Sunday, August 16, 2015

Trang Mỹ Dung: Tiếng Chim Hót Trong Buổi Hoàng Hôn - Jeffrey Thai




Tôi có một ám ảnh đậm sâu với tiếng hót của một loài chim huyền thoại – loài chim đâm mình vào gai nhọn của những bụi mận gai vào lúc cuối đời để cất lên những thanh âm say đắm nhất quyến rũ thế gian. Cú lao mình ấy cho dẫu được cho là một hành động mang hoàn toàn tính bản năng định mệnh, nhưng người ta không khỏi không nhìn thấy phảng phất đâu đó dáng nét của một hành vi “tử vì đạo”. Hà cớ gì loài chim ấy nhọc lòng chịu đớn đau để máu nó nhỏ giọt, chỉ để mang đến cho đời này một vài ít phút vui?





Có một người ca sĩ chợt làm tôi liên tưởng đến loài chim ấy – ca sĩ Trang Mỹ Dung. Trải qua hành trình nghệ thuật dài đăng đẳng ngót nghét hơn bốn thập kỷ, chị giờ đã ở phía bên kia triền dốc của cuộc đời mình. Ở phía bên kia triền dốc thoai thoải ấy, không có những bụi mận gai mà chỉ có bóng hoàng hôn giăng phủ, và mặt trời thì đang rọi chiếu những tia sáng đẹp đẽ và ấm áp nhất của nó trong ngày. Trong bóng chiều chập choạng, trong cái thứ ánh sáng vừa lung linh, vừa mờ ảo ấy, người ta chợt thấy bóng người ca sĩ ấy ung dung đi về phía mặt trời, miệt mài và lặng lẽ cất cao tiếng hát - tiếng hát ấy giờ đây lạ lùng sao lại thoang thoáng âm hưởng của tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Không có máu nhỏ giọt trên cuống họng theo từng tiếng hát, không vẫy vùng đập cánh tuyệt vọng giữa những bụi mận gai đầy gai nhọn; thế nhưng, tiếng hát ấy lại da diết, thiết tha và não nùng hơn bao giờ hết, như thể đây là lần sau cùng mình được hát. Khi tiếng hót của loài chim huyền thoại cất lên, cả thế gian và muôn loài chợt im bặt mà lắng tai nghe. Khi tiếng hát ngày hôm nay của người ca sĩ ấy cất lên, chiều chợt như dừng lại, buồn hiu, không buồn trôi nữa; và bóng chiều cứ thế mà chập choạng giữa ranh giới của ngày và đêm.



                                                                                                                                                 
Không còn trong và trẻ như cái thuở ban đầu cất giọng hát ca khúc Hai Mùa Mưa của nhạc sĩ Anh Bằng, không còn mạnh và khỏe như thuở thanh xuân để ung dung ngân nga trên những phím đàn; điều không thể phủ nhận là tiếng hát ấy giờ đây ít nhiều đã nhuốm màu thời gian. Thế nhưng, người nghe có lẽ sẽ không ít lần băn khoăn tự hỏi: Liệu có phải cũng chính thời gian là tác nhân phủ trùm lên tiếng hát ấy nét nồng nàn, say đắm đến như thế ở buổi hôm nay? Nghe chị hát ngày hôm nay, không như những ngày xưa cũ, người nghe không chỉ nghe âm điệu êm đềm và lời ca trữ tình, mà còn thấy hiện lên trước mắt mình cả một khung trời ký ức rộng mênh mông, mà còn thấy trái tim mình có những cú chạm bất ngờ, thường thì là vỗ về dịu êm, nhưng có đôi khi lại như bóp nghẹn từng hồi. 

Không! Thực ra, tiếng hát ấy không làm gì cả. Nó không hề tạo ra những âm thanh bất thường tác động đến cơ thể con người để con tim phải co thắt loạn nhịp. Nó vẫn ung dung thủ thỉ đấy thôi, và đôi khi, có chút run rẩy tình cờ. Thế nhưng, sự tha thiết ấy, sự da diết này, sự đắm say ấy, sự não nùng này trong tiếng hát ấy ở buổi hôm nay cứ như vô tình gợi khơi cả một trời xúc cảm cũ xưa đã từ lâu ngủ quên, chìm lắng, nay thức dậy vỡ òa ở thời khắc của một cố nhân gặp lại một cố nhân thân yêu cũ. Biết bao điều để nói! Biết bao điều để nhớ! Có thể có nhiều điều, nhiều người đã mãi ra đi không còn nữa; nhưng ít ra, ở thời điểm này, tiếng hát cố tri ấy, những tâm tình đã phủ dày lớp bụi thời gian này, hội ngộ cùng ta trong nhịp đập ngỡ ngàng của trái tim.

*

* *

Âm điệu tiếng Việt vốn được cho là một thứ tiếng nói du dương và truyền cảm. Cũng tương đồng như thế, theo tôi, âm nhạc Việt, nói chung, là một nền âm nhạc buồn, ở đó, những giai điệu trữ tình và sâu lắng có sức trường tồn với thời gian mạnh mẽ hơn cả, trong lòng người dân Việt - một dân tộc mang một định mệnh buồn. Sự tương ứng giữa âm nhạc và con người lý giải cho sự trường tồn cho đến hôm nay (và nhiều năm sau nữa) của những bản nhạc buồn ra đời và lên ngôi vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, mà tiếng hát Trang Mỹ Dung vừa là tiếng hát nhập cuộc, vừa là chứng nhân.

Dẫu nói là hành trình nghệ thuật của chị dài những hơn bốn thập kỷ, nhưng dễ dàng nhận ra là chị gắn bó và trình diễn chủ yếu những nhạc phẩm ra đời trong giai đoạn nói trên, và thời kỳ mà tên tuổi chị sáng chói nhất là từ lúc thành danh vào năm 1967 đến năm 1975. Lượng bài hát chị thu đĩa trong khoảng thời gian này là một con số đáng kể, và hình ảnh chị hầu như xuất hiện ở khắp mọi nơi. 






Theo nhận định của tôi, về phương diện danh vọng, chị là một ca sĩ không may mắn. Thời vàng son của chị qua đi nhanh quá, trong khi mà đúng ra, nó phải kéo dài rất nhiều năm nữa về sau. Giọng ca trầm buồn của chị vào thập niên 60 ấy là một giọng ca hiếm và hoàn toàn mang tính riêng biệt. Thời thế đổi thay và việc ở lại của chị đã đặt chị vào tình huống của một kẻ “sinh bất phùng thời”. Có lẽ có nhiều cố nhân cũ và cả tôi nữa sẽ mãi băn khoăn với câu hỏi: Chị đã sống và hát như thế nào ở những năm tháng ấy, khi mà bầu trời nghệ thuật không còn thuộc về mình nữa, và mọi thứ chung quanh hầu như trở nên xa lạ với đặc tính của tiếng hát mình?

Những năm gần đây, nhạc buồn trở lại. Sự trở lại hay sống lại của nó là một điều tất nhiên vì nó chưa hề bao giờ bị quên lãng, cũng như khán giả năm xưa chưa hề bao giờ lãng quên cô ca sĩ có nhân dáng khả ái mang nghệ danh Trang Mỹ Dung. Và thế là, chị xuất hiện thường xuyên hơn trước, vẫn với những ca khúc năm nào đã giúp tiếng hát chị ở lại dài lâu trong trái tim người nghe. Có nghe chị hát ngày hôm nay và nghĩ về những năm tháng xưa cũ mới cảm nhận hết được ý nghĩa của sự hội ngộ thiêng liêng giữa người nghe và người hát, cũng như thấy hết được nét phong trần dày dạn và nồng nàn bàng bạc trong một “giọng ca dĩ vãng”.

Ngày xưa hay hôm nay, chị có lẽ luôn là một trường hợp riêng biệt và duy nhất trong giới hoạt động nghệ thuật. Là nghệ sĩ nhưng không màng danh vọng thấp cao. Kiếm sống với nghề hát mà hát cứ như thể là món quà biếu không, dâng hiến cho đời. Người ta mải miết đuổi theo những sân khấu to lớn và sáng lòa, chị tìm về một góc nhỏ phòng thu để gom nhặt lại những âm điệu thân yêu xưa cũ mà chị đã có dịp hay chưa có dịp trình bày. Nghe những bài hát cũ chị mới thu âm và trình bày lần đầu ngày hôm nay, và nghĩ về góc nhỏ phòng thu khiêm cung ấy, bên cạnh những xúc cảm do âm nhạc mang đến, người ta không khỏi không cảm thấy dâng lên trong lòng mình một thứ xúc cảm trân trọng khác về một người nghệ sĩ đúng nghĩa, đích thực, vô cùng khiêm cung nhưng không bé nhỏ bao giờ.


*

* *



Tôi vốn có một ám ảnh đậm sâu với hình ảnh buổi hoàng hôn từ những ngày còn bé. Tôi cho rằng đó là thời khắc đẹp nhất và thiêng liêng nhất trong ngày. Nó đẹp vì ánh nắng chiều tà sao lung linh và huyền ảo thế, mà còn có chút gì đó mong manh nữa. Nó là thời khắc thiêng liêng vì chỉ chốc lát nữa thôi tất cả sẽ biến mất và chìm vào bóng đêm, để một ngày mới lại được khai sinh sau một đêm trường dài.

Trong ám tượng hoàng hôn ấy, giờ đây, tôi nghe thoang thoảng như có tiếng hót của một loài chim rất lạ đâu đây. Chiều càng tà, tiếng hót ấy dường như càng trở nên ráo riết và giục giã những âm điệu trầm buồn, khiến dư âm của nó càng trở nên da diết và não nùng hơn. Bóng đêm dù có chần chừ bao lâu nữa rồi cũng sẽ phải buông, và người ta sẽ không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng dường như tiếng hót ấy vẫn ngân vang và đâu đó giữa đêm trường thi thoảng bật lên những tiếng thút thít, nghẹn ngào thật khẽ từ một ai đó.


08/15/2015

Jeffrey Thai








No comments:

Post a Comment