Sunday, December 21, 2014

Bạch Yến: "Đêm Đông", Ngày Ấy và Bây Giờ [Jeffrey Thai]




Ngày ấy - lâu lắm rồi. Lâu đến nỗi có nhiều người (với mái tóc phong sương) có thể không còn nhớ.  Lâu đến nỗi có nhiều người (với mái tóc còn xanh) có thể chưa được biết. 

Ngày ấy đó, có một cô ca sĩ với dáng hình mảnh mai nhỏ bé đã dịu dàng dìu nhân gian đi cùng mình qua một đêm trường băng giá.  Đêm ấy lạnh lắm.  Đêm ấy là một đêm đông.  Đêm đông ấy, lá cây trút đổ nhiều, vì thu chỉ vừa kịp qua, hấp tấp nhường chỗ cho mùa đông tới.  Đêm đông ấy, gió thổi nhiều làm lay động cả ngàn cây; và mưa rơi nhiều, và sương giăng nhiều, làm không gian buồn thê thiết.

Buồn thê thiết!  Buồn lắm!  Ấy thế mà, nàng cứ đi, nàng cứ cất giọng chậm rãi mà đi; và người ta cứ lặng im, đi theo cùng nàng.  Cứ đi như thế.  Cứ lê bước chân phong trần mà đi như thế.  Qua mọi ngả đường.  Suốt một đêm đông.  Với tâm tình của một kẻ cô lữ đêm đông không nhà.  Dĩ nhiên, nàng chắc hẳn đã lạnh lắm.  Người ta còn lạnh cả hơn nàng.  Và trong cơn lạnh buốt tái tê, người ta cảm thấy, hình như, người ta đã... yêu nàng.  Yêu nàng bắt đầu từ đêm trường băng giá ấy. 



Ôi, cái gương mặt bầu bĩnh, xinh xinh ấy!  Ôi, cái dáng hình dịu dàng, mảnh mai ấy!  Ôi, cái tiếng hát có gió và giông ấy!  Nó làm lay đổ ngàn cây, làm lòng người cuốn theo chiều mây. 

Tình yêu có nhiều dáng vẻ.  Riêng thứ tình yêu này lạ lắm.  Người ta cứ chờ, cứ mong.  Nhưng mong chờ chỉ để được nghe, được nhìn, được cười và được khóc cùng nàng, khi nàng cất tiếng hát.  Và chỉ thế mà thôi.  Không đòi hỏi gì hơn.  Tuyệt đối không đòi hỏi gì hơn. 

Ấy thế mà, nàng lại phụ lòng người.  Nàng ra đi.  Dĩ nhiên, sự ra đi nào cũng có những lý do riêng của nó - chính đáng hay không chính đáng.  Nhưng dẫu sao, nàng cũng đã đành lòng bỏ lại sau lưng mình cái đêm trường gió mưa hẹn hò ấy để ra đi.  Đi về một phương trời thật xa.  Sống những đêm đông thật khác.  Dẫu vẫn là một kẻ lữ thứ độc hành và trơ trọi, với cuộc đời "bạc phước không chồng".  Ở nơi phương xa ấy, nàng có nhớ gì không?  Không ai biết. 

Nhưng điều chắc chắn là, những người ở lại đã nhớ nàng nhiều lắm.  Và trong đám người nhớ nhung ấy, hình như, có một người nhớ nàng nhiều hơn hết, nhớ nàng bằng nỗi nhớ của tất cả những người khác cộng lại.  Người ta nói, người ấy đã sống qua nhiều đêm cô đơn, nhìn gió, nhìn mưa và chỉ nghĩ về nàng.  Trong những đêm trường cô tịch và hắt hiu, có lần, người ta nghe thấy tiếng người ấy thì thầm van cầu và thề nguyền thê thiết quá: 

Cầu xin cho mây về vui với gió,
Dầu có qua bao đắng cay,
Muôn đời anh vẫn chờ em...

Ở nơi phương xa ấy, nàng có nghe thấy tiếng van cầu và thề nguyền thê thiết ấy hay không?  Điều ấy, cũng không ai biết.  Chỉ đoán rằng, dường như, nàng đã thực sự lựa chọn để bỏ lại tất cả đằng sau mình để ra đi, và không có ước hẹn chắc chắn nào về ngày nàng trở lại.  Họa chăng, chỉ có một thứ duy nhất, dù muốn hay không, nàng vẫn phải mang theo cùng.  Đó là cái tên "cúng cơm", đồng thời cũng là nghệ danh của nàng:  Bạch Yến. 

...


Bây giờ - ngày hôm nay.

Giữa bây giờ và ngày ấy là một khoảng cách xa.  Thật xa.  Thật thật xa.  Xa xôi (nhưng vướng vất) như cái khoảng cách "thiên thu" của Nguyễn Tất Nhiên, là thiên thu mà không đành quên nhau.  Xa xôi (và mịt mù) như "những hàng thành quách cũ" của Vũ Đình Liên, đêm đêm soi bóng lên trên con thuyền im trôi giữa dòng sông giá lạnh.  Đủ xa để đôi ba người xưa nào đó, hay có thể nhiều hơn thế nữa, đã nhạt nhòa nhân ảnh về trong một thế giới nào đâu. 

Cứ tưởng lâu như thế rồi thì "Đêm Đông" ngày xưa đã khép lại, người xưa không về nữa bao giờ.  Có ai lang thang lâu như thế giữa những đêm trường lạnh giá.  Có lòng ai cô đơn khắc khoải hoài như thế giữa chốn nhân gian.  Thế mà, điều tưởng chừng như không thể ấy lại trở thành có thể.  Người xưa đã về.  Nàng đã về.  Bạch Yến đã về. 

Và đêm nay, Bạch Yến đã thực trở về lại với đêm đông ngày cũ giữa một cõi không gian lộng lẫy và sáng lóa đến không ngờ.  Như một giấc mộng.  Đẹp quá.  Cũng không gian ấy, bừng sáng lên nhiều lần rồi, nhưng sao chưa bao giờ nó lại đẹp như thế này.  Đẹp và sang.  Còn kèn nữa. Còn trống.  Còn tiếng đàn.  Tất cả sao như rộn ràng hẳn lên, so với thường lệ.  Như muốn kiêu hãnh đón chào một sự trở lại huyền thoại.  Như muốn rướn mình cố gắng để xứng tầm mà sánh đôi với một giọng ca bão tố.  Cũng phải.  Dẫu sao, người cũng trở về từ những tầm cao; vén nhẹ gót hài, bước xuống về lại là cả một ân tình. 






Sau chừng ấy năm rồi, tuyết lại rơi.  Có lẽ rơi còn nhiều hơn cả ngày xưa.  Như vừa về lại từ trong tiền kiếp, như vừa vươn mình thức dậy rũ bỏ trên lưng mình lớp bụi dày nửa thế kỷ, Bạch Yến xuất hiện giữa một trời tuyết rơi như một điều không có thực, đi tiếp lại những bước chân cô lữ không nhà.  Vẫn dáng dấp nhỏ bé, dịu dàng của ngày cũ.  Vẫn tiếng hát gió lộng căng đầy của năm xưa.  Vẫn thế, dường như không thay đổi gì cả.  Mà không, có ít nhất một điều gì đó đã đổi thay.  Mà không, dường như vẫn thế, có gì thay đổi đâu nào. 

Đổi thay hay không thay đổi?  Ngày ấy hay bây giờ?  Quá khứ hay hiện tại?  Những con người năm xưa nào đó, đang ngồi đâu đó giữa những hàng ghế khán giả, chắc hẳn cứ băn khoăn tự hỏi mình như thế, trong mớ rối bòng bong của quá khứ và kỷ niệm, trong sự nhập nhoạng thăng hoa của ánh sáng, thanh âm và hình ảnh.  Dẫu là như thế nào, có điều này rất thực:  Bạch Yến đây mà, vẫn toàn vẹn tinh hoa.  Bạch Yến đã về mang theo dư âm đêm đông ngày cũ, để thâu ngắn lại khoảng cách "thiên thu" giữa xưa và nay, giữa mộng và thực, giữa có thể và không thể. 

Không chỉ thế thôi, Bạch Yến còn mang về đây, tái hiện lại giữa cõi không gian sáng lóa hòa lẫn với sương khói mộng mị này, cả một hành trình nghệ thuật dài đăng đẳng của một đời người ca sĩ.  Những ca khúc thân quen ấy, qua những thứ ngôn ngữ vừa quen, vừa lạ ấy, đã rời rạc vang vọng đâu đó trên những chặng đường nghệ thuật, nay cùng hội tụ về đây, trong giây phút này, để thêm một lần nữa cùng thăng hoa với tiếng hát cuồng phong, rồi cùng nhau bồi đắp lại dáng vẻ cho một tượng đài âm nhạc ngay giữa lòng dân tộc, sau những ngày tháng ấy lưu vong.   

Mộng hay thực đây?  Ngày ấy hay bây giờ?  Bạch Yến cười - tiếng cười tươi như lứa tuổi tròn trăng.  Bạch Yến nói - tiếng nói dịu dàng, nũng nịu như một cô gái đang yêu.  Bạch Yến hát - tiếng hát vẫn sung mãn, khi khuấy động tiếng cười, niềm vui; tiếng hát vẫn dâng trào khi thổi bùng gió giông xúc cảm; tiếng hát vẫn nồng nàn khi thủ thỉ lời tình tự.  Khi Bạch Yến nhảy, không gian như vỡ òa, nhưng thời gian như dừng lại, và tiệm cận về vô cực để trở thành vô nghĩa.  Không!  Đã không hề có khoảng thời gian nào đi qua trên trái đất này.  Ít nhất ở thời điểm ấy, lòng người xem chợt trào dâng ý nghĩ như thế.


Không chỉ thế thôi, người xem còn cảm thấy hôm nay dường như Bạch Yến đẹp hơn thì phải, đẹp hơn thường lệ, và ăn diện kỹ càng hơn.  Cái khăn đẹp.  Đẹp quá.  Cái khăn quấn cổ, sặc sỡ, nhiều màu sắc ấy mà.  Nó cứ gieo cho người xem cái cảm giác nó được dệt bằng những cơn mơ thì phải.  Những màu sắc của nó cứ lấp lánh dưới ánh đèn phát tán ra những luồng thu hút huyền hoặc.  Và những chiếc áo dài.  Cùng những sắc màu khác nữa.  Tất cả rạng rỡ, tinh khôi.  

Những người mái tóc còn xanh, xem Bạch Yến hát hôm nay, có lẽ không khỏi giật mình mà nhận ra rằng:  À, thì ra hát như thế mới là ca sĩ.  Ca sĩ nghĩa là như thế.  Nghĩa là hát không mệt mỏi, lời ca cứ tuôn trào như dòng thác, từ ca khúc này sang ca khúc khác, mà không cần ngừng nghỉ.  Ca sĩ nghĩa là hát không chỉ bằng miệng, bằng môi, mà còn bằng mắt, bằng chân, bằng tay, bằng cả toàn thân thể, bằng tất cả tâm hồn.  Khi ca sĩ hát, không gian lặng im hay bùng vỡ.  Khi ca sĩ hát, thời gian dừng lại, ngưng tụ, ngưng đọng, chết.  Không còn lại gì. Chỉ còn tiếng hát.  Và vì thời gian luôn dừng lại khi người ca sĩ hát nên họ dường như chỉ có tên và chẳng có tuổi bao giờ.  Như Bạch Yến.  Chưa hề bao giờ có tuổi.  Không ai có bao giờ biết được rằng, thực ra, Bạch Yến bao nhiêu tuổi. 


Sau chừng năm tháng ấy sống lưu vong, không chỉ mang về lại dư âm của một đêm đông ngày cũ, một hành trình nghệ thuật đầy ắp bóng dáng kỷ niệm, Bạch Yến còn mang về một điều khác nữa, thậm chí, quí giá hơn, thiêng liêng hơn:  một tình nhân.  Giữa không khí âm nhạc thăng hoa, Bạch Yến vừa kiêu hãnh, vừa trìu mến trình diện chàng tình nhân ấy của mình trên sân khấu, lần đầu, với nhân gian.  Ai (kể cả họ) cũng hiểu lầm rằng, họ đã là vợ chồng, là bạn đời của nhau từ lâu lắm.  Nhưng thực tế là, từ trước đến nay, bao giờ họ cũng chỉ là tình nhân.  Và đó có thể lắm, chính là điều giải mã cho sự nhập nhoạng giữa mộng và thực, giữa ngày ấy và bây giờ, giữa quá khứ và hiện tại, mà người xem đã hơn một lần cảm thấy băn khoăn. 


21/12/2014
Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment