Truyện dài và tiểu thuyết (Nguyễn Ngọc Ngạn)
- Nước đục (1987)
- Một lần rồi thôi (1987)
- Màu cỏ úa (1988)
- Trong quan tài buồn (1988)
- Sau lần cửa khép (1988)
- Đếm những mảnh tình (1989)
- Trên lối mòn hậu chiến (1989)
- Cõi đêm (1990)
- Xóm đạo (1999)
- The Will Of Heaven (tiểu thuyết tiếng Anh)
- Trong sân trường ngày ấy, Ngày buồn cũng qua mau, Dung nhan người góa phụ (truyện dài, 1990)
- Chính khách, Chút ân tình mong manh, Quay trong cơn lốc, Dấu chân xưa, Nhìn lại một thập niên, Nắng qua phố cũ (Văn Khoa, 1996)
Tiểu sử nhà Văn Nguyễn Ngọc Ngạn
Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 09 tháng 03 năm 1946 tại Sơn Tây và là người con thứ ba trong một gia đình có 6 người con, 5 trai và một gái. Năm lên 8, anh theo gia đình xuống Hà Nội, sau đó ra Hải Phòng để theo tầu há mồm di cư vào Nam năm 1954.
Những năm đầu tiên, gia đình anh cư ngụ trong một xóm Công Giáo gần Củ Chi. Nhờ có một trí nhớ tốt cùng với một đầu óc quan sát tinh tế từ khi còn nhỏ, nên những sinh hoạt diễn ra trong cái giáo xứ nhỏ bé và nghèo nàn thời đó đã in sâu trong đầu một cậu thiếu niên chưa quá 10 tuổi.
Bối cảnh đó sau này đã được Nguyễn Ngọc Ngạn khai thác để viết thành tiểu thuyết Xóm Đạo: Trời sinh cho tôi được một trí nhớ rất là đặc biệt tức là có những chuyện gì tôi đọc qua hoặc tôi nghe người ta kể qua một lần thì có thể mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và con trai
Nguyễn Ngọc Ngạn là một người nổi tiếng, trong lãnh vực văn chương cũng như trong vai trò MC. Điều đó ai cũng biết. Sự nổi tiếng của anh đưa tới lòng yêu thích nơi nhiều người và ngược lại cũng không tránh được tình trạng trái ngược hoặc có khi là sự dửng dưng. Một người được coi là người của đám đông chắc chắn không sao tránh khỏi những dị biệt nơi vấn đề tình cảm ở phiá độc giả hoặc khán thính giả dành cho mình. Ái mộ anh hoặc không là một chuyện khác, tưởng chẳng nên đề cập tới.
Nhưng dù thế nào, không ai phủ nhận được những đóng góp của anh trong giới chữ nghĩa. Và nhất là từ 12 năm qua, anh đã trở thành một người điều khiển chương trình, thường được gọi là MC, vững vàng với một con đường đi riêng biệt.
Tuy nhiên, cuộc sống ngoài đời của anh cùng những sinh hoạt của anh, đặc biệt trong những sinh hoạt trình diễn có những điều ít hoặc chưa được biết tới. Có lẽ đây là thời điểm để có được một số khám phá về Nguyễn Ngọc Ngạn, do chính anh kể.... Tôi không có e-mail, không có computer và là người nghệ sĩ duy nhất trên thế gian này không có Cell phone. Tôi không biết computer là gì. Người ta cứ bảo tôi là e-mail, tôi không hiểu e-mail là gì . Người ta hỏi ông có vào internet không? Tôi bảo không biết internet là cái gì mà vào.
Lời Nguyễn Ngọc Ngạn vừa nói hẳn cũng đáng được coi như một khám phá thú vị về một người được coi như ở trong thành phần những nghệ sĩ nổi tiếng nhất, không những ở hải ngoại mà còn ở cả trong nước. Việc không sử dụng những phương tiện hiện đại trong một xã hội văn minh, tân tiến của Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đã khiến cho ban giám đốc trung tâm anh hợp tác từ 12 năm nay là Thúy Nga lưu ý, khi có việc cần liên lạc gấp.
Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Ngạn có một lý do xác đáng cho việc không dùng điện thoại di động chẳng hạn: Thủy với ông Lai bảo tôi là làm việc hàng ngày mà sao không có e-mail, không có Cell phone. Tôi trả lời là thứ nhất tôi không ra khỏi nhà, tôi xài cell phone làm chi ?. Như vậy, những khán thính giả của Nguyễn Ngọc Ngạn còn có được thêm một khám phá về một con người mà họ cho rằng rất bận rộn trong việc giao tế và có những tiếp xúc rất rộng rải. Nhưng thật ra con người đó sống một cách gần như biệt lập cùng vợ và một con trai trong một ngôi nhà khang trang tại thành phố Toronto, là nơi chỉ tiếp đón những bạn bè thân.
Ngoài những chuyến lưu diễn cho các live shows hoặc thu hình cho trung tâm Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ dành thì giờ cho việc đọc sách, viết sách hoặc coi phim: Nhất là phim thì tôi phải coi thường xuyên, gần như ngày nào cũng phải coi những show Mỹ để có thể học hỏi ở đó rất nhiều. Chính nhờ sự học hỏi và tìm tòi đó, Nguyễn Ngọc Ngạn đã có thêm được nhiều kinh nghiệm để bổ sung cho hai nghề nghiệp chính của anh từ nhiều năm qua là viết văn và điều khiển chương trình. Nghề sau này càng ngày càng tỏ ra lấn lướt nghề trước là nghề anh bắt đầu theo đuổi từ năm 1979.
Mặc dù không nuôi giấc mơ đến với lãnh vực văn chương, nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn công nhận là do sự mê đọc sách từ khi còn nhỏ đã giúp anh rất nhiều trong nghề viết văn mà anh bước vào một cách thật tình cờ sau khi rời Việt Nam:“Đặc biệt là tôi mê đọc tiểu thuyết từ nhỏ. Bố mẹ cấm, tôi cũng trùm mền đọc. Thí dụ những cuốn đầu tiên là của Tự Lực Văn Đoàn trong khi tôi học năm đệ Thất, đệ Lục. Dù bố mẹ có cấm cũng đi ra lề đường Lê Văn Duyệt để mua sách đọc. Nhiều khi gia đình ngủ rồi,tôi vẫn ra ngoài hè đọc sách một mình dưới trời sáng trăng hay thắp ngọn đèn dầu ngồi đọc lén. Thời bấy giờ bố mẹ khó khăn, cấm đọc tiểu thuyết mà! Phải công nhận là tôi đã có năng khiếu về văn chương từ nhỏ “.
Cũng do có một khả năng ghi nhận đặc biệt, cộng với một trí nhớ tốt, mặc dù không sống nhiều ở Việt Nam sau biến cố tháng 4 năm 75, nhưng qua những chuyện kể lại từ những người quen biết về những trường hợp “đổi đời” mang nhiều nét châm biếm trong một xã hội đổi thay, cùng với 3 năm đi tù cải tạo, Nguyễn Ngọc Ngạn đã có một số vốn liếng tích lũy – về ngôn từ cũng như những câu chuyện thật được kể lại hay do chính mắt thấy tai nghe - dồi dào để đưa vào những tác phẩm của anh sau này.
Đó là do “sự quan sát, do những tiếp xúc, do đọc báo và từ 3 năm ở trại cải tạo. 3 năm ở trại cải tạo thì hàng ngày mình lên lớp, phải nghe cán bộ giảng thì để ý tới những từ đó nhiều hơn. Tôi về được có mấy tháng rồi vượt biển, đâu có sống ở trong nước”.
Với cách sử dụng ngôn ngữ dí dỏm và lối hành văn gọn gàng và xúc tích, Nguyễn Ngọc Ngạn đã gây được nhiều cbú ý ngay từ tập sách được phát hành đầu tiên của anh tại hải ngoại là “Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn”. (sau này mới đến những tác phẩm truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn mà các bạn vẫn nghe đó)
Vào năm 57, gia đình Nguyễn Ngọc Ngạn di chuyển vào Sài Gòn và cư ngụ trên đường Thoại Ngọc Hầu, vùng ngã ba Ông Tạ. Những năm trung học, Nguyễn Ngọc Ngạn theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ nhị. Nhờ đậu cao kỳ thi Tú Tài 1, anh được nhận vào trường Chu Văn An và lấy được mảnh bằng Tú Tài 2 tại đây.
