Sunday, December 27, 2015

Giấc Mộng Alaska – Jeffrey Thai



Chợt nhiên giấc mộng ấy trở về thôi thúc gã, khiến gã cảm thấy mình có ít nhiều trăn trở, giữa những ngày lập Đông không lạnh này. Đông mà không lạnh, lạ nhỉ! Xét ra, cũng lạ, vì hiếm có năm nào đêm Giáng Sinh lại ấm áp như thế này, khiến cho hương vị của đêm thiêng liêng ấy bỗng có chút lạc lõng và nhạt nhòa.


Có gì tương quan giữa cái sự không lạnh ấy và giấc mộng mà gã nói đến nhỉ? Thực ra, gã cũng không chắc là có sự hiện diện của mối tương quan nào giữa hai điều trái nghịch ấy hay không; nhưng có một điều gã nhận ra rõ lắm: Đột nhiên, gã thấy mình rơi tuột chơi vơi vào một khoảng không trống rỗng, không nơi bám víu, nương tựa. Đã từ rất lâu rồi, có lẽ do cuộc sống quá bận rộn, gã không thấy mình phải đối diện với cái cảm giác không lấy gì làm dễ chịu ấy nữa.

Thà vui, thà buồn. Thà giàu, thà nghèo. Thà sống, thà chết. Thà một phút huy hoàng rồi… chợt tắt… Quan niệm sống vĩnh hằng của gã là như thế. Gã không bao giờ là một kẻ cực đoan, nhưng sự trôi nổi bềnh bồng giữa hai thái cực cực đoan là điều có thể giết chết con người gã nhanh hơn bất kỳ điều gì khác. Với gã, thà trắng, thà đen; gã thấy mình không mấy mặn mà với “50 sắc thái của màu xám” chút nào.





Đông mà không lạnh (hay chưa kịp lạnh, chưa kịp tê tái, giá băng)! Có lẽ cái sự lấp lửng ấy khiến gã cảm thấy tâm tình mình bất ổn, chông chênh. Cũng có thể là cái khoảng thời gian nghỉ cuối năm quá dài ngày mà gã vui sướng có được này đã vô tình trở lại làm hại gã. Gã dường như cảm thấy mình trở nên bức bối. Dường như có một điều gì đó gã phải làm, nhưng gã đã không chịu làm, không dám làm, và cứ tìm cớ bao biện vòng vo. Gã bỗng cảm thấy chán ngán chính bản thân mình. Thời gian đã làm cho gã trở nên có phần nào ù lỳ và thụ động; gã ngày càng thấy mình lìa xa con người cũ nhiều hơn, yêu chuộng sự an toàn và bình yên hơn.

Mà thực ra, gã muốn gì nhỉ? Gã muốn đi! Đúng rồi, gã phải đi. Với gã, đi là sống. Quan niệm của gã là: Không hẳn lúc nào cũng nhất định là phải đi đến một nơi nào đó thật xa, thật mới lạ mới gọi là đi. Đi đơn giản là sự dịch chuyển từ một nơi này đến một nơi khác, từ điểm khởi hành đến điểm đến. Sự dịch chuyển đó là một động thái sống, và tổng hợp của những quá trình dịch chuyển đó hình thành nên cái gọi là đời sống con người.

Gã đã từng đi như thế, nhiều, rất nhiều; và còn hơn thế nữa, gã đã từng đi những cuộc hành trình dài miên man, bất tận; mà ở đó, ở trên những chặng đường rong ruỗi đó, có đôi lần gã đã tìm ra được ý nghĩa của đời sống mình. Cũng đã khá lâu rồi, vì nhiều lý do, gã không còn đi những cuộc hành trình xa xôi như thế nữa; để rồi có đôi lúc gã đã phải tự hỏi mình, có phải chăng chính điều đó đã mài mòn tâm hồn gã, khiến gã thỉnh thoảng lại cảm thấy đời sống này trống vắng, và cuộc sống này vô nghĩa.




Phải. Gã chắc rằng có những mảnh đất thiêng liêng nào đó đang ngày đêm chờ đợi bước chân gã đến. Gã có thể linh cảm được điều đó. Gã đã từng nói, giữa trời đất này và gã dường như có một mối tương thông kỳ bí nào đó mà. Gã luôn tin như vậy. Bất cứ nơi nào, cho dù xa xôi đến mấy, xa xôi đến cả nửa vòng trái đất đi chăng nữa; thì khi gã đã đến rồi, nói theo một câu thơ xưa cũ nào đó mà gã còn mơ hồ nhớ, nó cũng chợt có linh hồn. Đến rồi đi. Và khi đi, gã luôn thấy mình thương, mình nhớ - như nhớ một tình nhân.

Vậy đấy, mà đã từ lâu rồi, gã xếp lại hành trang lãng tử để ngày ngày dẫm chân vòng quanh những quỹ đạo vô cùng nhỏ bé và hạn hẹp của cuộc sống đời thường vốn với gã không có nhiều mối ràng buộc. Trên những quỹ đạo nhỏ bé đó, điều gã ghê sợ và dị ứng hơn cả là việc nó chứa đầy rẫy đây đó những con người vô cùng bé nhỏ, với những khối óc cực kỳ nhỏ bé, và những tâm hồn vô cùng bé nhỏ. Gã thật sự ghê sợ sự nhỏ bé đó - biểu hiện chết chóc của một khoảng không gian quá chật hẹp.  
Gã nhận ra mình thật sự mắc phải hội chứng “sợ không gian hẹp” - một hội chứng mà nhiều người ở phương Tây hay gặp.  





Mà thực ra, gã muốn đi đâu nhỉ? Gã muốn đi đâu giữa không gian giá lạnh của mùa Đông? Đã hơn một lần trong giấc mộng, gã thấy mình lầm lũi đi trên một con đường mà ở phía hai bên là môt khoảng không gian bao la toàn tuyết trắng. Con đường ấy dài miên man, và phía đầu kia là vô cực; chẳng ai có bao giờ có thể đi đến tận cuối con đường để biết nó thực sự ra sao. Gã cứ đi, và tuyết cứ rơi; mà lạ lắm, giá băng thế mà có lúc không biết vì sao gã giật mình thấy mình trần trụi, và cứ trần trụi thế mà đi, mà lướt, mà bay trong gió, trong tuyết; giống hệt như những sinh vật truyền thuyết kỳ lạ với đôi cánh nhỏ màu trắng vẫn hay bay là đà, chấp chới trên bầu trời cũng toàn màu trắng.  

Có một lần mỏi chân, gã thấy mình ngồi xuống trước một hồ nước bao la đã đông cứng lại. Bao quanh hồ, xa xa, là những cụm núi phủ tuyết trắng xóa từ chân đến đỉnh. Trời lạnh thế mà gã cứ ung dung ngồi như đang thiền định, mắt nhìn về phía mặt hồ, quay lưng lại với vùng không gian phía sau gió bão đang thét gào. Gió mặc gió. Bão mặc bão. Gã không nghe gì cả. Gã không thấy gì cả. Trong mắt gã chỉ duy nhất một màu tuyết trắng, mà người ta không biết được là do nó phản chiếu từ mặt hồ phía trước, hay từ những bụi tuyết lòa xòa bay ngang trước mặt gã.





Trong giấc mộng, gã không biết mình ngồi thế đã bao lâu, chỉ biết là có một khoảnh khắc gã chợt nhận ra y phục trên người gã đã rã tan theo từng đợt tuyết trắng bám vào cơ thể. Không còn quần áo có nghĩa là không còn gì ngăn cách giữa xác thân trần trụi của gã và tuyết; cả hai đã trở thành một. Gã là tuyết. Tuyết là gã. Gã là giá băng. Giá băng là gã.

Thật lạ!  Chính ngay phút giây ấy, gã không còn thấy lạnh, gã không cảm thấy giá băng nữa. Trong tâm trí gã, ký ức giá băng tưởng chừng như chưa hề bao giờ hiện hữu.

Gã đặt tên cho giấc mộng ấy là giấc mộng Alaska.

27/12/2015
Jeffrey Thai





No comments:

Post a Comment