I)
Lưu là trôi, vong là mất.
Lưu vong là trôi nổi bềnh bồng nơi phương trời xứ lạ, là đánh mất quê hương,
cội nguồn. Với ý nghĩa như thế, lưu vong
là ý niệm không nhiều người mong muốn.
Hiếm có ai lại muốn mình sống lưu vong cả. Hiếm có dân tộc nào lại muốn trở thành một dân
tộc lưu vong. Vì không là điều mong muốn
nên lưu vong gần như là một định mệnh - định mệnh cho một con người, cho một dân
tộc và cho cả loài người.
II)
Tích xưa kể Adam và Eva là hai bậc thủy tổ của loài người, vì
ăn trái cấm nên bị đuổi khỏi thiên đàng và phải sống kiếp lưu vong, từ đó hình
thành nên kiếp phận lưu vong của con người.
Lịch sử cận đại của VN còn ghi: Năm
1954, có cả triệu người ở miền Bắc lũ lượt bồng bế nhau để xuôi Nam và sống kiếp
lưu vong; từ đó hình thành nên định ngữ “Bắc 54” để chỉ những người này nơi người
miền Nam. Năm 1975 và trong suốt hơn một
thập niên sau đó, lại có cả hàng triệu người đổ tràn ra biển để làm một cuộc lưu
vong khác của dân tộc, đến mọi miền đất hứa trên trái đất này. Có lẽ không có gì là quá đáng khi gọi dân tộc
Việt là một dân tộc lưu vong. Dĩ nhiên,
không phải toàn bộ dân tộc đều lưu vong, nhưng thoát ra từ trong lòng dân tộc, đã
tồn tại một cộng đồng lưu vong to lớn.
III)
Lưu vong là điều không ai muốn. Thế mà, điều kỳ lạ là tôi lại tha thiết muốn được
làm một kẻ lưu vong từ lúc còn rất nhỏ.
Nỗi mong muốn ấy mãnh liệt đến nỗi nó có dáng vẻ của một thứ định mệnh
tiềm ẩn. Nó tha thiết đến nỗi tôi không
thể nào hình dung ra được mình có thể sống một đời sống nào khác. Nhất định không thể là thứ đời sống an bình và
an phận như những người đồng hương khác ở cái thị trấn nhỏ bé nơi tôi được sinh
ra. Nếu cho nó là một thứ định mệnh, tôi
thấy định mệnh ấy giống với thứ định mệnh của loài chim lao mình vào gai nhọn để
cất lên những tiếng hót hay nhất cuối đời.
Bi kịch của đức cha Ralph de Bricassart là dẫu đã để gai kia đâm nát cuống
họng mình, vẫn không thể cất lên tiếng hót tuyệt vời. Tôi thấy kiếp sống lưu vong của mình mang bóng
dáng bi kịch tương tự.
IV)
Vì sao có ai đó lại muốn sống kiếp sống lưu vong? Câu hỏi có vẻ như chứa đựng trong nó một nghịch
lý của đời sống: muốn điều không ai muốn. Thực
ra, dẫu tự nguyện hay vì hoàn cảnh, lưu vong là một cuộc hành trình khai phóng
con người. Có những đời sống vô cùng bức
bối và nhỏ hẹp. Có những phận người được
xem quá rẻ rúng. Có những cảnh sống không
hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Lưu vong là một
động thái cách mạng, mà khởi thủy là nhằm giải phóng con người khỏi hiện thực
không mong muốn. Vì lưu vong là một quá
trình nên trong suốt chặng đường dài ấy cũng có nhiều cung bậc cảm xúc. Ngoài cung bậc hăm hở và mạnh mẽ của buổi ban
đầu, càng về sau, người lưu vong ngày càng nhận ra hơn ý nghĩa thâm sâu buồn bã
của hai từ đã theo và vận vào kiếp phận sống của mình.
V)
Lưu là trôi, vong là mất.
