Friday, September 6, 2019

Tâm Vô Thường - Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm


Tâm vô thường có thể mang tới cho chúng ta nguồn hy vọng vô tận. Hãy xác định lại tư tưởng thì cuộc sống cũng sẽ chuyển biến, kể cả khi điều kiện sống, môi trường quanh mình có thay đổi, hy vọng về tương lai tốt đẹp vẫn mãi mãi tồn tại và không ngừng phát triển trong ta.

Cơ thể của chúng ta không ngừng biến đổi. Suy nghĩ cũng như vậy: dòng suy nghĩ này nối tiếp dòng suy nghĩ kia, liên tục không ngừng, đổi thay bất định. Vì vậy, nói đến “Tâm vô thường” trong “Tứ niệm xứ” của Phật giáo chính là để chúng ta hiểu được suy nghĩ cũng là hư không, sinh khởi và tiêu trừ biến đổi trong chốc lát.


Tâm chúng sinh là tâm phiền não, tâm vọng tưởng, thường xuyên thay đổi, nên hoàn toàn không chân thực và chỉ là sự tồn tại nhất thời không lâu bền mà thôi. Khi ở Mỹ, tôi gặp một số người phương Tây thường xuyên thay đổi quyết định. Nếu như hỏi anh ta: “Hôm qua anh đã nhận lời rồi, sau hôm nay lại thay đổi vậy?”. Anh ta sẽ trả lời: “I change my mind”,  dịch  ra có nghĩa là: “Tôi thay đổi quyết định rồi”. Thực chất, “mind” (suy nghĩ, tinh thần) chính là “tâm”, vì thế cũng có thể nói là: “Tôi thay đổi tâm mình”. Đó chính là tâm vô thường, vì  tâm có thể thay đổi: ngày hôm qua suy nghĩ không giống ngày hôm nay, suy nghĩ vừa qua không giống với suy nghĩ hiện tại, suy nghĩ của mình có thể mâu thuẫn, đối nghịch nhau, nghĩ về hai hướng hoàn toàn khác nhau, điều đó càng chứng tỏ tâm của chúng ta là tâm vô thường.

Tâm chúng sinh là tâm phiền não, tâm vọng tưởng, thường xuyên thay đổi, nên hoàn toàn không chân thực và chỉ là sự tồn tại nhất thời không lâu bền mà thôi.

Không chỉ có người phương Tây mới như vậy. Tâm của tất cả chúng sinh đều thay đổi không ngừng. Đức Phật cho chúng ta biết, tâm phiền não của chúng sinh biến đổi bất định. Trong một suy nghĩ có bốn hình thái “sinh, trụ, dị, diệt”: suy nghĩ trước sau có thể tự đấu tranh, mâu thuẫn, các dòng suy nghĩ lớp lớp nối tiếp, sinh diệt, biến hóa không ngừng. Hôm nay ta thấy một bông hoa đẹp, trong lòng thấy vô cùng thích thú, muốn thưởng thức hương thơm, muốn lại gần quan sát vẻ đẹp của nó. Hôm sau, ta có thể vì bị những chiếc gai của chính bông hoa đó làm bị thương mà suy nghĩ  của ta về nó thay đổi, cảm thấy bông hoa  này thật đáng ghét và không muốn hái mang về nữa. Đối với con người cũng vậy, hôm nay ta thấy người này vô cùng đáng ghét, sau một quá trình tiếp xúc, gần gũi, ngày càng hiểu biết lẫn nhau, sẽ nhận ra người đó rất tốt và ngày càng yêu thích, đúng như ta thường nói “đường xa mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết là người hiền ngu” vậy.  Từ đó có thể  thấy,  quan niệm và suy nghĩ của chúng ta thường xuyên thay đổi, đó chính là “tâm vô thường”.

Trong một suy nghĩ có bốn hình thái “sinh, trụ, dị, diệt”: suy nghĩ trước sau có thể tự đấu tranh, mâu thuẫn, các dòng suy nghĩ lớp lớp nối tiếp, sinh diệt, biến hóa không ngừng. Hôm nay ta thấy một bông hoa đẹp, trong lòng thấy vô cùng thích thú, muốn thưởng thức hương thơm, muốn lại gần quan sát vẻ đẹp của nó.

“Tâm” chính là chủ nhân của chúng ta. Vì vậy, khi nói tâm vô thường, có vẻ như chúng ta đã mất đi người lãnh đạo. Thực ra, chính nhờ có tâm vô thường chúng ta mới có thể thấy được ở sau tâm vô thường ấy là một tâm vĩnh hằng bất biến, là “Tâm Phật”, “Tâm thanh tịnh”, là “Minh tâm kiến tính” được nhắc đến trong Thiền tông mà  chúng  ta cần đi tìm và thấu hiểu. Đó cũng là “Tâm trí tuệ”, “Tâm từ bi” vậy. ở đó không  có cái tôi ích kỷ tự tư tự  lợi, không có cái tôi cố chấp/chấp chước và cũng không có tư tưởng cho mình là trung tâm.

Tâm thanh tịnh chính là tâm bất biến. Nếu không, khi một người hôm nay đã giác ngộ thành Phật, nhưng thay đổi suy nghĩ và tuyên bố rằng: “I change my mind” (Tôi thay đổi  quyết định rồi) thì ngày mai lập tức lại trở về là chúng sinh. Một người đã chứng ngộ giải thoát, sau khi đã đạt được tâm trí huệ thanh tịnh thì sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ. Vì vậy, Kinh Niết Bàn có nói: tâm vô ngã, tâm thường trụ bất biến chính là tâm Phật.

Tuy nhiên, có thể vì Phật pháp thường xuyên nhấn mạnh rằng thế giới này là hư vô nên dẫn đến rất nhiều các tác phẩm văn học Trung Quốc khi nói về Phật giáo đều mô tả “diện mạo” Phật giáo là tiêu cực lánh đời, rời xa thế sự. Dường như tất cả những gì Phật giáo nói đến đều không nằm ngoài sự hư ảo, bất lực, vô thường mà “Hồng Lâu Mộng” là một trong những ví dụ rõ nét nhất. Thực chất hoàn toàn không đúng như vậy, sự “vô thường” mà Phật giáo nói tới là vô cùng tích cực, chính vì là vô thường nên sẽ không cảm thấy thất vọng.

Có thể lúc này bạn đang vô cùng phiền muộn, cảm thấy rất thất vọng, đau khổ nhưng thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau, cộng với sự thay đổi của môi trường xung quanh, nhất định cuộc sống của bạn sẽ có những chuyển biến tích cực, tâm trạng của chúng ta cũng theo đó mà thay đổi, trở nên vui vẻ hơn, yêu đời hơn. Ví dụ, hiện tại bạn thấy rất bế tắc, chán nản, tương lai mù mịt, dường như không còn một tia hy vọng nào nữa, nhưng sau khi tìm đến với Phật pháp (được ánh sáng Phật pháp chiếu rọi), tâm tư thay đổi, bạn sẽ nhận ra một chân trời mới tươi vui, xán lạn đang rộng mở chờ đón bạn.

Vì vậy, trên thực tế, Tâm vô thường có thể mang tới cho chúng ta nguồn hy vọng vô tận. Chính vì suy nghĩ có thể thay đổi nên chỉ cần xác định lại tư tưởng thì cuộc sống cũng sẽ chuyển biến, kể cả khi điều kiện sống, môi trường quanh mình có thay đổi, hy vọng về tương lai tốt đẹp vẫn mãi mãi tồn tại và không ngừng phát triển trong ta.

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm


No comments:

Post a Comment