Một điểm đặc biệt là trong những năm theo học trường Nguyễn Bá Tòng, anh luôn được giữ vai trò trưởng ban kịch của lớp. Ít người ngờ rằng một nhà văn, một MC nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Ngạn khi còn trẻ lại nuôi một giấc mơ là bước vào lãnh vực kịch mặc dù tự nhận có năng khiếu về văn chương“Lúc trẻ tôi có 2 giấc mộng. Thứ nhất là kịch, tôi mong trở thành một người viết kịch hay một người diễn kịch, chứ giấc mộng nhà văn nó mờ nhạt lắm.”
Khi lên đệ Tam, Nguyễn Ngọc Ngạn chuyển qua ban Văn Chương để được giáo sư Pháp Văn là nhạc sĩ Lê Thương chú ý đến khả năng đóng kịch nên đã khuyến khích anh theo học bộ môn này tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Do sự khuyến khích đó, Nguyễn Ngọc Ngạn đã ghi danh theo học kịch vào năm đệ Nhị, là thời kỳ mà hai nghệ sĩ Trần Quang và Bích Thủy vừa tốt nghiệp về kịch nghệ.
Nhưng sau hai tháng theo học, anh nhận ra mình bị hạn chế rất nhiều do bị cận thị nặng, trong khi thời đó chưa có sự xuất hiện của “contact lens”. Sau khi quan sát những vai trò trên sân khấu, anh cho rằng nếu có đóng kịch thì chỉ có vai trò... thầy giáo là thích hợp nhất đối với mình do cặp kính cận dầy cộm. Trong khi đó thân phụ anh - cùng với thân mẫu anh mở một tiệm bán tạp hoá ngay tại nhà - khuyên anh nên để tâm vào việc học hành để phải lấy cho được mảnh bằng Tú Tài toàn phần hơn là đi theo con đường văn nghệ..
Nhưng trước khi giã từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, Nguyễn Ngọc Ngạn còn chuyển qua lớp chèo cổ một thời gian ngắn “Là vì có mấy cô gái học chèo cổ rủ tôi sang, tôi cũng sang, cũng học vài câu chèo cổ như “ông Giăng khuyết chứ ông Giăng lại tròn này kia! Tôi học chèo cổ thêm được mấy tháng nữa. Rồi bố tôi bảo sắp thi thì đi về, tôi mới đành về đấy chứ !”
Cũng vì yêu thích văn nghệ, Nguyễn Ngọc Ngạn đã tự học nhạc lấy qua sách vở, để có một thời gian được mời dạy nhạc cho các trường Lê Bảo Tịnh và Saint Thomas .
Hết trung học, Nguyễn Ngọc Ngạn theo học đại học Văn Khoa và sau đó trở thành giáo sư ngoại ngạch cho một số trường công.
Ngoài giấc mơ trở thành một diễn viên hay một nhà viết kịch lúc còn trẻ, Nguyễn Ngọc Ngạn còn mong muốn thực hiện được những công tác xã hội “Thí dụ như thích xây một ngôi trường hoặc xây một cái cô nhi viện. Ngay từ nhỏ tôi đã thích làm được những việc như vậy...”
Nhưng riêng về việc làm MC thì anh chưa bao giờ nghĩ tới. Nhất là thời đó chưa có nghề MC hay làm talk show tại Việt Nam ngoài những người được gọi là hoạt náo viên hay giới thiệu chương trình.
Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ngạn bước vào đời sống quân ngũ, sau khi lập gia đình với một nữ sinh trường Saint Thomas tên Lê Thị Tuyết Lan. Đầu tiên anh ở Sư Đoàn 9 Bộ Binh, sau đó được đổi về Tiểu Khu Định Tường, nhưng không về tiểu khu mà về tiểu đoàn tác chiến ở quận Cái Bè.
Đến năm 74 , khi anh mới có con được nửa năm thì được bộ giáo dục biệt phái về dạy học tiếp với cấp bậc trung úy. Sau khi dạy được đúng một niên khoá thì xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75.
Nhớ lại cuộc đời quân ngũ, Nguyễn Ngọc Ngạn có rất nhiều kỷ niệm, nhưng anh nhớ nhất là những kỷ niệm trong thời gian phục vụ tại Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Tác Chiến: ”Gần như cả một tiểu đoàn không có một người nào là người Bắc cả. Cho nên ông tiểu đoàn trưởng không cần nhớ tên tôi. Ông ấy cứ kêu tôi là thiếu úy Bắc Kỳ”.
Tại đây, “thiếu úy Bắc Kỳ” giữ chức vụ trung đội trưởng vũ khí nặng, coi về súng cối và đại bác 75 ly không giật, mặc dù cận thị nặng 5 độ rưỡi và nhất là ốm yếu “như Hoài Linh bây giờ”, như lời anh nói đùa.
Thời gian này là năm 1972. sau đó anh được làm đại đội phó và một thời gian sau được chuyển về bộ chỉ huy và cuối cùng được làm sĩ quan quản trị nhân viên, coi quân số của tiểu đoàn.
Và cũng như tất cả những sĩ quan khác, sau biến cố tháng 4 năm 75, Nguyễn Ngọc Ngạn phải đi tù, tại những nơi được goi là “trại cải tạo”. Anh được trả tự do sau 3 năm. Trở về vào năm 78, Nguyễn Ngọc Ngạn tìm đường vượt biên ngay với người vợ đầu tiên cùng con trai lúc đó được hơn 4 tuổi.
Nguyễn Ngọc Ngạn là người đầu tiên trong gia đình vượt biển một cách bán chính thức vào muà Giáng Sinh năm 78 đúng vào mùa có nhiều bão lớn, với vợ lúc đó mới 26 tuổi với một con tên Nguyễn Trần Lê Chân, được đặt tên theo địa danh Tống Lê Chân, nơi xẩy ra những trận đánh khốc liệt vào năm 74 “Lúc đó là những ngày mà đài phát thanh quân đội loan những tin về vụ đánh đồn ở Lê Chân. Tôi cứ nghe đài phát thanh suốt ngày nói về Tống Lê Chân. Để nhớ cái thời gian mà tôi trong quân đội và lúc đang có biến cố về đồn Lê Chân nên tôi đặt tên cháu là Lê Chân”.
Khi chiếc tầu chở khoảng 300 người, trong đó có tiểu gia đình Nguyễn Ngọc Ngạn, đến gần Mã Lai thì bị cảnh sát Mã Lai ở trong bắn ra. Do tình trạng cuống quít của tài công nên đã loay hoay khiến tầu bị lật úp do bị sóng lớn khiến 161 người bị chết, trong số có vợ và con anh. Anh chỉ nhìn thấy được xác đứa con thân yêu bị sóng cuốn đi, trong khi không được thấy tận mắt hình ảnh cuối cùng của người vợ trẻ.
Những người sống sót của chiếc tầu định mệnh đó được đưa vào trại tỵ nạn trên đảo Kota Baru ở Mã Lai. Tại đây, Nguyễn Ngọc Ngạn được bầu làm phó trưởng trại, từ tháng 12 năm 78 đến tháng 5 năm 79. Trong thời gian này cái chết của vợ và con đã là một nỗi ám ảnh ghê gớm với Nguyễn Ngọc Ngạn, để từ đó mang nhiều suy tư khi hồi tưởng về thân phận những người phụ nữ.
Và cũng từ đó, anh đã không ngờ là mình bắt đầu bước vào nghề viết văn, trước đó rất mờ nhạt trong đầu óc, với tiểu thuyết đầu tay “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại”, theo lời anh kể “Khi bà xã tôi mất với lại cháu mất thì tôi ngồi trên đảo thì tương đối tôi cũng nhàn vì là phó trưởng trại. Tôi mới ngồi tôi nghĩ lại một điều quan trọng trong đầu tôi lúc đó là trong cuộc chiến VN thì hoá ra người đàn ông không khổ bằng người đàn bà. Là bởi rằng đàn ông dù sao tuy là ra mặt trận, kề cận cái chết nhưng không như người phụ nữ ở hậu phương vừa nuôi con, vừa, lương của chồng lại ít quá.
Đôi khi lại phải làm dâu, nhiều khi lại chạy loạn vì chiến tranh. Rồi sau đó khi người chồng đi vào cải tạo thì người vợ ở nhà lại phải đi tiếp tế chồng ở trong trại cải tạo. Sau đó chồng được thả về thì có nhiều người đàn bà lại phải hy sinh, dành dụm lo cho chồng vượt biên trước, mình ở lại sau là bởi biết rằng chồng ở lại thì vất vả hơn. Thì tôi mới nghĩ lại là trong cuộc chiến và hậu chiến của mình thì người đàn bà VN là khổ nhất chứ không phải là đàn ông, cho nên vì cái ý nghĩ đó tôi mới xin giấy bút để viết truyện dài đầu tiên mà tôi chưa viết bao giờ. Tôi xin giấy bút của bà Sơ trong trại để viết truyện dài đầu tiên lấy tên là “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại “.
Tiểu thuyết “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại“ được viết liên tục trong vòng 3 tháng, dưới cái nóng như thiêu đốt trên đảo Kota Baru. Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết anh viết tác phẩm đầu tay này vừa để tưởng niệm cái chết của vợ và con, vừa để thông cảm với những người đàn bà còn ở trong nước.
Khi mang bản thảo tiểu thuyết này sang hải ngoại, anh cho nhiều người đọc và họ rất thích thú. Vì vào thời đó những chuyện về VN còn lạ đối với những người ở hải ngoại, ra đi từ những ngày đầu vì được viết trong bối cảnh sau năm 75. Nhiều người có ý ủng hộ anh để xuất bản, trong số có ông Nguyễn Thế Năng, chủ nhân tiệm vàng nổi tiếng ở Sài Gòn trước kia.. Ông Nguyễn Thế Năng viết thơ cho nhà xuất bản Dziên Hồng đề nghị xuất bản, nhưng được những người chủ trương là các giáo sư Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh trả lời là còn người thân ở VN nên không tiện xuất bản mặc dù rất thích.
Sau đó anh giao đưá con tinh thần của mình cho nhà báo Quốc Nam, nhưng mãi đến năm 87 mới ra mắt độc giả, sau khi một số tác phẩm của anh đã thành hình và đã tạo được tên tuổi cho Nguyễn Ngọc Ngạn. Đó là những tác phẩm: Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn, Nước Đục, Biển Vẫn Đợi Chờ, vv... Tổng cộng cho đến nay đã có 32 tựa sách được phát hành, phần lớn là truyện dài, mang tên tác giả là Nguyễn Ngọc Ngạn.
Trả lời cho câu hỏi tại sao chọn Canada làm nơi cư trú, Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ”Nhưng mà tôi thấy tôi ngồi lâu quá tôi cũng sốt ruột. Mà thứ hai nữa là buồn bã. Coi như hàng tuần tôi phải tiếp các phái đoàn thì tôi thấy phái đoàn Canada rất là lịch sự. Họ hỏi tôi là có muốn đi Canada không thì chúng tôi bốc ông đi ngay. Thì tôi nói là vâng, ông kiếm cho tôi một vùng nào ấm, thì họ bảo vậy thì ông đi Vancouver , có vậy thôi.“
Thế là Nguyễn Ngọc Ngạn được đưa về một đảo gần Vancouver là Prince Rupert cho đến năm 86, anh chuyển về sống tại Toronto cho đến nay. Sau khi đặt chân đến thành phố này, anh dành ra hai năm để ôn lại Anh Ngữ vì được một số thân hữu có ý định giới thiệu anh vào làm cho đài VOA tại Washington, D.C. và BBB ở Luân Đôn. Cuối cùng vì có những quan hệ ở Toronto nên anh quyết định lưu lại đây để đi làm cho công ty bảo hiểm Canada Life, ngoài việc viết sách và hoạt động trong lãnh vực văn chương, báo chí cho đến khi được mời cộng tác với trung tâm Thúy Nga vào năm 1992...
Kwon Sang sưu tầm (Nguồn Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment