Thursday, February 4, 2021

CHUNG QUANH VỤ ÁM SÁT MỤC SƯ MARTIN LUTER KING JR. NĂM 1968 - HUỲNH KIM QUANG


Thứ Hai, ngày 18 tháng 1 năm 2021 là ngày lễ toàn quốc Hoa Kỳ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 của Mục Sư Martin Luther King Jr., nhà lãnh đạo phong trào dân quyền Mỹ, là khôi nguyên Nobel Hòa Bình năm 1964. Ông đã sinh ra vào ngày 15 tháng 1 năm 1929 tại thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia và bị ám sát chết vào ngày 4 tháng 4 năm 1968 tại thành phố Memphis thuộc tiểu bang Tennessee.
Sự ám sát dẫn tới cái chết của ông vẫn còn tranh cãi. Theo tài liệu có tên “James Earl Ray Dead At 70” của Đài CBS được công bố vào ngày 23 tháng 4 năm 1998 và theo tài liệu “Conspiracy Theories in American History: An Encyclopedia” của Peter Knight vào năm 2003, các luật sư đại diện cho James Earl Ray, hung thủ bị kết tội giết Mục Sư King, cho rằng thân chủ của họ là một con dê tế thần giống như cách mà người ta xem vụ ám sát Tổng Thống John F. Kennedy là Lee Harvey Oswald. Những người ủng hộ lý lẽ này cho rằng sự thú tội của Ray bị nằm dưới áp lực và rằng ông đã bị đe dọa tội tử hình, theo www.en.wikipedia.org.

Trước khi bị ám sát

Mục Sư King tới thành phố Memphis thuộc tiểu bang Tennessee, để ủng hộ cuộc đình công của các công nhân vệ sinh tại thành phố người Mỹ gốc Phi Châu này. Các công nhân đã tổ chức đình công vào ngày 11 tháng 2 năm 1968 để phản đối mức lương không bình đẳng và các điều kiện làm việc được đề ra bởi Thị Trưởng Henry Loeb. Lúc đó, Memphis đã trả lương cho các công nhân da đen thấp hơn nhiều so với lương họ trả cho các công nhân da trắng. Thành phố không có đồng phục, không có nhà vệ sinh, không có công đoàn được thừa nhận, và không có thủ tục khiếu nại cho nhiều trường hợp mà họ bị trả lương thấp. Trong nhiệm kỳ thị trưởng của Loeb, các điều kiện đã không được cải thiện đáng kể, và các cái chết kinh khủng vào tháng 2 năm 1968 của 2 công nhân trong chiếc xe ép rác đã đưa tới nhiều căng thẳng trong một cuộc biểu tình.

Mục Sư King đã tham gia một cuộc tập họp đông đảo tại Memphis vào ngày 28 tháng 3 năm 1968, mà đã kết thúc trong bạo động. Vào ngày 3 tháng 4, MS King trở lại Memphis để cố thực hiện một cuộc tụ họp lớn mới thành công vào cuối tuần đó. Chuyến bay của ông tới Memphis đã bị đình trệ vì đe dọa có bom, nhưng ông đã đến đúng giờ để lên diễn đàn diễn thuyết như được dự định tại cuộc tập họp ở Nhà Thờ Mason Temple (tổng hành dinh thế giới của Giáo Hội Church of God in Christ).

Tại Nhà Thờ Mason, MS King đã đọc bài diễn văn nổi tiếng của ông “I've Been to the Mountainto” [Tôi Đã Tới Đỉnh Núi]. Trong bài diễn văn này, ông đã nhắc lại vụ cố tình ám sát ông vào năm 1958, nói rằng bác sĩ là người chữa trị cho ông đã nói là bởi vì con dao được sử dụng để đâm ông quá gần động mạch chủ, trong một khoảnh khắc bất ngờ, ngay cả chỉ một cú nhảy mũi, cũng có thể giết chết ông. Ông đã đề cập đến lá thư viết tay của một cô bé người đã nói với ông rằng cô hạnh phúc rằng ông đã không nhảy mũi. Ông đã dựa vào lời trích dẫn đó để phát biểu như sau:

