Saturday, March 12, 2016

(Video) Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh - Dear Brother (VN, 2015)







Kịch bản của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh. Đây là tác phẩm đã khiến độc giả đứng ngồi không yên với thông tin độc đáo: sau hơn gần 30 năm viết sách, đây là lần đầu tiên có nhân vật phản diện xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Phim kể câu chuyện cảm động về tình anh em và rung động đầu đời của cậu bé 15 tuổi ở một làng quê nghèo ven biển vào cuối những năm 80.

Không chỉ khắc họa những rung động hồn nhiên và đầy bối rối của tuổi mới lớn, bộ phim còn diễn tả thế giới của người lớn, tình cảm gia đình, tình yêu, tình cảm với quê hương, làng xóm qua con mắt của trẻ thơ.

Hiếm có phim Việt nào ngay cả phần credit cũng đẹp và sáng tạo, cầu kỳ và đòi hỏi công sức như thế. Đó là sự chuyên nghiệp. Bộ phim đúng như chờ đợi và hi vọng, lấp đầy cả cảm quan nghệ thuật lẫn trái tim bằng các khung hình thuộc dạng đẹp, chất tình cảm được thể hiện tinh tế và gọn gàng. Có đôi chút thay đổi so với nguyên tác nhưng tinh thần chung từ truyện vẫn được giữ nguyên. Truyện phim kể về khoảng thời gian ấu thơ của hai anh em Thiều (Thịnh Vinh) và Tường (Trọng Khang) ở một làng quê nghèo. Ở độ tuổi mới lớn, Thiều bắt đầu cảm thấy rung động với con Mận hàng xóm (Thanh Mỹ). Bối rối trước các cảm xúc mới mẻ tuổi thiếu niên, Thiều dần mất kiểm soát dẫn đến các hành động vừa đáng giận vừa đáng thương, phần nhiều là bất công với cậu em trai.

Bộ phim ngập đầy những chi tiết tuổi thơ như thế. Đó là ký ức của rất nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X. Những trò chơi dân gian như đá cỏ gà, thả diều, hình nhân quay, nhảy dây… hiện lên giản dị và thân thuộc. Những đứa trẻ nghèo làm gì có tiền mua đồ chơi để có kỷ niệm? Chúng tự tạo ra đồ chơi. Victor Vũ rất tỉ mỉ, một cách tự nhiên, để tạo ra một thế giới tuổi thơ đẹp đến nao lòng. Có lẽ nhiều khán giả sẽ xúc động ở một hoặc nhiều chi tiết ấy. Có thể là khung cảnh lớp học với áo trắng quần xanh, khăn quàng đỏ; là cảnh Thiều ngồi học dưới ánh đèn dầu, cạnh những tập sách dày ố vàng; là đêm Trung thu giữa sân đình, với đèn lồng kiếng đỏ soi sáng những gương mặt ngây ngô.

Hoặc có thể là những tình cảm sáng trong cái thuở mà ai cũng từng trải qua. Khi đã đọc sách, không thể tránh được việc so sánh giữa hình ảnh tưởng tượng qua câu chữ, và hình ảnh thực tế trên màn ảnh. Ở bộ phim này, mỗi nhân vật, mỗi thông điệp đều hiện lên sống động và thật hơn hẳn các trang viết. Có lẽ Victor Vũ đã “bắt” được trúng mạch cảm xúc của cốt truyện.

Chúng ta có thể “cảm” nhận được bộ ba Thiều-Tường-Mận do Thịnh Vinh, Trọng Khang, và Thanh Mỹ đảm nhiệm. Xuất sắc nhất có lẽ là Thanh Mỹ với vai Mận, hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ lại một người bạn thơ ấu nào đó. Người xem sẽ thương và tội nghiệp cho Mận theo đúng cách Thiều thương và tội nghiệp Mận, “thương nó ghê ha?”. Diễn xuất chững chạc của Thanh Mỹ thuyết phục ở cả những cảnh thông thường cho đến cao trào.



















No comments:

Post a Comment