Wednesday, January 25, 2017

(Video) Tấm Cám Chuyện Chưa Kể (VN, 2016, HD)



Initial release: August 19, 2016 (Vietnam)
Director: Ngô Thanh Vân
Music composed by: Duc Tri TRUONG
Producer: Tran Buu Loc
Screenplay: Ngô Thanh Vân

















5 ưu điểm và 5 khuyết điểm của Tấm Cám: Chuyện chưa kể

Nếu bỏ qua những lùm xùm liên quan đến vấn đề phát hành, Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một bộ phim Việt chất lượng đáng để cho bạn bỏ tiền ra rạp.





Ưu điểm:

1. Kỹ xão và phục trang ấn tượng.





Mặc dù không có những trường đoạn đặc sắc như Thiên Mệnh Anh Hùng hay Lửa Phật nhưng Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ khiến cho khán giả ngạc nhiên khi sở hữu không ít phân đoạn hoành tráng như trận đánh với nước Chinh La hay trận chiến vây thành ở cuối phim. Ngô Thanh Vân cho biết cô chỉ sử dụng 30 con ngựa và 1 người lính, còn lại đều do máy tính thực hiện.



Do thuộc thể loại giả tưởng chứ không phải lịch sử, "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" không bị bó buộc vào bất kỳ thời đại nào.

Bên cạnh đó, khâu phục trang cũng thể hiện rõ cái tâm của người làm phim muốn thổi hồn Việt vào từng chi tiết nhỏ nhưng không vì thế mà trở nên cứng ngắt. Những chiếc áo tứ thân của mẹ con Cám và Tấm thật sự đẹp, sáng tạo và công phu.


2. Dàn diễn viên trẻ đẹp bên cạnh những cây đại thụ.


Khi Ngô Thanh Vân đưa nhóm 365 vào dự án, nhiều người cho rằng 4 anh chàng điển trai này chỉ xuất hiện nhằm làm đẹp khung hình và là công cụ để thu hút khán giả trẻ đến rạp. Thế nhưng, Isaac, Will, Jun và S.T lại vào vai khá "ngọt", đặc biệt là Isaac trong vai Thái tử Hiểu Long. Anh đã thể hiện thành công sự dằn xé nội tâm của Hiểu Long sau khi Tấm qua đời và rơi vào hoản cảnh đất nước lâm nguy vì thù trong giặc ngoài.



Dù vợ mất nhưng Thái tử Hiểu Long vẫn rất mực chung tình.




Về phía nữ, Ninh Dương Lan Ngọc thể hiện rất tốt mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật Cám, từ lúc còn là một cô con gái bị nuông chiều đến hư hỏng cho đến khi trở thành một người đàn bà độc ác sẵn sàng ra tay hạ sát bất kì ai ngáng chân mình. Cô là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất trong dàn cast cho nên điều này không khá dễ hiểu, chỉ đáng tiếc là Cám lại có quá ít đất diễn.



Hữu Châu



Thành Lộc

Bên cạnh những diễn viên trẻ tuổi, sự góp mặt của 4 cây đại thụ Hữu Châu - Thành Lộc - Ngọc Giàu - Hiếu Hiền cũng góp phần làm cân bằng cả mạch phim. Chỉ bằng lời thoại và cử chỉ khuôn mặt, Hữu Châu đã cho khán giả thấy được sự gian tà và độc ác của nhân vật Tể Tướng - vốn là yêu quái biến thành người. Đó là bản lĩnh của một nghệ sĩ kịch thượng thặng mà ít ai sánh bằng. Thành Lộc thì cực kỳ đáng yêu trong vai ông Bụt cũng như Ngọc Giàu trong vai bà cụ già đi đường.

3. Mượn câu chuyện cổ tích quen thuộc để ca ngợi lòng yêu nước





Mặc dù dựa trên câu chuyện cổ tích Tấm Cám thế nhưng tình yêu chỉ là yếu tố phụ trong phim. Thay vào đó, quốc gia đại sự lại được nâng lên hàng đầu với nhân vật trung tâm là Thái tử Hiểu Long - người bị phản bội bởi thân tín, đối diện với cái chết của cha nhưng lại nhận được sự bảo vệ từ người vợ quá cố. Thông điệp tôn vinh lòng tự hào dân tộc và đánh đuổi ngoại bang của Ngô Thanh Vân xứng đáng nhận được khích lệ.

4. Ekip phim thuần Việt



Ngô Thanh Vân trên trường quay

Với kinh phí 20 tỉ đồng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể mất gần 2 năm mới có thể ra mắt khán giả, bao gồm 2 tháng ở trường quay và 16 tháng cho khâu hậu kỳ. Tổng cộng, hơn 500 con người đã góp phần nhào nặn ra tác phẩm hoành tráng này. Đặc biệt, Ngô Thanh Vân cho biết 100% trong số đó đều là người Việt, chỉ có duy nhất Aaron Toronto là cá nhân duy nhất trong vai trò đồng tác giả.

5. Phong cảnh đẹp của Việt Nam





Tấm Cám: Chuyện chưa kể được ghi hình tại Ninh Bình, Đồng Nai và Long An. Trong phim, nhiều khung cảnh đẹp kì vĩ đến đáng ngạc nhiên, nhất là cảnh hoàng cung, không hề thua kém Thiên Mệnh Anh Hùng ra mắt năm 2012. Cảnh làng quê Việt Nam do Ngô Thanh Vân cất công đi tìm kiếm nhằm minh họa cho nơi ở của Tấm khi lên hình cũng đẹp một cách nên thơ.

Khuyết điểm:

1. Kỹ xão đôi khi hơi gượng ép

Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng do hạn chế về tay nghề và kinh phí, nhiều phân đoạn chiến đấu trong phim vẫn còn rất giả. Vô lý nhất là trên chiến trường hầu như không có vết máu, kiếm đâm vào và rút ra trắng toát. Đoạn vây thành, binh sĩ đánh nhau hời hợt như... diễn tập.


2. Vai Tấm gây thất vọng


Hạ Vi

Mặc dù là nữ chính nhưng Hạ Vi không hề nổi bật trong suốt hơn 100 phút phim. Nhân vật của cô chỉ biết cười rồi khóc và đi tới đi lui, vô dụng đúng như những gì mà "ông Bụt" nhận xét về Tấm. Còn nếu xét về nhan sắc, trên thực tế Hạ Vi chưa chắc đẹp hơn Ninh Dương Lan Ngọc và cả mẹ của Cám là Ngô Thanh Vân. Không có đất phát triển tâm lý, cô mờ nhạt hoàn toàn. Có vẻ như lần chạm ngõ điện ảnh đầu tiên của Hạ Vi đã thất bại.

3. Kịch bản lồng ghép và thiếu chặt chẽ





Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã khoác lên mình cái áo quá rộng khi lồng ghép quá nhiều chi tiết nhưng lại không thể giải quyết triệt để với thời lượng phim ngắn ngủi. Việc có quá nhiều biên kịch có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến điều này. Lời thoại của diễn viên đôi khi cũng còn khá kịch, không mang đậm chất điện ảnh. Thậm chí, không ít chi tiết trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể còn... hao hao giống nhiều phim khác.


4. Diễn biến tâm lí không thuyết phục





Chỉ mới gặp nhau 2 lần cho nên tình cảm sâu đậm mà Thái tử Hiểu Long dành cho Tấm không hợp lí cho lắm. Chưa hết, bộ phim cũng không giải thích sự thù ghét vô lí mà mẹ ghẻ dành cho Tấm từ đâu mà có bởi vì trong một thoáng bà đã chần chừ khi ra tay hạ sát Tấm. Chưa hết, từ thôn nữ bình thường, làm thế nào mà mẹ con Cám có thể trở thành những kẻ giết người không gớm tay như vậy?

5. Tại sao lại là... quái vật?




Cuối phim, khi 2 quái vật xuất hiện trên màn ảnh, nhiều khán giả ngồi bên dưới đã hoàn toàn chưng hửng. Bởi vì chúng giống với quái vật trong phim The Lord of the Rings hơn là những con quỷ trong thần thoại Việt Nam. Ngoài ra, kỹ thuật CGI cũng không đạt được đến tầm như Hollywood (do người Việt đảm nhận) nên nhìn vẫn còn giả và không thuyết phục cho lắm. Hơi đáng tiếc.

Kết

Bỏ qua những hạt sạn và thiếu sót, Tấm Cám: Chuyện chưa kể chắc chắn là một bộ phim đáng xem. "Đả nữ" Ngô Thanh Vân đã cực kỳ mạo hiểm khi bỏ ra gần 2 năm để thai nghén dự án này trong bối cảnh Việt Nam thời gian gần đây toàn phim hài nhảm. Nỗ lực của cô thể hiện rõ trong từng khung hình.

Khán giả đừng nên để chuyện cạnh tranh giữa nhà sản xuất và bên phát hành làm ảnh hưởng đến quyết định ra rạp của mình. Hãy xem Tấm Cám: Chuyện chưa kể trong tâm thế thoải mái và phê bình góp ý để giúp cho điện ảnh Việt có thể phát triển mạnh hơn trong tương lai,

Mai Thảo

No comments:

Post a Comment