“Tôi, cũng, hạnh phúc rằng tôi đã không nhảy mũi. Bởi vì nếu tôi đã nhảy mũi, thì tôi đã không thể có mặt tại đây trong năm 1960, khi các học sinh ở tất cả Miền Nam bắt đầu ngồi ăn trưa tọa kháng. Nếu tôi đã nhảy mũi, thì tôi đã không có mặt ở đây trong năm 1961, khi tôi quyết định đi xe để đòi hỏi tự do và chấm dứt sự phân biệt đối xử trong chuyến đi lại liên bang,” theo Alexandra S. Levine trong bài viết “New York Today: If Martin Luther King Had Sneezed,” được đăng trên báo New York Times, vào ngày 12 tháng 1 năm 2017.

Mục Sư King đã lập đi lập lại câu “Nếu tôi đã nhảy mũi” nhiều lần nữa, trong việc nhớ lại nhiều sự kiện khác và các hoạt động của bất tuân dân sự từ nhiều năm trước: Phong Trào Albany vào năm 1962, Cuộc Tập Họp March on Washington for Jobs and Freedom vào năm 1963, và Cuộc Tập Họp Selma to Montgomery March vào năm 1965.

Khi gần kết thúc bài diễn văn, một cách tiên tri ông đã nói tới mối đe dọa bom:
“Và rồi tôi tới Memphis. Và một số người bắt đầu nói tới các mối đe dọa… hay nói về các mối đe dọa đã được đưa ra. Điều gì sẽ xảy ra cho tôi từ một số người anh em da trắng bệnh hoạn của chúng ta? Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra hiện nay. Chúng ta gặp một số ngày khó khăn trước mắt. Nhưng đó không thành vấn đề với tôi bây giờ. Bởi vì tôi đã tới đỉnh núi. Và tôi không lo ngại. Giống như bất cứ ai đó, tôi muốn sống lâu. Tuổi thọ có vị trí của nó. Nhưng tôi không quan ngại về điều đó bây giờ. Tôi chỉ muốn điều Chúa muốn. Và Ngài đã cho phép tôi đi tới đỉnh núi. Và tôi đã nhìn lên. Và tôi đã thấy đất hứa. Tôi không thể tới đó với các bạn. Nhưng tôi muốn các bạn biết tối nay, rằng chúng ta, như một con người, sẽ tới đất hứa! Và tôi rất hạnh phúc, tối nay. Tôi không lo sợ về bất cứ điều gì. Tôi không lo sợ bất cứ người đàn ông nào. Trong mắt tôi đã nhìn thấy vinh quang của sự giá lâm của Chúa!”

Quán Trọ Lorraine Motel tại thành phố Memphis nơi Mục Sư King bị ám sát. (www.pixabay.com)


Lúc bị ám sát

Vào Thứ Năm, ngày 4 tháng 4 năm 1968, Mục Sư King đang ở trong phòng 306 của Quán Trọ Lorraine Motel tại thành phố Memphis. Quán trọ này do thương gia Walter Bailey làm chủ nhưng lấy tên vợ của ông. Mục Sư Ralph Abernathy, một đồng nghiệp và là bạn, sau đó nói với Ủy Ban Select Committee on Assassinations của Hạ Viện rằng ông và MS King lúc đó đang ở trong Phòng 306 tại Quán Trọ Lorraine Motel mà thường được biết là “Phòng King-Abernathy,” theo tài liệu của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ được công bố vào tháng 6 năm 2000 có tên “United States Department of Justice Investigation of Recent Allegations Regarding the Assassination of Dr. Martin Luther King, Jr - VII. KING V. JOWERS CONSPIRACY ALLEGATIONS.”

Theo người viết tiểu sử Taylor Branch, những lời sau cùng của Mục Sư King là đối với nhạc sĩ Ben Branch, người đã có lịch trình trình diễn vào đêm đó tại sự kiện đã được dự định. MS King nói rằng, “Ben, hãy nhớ trình diễn bản nhạc ‘Hỡi Chúa Tôn Quý, Hãy Nắm Tay Con’ trong cuộc tụ họp đêm nay. Hãy trình diễn cho thật tuyệt vời.”

Theo Mục Sư Samnuel Kyles, người đứng cách đó nhiều feet, MS King đã tựa vào lan can của ban công ở trước Phòng 306 và đang trò chuyện với Mục Sư Jesse Jackson khi vụ bắn xảy ra. MS King đã bị bắn vào mặt vào lúc 6 giờ 1 phút chiều bởi một viên đạn duy nhất loại .30-60 bắn từ khẩu súng trường Remington Model 760, theo Mark Gribben trong tác phẩm “James Earl Ray: The Man Who Killed Dr. Martin Luther King” được đăng trên trang mạng truetv.com. Viên đạn đã đi xuyên qua má bên phải của MS King, làm bể xương hàm và nhiều đốt xương sống khi nó đi xuống dưới cột sống của ông, cắt đứt tĩnh mạnh và động mạch chính, trước khi nằm trong vai của ông. Sức mạnh của viên đạn đã xé toạc chiếc cà vạt của ông. MS King đã té ngửa ra sau ban công, bất tỉnh.

Abernath từ bên trong phòng quán trọ đã nghe tiếng súng và chạy ra ban công đã thấy MS King nằm trên sàn, máu chảy nhiều từ vết thương trên má của ông. Jesse Jackson đã nói sau vụ ám sát rằng ông đã đỡ cái đầu của MS King khi MS King nằm trên ban công, nhưng câu chuyện này đã bị tranh cãi bởi các đồng nghiệp khác của MS King. Jackson sau đó đã thay đổi lời kể nói rằng ông đã “với tay tới” MS King. Andrew Young, một đồng nghiệp từ Southern Christian Leadership Conference, trước hết tin là MS King đã qua đời, nhưng đã phát hiện ông ấy còn mạch đập.

Mục Sư King đã được nhanh chóng chở tới Bệnh Viện St. Joseph’s Hospital, nơi các bác sĩ đã giải phẫu để thực hiện việc hồi sức tim phổi. Nhưng ông không bao giờ tỉnh lại và đã qua đời vào lúc 7 giờ 5 phút chiếu tối cùng ngày. Theo Branch, khám nghiệm thi thể của MS King cho thấy rằng tim của ông đã ở trong tình trạng của một người đàn ông 60 tuổi hơn là 39 tuổi như ông, mà Branch cho là tại vì căng thẳng của 13 năm của MS King trong phong trào dân quyền.

Ngay sau khi phát súng đã nổ, các nhân chứng thấy một người đàn ông, mà sau này được tin là James Earl Ray, chạy trốn khỏi một căn nhà bên kia đường từ Quán Trọ Lorraine. Ray đã thuê một phòng trong ngôi nhà trọ. Cảnh sát đã tìm thấy một gói đồ ném gần chỗ mà gồm một khẩu súng trường và một ống nhòm, cả hai đều có dấu tay của Ray, theo tài liệu “Assassination of Martin Luther King, Jr.,” của Viện Nghiên Cứu Và Giáo Dục The Martin Luther King, Jr., Research and Education Institute. Ray đã mua khẩu súng trường dưới bí danh 6 ngày trước. Một cuộc truy lùng toàn thế giới đã được khởi động mà đỉnh điểm là vụ bắt Ray tại Phi Trường Heathrow Airport ở London 2 tháng sau. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1969, Ray đã nhận tội cố sát bậc nhất của Mục Sư Martin Luther King Jr., mà sau đó đã chối, theo Richard Jerome trong bài viết “Dead Silence” trên báo People vào ngày 11 tháng 5 năm 1998.

Những người biểu tình với biểu ngữ đọc được “Let not his death be in vain” [Đừng để cái chết của ông ấy vô ích], ngay trước tòa Bạch Ốc, sau khi Mục Sư Martin Luther King bị ám sát. (www.en.wikipedia.org)


Các phản ứng sau vụ ám sát

Bà góa phụ Coretta của MS King cảm thấy khó khăn để thông báo cho các người con của bà rằng cha của họ đã chết. Bà đã nhận rất nhiều điện tín, gồm một điện tín từ người mẹ của Lee Harvey Osward mà bà xem như là một trong những người làm bà cảm động nhất, theo James W. Clarke trong tác phẩm “Defining Danger: American Assassins and the New Domestic Terrorists.”

Đối với một số người trong nội bộ phong trào, việc MS King bị ám sát có nghĩa là chấm dứt chiến lược bất bạo động, theo Murray Schumach đã viết trong bài “Martin Luther King Jr.: Leader of Millions in Nonviolent Drive for Racial Justice” được đăng trên báo The New York Times vào ngày 5 tháng 4 năm 1968. Những người khác trong phong trào thì tái khẳng định sự cần thiết để tiếp tục thực hiện công việc của MS King và phong trào. Các nhà lãnh đạo trong nội bộ phong trào Southern Christian Leadership Conference (SCLC) thì khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện Cuộc Vận Động của Người Dân Nghèo dù đã mất MS King. Một số các nhà lãnh đạo da đen cho rằng sự cần thiết để tiếp tục truyền thống bất bạo động của MS King và của phong trào, theo Lawrence Van Gelder trong bài viết “Negroes Urge Others to Carry on Spirit of Nonviolence” được đăng trên báo The New York Times vào ngày 5 tháng 4 năm 1968.

Tổng Thống Lyndon B. Johnson ở tại Phòng Bầu Dục vào chiều tối hôm đó, có dự định một cuộc họp tại Hawaii với các tư lệnh quân đội Chiến Tranh Việt Nam. Sau khi tham vụ báo chí George Christian thông báo với ông vào lúc 8 giờ 20 phút tối về vụ ám sát, ông đã bãi bỏ chuyến đi để tập trung vào tình hình đất nước. Ông ra lệnh Bộ Trưởng Tư Pháp Ramsey Clark mở cuộc điều tra về vụ ám sát tại Memphis. Ông đích thân gọi cho phu nhân của Mục Sư King là bà Coretta Scott King, và tuyên bố ngày 7 tháng 4 là ngày toàn quốc để tang mà trong đó cờ Hoa Kỳ sẽ kéo xuống một nửa cột cờ.

Các đồng nghiệp của MS King trong phong trào dân quyền kêu gọi một cuộc phản ứng bất bạo động đối với vụ ám sát để vinh danh niềm tin sâu xa nhất của Ông. James Farmer Jr. đã nói rằng, “Tiến Sĩ King sẽ rất đau khổ khi thấy máu của ông đã gây ra đổ máu và bất ổn. Tôi nghĩ toàn quốc nên lắng đọng; da đen và da trắng, và chúng ta nên cầu nguyện, là điều mà cả đời ông đã làm. Chúng ta nên thực hiện loại hiến dâng và cam kết đó cho các mục tiêu mà cả đời ông đã phục vụ để giải quyết các vấn đề trong nước. Đó là tưởng niệm, đó là loại tưởng niệm mà chúng ta nên làm cho ông. Không thích hợp để có những trả thù bạo động, và loại biểu tình trong sự trỗi dậy của sự giết chết người theo chủ nghĩa hòa bình và người đàn ông của hòa bình.”

Tuy nhiên, nhiều dân quân Stokely Carmichael đã kêu gọi hành động mạnh bạo, nói rằng: Nước Mỹ da trắng đã giết chết Tiến Sĩ King đêm hôm qua. Nó làm điều đó hoàn toàn dễ dàng hơn cho tất cả người da đen hôm nay. Không còn cần thiết các thảo luận tri thức, người da đen biết rằng họ phải cầm súng. Nước Mỹ da trắng sẽ sống để gào khóc rằng nó đã giết Tiến Sĩ King đêm qua. Tốt hơn nếu nó giết chết Rap Brown và/hay Stokely Carmichael, nhưng khi nó đã giết chết Tiến Sĩ King, thì nó thua.

Bất chấp sự thúc giục bình tĩnh bởi nhiều nhà lãnh đạo, làn sóng bạo loạn đã bùng lên toàn quốc tại hơn 100 thành phố. Sau vụ ám sát, thành phố Memphis đã nhanh chóng dàn xếp cuộc đình công trong các thỏa thuận có lợi cho các công nhân làm vệ sinh.

Tang lễ

Ngày 8 tháng 4, bà quả phụ Coretta Scott King và 4 người con trẻ của bà đã dẫn đầu đoàn người khoảng 40,000 người tuần hành im lặng qua các đường phố của Memphis để vinh danh Tiến Sĩ King và ủng hộ nguyên do của các công nhân làm vệ sinh da đen của thành phố.

Ngày kế tiếp, tang lễ được tổ chức tại thành phố quê nhà của Mục Sư King là Atlanta, Georgia. Buổi lễ tại Nhà Thờ Ebenezer Baptist Church đã được truyền hình trên toàn quốc, như các sự kiện khác. Đám tang chở thi hài của MS King kéo dài 5.6 kilômét qua các đường phố của Atlanta, theo sau bởi hơn 100,000 người, từ nhà thờ tới trường cũ của Mục Sư King, Morehouse College. Nghi lễ thứ hai được tổ chức tại đó trước khi an táng.

Có khoảng 300,000 người đã tham dự đám tang của MS King vào ngày 9 tháng 4. Phó Tổng Thống Hubert Humphrey đại diện Tổng Thống Johnson để tham dự.
Theo yêu cầu của bà quả phụ Coretta Scott King, bài giảng sau cùng của Mục Sư King tại Nhà Thờ Ebenezer Baptist Church đã được phát lại tại đám tang. Đây là bản thu âm bài giảng “Drum Major” của ông được giảng vào ngày 4 tháng 2 năm 1968. Trong bài giảng đó, ông đã yêu cầu rằng, tại tang lễ của ông, đừng nói đến các giải thưởng và các vinh danh của ông, nhưng trong đó ông kêu gọi hãy cố gắng “cho người đói khát ăn,” “tặng quần áo cho người không có áo quần mặc,” “hãy làm đúng đối với vấn đề chiến tranh [Việt Nam],” và “hãy yêu thương và phục vụ nhân loại.”

FBI điều tra

Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) đã được giao trọng trách dẫn đầu cuộc điều tra về cái chết của Mục Sư King. J. Edgar Hoover, người trước đây đã cố gắng phá hoại uy tín của MS King, đã nói với Tổng Thống Johnson rằng cơ quan của ông sẽ nỗ lực tìm cho ra thủ phạm, theo Nick Kotz trong tác phẩm “Judgment Days: Lyndon Baines Johnson, Martin Luther King Jr., and the Laws That Changed America.” Nhiều văn bản liên quan đến cuộc điều tra vẫn chưa được giải mật và được dự kiến sẽ giữ bí mật cho đến năm 2027, theo Mark Strauss trong bài viết “Eight Historical Archives That Will Spill New Secrets.” Vào năm 2010, một số người đã tranh cãi về việc thông qua Dự Luật Thu Thập Các Hồ Sơ, tương tự như luật năm 1992 liên quan đến việc ám sát Kennedy, đòi hỏi việc giải mật tức thì các hồ sơ này. Dự luật đã không được thông qua để trở thành luật.

Điều tra của FBI tìm thấy các dấu tay trên nhiều đồ vật để lại trong phòng tắm từ lúc vụ nổ súng xảy ra. Chứng cứ gồm khẩu súng trường Remington Gamemaster ít nhất đã bắn một lần. Các dấu tay được theo dõi để tìm ra tội phạm chạy thoát có tên James Earl Ray, theo James Polk trong bài viết “The case against James Earl Ray.” Hai tháng sau vụ ám sát MS King, Ray đã bị bắt tại Phi Trường Heathrow Airport ở London trong lúc ông cố rời khỏi Anh quốc để tới Angola, Rhodesia, hay Nam Phi trong hộ chiếu giả làm người Canada với tên Ramon George Sneyd, theo Clive Borrell trong bài viết “Ramon Sneyd denies that he killed Dr King” được đăng trên báo The Times vào ngày 28 tháng 6 năm 1968. Ray đã nhanh chóng được dẫn độ về Tennessee và bị truy tố tội giết Mục Sư King.

Ray đã thú tội ám sát vào ngày 10 tháng 3 năm 1969. Theo lời khuyên của luật sư của ông là Percy Foreman, Ray đã nhận tội để tránh bị kết án và có khả năng bị tử hình. Ray đã bị tòa kết án tù 99 năm, nhưng ông đã rút lại lời nhận tội 3 ngày sau đó.

Ray đã đuổi luật sư Foreman và cho rằng người đàn ông mà ông đã gặp tại Motreal có bí danh “Raoul” có liên quan, như là anh của Ray là Johnny, nhưng chính Ray thì không. Ông khai qua luật sư mới của ông là Jack Kershaw rằng, dù ông đã không “đích thân bắn MS King,” ông có thể có “một phần trách nhiệm mà không biết điều đó,” ám chỉ một âm mưu khác. Vào tháng 5 năm 1977, Kershaw trình ra chứng cứ cho Ủy Ban Chọn Lọc Đối Với Các Vụ Ám Sát của Hạ Viện rằng ông tin đã giải tội cho thân chủ cùa ông, nhưng các cuộc điều trần đã không chứng minh được kết luận. Kershaw cũng cho rằng Ray lúc đó đã ở một nơi nào khác khi tiếng súng nổ, nhưng ông đã không thể tìm ra một nhân chứng nào để chứng thực cho tuyên bố này, theo Douglas Martin trong tác phẩm “Jack Kershaw Is Dead at 96; Challenged Conviction in King's Death.”

Ray và 7 tội nhân khác đã trốn thoát khỏi Nhà Tù Brushy Mountain State Penitentiary tại Petros ở tiểu bang Tennessee vào ngày 10 tháng 6 năm 1977. Họ đã bị bắt lại vào ngày 13 tháng 6 và đã trở lại nhà tù. Ray đã bị gia cố thêm 1 năm tù.

Ray đã làm việc qua suốt thời gian còn lại của cuộc đời ông trong nỗ lực bất thành để rút lại lời nhận tội của ông và bảo đảm một phiên xử đầy đủ. Vào năm 1977, người con trai của Mục Sư King là Dexter đã gặp Ray. Anh này đã công khai ủng hộ các nỗ lực của Ray để có được phiên tòa xử lại, theo bài báo “James Earl Ray, convicted King assassin, dies” của CNN vào ngày 23 tháng 4 năm 1998.

William Francis Pepper là luật sư của Ray cho đến khi Ray chết. Luật sư này đã thực hiện nỗ lực có được vụ xử nhân danh gia đình của Mục Sư King, là những người cũng không tin rằng Ray phải chịu trách nhiệm, cho rằng có âm mưu của các phần tử của chính quyền chống lại MS King, theo tài liệu lưu trữ tại The King Center có tên “King Family Statement On The Justice Department ‘Limited Investigation’ Of The Mlk Assassination” [Tuyên Bố Của Gia Đình King Về Bộ Tư Pháp ‘Đã Điều Tra Hạn Chế” Vụ Ám Sát Mụ Sư Martin Luther King].

Ray đã chết trong tù vào ngày 23 tháng 4 năm 1998, ở tuổi 70 vì bệnh Thận và Gan gây ra bởi viêm gan C (suy đoán cho rằng có thể đã bị dính bệnh do chuyền máu sau vụ bị đâm trong lúc ở tù tại nhà tù Brushy Mountain State Penitentiary).

Gia đình Mục Sư King kiện

Vào tháng 12 năm 1993, Loyd Jowers, một người đàn ông da trắng từ Memphis với các lợi ích kinh doanh tại vùng gần nơi xảy ra vụ ám sát, đã xuất hiện trên chương trình Prime Time Live của đài truyền hình ABC. Ông này đã tạo ra sự chú ý khi cho rằng ông đã âm mưu với mafia và chính quyền liên bang để giết chết MS King. Theo Jowers, Ray là con dê tế thần và đã không trực tiếp liên quan vào vụ nổ súng. Jowers cho rằng ông đã thuê một người nào đó để giết MS King như là làm hài lòng cho một người bạn trong mafia, là Frank Liberto, là thương gia sản xuất mà đã chết trước năm 1993.

Theo Bộ Tư Pháp, Jowers đã xác định trước sau bất nhất về người khác nhau như là kẻ ám sát MS King kể từ năm 1993. Ông ấy đã tuyên bố một cách không giống nhau về tay súng: (1) là một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu là người ở Đường South Main Street vào đêm xảy ra vụ ám sát (“Người Đàn Ông Ở South Main Street”); (2) “Raoul”; (3) một “Trung Úy”da trắng làm việc tại Sở Canh Sát Memphis; và (4) một người mà ông không nhận ra. Bộ Tư Pháp đã không xem các cáo buộc của Jowers là đáng tin cậy và đề cập đến 2 trong số những người bị cáo buộc bằng tên giả. Điều đó cho thấy rằng chứng cứ gây tranh cãi hậu thuẫn sự có mặt của “Raoul” là mơ hồ, theo hồ sơ “United States Department of Justice Investigation of Recent Allegations Regarding the Assassination of Dr. Martin Luther King, Jr,” được công bố vào tháng 6 năm 2000.

Vào năm 1997, người con trai của MS King là Dexter đã gặp Ray và hỏi ông ấy rằng, “Tôi chỉ muốn hỏi ông, để làm hồ sơ, có phải là ông đã giết chết cha tôi?” Ray trả lời rằng, “Không. Tôi đã không làm,” và Dexter nói với Ray là ông, cùng gia đình King, tin ông. Gia đình King đã thúc giục Ray được cho một phiên xử mới, theo Kevin Sack trong bài viết “Dr. King's Son Says Family Believes Ray Is Innocent” đăng trên báo The New York Times và ngày 28 tháng 3 năm 1977.
Vào năm 1999, gia đình King đã nạp hồ sơ kiện dân sự chống lại Jowers và những người cùng âm mưu không tên tuổi đối với cái chết oan trái của Mục Sư King. Vụ kiện, do bà quả phụ Coretta Scott King làm nguyên đơn kiện Loyd Jowers, mang số 97242, đã được xử tại tòa khu vực Quận Shelby thuộc tiểu bang Tennessee từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 8 tháng 12 năm 1999.

Luật sự William Francis Pepper, đại diện gia đình King, đã trình chứng cứ từ 70 nhân chứng và 4,000 trang ghi chép. Pepper đã viết trong cuốn sách của ông có tên “An Act of State: The Execution of Martin Luther King” xuất bản năm 2003 rằng chứng cứ ám chỉ FBI, CIA, Quân Đội Hoa Kỳ, Sở Cảnh Sát Memphis, và tội phạm có tổ chức trong vụ giết người. Vụ kiện cáo buộc sự liên quan của chính quyền; tuy nhiên, không có viên chức chính quyền hay cơ quan nào bị nêu tên hay tham gia vào vụ kiện, vì thế không có biện hộ hay chứng cứ được trình ra hay bị bác bỏ bởi chính quyền, theo Jim Douglass trong tác phẩm “The Martin Luther King Conspiracy Exposed in Memphis.” Bồi thẩm đoàn gồm 6 người da đen và 6 người da trắng đã quyết định rằng King đã là nạn nhân của một âm mưu liên quan đến cảnh sát Memphis và các cơ quan liên bang, phạt Jowers và các đồng bị cáo vô danh về trách nhiệm dân sự và bồi thường cho gia đình King $100, theo tài liệu của phiên xử có tên “Civil Case: King Family versus Jowers” được lưu trữ tại The King Center, Atlanta, Georgia.

Vào năm 1998, Đài Truyền Hình CBS tường thuật rằng 2 cuộc thử nghiệm vòng quay của viên đạn bắn ra từ khẩu súng Remington Gamemaster đã được Ray sử dụng trong vụ ám sát đi đến không có quyết định. Một nhân chứng trong khoảnh khắc MS King bị bắn nói rằng vụ bắn từ một địa điểm khác và không từ cửa sổ của Ray. Họ tin rằng nguồn gốc là một âm mưu đứng đằng sau bụi cây rậm rạp gần căn nhà cho thuê phòng.

Huỳnh Kim Quang

No comments:

Post a Comment