Lưu vong là đánh mất, là trôi nổi bềnh bồng. Người lưu vong không còn thuộc về quê cũ, nhưng
cũng không hẳn là thuộc về quê mới. Họ
không thực biết mình ở đâu, cứ cảm thấy trôi giạt vật vờ giữa hai bờ cũ mới; cho
dù, có khi xa khuất bến bờ cũ đã từ rất lâu. Họ luôn cảm thấy mình dường như đang ở giữa. Giữa các quốc gia. Giữa các nền văn hóa. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa niềm vui và nỗi buồn. Giữa đớn đau và hạnh phúc. Giữa nhung nhớ và lãng quên. Lưu vong không có lãnh thổ. Lưu
vong không phải là một thực thể. Lưu
vong chỉ là một quá trình - một quá trình dài nhiều chướng ngại, chông
gai. Quá trình ấy có thể có những năm tháng
thăng hoa lịch sử, nhưng luôn kết thúc bằng một nỗi hoài cổ xót xa. Người lưu vong già không biết rồi mình nên chết
ở nơi đâu.
VI)
Tôi đã đi qua những ngày đầu lưu vong đầy hăm hở. Nhớ lại cảm giác thật lạ kỳ. Khi người khác hoảng sợ, tôi lại bình thản
không ngờ. Có những điều người khác cảm
thấy lạ lẫm, nhưng tôi lại thấy quen thuộc.
Chiếc thuyền nhỏ bé dám rong ruỗi giữa biển khơi, gặp bão tố
chắc phải chìm thôi, có gì là lạ. Thế mà
người ta la hét sợ hãi, tôi ngồi yên thiền định đón chờ. Vấn đề ở đây là, người ta lưu vong nhưng còn
sợ hãi cái chết, tôi hiểu rất rõ rằng lưu vong bao hàm cả cái chết. Vấn đề ở đây là, người ta lưu vong không tự
nguyện, còn tôi là một kẻ tự nguyện hoàn toàn.
Họ ra đi mang theo nhiều câu chuyện đời để kể, tôi chẳng có gì nhiều để
kể: Chỉ đơn giản là tôi muốn làm một kẻ
lưu vong.
Có nhiều người nói rằng, và thực tế cũng cho thấy rằng, họ đã
sống thật lâu trên đất Mỹ, nhưng chẳng thể cảm thấy hội nhập được, và luôn cảm
thấy xa lạ sao đó. Tôi thì chưa hề một phút thấy bỡ ngỡ. Ngày đầu đặt chân đến Mỹ, ra phố, đi làm đã
thấy quen thuộc như mình đã từng sống nơi đây lâu lắm, cứ như thể mình đã từng
sống nơi đây ở kiếp trước.
VII)
Hăm hở thế, quen thuộc thế, nhưng cái cảm giác bềnh bồng cứ
thỉnh thoảng lại hiện về đeo bám. Ở năm
thứ hai đại học, trong một buổi học môn văn hóa tiếng Anh, tôi đã chọn một bài
viết về chủ đề này của một du học sinh người Hoa để thuyết trình. Bềnh bồng giữa hai nền văn hóa. Bềnh bồng giữa quá khứ và hiện tại. Cái cảm giác bềnh bồng ấy cứ khi ẩn, khi hiện.
Cứ tưởng rằng, theo thời gian, nó sẽ biến
mất. Nhưng năm tháng trôi qua, giờ nhìn
lại, tôi chợt nhận rõ rằng mình là kẻ lưu vong.
VIII)
Cái hạnh phúc của một kẻ lưu vong là có được một nơi chốn để
quay về, dẫu chỉ là trong đôi ba ngày ngắn ngủi hay vào lúc cuối đời. Về để tìm lại ký ức một thời xưa cũ. Về để sưởi ấm lại chút linh hồn lưu lạc. Hay về
để gửi lại nắm xương tàn ở nơi chôn nhau cắt rốn. Cái hạnh phúc ấy tưởng chừng giản đơn, nhưng
không phải ai cũng có được. Hiện thực cuộc
sống đôi khi khắc nghiệt và tàn nhẫn. Nó
bóp nghẹt và giết chết mọi khái niệm vốn được xem là thiêng liêng và vĩnh hằng
như quê hương, tình người, tình thân…
Tôi không có được thứ hạnh phúc ấy. Chừng ấy năm xa quê, thỉnh thoảng hình ảnh phố
thị xưa lại hiện về trong giấc mộng như một lời nhắc nhở muộn phiền. Ngay cả trong cơn mơ thôi, đã thấy âm ĩ đâu đó
một niềm đau rất thực. Giật mình tỉnh dậy,
chợt nhớ đến tâm sự bẽ bàng của nàng Nguyệt Nga trên đường cống sang Phiên Quốc: “Ở nơi ấy, không ai chờ đón một Nguyệt
Nga. Người ta chỉ chờ trông một… nhan sắc.”
02/09/2014
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment