Monday, December 8, 2014

Bảo Yến: Tiếng Xưa Còn Vọng [Jeffrey Thai]



Bảo Yến trở lại.  Trở lại trong liveshow đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng của cuộc đời ca hát của mình.  Vẫn say đắm và nồng nàn như cái thuở còn đôi mươi.  Vẫn rực rỡ và lộng lẫy như cái thuở còn vang bóng.  Vẫn đường hoàng và kiêu hãnh ở ngôi vị của một danh ca.  

Bảo Yến trở lại.  Một lần nữa thoát ra khỏi những âm trầm của một đời sống ẩn dật.  Một lần nữa xếp lại kệ kinh để dấn mình vào ánh hào quang sáng chói nhiều ảo ảnh phù du.  Một lần nữa đem lời ca khuấy động lớp bụi mờ dĩ vãng đã dần phủ lên tâm hồn người. 

Có thể là một lần này nữa rồi thôi.  Có thể là sẽ có thêm một lần khác hay là sẽ không bao giờ nữa.  Dẫu là có thể hay không có thể, dẫu sẽ là hay sẽ không bao giờ là, giây phút  này đây - thì hiện tại - hồn người đang cùng Bảo Yến trở lại một thời dĩ vãng.  Dĩ vãng ấy đã xa, đã khuất mờ hun hút sau những năm tháng chất chồng; nhưng khi tiếng hát Bảo Yến cất lên, chúng lại trở về tinh khôi, như mới đâu đấy ngày hôm qua.  

Tiếng hát Bảo Yến không chỉ đơn thuần là một giọng ca.  Nó còn là hiện thân của quá khứ.  Mỗi đời người không thể sống mà không có quá khứ.  Tiếng hát Bảo Yến chính là cái quá khứ ấy, đặc biệt đối với những con người lớn lên trong thập niên mà đất nước vừa trải qua cuộc thay hình đổi dạng (buồn hơn).   




Tiếng hát Bảo Yến xuất hiện vào thời điểm mà nhạc cách mạng (nhạc đỏ) đang độc quyền thống trị bầu trời âm nhạc đất nước, sau khi dòng nhạc vàng đã lũ lượt lưu vong.  Vì thế, có vẻ như tiếng hát ấy được mặc định là có dính líu ít nhiều đến dòng nhạc đỏ; nhưng xét kỹ lại, Bảo Yến chưa hề bao giờ hát nhiều những bài ca đó.  Không bao giờ có thể nói là những bài ca cách mạng đã đưa tiếng hát Bảo Yến lên ngôi, mà sự thật là, dòng nhạc ấy nợ nhiều tiếng hát Bảo Yến.  Nhờ tiếng hát Bảo Yến, một số bài ca cách mạng vẫn còn đọng lại trong ký ức người nghe, dù lòng người thích hay không thích.  

Có thể tiếng hát Bảo Yến đã được chú ý khi "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Sợi nhớ sợi thương", "Trị An âm vang mùa Xuân"... hay "Em đến từ nghìn xưa", "Bèo dạt mây trôi" vang vọng ngày đêm trong các quán cà phê.  Nhưng nó chỉ thực sự đi vào lòng người với những âm ba trìu mến nhất và ở lại dài lâu mãi mãi khi băng nhạc (được gọi là) "Gò Công" len lỏi vào đến từng ngóc ngách của những làng xóm Việt Nam năm 1987 và ngân vang trong không gian ở mọi nơi, mọi lúc trong suốt nhiều năm về sau.  

Băng nhạc "Gò Công" xuất hiện như một dòng nước mát xoa dịu những tâm hồn đã bị cằn cỗi, trơ lạnh hóa bởi dòng nhạc cách mạng.  Nó phả vào lòng người những âm điệu du dương và lời ca trữ tình mà người nghe đã đói khát từ lâu, kể từ khi dòng nhạc vàng không dưng trở thành "tội đồ dân tộc" và phải chịu kiếp lưu đày.  Nói như thế, không có nghĩa là nó có gì giống với nhạc vàng, họa chăng một điều cốt lõi duy nhất:  tự tình con người.  "Gò Công" là một cái gì đó rất riêng, và "Gò Công" muôn đời chỉ thuộc về một giọng ca duy nhất:  Bảo Yến.  

"Bài ca Tết cho em" đã quyện vào cái không khí có chút lành lạnh của đất trời VN để nhắc nhở người dân Việt về những ngày Tết thiêng liêng đã trở thành một truyền thống dân tộc.  "Chiều hạ vàng" đã đưa những ánh nắng vàng vọt có pha lẫn mộng mơ và an ủi vào những buổi chiều buồn tẻ và đơn điệu của một xã hội sống nghèo đói, không hy vọng.  "Hương thầm" đem tình yêu trở lại cõi trời âm nhạc đã thiếu vắng đi cảm xúc người nhất của con người ấy, kể từ dạo đất nước thay đổi màu cờ... Và trên tất cả, giọng ca Bảo Yến đã vượt thoát khỏi sắc màu đỏ để đơn thân làm một cuộc phiêu linh:  đem những cảm xúc của trái tim trả về lại cho những trái tim.  


Dẫu 10 năm, 20 năm, 30 năm hay dài lâu hơn thế nữa, người ta sẽ chẳng thể nào quên được giọng ca Bảo Yến ngày ấy, nhất là qua băng nhạc "Gò Công": giọng ca thật dày, trầm và ấm, với những luyến láy, nhả chữ hoàn toàn riêng biệt.  Có một chút Huế trong giọng ca ấy, và vì thế, có thêm một chút lạ, một chút kỳ bí, một chút liêu trai, mộng mị trong những âm ba vang vọng.  Và chút Huế riêng ấy, cùng với mái tóc dài quen thuộc, đã cộng hưởng với nhau để định hình một hình ảnh Bảo Yến thân quen trong ký ức khán giả, trong k‎ý ức của những con người năm xưa ấy.  

Hình ảnh ấy là hình ảnh của một sự thủy chung.  Không nghi ngờ gì nữa, Bảo Yến là một con người rất chung thủy.  Từng ấy năm trôi qua, dù trên sân khấu sáng lóa hay ở góc đời riêng trầm mặc, Bảo Yến vẫn giữ trong lòng một niềm đam mê son sắt cùng âm nhạc, vẫn giữ tâm thức của một người ca sĩ trong con người mình.  

Ca sĩ là phải hát hay.  Dĩ nhiên. Ca sĩ còn phải đẹp.  Cũng không ai có thể chối bỏ điều đó.  Nhưng Bảo Yến dường như có một niềm ám ảnh gần như cực đoan với cái đẹp.  Không chỉ là cái đẹp ở dung nhan, ở nhân dáng; mà còn là cái đẹp ở tâm linh, ở trong thẳm sâu con người.  Nếu niềm ám ảnh ấy, ở một phương diện nào đó, có dáng vẻ của một sự tự đọa đày và khiến Bảo Yến trở nên "khó tính" và quá "cầu toàn", chôn chặt cuộc sống mình trong một cõi trời riêng biệt; thì ở mặt hiện thực, không thể phủ nhận là nó đã giúp khán giả vui sướng khi tái ngộ một Bảo Yến vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp những tàn phá của dòng thời gian, về mặt hình dáng lẫn tâm hồn.  


Người ca sĩ cũng luôn là những con người nhạy cảm.  Điều đó dường như chẳng thể nào khác được, vì nếu không nhạy cảm thì sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành ca sĩ hay nghệ sĩ được.  Nhưng ở Bảo Yến, sự nhạy cảm ấy cũng tiệm cận với giới hạn của sự cực đoan.  Thật khó có thể hình dung một người ca sĩ danh tiếng nào khác lại có thể lui về ở ẩn khi chỉ mới đang ở lứa tuổi 30, khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng với vầng hào quang sáng chói hơn bất kỳ ngôi sao nào khác cùng thời.  Sự rút lui khỏi chốn xô bồ quá sớm ấy không chỉ là hành động biểu hiện một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, dễ bị tổn thương; mà còn là tiếng thét gào mong được bình yên của một tâm hồn cực kỳ khát khao cái đẹp giữa một cõi người luôn nghiệt ngã, dập vùi cái đẹp đến tả tơi.  

Nói chung, Bảo Yến là tập hợp của những cực đoan, của những điều "không giống ai", của những "độc nhất vô nhị".  Những tố chất nghệ sĩ ấy đã cấu thành một con người nghệ sĩ thực thụ với phong cách hoàn toàn riêng biệt, và tài năng đỉnh cao khó ai có thể với tới.  Ba thập kỷ tồn tại trong lòng khán giả không hẳn là một thời gian quá dài khi so sánh với các ca sĩ gạo cội khác, nhưng khoảng thời gian ấy đã đủ để cấu dựng nên một tượng đài âm nhạc mang tên Bảo Yến có khả năng tồn tại mãi với thời gian, dù còn xuất hiện hay không xuất hiện.  Tiếp theo thế hệ ca sĩ vàng nổi danh vào thập niên 60 của thế kỷ trước mà tên tuổi và hình ảnh đã đi vào lòng khán giả như những huyền thoại, cái tên Bảo Yến đã và đang trở thành một huyền thoại tiếp nối trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.   

07/12/2014
Jeffrey Thai



No comments:

Post a Comment