồ đâu đó - niềm đau của sự mất mát, của sự không còn nữa.  

Khoảng trống thường đi đôi với nỗi nhớ.   Nhưng không hẳn là nỗi nhớ nào cũng là nỗi nhớ tình yêu.  Nỗi nhớ da diết này được kết tạo nên khi người đến với người bằng một thứ tâm hồn sáng trong và tinh khiết, khi người ân cần trao cho nhau một thứ mật ngọt không pha lẫn đắng cay.  Nỗi nhớ ấy mới dịu dàng và tha thiết làm sao, nó không ngừng khiến người ta muốn thêm một lần sống lại.      

Tôi đã sống qua một đoạn đời như thế - một đoạn đời ngắn nhất trong tất cả những đoạn đời.  Nhưng khoảng trống mà nó để lại mới lâu dài và hun hút làm sao.  Những gương mặt thơ ngây thân yêu ngày ấy, khi giã từ rồi, tôi không còn nhiều cơ hội gặp lại.  Nhưng  cũng có thể là vì không gặp lại nên ký ức đó đã hóa thành một thứ kỷ niệm thiêng liêng, và khoảng trống ngày xưa trở thành một tác nhân gợi nhớ nhiệm mầu. 

.......

III)

Người ta thường nghĩ về khoảng trống với sự liên tưởng đến những điều mất mát không mong muốn.  Và vì thế, khoảng trống là một khái niệm không được chào mời.  Thế nhưng, nghĩ kỹ ra, mất mát chỉ đến với những ai đã có điều gì đó được cho là quí giá.  Người không có sẽ chẳng phải mất mát bao giờ.  Cũng như đau khổ chỉ đến sau hạnh phúc viên mãn, tròn đầy.  

Xét trong mối tương quan nhân quả như thế, khoảng trống đến trong đời sống tâm linh của con người như một điều nhắc nhở về những phút hạnh phúc vinh thăng hay những khoảnh khắc cảm xúc tràn dâng nồng nàn.  Đặt trong ý nghĩa đó, đi kèm với sự xuất hiện của khoảng trống là một động thái sống:  Khoảng trống là sự sống.

IV)

Tôi nhớ về khoảng trống.  Tôi nhớ về những phút giây đã sống.  Tôi nhớ về sự sống tôi đã sống.    

V)

Bi kịch của đời người không phải là những khoảng trống xuất hiện đâu đó trên hành trình sống.  Bi kịch của đời người chỉ xuất hiện khi những khoảng trống không còn có dịp được khai sinh.  Chúng không còn được khai sinh vì cõi lòng người đã là cả một khoảng trống mênh mông.  Khoảng trống không thể hình thành trong lòng khoảng trống.

Và đó là bi kịch của một phần không nhỏ nhân loại hôm nay:  Đời sống họ là cả một khoảng trống bao la:  trống rỗng và trống vắng.   

Và dường như tôi đang nói về...  chính tôi.  
  

14/09/2014
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment